Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khóc rùm
    Khóc lớn tiếng (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Mây
    Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.

    Dây mây

    Dây mây

  3. Gióng
    Còn gọi là quang, đồ vật làm bằng mây, gồm có đế gióng và 4 hay 6 quai gióng. Gióng được dùng kết hợp với đòn gánh - đòn gánh ở giữa, hai chiếc gióng hai bên, để gánh gạo và các loại nông sản khác.

    Quang gánh

    Quang gánh

  4. Xoan
    Xuân, trẻ (từ cổ).
  5. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  6. Ngồi thúng cất cạp
    Ngồi trong cái thúng mà lại cầm lấy cái cạp thúng cất (nâng) lên. Nghĩa bóng chỉ việc khó xử lí khách quan nếu là người trong cuộc.
  7. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  8. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  9. Lồng bàn
    Đồ đan bằng tre nứa, ngày nay còn được làm bằng nhựa, có hình thúng, dùng để đậy thức ăn, chống ruồi muỗi đậu vào.

    Cái lồng bàn

    Cái lồng bàn

  10. Kinh nghiệm chọn trâu tốt.
  11. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  12. Đầu rau
    Kiểu bếp ngày trước (nay vẫn còn ở các làng quê) gồm ba hòn đất nặn hơi khum đặt chụm đầu vào nhau để bắc nồi lên đun. Xem thêm ông Táo.

    Đầu rau

    Đầu rau

  13. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  14. Đoan Ngọ
    Còn gọi là tết giết sâu bọ, tết đoan dương, đoan ngũ, tổ chức ngày năm tháng năm âm lịch, là ngày tết truyền thống ở ta cũng như Trung Quốc và Triều Tiên. Truyền thuyết về ngày tết này ở mỗi nước đều khác nhau. Trong ngày này, dân ta thường uống rượu nếp hay ăn cơm rượu, bánh tro và các loại trái cây để cho sâu bọ trong người say và chết.

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

  15. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  16. Có bản chép: Đất Thừa Thiên.
  17. Tháp Phước Duyên
    Ngọn tháp nằm trong quần thể thắng tích cố đô Huế, là biểu tượng nổi tiếng gắn với chùa Thiên Mụ, nên còn được gọi là tháp Thiên Mụ hay tháp Linh Mụ. Tháp được xây năm 1844, cao 21m, có bảy tầng, tám mặt, chỉ sử dụng nguồn vật liệu thuần tuý bản địa: đá Thanh, gạch Bát Tràng, gạch hoa tráng men Long Thọ, ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly, cùng một ít sắt, đồng, gỗ.

    Tháp Phước Duyên

    Tháp Phước Duyên

  18. Văn Thánh
    Văn miếu Huế, một công trình được xây dựng vào năm 1808 dưới triều Gia Long. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế. Ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn miếu còn thờ Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, cùng Thập Nhị Triết và những người có công phát triển Nho giáo.

    Cổng chính vào Văn Thánh

    Cổng chính vào Văn Thánh

  19. Chùa Thuận Hóa
    Xưa tên chùa Ông, thờ Quan Công, nằm bên cạnh chùa Thiên Mụ (thực ra là một công trình phụ của chùa Thiên Mụ). Dưới thời vua Thiệu Trị, chùa được dời về gần chùa Diệu Đế, sau được đổi tên thành chùa Thuận Hóa và thờ thêm Phật.

    Chùa Ông ngày nay

    Chùa Ông ngày nay

  20. Diệu Đế
    Tên một ngôi chùa nằm bên bờ sông Đông Ba, nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi nên cảnh quan rất đẹp, vườn tược rộng rãi, cây cối xanh tươi. Năm 1844 triều đình Huế cho tôn tạo và sắc phong làm Quốc tự.

    Chùa Diệu Đế

    Chùa Diệu Đế

  21. Viện cơ mật
    Cơ quan đặc trách tham khảo những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và bí mật, nhất là về quân sự, đứng đầu gồm bốn vị đại thần từ tam phẩm trở lên. Viện được thành lập sau vụ Lê Văn Khôi nổi loạn. Thời vua Duy Tân, viện được đổi tên thành phủ Phụ Chính. Do những biến cố lịch sử, viện bị di dời nhiều lần, cuối cùng chuyển về chùa Giác Hoàng, họp cùng với tòa Giám sát (của Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi chung là Tam tòa.

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

  22. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  23. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  24. Cấu trúc cầu Tràng Tiền thực ra có 12 vài và 6 nhịp. Trong thi ca dân gian, để hợp vần người ta hay nói thành "sáu vài, mười hai nhịp."
  25. Cồn Hến
    Tên chữ là cồn Thanh Long, vùng đất bồi nằm ở giữa sông Hương, phía bên trái Kinh thành Huế, chia sông Hương chảy qua đoạn này thành hai nhánh. Nhánh phía đông chảy qua phường Vĩ Dạ. Nhánh phía Tây chảy qua các phường Phú Cát, Phú Hiệp. Cồn Hến có tên gọi như vậy vì dân trên cồn trước đây chủ yếu làm nghề cào hến.

    Cồn Hến ngày nay

    Cồn Hến ngày nay

  26. Cồn Dã Viên
    Cũng gọi là cồn Giã Viên, một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương, nằm phía tây nam kinh thành Huế. Cồn Dã Viên cùng với Cồn Hến ở phía đông nam thành Huế là hai nhân tố địa lý phong thủy tạo nên thế “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” chầu hai bên kinh thành.

    Cồn Dã Viên

    Cồn Dã Viên

  27. Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ
    Đầy đủ là "Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ," nghĩa là bên trái có rồng xanh, bên phải có hổ trắng, phía trước có chim sẻ đỏ (phượng hoàng), phía sau có rùa đen. Đây là một khái niệm về địa thế đẹp trong phong thủy, đồng thời cũng thường gặp trong các công trình điêu khắc có ý nghĩa tâm linh.
  28. Âu ca
    Cùng ca hát vui vẻ (từ chữ Hán: âu 謳  nghĩa là cùng cất tiếng, và ca 歌  là hát, ngâm).