Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đay
    Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.

    Cây đay

    Cây đay

  2. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  3. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  4. Theo An Chi: Vóc là một từ cổ gốc Hán, có nghĩa là thơm, ngon. Vậy “ăn vóc học hay” có nghĩa là ăn ngon, học giỏi. Đây là một thành ngữ dùng để nói về những người học trò mà cái sự học xứng đáng với cái sự ăn, nghĩa là sự dùi mài kinh sử xứng đáng với sự nuôi nấng chu đáo của cha mẹ.
  5. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  6. Hương Canh
    Tên nôm là làng Cánh hay Kẻ Cánh, thuộc huyện An Lãng, xứ Sơn Tây thời Hậu Lê, nay là thị trấn Hương Canh, huyện lị huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây có phiên chợ Cánh, còn gọi là chợ Hương Canh, ngày xưa mỗi tháng họp tới 12 phiên vào các ngày hai, ngày tư, ngày sáu và ngày chín hàng tháng; trong đó ngày hai, ngày sáu là phiên chính, ngày tư ngày chín là phiên xép. Chợ Cánh có bán đủ các mặt hàng. Đặc biệt có dãy quán lò rèn luôn đỏ lửa để sửa chữa nông cụ tại chỗ cho bà con nông dân kịp lấy ngay. Ngoài ra Hương Canh còn nổi tiếng có nghề thợ xây. Làng có cả đường bộ, đường thủy và đường sắt chạy qua, rất thuận tiện cho giao thương.

    Lễ hội kéo song ở Hương Canh

    Lễ hội kéo song ở Hương Canh

  7. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  8. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  9. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  10. Bình Khê
    Tên cũ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

  11. Đổ giàn
    Một lễ hội truyền thống được tổ chức vào rằm tháng 7 hằng năm tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giàn là một cái đàn cúng cao khoảng mười mét, bằng tre, gỗ, trên đặt đàn cúng thần gồm hương, hoa, trà, quả và một chú heo quay. Khi nghi lễ chuẩn bị kết thúc, những toán võ sĩ và những người khỏe mạnh đại diện cho các làng tiến vào, sẵn sàng trong tư thế lao lên, vác heo quay, sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang chú heo quay chạy về địa điểm an toàn đã định. Để giật được chú heo, các toán tranh tài cũng đã có sự phân công người trước, người sau, người bảo vệ, người "cản địa" để ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay... Đây là một lễ hội có ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ của đất Tây Sơn - Bình Định.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  12. Cật
    Toàn bộ phần phía sau lưng. Còn có nghĩa khác là quả thận, nhiều nơi còn gọi là bầu dục.
  13. Cà kheo
    Hai thanh cao bằng tre, gỗ, hoặc các nguyên liệu khác, trên có bàn đạp để có thể đứng lên đi thay chân. Cà kheo có nguồn gốc là dụng cụ mưu sinh đối với ngư dân miền biển, giúp họ lội xuống biển đánh bắt, và cũng là phương tiện đi lại của những người ở vùng mưa lũ. Trên thế giới và ở nước ta, đi cà kheo hiện nay còn được dùng để biểu diễn như làm xiếc, múa rồng, đấu võ, v.v.

    Đi cà kheo cào nghêu.

    Đi cà kheo cào nghêu.

     

  14. Chỉ cách định lượng cũ - đo bằng gang tay - của những người thu mua hải sản.
  15. Vào mùa thu, đông, nếu mây kết lại ở chân trời như bức thành thì trời sẽ khô hanh và giá rét.
  16. Thành ngữ Hán Việt, chỉ những người hay nghi kị, thấy cành cây cong thì nghĩ là rắn, thấy tảng đá lại tưởng là cọp.
  17. Tĩn
    Lọ sành phình ở giữa, trên có nắp đậy, thường dụng đựng nước mắm, mật ong, gạo, muối...

    Cái tĩn

    Cái tĩn

  18. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  19. Giạ
    Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.

    Giạ đong lúa

    Giạ đong lúa bằng gỗ

  20. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  21. Ông bà bô
    Cha mẹ (tiếng lóng).
  22. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  23. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  24. Cá chày
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở nước ta, dân gian còn gọi là cá rói. Cá thường sống thành đàn lớn, thân cá gần tròn, đầu to vừa, mõm tù, ngắn, có hai đôi râu bé, mắt nhỏ và đỏ, lưng và đầu hơi đen, bụng vàng hay trắng nhợt. Nhân dân ta thường đánh bắt (câu, lưới) cá chày để chế biến thành các món canh, kho, chiên giòn...

    Cá chày (cá rói)

    Cá chày (cá rói)

  25. Tao nôi
    Sợi dây treo nôi để đưa. Tao (tau) có nghĩa là tua, giải, dây.
  26. Giao ca
    Gá duyên, kết nghĩa vợ chồng (phương ngữ Nam Bộ).
  27. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.