Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  2. Hom
    Cũng gọi là hơm, phần chóp hai đầu của lờ đánh cá, thuôn về bên trong, để cá chỉ có thể chui vào chứ không chui ra được.
  3. Khôn
    Khó mà, không thể.
  4. Tày
    Bằng (từ cổ).
  5. Ba thu
    Ba mùa thu, tức là ba năm. Lấy ý từ bài Thái cát (Hái rau) trong Kinh Thi, trong có đoạn:

    Bỉ thái tiêu hề.
    Nhất nhật bất kiến,
    Như tam thu hề

    Dịch:
    Cỏ tiêu đi hái kìa ai,
    Xa nhau chẳng gặp một ngày đợi trông.
    Bằng ba mùa đã chất chồng.

    "Một ngày không gặp xem bằng ba thu" thường dùng để chỉ sự nhớ nhung khi xa cách của hai người yêu nhau.

  6. Cao su
    Một loại cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, cho nhựa mủ dùng để sản xuất cao su tự nhiên. Cao su tự nhiên là một chất liệu rất quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, dùng để sản xuất ra rất nhiều thành phẩm dùng trong đời sống. Trong thời gian đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã cho thành lập nhiều đồn điền cao su, bắt dân đi phu dài hạn, đối xử gần như nô lệ. Tên gọi cao su bắt nguồn từ tiếng Pháp caoutchouc.

    Khai thác nhựa cao su

    Khai thác nhựa cao su

  7. Phong
    Dân gian gọi là cùi, phung, đơn phong, một loại bệnh khiến cho da thịt người bệnh phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn vết thương lõm vào da thịt, lông mày rụng, mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể. Sau đó, các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm hai bàn tay co quắp. Ở mức độ nặng ngón tay ngón chân rụng dần. Trong xã hội Việt Nam, người bị nhiễm bệnh phong cùi trước đây thường chịu thành kiến sai lầm, bị hắt hủi, xa lánh, thậm chí ngược đãi (thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt).
  8. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  9. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  10. Con thoi
    Bộ phận của khung cửi hay máy dệt, ở giữa phình to, hai đầu thon dần và nhọn (vì vậy có hình thoi), có lắp suốt để luồn sợi.

    Máy dệt và con thoi

    Máy dệt và con thoi

  11. Chìa vôi
    Một loại chim giống sẻ, đuôi dài, lông có hai màu đen trắng.

    Chìa vôi

    Chìa vôi

  12. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  13. Bài này nói về tục ăn trầu (vôi, trầu, cau, thuốc).
  14. Vàng hồ
    Giấy vàng để đốt cúng cho người chết.
  15. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  16. Sông Bến Thóc
    Tên dân gian của sông Thoa, tên Hán Việt là Thốc Giang, một con sông đào có thể được tiến hành từ thời chúa Nguyễn (chưa rõ năm nào), xuất phát từ Phú An, đi qua các xã Đức Hòa, Đức Tân, Đức Phong (huyện Mộ Đức) và cuối cùng đổ ra cửa Mỹ Á thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sông có tên như vậy vì ngoài việc cung cấp nước, sông còn có tác dụng về giao thông đường thủy, chở người, thóc lúa sản xuất được ngược lên để vào sông Vệ, thông thương đi nhiều nơi.

    Bắt ốc ở sông Thoa mùa nước cạn

    Bắt ốc ở sông Thoa mùa nước cạn

  17. Sở định
    Định đoạt, quyết định lấy.
  18. Sơn khê
    Núi (sơn) và khe nước chảy (khê). Chỉ vùng rừng núi.
  19. Thị phi
    Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.

    Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
    Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  20. Có bản hát tên của hai ông này là ông Linh và ông Lang. Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì ninhnang là cách phát âm của một vài vùng miền Bắc nước ta cho hai tiếng linhlang.