Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  3. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  6. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  7. Hai thân
    Cha mẹ (từ Hán Việt song thân).
  8. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  9. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  10. Mắm
    Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.

    Cây mắm

    Cây mắm

  11. Đước
    Một loại cây rất thường gặp ở miền Tây Nam Bộ. Cây đước mọc thành rừng ở các vùng bờ biển bùn lầy, có bộ rễ rất lớn gồm một rễ cọc và rất nhiều rễ phụ đâm sâu xuống, giúp cây bám chặt lấy đất. Rừng đước ngập mặn có một vai trò rất lớn trong việc chống xói lở đất, giữ phù sa, cải tạo đất, đồng thời là môi trường sinh thái cho nhiều loài động vật nhỏ khác.

    Rừng đước

    Rừng đước

  12. Tràm
    Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.

    Rừng tràm ở Long An

    Rừng tràm ở Long An

  13. Dừa nước
    Một loài cây thuộc họ Cau, thân mọc ngang trong bùn, lá và cuống hoa đâm lên trên, tán lá khá cao và rộng. Dừa nước sinh trưởng rất dễ dàng nơi nước chảy chậm, bùn lầy phù sa: hạt dừa nước già trôi nổi theo thủy triều, có khi nảy mầm ngay trong nước, mọc thành cây khi dạt vào bùn. Người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nước ta rất quen thuộc với loài cây này vì gần như ở ven bờ kênh rạch nào, dừa nước cũng mọc thành hàng rậm rạp; hơn nữa lá dừa nước là vật liệu chính để lợp nhà tại đây. Tuy trái và mật cuống hoa dừa nước chứa nhiều dinh dưỡng, nhưng người dân nước ta chưa chú ý đến nguồn lợi này.

    Hái trái dừa nước ở Bến Tre.

    Hái trái dừa nước ở Bến Tre.

  14. Bài ca dao này tả lại quá trình lấn biển tự nhiên gắn liền với sự hình thành làng xóm ở vùng đồng bằng ven biển Nam Bộ nước ta. Ban đầu, ở bờ biển, cây mắm và cây đước giữ lại phù sa, mọc lấn dần ra biển. Nước nơi cửa sông dần dần bớt mặn vì biển lùi xa và nhờ khả năng lọc nước của cây đước, cây tràm từ từ mọc tạo thành rừng. Đến lúc nước sông đã đủ ngọt, đất thuần, cây dừa nước có thể mọc được, xóm làng mới hình thành. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã kể lại quá trình mở đất này thông qua câu chuyện về một gia đình đi khai hoang trong truyện ngắn Rừng Mắm, tập truyện Ký Thác:

    "Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được."

  15. Nói thuội
    (Trẻ con) Bắt chước, lặp lại lời của người lớn (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  16. Lồng bàn
    Đồ đan bằng tre nứa, ngày nay còn được làm bằng nhựa, có hình thúng, dùng để đậy thức ăn, chống ruồi muỗi đậu vào.

    Cái lồng bàn

    Cái lồng bàn

  17. Nực
    Oi bức, nóng.
  18. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  19. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  20. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  21. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  22. Thành Nội
    Bên trong Kinh thành Huế.

    Hoàng thành Huế

    Hoàng thành Huế

  23. Có ý kiến cho rằng bài ca dao này nhắc đến chuyện tình của vua Bảo Đại và bà Nguyễn Hữu Thị Lan, người gốc Gò Công (sau bà trở thành Nam Phương Hoàng Hậu).
  24. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  25. Sao đang
    Sao nỡ đành.
  26. Răng đi trước, môi lả lướt theo sau
    Chỉ những người răng hô (vẩu).
  27. Chặm
    Thấm từng tí cho khô (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  29. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  31. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  32. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  33. Trùn
    Giun đất (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  34. Mùa nước nổi
    Tên gọi dân gian của mùa lũ từ tháng 7 âm lịch ở vùng đồng bằng Tây Nam Bộ. Vào mùa này, nước ở các sông ngòi kênh rạch dâng lên tràn bờ, nhiều khi ngập nhà cửa. Nước nổi gây ra nhiều khó khăn vất vả cho người dân, nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều sản vật tự nhiên và bồi đắp phù sa cho vùng đất này.

    Đánh bắt cá mùa nước nổi

    Đánh bắt cá mùa nước nổi

  35. Vách phấn
    Tường vôi (từ cổ).
  36. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  37. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  38. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  39. Thụy Phương
    Tên một làng nay thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng có tên nôm là làng Trèm, cũng gọi là làng Chèm, nằm bên bờ sông Nhuệ.
  40. Lý Ông Trọng
    Tên thật là Lý Thân, một nhân vật truyền thuyết sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương, đầu thời An Dương Vương, gốc làng Chèm (Trèm), Từ Liêm, Hà Nội. Tương truyền ông là người rất cao lớn, bản tính cương trực, trung hậu. Bấy giờ nhà Tần (Trung Quốc) có giặc Hung Nô, vua Tần nhờ ông đánh giúp. Ông cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam Túc, Trung Quốc hiện nay), hễ quân Hung Nô kéo đến bao nhiêu là bị đập tan bấy nhiêu. Giặc Hung Nô kinh sợ và từ đó không dám xâm phạm biên ải nhà Tần nữa. Khi biết tin Lý Ông Trọng đã về nước, quân Hung Nô lại kéo sang đánh Tần. Vua Tần lại sai sứ sang Âu Lạc mời Ông Trọng. Ông Trọng không muốn đi nên vua Thục nói rằng ông đã mất. Vua Tần bất đắc dĩ phải đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng (bên trong rỗng, chứa được mấy chục người, có máy giật để cử động chân tay như thật) đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương. Giặc Hung Nô ngỡ là ông lại sang Tần nên không dám xâm phạm nước này. Từ đó người phương Bắc thường gọi những pho tượng lớn là "Ông Trọng."

    Sau khi ông mất được nhân dân lập đền thờ, gọi là đền Lý Ông Trọng, và xưng tôn ông là Đức Thánh Chèm.

    Đình Chèm

    Đình Chèm

  41. Đông Ngạc
    Tên nôm là làng Vẽ hay kẻ Vẽ, một làng cổ ở nằm sát chân cầu Thăng Long, thuộc huyện Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km. Đông Ngạc được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Làng còn được gọi là "làng tiến sĩ" do có rất nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học, đồng thời nổi tiếng với nghề truyền thống là làm nem.