Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  2. Chúa Chổm
    Tên gọi dân gian của Lê Trang Tông, vị vua đầu tiên thời Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Giai thoại kể rằng thuở nhỏ ông rất nghèo, thường phải đi vay mượn để sống qua ngày, vì vậy có thành ngữ "nợ như chúa Chổm." Xem thêm trên Wikipedia.
  3. Đương
    Đang (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  5. Trâm anh
    Cái trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang trong xã hội phong kiến.
  6. Bố kình
    Cũng đọc là bố kinh. Bố là vải; kinh là gai, do câu “bố quần kinh thoa” (mặc quần áo bằng vải, cài trâm bằng gai). Thành ngữ xuất phát từ điển tích Lương Hồng đời Ngụy Võ Đế (Trung Quốc), học thức uyên bác và rất trọng khí tiết. Lương Hồng cưới vợ là nàng Mạnh Quang, con nhà giàu có. Lúc mới về nhà chồng, nàng ăn mặc lộng lẫy, trang sức theo con nhà đài các. Lương Hồng lẳng lặng trong bảy ngày không nhìn đến vợ. Mạnh Quang nhận biết, tự thay đổi hàng lụa, mặc quần áo vải, cài trâm bằng gai. Lương Hồng mừng rỡ bảo: “Đây mới chính là vợ của Lương Hồng.” Bố kình vì vậy chỉ người vợ hiền từ, cũng có thể hiểu là người con gái hiền hậu.
  7. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  8. Có bản chép: chơi quanh.
  9. Hát trống quân
    Hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Hát trống quân ở mỗi địa phương có khác nhau về làn điệu, lối hát và thời điểm hát, nhưng đều mang một số điểm chung như: những người tham gia chia thành hai bên "hát xướng" và "hát đáp", lời ca thường mang tính ứng đối, sử dụng trống dẫn nhịp gọi là "trống thùng", giữa những câu đối đáp có đoạn ngừng gọi là "lưu không".

    Hát trống quân thường được tổ chức vào rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, vào chiều tối, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với nhau hoặc với trai gái trong làng.

    Hát trống quân

    Hát trống quân

    Xem phóng sự Hát trống quân - Nét dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.

  10. Thổ Hà
    Một ngôi làng thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, có nghề truyền thống là làm gốm, nung vôi và làm bánh đa nem.
  11. Chữ "ấm" trong "ấm nước" đồng âm với trong cậu ấm, nên mới nói là "Ai ai cũng gọi anh là con quan."
  12. Cao sơn
    Hòn núi cao.
  13. Tiểu khê
    Khe nước nhỏ.

    Tà tà bóng ngả về tây,
    Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
    Bước dần theo ngọn tiểu khê,
    Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  14. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  15. Nhứt can
    Một cây gậy.
  16. Trực nhật
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Trực nhật, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  18. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  19. Ruộng quan điền
    Ruộng công dưới thời Lê sơ, để phân biệt với ruộng tư là ruộng nằm trong tay các quý tộc, quan lại và địa chủ chiếm hữu.
  20. Chỉ để ăn một bát cháo mà phải chạy ba quãng đồng mới tới. Ý nói: Mối lợi quá nhỏ so với công sức bỏ ra.