Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  2. Nia
    Dụng cụ đan bằng tre, hình tròn, có vành, rất nông, dùng để đựng và phơi nông sản (gạo, lúa)...

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  3. Nếp cái hoa vàng
    Một loại lúa nếp truyền thống nổi tiếng của các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Nếp có hạt gạo tròn, dẻo, thơm đặc biệt nên thường dùng đồ xôi, làm cốm, làm các loại bánh có sử dụng gạo nếp, làm tương hoặc ủ rượu. Nếp được gọi là "nếp cái hoa vàng" do khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các loại lúa khác. Nếp cái hoa vàng chỉ được trồng vào vụ mùa.

    Nếp cái hoa vàng

    Nếp cái hoa vàng

  4. Tràng Lưu
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, từ xưa đã là một vùng đất văn vật. Gái Tràng Lưu thông minh, xinh đẹp, nết na có tiếng.
  5. Đụn
    Kho thóc.
  6. Lưng chữ cụ, vú chữ tâm
    Lưng thẳng, cân đối (trông như chữ “cụ” 具), vú đầy đặn, săn chắc (hình dáng như chữ “tâm” 心) là hai nét hay gặp của người phụ nữ mắn đẻ, khéo nuôi con.
  7. Cá kèo
    Còn gọi là cá bống kèo, là loài cá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ. Cá kèo có đầu nhỏ hình chóp, thân hình trụ dài, dẹp dần về phía đuôi, có màu ửng vàng, nửa trên của thân có chừng 7-8 sọc đen hướng hơi xéo về phía trước, các sọc này rõ dần về phía đuôi. Cá kèo sống chui rúc trong bùn và đào hang để trú. Thịt cá kèo mềm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như lẩu cá kèo, cá kho tộ, cá kho rau răm, cá kèo nướng....

    Cá kèo nướng ống trúc

    Cá kèo nướng ống sậy

  8. Cố tri
    Người quen biết cũ (từ Hán Việt).

    Xưa từng có xóm có làng
    Bà con cô bác họ hàng gần xa
    Con trâu, con chó, con gà
    Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri.

    (Mộc mạc - Võ Phiến)

  9. Cải cúc
    Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.

    Cải cúc

    Cải cúc

  10. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  11. Bí đao
    Còn gọi là bí trắng, là một cây họ dây leo, trái được xào, nấu phổ biến ở mọi miền nước ta. Ngoài ra, hạt và quả còn được dùng trong các bài thuốc dân gian.

    Trái bí đao

    Trái bí đao

  12. Thuốc rê
    Thuốc lá sợi được sản xuất theo lối thủ công, khi hút thường phải tự tay vấn thành điếu. Thuốc rê cũng có thể dùng để nhai. Những người nghiện thuốc ngày trước thường đi đâu cũng mang theo một bọc thuốc rê.

    Thuốc rê

    Thuốc rê

  13. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  14. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  15. Sâm banh
    Cũng gọi là sâm-panh, một loại rượu vang nổi tiếng có nguồn gốc từ vùng Champagne của Pháp.
  16. Rượu chát
    Rượu vang, vì có vị chát nên dân ta gọi là rượu chát.
  17. Cô nhắc
    Từ tiếng Pháp Cognac, một loại rượu rất nổi tiếng được sản xuất từ vùng Cognac của Pháp.
  18. La ve
    Cũng gọi là la de theo giọng Nam Bộ, cách phát âm bình dân của la bière, tiếng Pháp nghĩa là bia.

    Nhãn bia Larue dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

  19. Phỉ
    Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
  20. Tiền quý
    Tiền có hai hạng, tiền quý (còn gọi là cổ tiền, tiền tốt) thì một tiền bằng 60 đồng tiền kẽm (một quan bằng 10 tiền, tức 600 đồng kẽm), tiền gián (còn gọi là sử tiền) thì một tiền bằng 36 đồng kẽm (tức một quan bằng 360 đồng kẽm). Hình thức lưu hành hai loại tiền tệ này xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18, và tồn tại không lâu vì cách tính phức tạp của nó.
  21. Bó mo
    Gói trong mo cau.
  22. Kí chỉ
    Văn bản cam kết mang tính pháp lí, có ghi tên, điểm chỉ (từ cũ).
  23. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  24. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn

  25. Quảng Hóa
    Gọi tắt là phủ Quảng, tên một phủ được thành lập dưới triều Nguyễn trên cơ sở chia tách từ phủ Thiệu Hóa, gồm các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Quảng Tế. Lị sở của phủ này ở gần thị trấn Vĩnh Lộc ngày nay. Năm 1945, phủ này được chia thành các huyện tương ứng trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Địa danh Quảng Hóa không còn tồn tại nữa. Ở đây nổi tiếng món chè lam phủ Quảng.

    Chè lam Phủ Quảng nhâm nhi với chè xanh hoặc chè tàu

    Chè lam phủ Quảng nhâm nhi với chè xanh hoặc chè tàu

  26. Vật Lại
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội.
  27. Tứ vi
    Bốn mặt vây quanh (từ Hán Việt).
  28. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Chó chực chuồng chồ
    Chỉ sự đê tiện, nhục nhã vì miếng ăn.
  30. Cà kiu
    Một loại cà có tràng hoa màu tím, cho quả nhỏ bằng ngón chân cái, mọng tròn, màu đỏ hoặc cam, vị rất chua, mùi thơm đặc biệt.

    Cà kiu

    Cà kiu

  31. Chắc Cà Đao
    Tên một con rạch và cũng là tên một chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Có hai giải thích về địa danh này:

    1. Theo nhà văn Sơn Nam, Chắc Cà Đao là do chữ Prek Pédao (Prek: rạch; Pédao: một loại dây mây), nghĩa là con rạch có nhiều dây mây.

    2. Theo ông Nguyễn Văn Đính, địa danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khmer chắp kdam (bắt cua) mà ra vì vùng này xưa kia có nhiều cua. Học giả Vương Hồng Sển cho rằng cách giải thích này có lí hơn.