Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cạnh ngôn
    Tranh nhau mà nói (từ Hán Việt).
  2. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  3. Cửu đại
    Chín đời (từ Hán Việt).
  4. Ngoại nhân
    Người ngoài (từ Hán Việt).
  5. Cửu đại còn hơn ngoại nhân
    Bà con dẫu xa (chín đời) vẫn còn hơn người ngoài.
  6. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  7. Sa
    Rơi xuống (từ Hán Việt).
  8. Phúc
    Những điều tốt lành. Kinh Thi chia ra năm phúc: Giàu, Yên lành, Thọ, Có đức tốt, và Vui hết tuổi trời (theo Thiều Chửu). Từ thời nhà Nguyễn, chữ này được đọc trại ra thành phước vì kị húy họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.
  9. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam

  10. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Đàn tranh
    Một loại đàn truyền thống của Việt Nam. Đàn tranh có thân bằng gỗ, dây đàn bằng kim loại (xem hình dưới). Trước kia, đàn tranh có 16 dây, sau này được nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo cải tiến thành đàn tranh 17 dây.
    Nghe nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo chơi đàn tranh ở đây.

    Đàn tranh 17 dây.

    Đàn tranh 17 dây.

    Người ngồi chơi đàn tranh.

    Người ngồi chơi đàn tranh.

  12. Lợn bột
    Lợn đã bị hoạn (thiến), nuôi để lấy thịt.
  13. Nhất Xe sát vạn
    Một con Xe có thể giết được vạn binh mã. Chỉ sức mạnh của quân Xe trong cờ tướng.
  14. Câu này thường chỉ việc nhỏ tuổi trong gia đình chết trước người lớn tuổi, như con cái chết trước cha mẹ.
  15. Chợ Lẫm
    Tên một phiên chợ thuộc thôn Mỹ Huân, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngôi chợ có cây đa cổ thụ tán nhánh tỏa ra che mát cả một vùng. Trước đây chợ nổi tiếng phồn thịnh. Từ ngày chợ Thứ thiết lập, người dân khắp nơi về nhóm họp thì chợ Lẫm thưa dần rồi không tồn tại nữa.
  16. Đà
    Màu nâu sẫm. Ở một số tỉnh miền Trung (Phú Yên, Bình Định...) màu này cũng được gọi là màu dà. Thuốc nhuộm màu dà được lấy từ cây dà.

    Da thuộc màu đà

    Da thuộc màu đà

  17. Nho giáo
    Một hệ thống đạo đức, triết lí và tôn giáo do Khổng Tử sáng lập (nên còn gọi là Khổng giáo). Mục đích của Nho giáo là để xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo rất phát triển ở Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc (như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam...). Người theo học đạo Nho được gọi là nhà Nho (Nho gia).
  18. Chợ Viềng
    Một phiên chợ Tết đặc biệt của Nam Định xưa. Tương truyền ngày xưa ở Nam Định có đến 3, 4 chợ cùng mang tên chợ Viềng. Chợ Viềng chính nằm ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, họp vào ngày 8 tháng Giêng. Dân vùng này tin rằng buôn bán vào ngày này sẽ gặp may mắn quanh năm. Do đó, nếu gặp những ngày có mưa gió, lại gặp đò ngang cách trở, dân buôn tự động họp chợ ở một nơi nào đó để buôn bán gọi là “lấy ngày”, cầu may cho cả năm, thế là một phiên chợ Viềng mới được thành hình.

    Một góc chợ Viềng

    Một góc chợ Viềng

  19. Choa
    Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).
  20. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  21. Ruốc
    Một loại tôm nhỏ (chỉ dài khoán 10-40mm), thường được đánh bắt dùng để làm mắm (mắm ruốc, mắm tôm hoặc mắm chua) hay phơi khô thành ruốc khô, có thể xay vụn thành bột ruốc.

    Ruốc khô

    Ruốc khô

  22. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  23. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  24. Chình
    Cái chĩnh nhỏ, dùng để đựng gạo hoặc mắm (phương ngữ).
  25. Vùa
    Một loại đồ đựng bằng sành hoặc đất nung. Ở một số địa phương Nam Bộ, người ta cũng gọi cái gáo (dừa) múc nước là vùa.

    Từ này cũng được phát âm thành dùa.