Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  2. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  3. Người Nam Bộ phát âm không phân biệt hỏi ngã, "rễ" vì vậy cũng phát âm như "rể."
  4. Câu này có lẽ xuyên tạc từ thơ Bùi Giáng:

    Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ
    Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau

  5. Sưu thuế
    Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
  6. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  7. Đây là Tòa Đại lí Tam Kỳ chứ không phải Tòa Công sứ Hội An (theo Nguyễn Q. Thắng).
  8. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  9. Diên Phước
    Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
  10. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  11. Ruộng bờ, cờ xe
    Bờ ruộng có vai trò rất quan trọng, cũng như quân xe trong cờ tướng.
  12. Chàng làng
    Còn được gọi là chim bách thanh, thằn lằn chó, hoặc chim quích. Gồm 12 loài khác nhau, có chiều dài thường từ 19cm đến 25cm. Mỏ hình móc câu, khỏe. Thức ăn là côn trùng, có khi ăn cả chim nhỏ, ếch nhái, chuột nhỏ. Chàng làng có tập tính treo thức ăn lên cành cây hoặc bụi cây có gai. Có người cho rằng chúng làm vậy nhằm để dành thức ăn. Lại có người cho rằng, qua quan sát tỉ mỉ, họ nhận thấy chúng làm vậy chẳng qua theo thói quen, không phải để dành dụm, vì sau đó chúng không động đến những thức ăn đã treo nơi đó. Chàng làng có tiếng hót khá đa dạng, chúng có thể học và nhại lại tiếng hót của một số loài chim khác.

    Chim chàng làng

    Chim chàng làng

  13. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  14. Bắn bông
    Một công đoạn trong việc dệt vải: Dùng dây cung bật vào bông vải làm cho tơi xốp để kéo chỉ bằng con cúi.
  15. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  16. Bắt nhẻ
    (Đi cấy) dùng vài ba cọng mạ để cấy.
  17. Đất biền
    Vùng đất ven sông, ngập nước khi thủy triều lên.
  18. Vĩnh Long
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này được thành lập năm 1732 với tên là châu Định Viễn (thuộc dinh Long Hồ), sau lần lượt có các tên Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh, Vĩnh Long, Vĩnh Trà, Cửu Long, trước khi trở lại tên Vĩnh Long vào năm 1992. vào cuối thế kỉ 18, đây chiến trường diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút oanh liệt đánh tan năm vạn quân Xiêm cũng diễn ra tại đây.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  19. Bùi Hữu Nghĩa
    (1807 - 1872), trước có tên là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi; từng làm quan nhà Nguyễn, đồng thời là nhà thơ và là nhà soạn tuồng của Việt Nam.

    Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới, nghèo nhưng ham học. Năm 1835, ông đỗ Giải nguyên (thủ khoa) kỳ thi Hương nên còn được gọi là Thủ khoa Nghĩa. Là người liêm chính nên Bùi Hữu Nghĩa không được lòng quan trên, và vì vậy đường công danh gặp nhiều bất trắc. Ông là người có tài về thơ nhưng lại nổi danh về tuồng hát bội. Khắp miền Nam kỳ lục tỉnh vào khoảng giữa cuối thế kỷ 19 không ai không biết đến tài năng của ông. Các bản tuồng nổi tiếng của ông: Tây du, Mậu tòng, Kim Thạch kỳ duyên.

  20. Phan Thanh Giản
    (1796 - 1867) Danh sĩ và đại thần triều Nguyễn, học rộng, thanh liêm, nhưng do dự và nhu nhược trong cơn quốc biến. Ông là người đại diện cho triều đình Tự ĐứcHòa ước Nhâm Tuất, theo đó ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường được nhượng cho Pháp. Nhân dân thời ấy có câu "Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình coi rẻ nhân dân). Vào cuối đời, ông làm quan tại Vĩnh Long. Ngày 4/8/1867, sau 17 ngày tuyệt thực, Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn.

    Đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.

    Phan Thanh Giản

    Phan Thanh Giản

  21. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  23. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  24. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  25. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  26. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  27. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  28. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  30. Nghệ
    Nghề (từ Hán Việt).
  31. Chữ thánh 聖 gồm ba chữ nhĩ 耳 (tai), khẩu 口 (miệng), và vương 王 (vua) ghép lại.