Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cười như nghé
    Cười không thành tiếng, cười nhìn ngờ nghệch.
  2. Xa
    Đồ dùng để kéo sợi dệt vải.
  3. Mực thước
    Nghĩa đen là dây mực và thước mà thợ mộc thường dùng để in đường thẳng. Nghĩa bóng là khuôn phép, chuẩn mực.
  4. Đòn xóc
    Vật dụng thường làm từ một đoạn tre, hai đầu vót nhọn, dùng để xóc gánh lúa, cỏ, mía...

    Dùng đòn xóc

    Dùng đòn xóc

  5. Đòn xóc hai đầu
    Người đứng giữa xúc xiểm cả hai bên để đẩy họ đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột với nhau, cũng như cái đòn xóc có hai đầu nhọn để xóc các bó lúa, ngô.
  6. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  7. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  8. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  9. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  10. Lụy
    Chết.
  11. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  12. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  13. Rẫy
    Ruồng bỏ, xem như không còn tình cảm, trách nhiệm gì với nhau.
  14. Bánh giầy
    Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.

    Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh giầy

    Bánh giầy

  15. Quán Gánh
    Tên một làng cũ nay thuộc địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội (Hà Tây cũ). Tên làng gắn liền với đặc sản bánh giầy Quán Gánh hay được bày bán dọc quốc lộ 1 tuyến Hà Nội - Hà Nam. Nhà văn Vũ Bằng có nhắc đến món này trong Miếng ngon Hà Nội, nhưng chê:

    "Nhưng bánh này [bánh khoái] ngon và được chuộng, một phần lớn cũng vì có bánh giầy cắt nhỏ - thứ bánh giầy Mơ, ăn mềm mà có rắc đậu ở trên mặt, chứ không phải là thứ bánh giầy to, nhẵn, bóng những mỡ, rất phổ thông hiện giờ, mà người ta vẫn gọi là bánh giầy Quán Gánh."

    Bánh giầy Quán Gánh

    Bánh giầy Quán Gánh

  16. Thì la, thì lảy
    Từ cũ chỉ bộ phận sinh dục nữ.
  17. Có bản chép: Thìa là, thìa lẩy. Hoặc: Chè la, chè lẩy.
  18. Ngồi lê
    Ngồi lê la, hết chỗ này tới chỗ khác.
  19. Dựa cột
    Ngồi dựa vào cây cột để nghỉ ngơi.
  20. Có bản chép: Ăn quà là ba, Kêu ca là bốn.
  21. Láu táu
    Hấp tấp, lanh chanh.
  22. Chun
    Chui (phương ngữ).
  23. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  24. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  25. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  26. Bấy chầy
    Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).

    Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
    Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
    (Truyện Kiều)

  27. Bào hao
    Hùa theo, bắt chước theo mà không biết đến hậu quả.
  28. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  29. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô