Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  2. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  3. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  4. Đèn dầu
    Đèn đốt bằng dầu hỏa, gồm một bầu đựng dầu bằng thủy tinh hoặc kim loại, một sợi bấc (tim đèn) để hút dầu, và hệ thống núm vặn. Đèn dầu còn được gọi là đèn Hoa Kỳ (Huê Kỳ), mà theo tác giả Nguyễn Dư thì tên này bắt nguồn từ tên cửa hiệu Hoa Kỳ phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) chuyên làm đồ khảm xà cừ và bán đèn sắt tây. Hiện nay đèn dầu vẫn còn được thấy ở các vùng quê nghèo.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  5. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  6. Vạn
    Làng chài.
  7. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  8. Đậu rồng
    Còn gọi là đậu khế, hay đậu xương rồng, hoặc đậu cánh, thuộc loại thân thảo leo, nếu được dựng giàn, đậu rồng có thể bò lan trên 3m. Đậu rồng sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, giàu dinh dưỡng lại rất dễ trồng.

    Đậu rồng

    Đậu rồng

  9. Đu đủ
    Loại cây ăn quả rất thường gặp ở Việt Nam. Quả đu đủ có thể ăn xanh (làm nộm, hầm, hoặc làm mắm) hoặc ăn chín.

    Cây và quả đu đủ, từ quyển Medicinal-Plants (1887) của Koehler

    Cây và quả đu đủ, từ quyển Medicinal-Plants (1887) của Koehler

  10. Chuối chát
    Chuối hột lúc còn non, thường được dùng trong các món trộn hoặc rau sống.

    Chuối chát

    Chuối chát

  11. Khóm
    Loại cây có họ hàng với dứa, ở mép lá có răng như gai nhọn, khi chín quả không có màu vàng như dứa. Ở một số vùng người ta cũng gọi chung khóm và dứa là một.
  12. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  13. Cà dái dê
    Còn có tên là cà tím, quả mọng nhiều cùi thịt, chứa nhiều hạt nhỏ và mềm, được dùng để chế biến thức ăn trong nhiều nền ẩm thực Á, Âu. Tên cà tím và cà dái dê đều không thực chính xác vì có nhiều quả cà tím không mang màu tím, hay không có hình thù như dái dê.

    Cà tím

    Cà tím

  14. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  15. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  16. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  17. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  18. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  19. Bài này có sự chơi chữ: Chanh, hành, hẹ, dâu đều là tên những loại cây.
  20. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  21. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  22. Tân An
    Địa danh nay là một thành phố trực thuộc tỉnh Long An. Vào thế kỉ 17, địa bàn Tân An ngày nay trực thuộc tổng Thuận An, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định. Tuyến đường sắt dài 70km Sài Gòn-Mỹ Tho do người Pháp xây dựng vào cuối thế kỉ 19 đi ngang qua cầu Tân An, được lắp đặt vào tháng 5/1886.
  23. Bài ca dao này nói về trận bão năm Thìn.
  24. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  25. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  26. Mắt phượng
    Đôi mắt đẹp, to, dài, và hơi xếch lên như mắt phượng hoàng.
  27. Nạn đói năm Ất Dậu
    Một nạn đói xảy ra tại miền Bắc trong khoảng từ tháng 10 năm 1944 (Giáp Thân) đến tháng 5 năm 1945 (Ất Dậu) làm khoảng từ 400.000 đến hai triệu người dân chết đói. Nguyên nhân trực tiếp là những hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương: Các cường quốc liên quan như Pháp, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam và gây nhiều tai họa ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế của người Việt. Những biến động quân sự và chính trị dồn dập xảy ra khiến miền Bắc vốn dĩ đã thiếu gạo nên càng bị đói. Ngoài ra còn có nguyên nhân tự nhiên (lũ lụt, thiên tai, bệnh dịch tả...).

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

  28. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  29. Con hát
    Cách gọi miệt thị những người làm nghề xướng hát ngày xưa.

    "Xã hội ta xưa quan niệm lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bày tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con... Tất cả cái vô luân là ở đây, ở đấy luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn." (Phong tục Việt Nam – Toan Ánh)

  30. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa