Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ải Nam Quan
    Tên cửa ải cực Bắc của nước ta, nên còn gọi là ải Bắc. Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí:

    Ải Nam Quan cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là "Ðại Nam Quan", phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề "Trấn Nam Quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung ngoại nhất gia", dựng từ năm Tân Sửu [1781] đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có "Chiêu đức đài", đằng sau đài có "Ðình tham đường" (nhà giữ ngựa) của nước Thanh; phía nam có "Ngưỡng đức đài" của nước ta, bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ.

    Trong văn học nghệ thuật, lãnh thổ nước ta thường được mô tả là kéo dài "từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau." Tuy nhiên, hiện nay ải Nam Quan lại thuộc về lãnh thổ Trung Quốc.

    Ải Nam Quan

    Ải Nam Quan

  2. Bồ Đề
    Tên một bến nước xưa thuộc làng Phú Viên (tức Bồ Đề) ở ven sông Hồng về phía Gia Lâm. Cuối năm 1426, Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn (Thanh Hóa) ra đánh quân Minh, đã đóng quân ở đây để vây thành Đông Quan (tên thành Hà Nội thời quân Minh đô hộ). Ở đây có hai cây bồ đề lớn, nay không còn. Nghĩa quân Lam Sơn đóng quân quanh đấy nên doanh trại còn được gọi là "doanh Bồ Đề."
  3. Thượng Ải Quan, hạ Bồ Đề
    Theo một số tư liệu, câu này nói về Thân Vũ Thành (Thân Cảnh Phúc), tù trưởng động Giáp châu Lạng tức châu Quang Lang (hay châu Ôn, Lạng Sơn) (ngày nay thuộc Lạng Sơn). Ông lãnh đạo một đội quân người dân tộc dựa vào rừng núi, dùng chiến thuật du kích, tập kích sau lưng đạo quân nhà Tống, góp phần không nhỏ vào cho chiến thắng của nhà Lý trước nhà Tống năm 1077 ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Sau khi ông hi sinh, người dân lập nhiều đền, miếu thờ ông từ ải Nam Quan đến Bồ Đề.
  4. Nhái bầu
    Tên chung của một số loài nhái có bụng to, lưng thường có màu nâu tối, đôi khi có hoa văn.

    Nhái bầu trơn

    Nhái bầu trơn

  5. Điếu cày
    Một loại điếu để hút thuốc lào, phổ biến trong giới bình dân. Điếu cày làm bằng một khúc ống tre hoặc nứa dài non nửa mét, khoét lỗ nhỏ để tra nõ điếu gọt bằng gỗ. Hút bằng điếu cày vị thuốc rất đậm.

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

  6. Để
    Ruồng bỏ.
  7. Điểm chỉ
    In dấu các lóng ngón tay trỏ vào giấy. Ngày xưa những người không biết chữ, không thể ký tên, phải điểm chỉ vào giấy tờ.

    Năm phút, mười phút, nửa giờ... Ông giáo ngẩng lên ngó mặt chị Dậu :
    - Chị kia, sang đây tôi đọc cho nghe, rồi điểm chỉ vào!

    (Tắt đèn - Ngô Tất Tố)

  8. Chúc thực
    Một nghi lễ trong phong tục tang ma. Khi linh cữu còn để ở nhà, ban đêm thân nhân túc trực quanh linh cữu làm lễ dâng cơm để tỏ lòng thương tiếc.
  9. Điểm trà
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Điểm trà, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  10. Xin đọi nác cà nỏ cho: Xin bát nước cà không cho (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  11. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  12. Một hóa long, hai xong máu
    Hoặc là đạt được thành tựu (hóa long), hoặc là chết (xong máu). Tương tự như câu Một xanh cỏ, hai đỏ ngực.
  13. Bài ca dao này vốn là những câu thơ rút từ tập Bút quan hoài của Á Nam Trần Tuấn Khải.
  14. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian, có nguồn gốc từ lao động sông nước, diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động. Hò là nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và miền Nam. Hò và tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với với một động tác khi làm việc, còn lý thì không.

