Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Long Thành
    Thành Thăng Long, tên cũ của Hà Nội trước năm 1831.
  2. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  3. Hàng Bồ
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn phố Hàng Bồ từ ngã tư Hàng Thiếc - Thuốc Bắc đến ngã tư Hàng Cân - Lương Văn Can, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Bồ xưa là nơi tập trung các cửa hàng bán đồ tre nứa như bồ, sọt, thúng, mủng.

    Một cửa hàng trên phố Hàng Bồ cũ

    Một cửa hàng trên phố Hàng Bồ cũ

  4. Hàng Bạc
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

  5. Hàng Gai
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

  6. Hàng Buồm
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Buồm, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Buồm xưa chuyên bán các loại buồm may bằng vải hoặc đan bằng cói cho thuyền bè, các loại vỉ buồm, chiếu buồm, cùng bị, giỏ, chiếu, mành, và các sản phẩm làm từ cói khác.

    Phố Hàng Buồm dưới thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Buồm dưới thời Pháp thuộc

  7. Hàng Thiếc
    Một phố nghề có từ lâu đời của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Thiếc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ban đầu phố Hàng Thiếc chuyên làm các sản phẩm như đèn, lư hương, khay, ấm... bằng thiếc, về sau phát triển thêm các mặt hàng gia dụng bằng sắt tây. Ngày nay nghề làm đồ sắt vẫn phát triển mạnh ở đây, giúp Hàng Thiếc trở thành một trong số ít các phố nghề ở Hà Nội vẫn còn giữ được nghề truyền thống.
  8. Hàng Hài
    Một phố của Hà Nội xưa, tương ứng với đoạn đầu của phố Hàng Bông từ Hàng Hòm đến Hàng Mành, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Hài xưa có nhiều hàng làm hài, giầy, guốc.
  9. Có bản chép "Hàng Bài," cũng là một con phố của Hà Nội xưa, nay là phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Bài xưa có nhiều hàng bán những cỗ bài lá (tam cúc, tổ tôm).
  10. Hàng Khay
    Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
  11. Mã Vĩ
    Một phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn phố Hàng Nón ngắn từ ngã ba Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Hòm. Phố Mã Vĩ xưa có nhiều cửa hàng chuyên bán các loại trang phục sân khấu như mũ mão, mũ cánh chuồn, râu tóc, chủ yếu làm từ lông đuôi ngựa, nên có tên là phố Mã Vĩ (đuôi ngựa).
  12. Hàng Điếu
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Điếu, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mặt hàng chính của phố Hàng Điếu xưa là các dụng cụ để hút thuốc, như ống điếu, điếu bát, điếu cày, nghề này mai một vào đầu thế kỉ hai mươi.

    Phố Hàng Điếu ngày trước

    Phố Hàng Điếu ngày trước

  13. Hàng Giầy
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
  14. Hàng Lờ
    Một phố của Hà Nội xưa, ngay là đoạn cuối của phố Hàng Bông, từ ngõ Hội Vũ đến Cửa Nam, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Lờ xưa chuyên bán các dụng cụ bắt cá đan bằng tre như đó, đơm, lờ.
  15. Hàng Cót
    Một phố cổ của Hà Nội, thời Pháp thuộc tên Rue Takou, sau 1945 đổi thành Hàng Cót. Vào những năm đầu thế kỉ 20, cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đan và buôn bán cót.

    Phố Hàng Cót những năm 1980

    Phố Hàng Cót những năm 1980

  16. Hàng Mây
    Tên một phố cổ của Hà Nội xưa, nay là phía bắc của phố Mã Mây. Cư dân phố Hàng Mây trước đây chuyên làm các đồ dùng chế biến từ mây và cả sợi mây nguyên liệu.
  17. Hàng Đàn
    Một phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn giữa của phố Hàng Quạt. Gọi là Hàng Đàn vì trước đây khu phố nay chuyên làm và bán các loại đàn như đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt...
  18. Phố Mới
    Tên gọi khác của phố Hàng Chiếu, một phố nằm trong 36 phố cổ Hà Nội. Phố được xây trên thôn Thanh Hà cũ của huyện Thọ Xương. Ngày xưa, nơi đây bán nhiều chiếu cói và còn có bán cả bát (nên còn có tên là phố Hàng Bát). Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue Jean Dupuis, phía đầu phố là nơi chuyên buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp. Đây là phố đầu tiên ở Hà Nội có kiến trúc kiểu Pháp, có vỉa hè, cây xanh, cột đèn... nên người dân quen gọi là phố Mới.
  19. Phúc Kiến
    Tên gọi dân gian của phố Lãn Ông, một phố thuộc ba sáu phố của Hà Nội ngày xưa. Gọi như vậy vì nơi đây là khu vực cư ngụ của nhiều người Hoa Kiều gốc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
  20. Hàng Ngang
    Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, cuối thế kỉ 19.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, kí họa cuối thế kỉ 19.

  21. Hàng Mã
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều cửa hàng bán đồ giấy và đồ mã.
  22. Hàng Mắm
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa, khi sông Hồng chảy sát chân đê, phồ Hàng Mắm nằm cạnh bờ sông, các thuyền bán mắm đậu ở đây. Phố Hàng Mắm cho đến trước 1945 vẫn còn nhiều cửa hàng bán các loại mắm tôm, mắm cá, và cả nước mắm.
  23. Hàng Than
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều lò nung vôi, bán than.
  24. Hàng Đồng
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa là nơi có các hàng sửa chữa cũng như bán các đồ dùng bằng đồng như mâm, nồi, chân nến, lư hương.

    Phố Hàng Đồng ngày trước

    Phố Hàng Đồng ngày trước

  25. Hàng Muối
    Một phố cổ của Hà Nội. Xưa kia phố này nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều thuyền chở muối lên đem bán ở đây.
  26. Hàng Nón
    Một phố cổ của Hà Nội, thời Pháp thuộc tên là Rue des Chapeaux, ngày nay tương ứng với đoạn phía tây của phố Hàng Nón ngã ba Hàng Thiếc trở đi, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (đoạn phía đông phố Hàng Nón ngay nay xưa gọi là phố Mã Vĩ). Phố Hàng Nón ngày xưa có bán đủ loại nón đội đầu.

    Đoạn chính của phố Hàng Nón đầu thế kỉ 20.

    Đoạn chính của phố Hàng Nón đầu thế kỉ 20

  27. Cầu Đông
    Một phố cổ của Hà Nội, một trong những khu vực sầm uất nhất của Thăng Long - Hà Nội xưa, tương ứng với phố Hàng Đường ngày nay. Thời xưa, sông Tô Lịch chảy ngang Hà Nội từ sông Hồng, có cây cầu đá bắc qua sông (ở vị trí ngã tư Hàng Đường - Ngõ Gạch ngày nay) gọi là cầu Đông, người dân họp chợ ngay đầu cầu, gọi là chợ Cầu Đông hay chợ Chùa. Đoạn sông này bị lấp hoàn toàn vào năm 1889, cầu cũng không còn, và người Pháp giải tỏa chợ Cầu Đông và chợ Bạch Mã (họp quanh đền Bạch Mã), dời các hàng quán vào Đồng Xuân. Phố Cầu Đông nằm bên cạnh chợ Đồng Xuân ngày nay là một phố mới, đặt tên để kỉ niệm phố Cầu Đông cũ.

    Lọ là oanh yến hẹn hò,
    Cầu Đông sẵn lối cầu Ô đó mà.
    (Bích câu kì ngộ - Vũ Khắc Trân)

  28. Hàng Hòm
    Một phố cổ của Hà Nội, thời xưa có nhiều hàng làm nghề sơn gỗ, dần dần phát triển thành bán các loại rương, hòm, tráp bằng gỗ sơn, về sau lại phát triển thêm các mặt hàng mới như va li, cặp da, túi xách. Tên phố vẫn giữ nguyên qua nhiều thời đại, nghề làm hòm vẫn phát triển cho đến sau 1975, chỉ mới mai một gần đây, thay vào đó là nghề bán sơn phát triển mạnh.

