Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  3. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  4. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  5. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  6. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  7. Tứ quý
    Còn gọi tứ thời, tứ thì, tứ hữu, bộ trang trí biểu tượng cho bốn mùa trong năm, thường là các cây đào, mai, lan, sen, cúc, trúc, tùng. Tứ quý thường được thể hiện dưới dạng tranh bộ bốn bức gọi là tứ bình, hay các bộ đồ bốn chiếc, bộ cây cảnh bốn cây hay đơn giản chỉ là bốn bức mành trang trí hoa-điểu đại diện cho bốn mùa. Tứ quý thường được trang trí trong các gia đình giàu có. Đối với tầng lớp bình dân, tứ quý thường là bộ tranh tứ bình bằng giấy dó hay giấy bản.

    Một bộ tứ bình: đào, lan, trúc, cúc

    Một bộ tứ bình: đào, lan, trúc, cúc

  8. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  9. Rành
    Biết rõ, thạo, sành.
  10. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  11. Lý Nhân
    Một huyện thuộc tỉnh Hà Nam, có tên cũ là huyện Nam Xương, biến âm thành Nam Xang. Huyện nằm ở phía đông của tỉnh, bên bờ sông Hồng. Tên Nam Xương được nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng Người con gái Nam Xương, câu chuyện xảy ra từ thời Trần, lưu truyền trong dân gian và được Nguyễn Dư được chép lại vào cuối thế kỷ 16 trong tập Truyền kỳ mạn lục.

    Lý Nhân là nơi giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Trống đồng Ngọc Lũ - chiếc trồng đồng còn nguyên vẹn và có giá trị nhất nước ta - được tìm thấy ở đây.

  12. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  13. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  14. Oản chiêm
    Oản đóng bằng lúa nếp vụ chiêm, không ngon bằng lúa nếp vụ mùa.
  15. Xưa kia Nam Xang (Lý Nhân hiện nay) là một huyện nghèo, thiếu thóc gạo. Mỗi năm cứ vào tháng 7, tháng 8, mùa mưa đến, nhân dân ở đây phải đi vay gạo ở khắp các tỉnh lân cận.
  16. Chàng làng
    Loại chim nhỏ, khá hung dữ, mỏ hình móc câu, khỏe, thường đậu chỗ trống hoặc trên cao. Chim ăn côn trùng, sinh vật nhỏ hoặc chim nhỏ, non, thậm chí ếch nhái, chuột nhỏ. Chúng có tiếng hót khá đa dạng, có thể nhại được tiếng các loài chim khác nên còn gọi là bách thanh điểu.

    Chàng làng vằn

    Chàng làng vằn

  17. Nỏ mần chi
    Chẳng làm gì (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Chàng làng
    Còn được gọi là chim bách thanh, thằn lằn chó, hoặc chim quích. Gồm 12 loài khác nhau, có chiều dài thường từ 19cm đến 25cm. Mỏ hình móc câu, khỏe. Thức ăn là côn trùng, có khi ăn cả chim nhỏ, ếch nhái, chuột nhỏ. Chàng làng có tập tính treo thức ăn lên cành cây hoặc bụi cây có gai. Có người cho rằng chúng làm vậy nhằm để dành thức ăn. Lại có người cho rằng, qua quan sát tỉ mỉ, họ nhận thấy chúng làm vậy chẳng qua theo thói quen, không phải để dành dụm, vì sau đó chúng không động đến những thức ăn đã treo nơi đó. Chàng làng có tiếng hót khá đa dạng, chúng có thể học và nhại lại tiếng hót của một số loài chim khác.

    Chim chàng làng

    Chim chàng làng

  20. Lác chác
    Om sòm, ồn ào (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  21. Trim trỉm
    Im lặng, tầm ngầm (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  22. Nghinh Tiên
    Một làng nay thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng nổi tiếng có nghề bện, vặn thừng.
  23. Thừng
    Dây thừng. Loại dây to và chắc, thường được bện bằng đay hay gai, dùng để buộc.
  24. Trung Nguyên
    Một làng nay thuộc xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước kia làng nổi tiếng có nghề đan thúng.
  25. Mủng
    Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
  26. Hai làng Nghinh Tiên và Trung Nguyên ngày xưa có kết nghĩa với nhau (theo Địa chí Vĩnh Phúc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012).
  27. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  28. Nhật Lệ
    Tên một dòng sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi thuộc dãy Trường Sơn, chảy ra Biển Đông tại cửa Nhật Lệ. Cùng với sông Gianh, dãy Hoành Sơn, đèo Ngang, sông Nhật Lệ là một trong những biểu tượng của tỉnh Quảng Bình.

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

  29. Sông Gianh
    Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng TrongĐàng Ngoài.

    Một khúc sông Gianh

    Một khúc sông Gianh

  30. Chùa Non
    Tên chữ là Kim Phong, một ngôi chùa nằm trên núi Thần Đinh (cũng có tên là núi Chùa Non), nay thuộc địa phận xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Chùa được xây hướng về phía Bắc, nhìn ra cửa sông Nhật Lệ. Hiện nay chùa là một địa điểm du lịch có tiếng, đồng thời là điểm dâng hương cầu an mỗi dịp năm mới của hàng nghìn người dân Quảng Bình.

    Chùa Non

    Chùa Non

  31. Đầu Mâu
    Một ngọn núi cao 763 mét ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Có tên gọi như vậy vì ngọn núi giống như mão đầu mâu (loại mũ trụ bao quanh đầu, trên đỉnh có chóp nhọn). Năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai nhà quân sự Đào Duy Từ tổ chức đắp lũy Thầy dài 18 km từ Đồng Hới đến núi Đầu Mâu để ngăn chặn quân Lê-Trịnh từ Bắc kéo vào.

    Sông Nhật Lệ và dãy núi Đầu Mâu xa xa – Ảnh: C.M.T. (qbvn.com)

    Sông Nhật Lệ và dãy núi Đầu Mâu xa xa – Ảnh: C.M.T. (qbvn.com)

  32. Bị
    Đồ đựng, thường đan bằng cói hay tre, có quai xách.

    Bị cói

    Bị cói

  33. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  34. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  35. Cơm lương
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cơm lương, hãy đóng góp cho chúng tôi.