    Nghe một bài hò mái nhì.

  15. Thẳng ruột ngựa
    Tính tình thẳng thắn, cương trực, nói không kiêng nể. Về nguồn gốc của phương ngữ này, PGS TS Phạm Văn Tình cho rằng: Ruột ngựa rất dài, đặc biệt đoạn nối ruột non với dạ dày, gọi là manh tràng, cũng dài và rất lớn. Đoạn này là một ống dài tới một mét, thẳng và to với đường kính 25-35cm. Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Dư trong Ngựa và Thẳng ruột ngựa lại có một giả thuyết khác, theo đó "ngựa" là một cách chỉ gái điếm, và "Thẳng ruột ngựa" thật ra là một cách nói trào phúng, tương tự như câu "Thật thà như lái trâu."
  16. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  17. Phòng không
    Buồng trống không có ai, ý nói ở vậy, không lấy vợ hay chồng.
  18. Nam Phổ
    Còn gọi là Nam Phố, tên một làng nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tại đây có một đặc sản nổi tiếng là bánh canh Nam Phổ. Trước đây ở vùng đất này cũng có nghề trồng cau truyền thống - cau Nam Phổ là một trong những sản vật tiêu biểu của Phú Xuân-Thuận Hóa ngày xưa.

    Bánh canh Nam Phổ

    Bánh canh Nam Phổ

  19. La Sơn
    Tên một làng nay thuộc xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
  20. Quốc kì
    Cờ quốc gia, cờ nước (từ Hán Việt)
  21. Mê Linh
    Nơi đóng đô của Trưng Nữ Vương sau khi đánh thắng quân Hán và xưng vương, lập nước. Hiện nay Mê Linh là tên một huyện nằm ở phía Bắc thành phố Hà Nội, giáp sân bay quốc tế Nội Bài.

    Đô kì đóng cõi Mê Linh
    Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

    (Đại Nam quốc sử diễn ca)

  22. Tô Định
    Viên quan nhà Hán được cử sang Giao Chỉ (tên gọi nước ta lúc bấy giờ) làm Thái thú trong thế kỷ thứ 1. Không khuất phục trước âm mưu nô thuộc của nhà Hán, năm 40, Hai Bà Trưng kêu gọi thủ lĩnh các vùng lân cận tập hợp lực lượng, dựng cờ khởi nghĩa. Khởi nghĩa nổ ra, Tô Định bỏ chạy về phương Bắc. Trưng Trắc lập nước, xưng vương.

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

  23. Hai Bà Trưng
    Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai nữ tướng của Giao Chỉ (Việt Nam ta lúc bấy giờ) đã nổi cờ khởi nghĩa vào năm 40 sau Công nguyên để chống lại sự nô thuộc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, Thái thú Giao Chỉ người Hán là Tô Định bỏ chạy về phương Bắc, Trưng Trắc xưng vương, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, chọn kinh đô là Mê Linh, trị vì được ba năm, đến năm 43 bại trận dưới tay tướng nhà Hán là Mã Viện. Tục truyền do không muốn đầu hàng, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng cũng có thuyết cho hai Bà đã bị quân Mã Viện bắt và xử tử.

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

  24. Sinh đồ
    Một học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, được xác định trong kỳ thi Hương (là kỳ thi sơ khởi nhất để triều đình tuyển chọn người tài; người nào đỗ kỳ thi Hương thì năm sau mới được dự kỳ thi cao hơn là thi Hội, thi Đình).
  25. Cơm tấm
    Cơm được nấu từ hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu. Ngày nay cơm tấm đã trở thành món ăn quen thuộc, được coi là đặc sản của miền Nam.

    Cơm tấm

    Cơm tấm

  26. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).