    Phố Hàng Hòm

    Phố Hàng Hòm

  29. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  30. Hàng Bông
    Tên một phố thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, gồm nhiều phố cổ gộp lại mà thành: Hàng Hài, Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Cửa Quyền, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Thợ Nhuộm. Thời Pháp thuộc phố tên là Rue du Coton, sau 1945 mới chính thức mang tên Hàng Bông.

    Phố Hàng Bông đầu thế kỉ 20

    Phố Hàng Bông đầu thế kỉ 20

  31. Hàng Bè
    Một phố cổ của Hà Nội, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bè. Phố này trước đây là một khúc của con đê cũ, khi dòng sông còn chảy sát chân đê, đây là nơi kết tập và bán các bè gỗ và vật liệu từ miền ngược.

    Phố Hàng Bè, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bè, tranh của Bùi Xuân Phái.

  32. Hàng Thùng
    Một phố cổ của Hà Nội, xưa kia có nhiều nhà sản xuất các loại thùng bằng tre, nứa, rồi gắn sơn, vật liệu tre nứa được lấy từ phố Hàng Tre kế cận.
  33. Hàng Bát
    Một phố cổ của Hà Nội, phố này bán cả hai mặt hàng là chén bát và chiếu cói. Nay là đoạn đầu của phố Hàng Chiếu giáp với Ô Quan Chưởng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  34. Hàng Tre
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa, phố Hàng Tre nằm sát bờ sông Hồng, tre nứa từ các nơi tập kết lại rồi bán ở các gian hàng phía bờ sông.

    Phố Hàng Tre cuối thế kỉ 19.

    Phố Hàng Tre cuối thế kỉ 19.

  35. Hàng Vôi
    Một phố cổ của Hà Nội, trước đây nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều chỗ nung vôi và bán vôi. Phố Hàng Vôi xưa tương đương với hai phố ngày nay là phố Hàng Vôi và phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  36. Hàng Giấy
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều hàng bán các loại giấy sản xuất ở làng Bưởilàng Cót, cũng như các loại giấy quyến, giấy bạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
  37. Hàng The
    Một phố cổ của Hà Nội, nơi buôn bán các loại vải the, tơ lụa. Nay là đoạn đầu của phố Hàng Đào về phía phố Cầu Gỗ, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  38. Hàng Gà
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa phố này nằm trên con đường từ cửa Đông thành hướng ra, có nhiều người dân đem gà vịt và các loại gia cầm nói chung đến tập trung buôn bán, dần thành mối. Về sau, gà vịt được bán sỉ ở trong nhà, hoặc đem bán rong ở các hàng quán. Phố Hàng Gà xưa ngày nay tương ứng với đoạn phố Hàng Gà phía trên, giữa phố Cửa Đông và ngã tư Hàng Cót - Hàng Mã, còn đoạn phố Hàng Gà phía dưới, xưa gọi là phố Thuốc Nam.

