Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  2. Ngọc Hà
    Một trong mười ba làng nghề (thập tam trại) của Thăng Long-Hà Nội, tương truyền là được lập nên từ thời vua Lý Nhân Tông. Làng Ngọc Hà nổi tiếng từ xưa với nghề trồng hoa, nên cũng gọi là trại Hàng Hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Đầu thế kỷ 20, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc ...) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng. Hiện nay nghề này đã mai một.

    Làng hoa Ngọc Hà

    Làng hoa Ngọc Hà

  3. Cầu Đông
    Một phố cổ của Hà Nội, một trong những khu vực sầm uất nhất của Thăng Long - Hà Nội xưa, tương ứng với phố Hàng Đường ngày nay. Thời xưa, sông Tô Lịch chảy ngang Hà Nội từ sông Hồng, có cây cầu đá bắc qua sông (ở vị trí ngã tư Hàng Đường - Ngõ Gạch ngày nay) gọi là cầu Đông, người dân họp chợ ngay đầu cầu, gọi là chợ Cầu Đông hay chợ Chùa. Đoạn sông này bị lấp hoàn toàn vào năm 1889, cầu cũng không còn, và người Pháp giải tỏa chợ Cầu Đông và chợ Bạch Mã (họp quanh đền Bạch Mã), dời các hàng quán vào Đồng Xuân. Phố Cầu Đông nằm bên cạnh chợ Đồng Xuân ngày nay là một phố mới, đặt tên để kỉ niệm phố Cầu Đông cũ.

    Lọ là oanh yến hẹn hò,
    Cầu Đông sẵn lối cầu Ô đó mà.
    (Bích câu kì ngộ - Vũ Khắc Trân)

  4. Chợ Đồng Xuân
    Một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, nằm trong khu phố cổ. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại thành 3 tầng với tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² như hiện nay.

    Cổng chợ Đồng Xuân

    Cổng chợ Đồng Xuân

  5. Alexandre Yersin
    (1863-1943) Bác sĩ, nhà khoa học và nhà thám hiểm người Pháp, người tìm ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Yersin gắn bó và có nhiều công lao với nước ta: sáng lập trường Y khoa Đông Dương (Đại học Y Hà Nội ngày nay), khám bệnh miễn phí cho người nghèo, xây dựng những cơ sở sản xuất huyết thanh và thuốc chống sốt rét đầu tiên... Khi thám hiểm cao nguyên miền Trung, ông phát hiện ra Lâm Viên (Lang Bian).

    Yersin an nghỉ tại Suối Dầu, Nha Trang. Sinh thời, ông được người dân yêu quý và gọi là ông Năm theo cấp bậc quan Năm của ông trong quân đội Pháp. Ngôi nhà của ông ở xóm Cồn được gọi là lầu ông Năm.

    Bác sĩ Yersin

    Bác sĩ Yersin

  6. Trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, các con giống nặn bằng bột màu bán ở chợ làm đồ chơi cho trẻ em, có nơi gọi chung là voi. Trẻ em địa phương có thể gọi là voi, tên chung cho các con giống (miền Bắc còn có nơi gọi là tò he), hoặc gọi tên riêng của từng con giống: voi, ngựa, gà, vịt, ông tiên...Thường trong các mẹt hàng đồ chơi này ở nông thôn, voi là con giống phổ biến hơn cả. “Voi” ở đây không to lớn gì hơn so với các con giống khác, do đó cũng không đắt tiền hơn. Duy chỉ có tiên là loại con giống hiếm hơn, và dĩ nhiên là cũng đắt tiền hơn. Cho nên “được voi đòi tiên” ban đầu có thể chỉ là câu trách các em bé có tính hay vòi vĩnh đối với thứ quà quê cụ thể đó.

    Con giống tò he hình voi.

    Con giống tò he hình voi.

  7. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  8. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  9. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  10. Bài ca dao này nhằm chế giễu các cố đạo mặc áo quần màu đen.
  11. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  13. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Người ta đánh chú, tôi chẳng tha người, chú đánh cha tôi, tôi chẳng tha chú
    Người ta có quyền và bổn phận trước tiên phải bảo vệ người có quan hệ thân thiết hơn với mình.
  16. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  17. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  18. Có bản hát tên của hai ông này là ông Linh và ông Lang. Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì ninhnang là cách phát âm của một vài vùng miền Bắc nước ta cho hai tiếng linhlang.
  19. Thủng thẳng
    Thong thả (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Có bản chép: ưng.
  21. Luồng
    Cũng gọi là mét, một giống tre có giá trị kinh tế cao, thường được dùng làm nhà, đóng bè mảng, đan lát, làm đũa, làm mĩ nghệ, làm than... Tre có thể bóc mỏng như kiểu bóc gỗ, măng rất ngon. Ở nước ta tre luồng chủ yếu có ở Thanh Hóa, nơi hiện nay có nghề trồng và thu mua tre luồng làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

    Sản xuất than tre luồng

    Sản xuất than tre luồng

  22. Câu đố này dùng hiện tượng đồng âm “mét” và “méc.”
  23. Dồi
    Đánh phấn cho dính vào da.
  24. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  25. Lườn
    Mặt bên cạnh của ghe thuyền.
  26. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  27. Đố
    Thanh tre hay gỗ đóng dọc ở vách, cùng với những thanh ngang gọi là mè, tạo thành "khung xương" cho vách đất.
  28. Giàu nứt đố đổ vách
    Ngày xưa người ta thường làm nhà vách đất, trước tiên đan mè và đố làm xương, sau đó lấy đất sét nhồi với rơm trét vào hai mặt. Đến mùa thu hoạch thì khoanh gỗ áp vào tường để đựng thóc gạo, đựng nhiều có thể làm xiêu vẹo vách tường, nên nhà "nứt đố đổ vách" nghĩa là nhà giàu có, nhiều thóc gạo.
  29. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  30. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  31. Tỉa
    Trồng bằng cách gieo hạt (bắp, đậu...). Ở một số vùng từ nãy cũng gọi là trỉa.