    Phố Hàng Gà

    Phố Hàng Gà

  39. Hàng Da
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa phố có nhiều hàng bán các loại da trâu, da bò thuộc. Da được chế biến ở các ngõ Tạm Thương, phố Yên Thái gần đó rồi đem ra phố Hàng Da để bán. Đầu phố Hàng Da có chợ Hàng Da, ban đầu chủ yếu buôn bán da sống phơi khô.
  40. Mắc cửi
    Mắc sợi lên khung cửi; nghĩa bóng chỉ sự tình trạng đan xen ngang dọc dày đặc như những sợ chỉ trên khung dệt.
  41. Bút hoa
    Cây bút nở hoa, ý nói tài năng văn chương. Theo một điển tích Trung Quốc, nhà thơ Lí Bạch đời Đường nằm mơ thấy cây bút của mình nở hoa rất đẹp, từ đó thơ văn của ông ngày càng xuất sắc, nổi tiếng khắp nơi.
  42. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  43. Hát xạo
    Một dạng hát hò khoan ở Quảng Nam-Đà Nẵng, có nội dung dí dỏm, thông minh, sử dụng nhiều cách chơi chữ, nói lái, đố tục giảng thanh...
  44. Cắn cơm không vỡ
    Chỉ người bất tài vô tướng (đến hạt cơm cũng không cắn vỡ).
  45. Thần Nông
    Một vị thần của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nên văn minh Bách Việt. Theo truyền thuyết, ông sống cách đây khoảng hơn 5.000 năm và là người dạy người Việt trồng ngũ cốc, làm ruộng, chế ra cày bừa…
  46. Mạn
    Theo học giả An Chi, mạn là biến thể ngữ âm của miện, nay đọc thành diện, có nghĩa là "mặt", rồi nghĩa phái sinh là "phía," "miền," "miệt" (như "miệt vườn")...
  47. Cửa máng
    Cái cửa nhỏ ở bên hông thuyền, để múc nước sông hoặc rửa ráy cho tiện.
  48. Cửa máng song kề
    Hai thuyền đi cạnh nhau, cửa máng song song và kề nhau.
  49. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  50. Dùi Chiêng
    Tên một làng nay là thôn Dùi Chiêng, xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng nằm dọc ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước mặt là sông, sau lưng là núi, có hình thể giống như cái dùi của cái chiêng, nên có tên gọi như vậy.
  51. Có bản chép: đảo dốc.
  52. Bình Yên
    Tên một ngôi làng nằm ở phía Tây huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Thu Bồn.
  53. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  54. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  55. Tương truyền đây là một bài thơ của ông Tú Quỳ, một danh nhân đất Quảng Nam.
  56. Phạm Bá Doãn
    Một người dân sống ở làng Dùi Chiêng vào đầu thế kỉ 20, tương truyền là người nghĩ ra một thứ bẫy để bắt cọp mà người địa phương quen gọi là cái chòi. Các bô lão làng Dùi Chiêng cho biết về hình dáng, chòi không to, ngang gần 1 mét, dài khoảng 5 mét, làm hoàn toàn bằng cây săn, chắc, được chôn sâu xuống đất, phía trên được cột kỹ, chèn đá to, làm sao để một khi cọp đã vào bẫy thì không thể vùng ra nổi. Trong chòi nhốt một con chó, ngăn lại. Cọp nghe tiếng chó sủa, mò đến. Khi nó vừa vào thì bẫy sụp xuống. Người ta chỉ việc dùng giáo nhọn mà đâm cho đến lúc cọp chết mới thôi.

    Chòi bắt cọp

    Chòi bắt cọp

  57. Nường
    Nàng (từ cũ).
  58. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  59. Trăng
    Chỉ tháng, thu: chỉ năm. Cách nói của người xưa.
  60. Vuông tròn
    Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
  61. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  62. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  63. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  64. Cồ cồ
    Chim cu gáy. Từ "cồ cồ" là mô phỏng tiếng kêu của loài chim này.
  65. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  66. Thập điện Diêm vương
    Mười vị thần cai quản cõi chết và phán xét con người ở âm phủ căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống, theo Phật giáo. Thập điện Diêm vương gồm có: Nhất điện: Tần Quảng Vương, Nhị điện: Sở Giang Vương, Tam điện: Tống Đế Vương, Tứ điện: Ngũ Quan Vương, Ngũ điện: Diêm La Thiên Tử, Lục điện: Biện Thành Vương, Thất điện: Thái Sơn Vương, Bát điện: Đô Thị Vương, Cửu điện: Bình Đẳng Vương, và Thập điện: Chuyển Luân Vương. Ở nước ta tranh và tượng Diêm Vương thường được bố trí trong chùa, thường được xếp thành hai hàng, mỗi bên năm vị.
  67. Thiên tri quỷ thần
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thiên tri quỷ thần, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  68. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  69. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  70. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài

  71. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo