Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  2. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  3. Theo giai thoại, câu này được hát để chế giễu tật chột mắt của ông Trần Hàn.
  4. Ra chỗ
    Hóa ra, thành ra (phương ngữ).
  5. Đông hải
    Biển Đông (từ Hán Việt).
  6. Ba ba
    Động vật họ rùa mai mềm, thường có kích cỡ nhỏ hơn rùa, sống ở các vùng nước ngọt (hồ, ao, sông ngòi, đầm, v.v.). Ở nước ta có 5 loài rùa mai mềm: ba ba Nam Bộ, ba ba gai, giải, ba ba trơn, và giải sin hoe. Ba ba có bốn chân, không có đuôi, đầu có vẩy nhỏ, miệng nhiều răng.

    Con ba ba

    Con ba ba

    Hướng dẫn định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, 2010)

  7. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  8. Tô tượng
    Một bước quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc cổ truyền của dân tộc ta, bao gồm việc sơn son thếp vàng, thể hiện nét mặt, tinh chỉnh các đường nét và các khối bề mặt của một bức tượng, thường là tượng gỗ hoặc tượng đất, làm sao cho bức tượng sống động, có tinh thần.

    Tượng Kim Cương ở chùa Mía, làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.

    Tượng Kim Cương ở chùa Mía, làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.

  9. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  10. Có bản chép: nghe
  11. Lợn hạch
    Lợn đực nuôi để lấy giống, còn gọi là lợn dái, lợn nọc.
  12. Đách
    Từ thông tục, vốn nghĩa chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ, thường được dùng để phủ định (cũng như đếch).
  13. Lợn lang
    Lợn trên mình có những đốm đen-trắng. Miền Nam gọi giống lợn này là heo bông.
  14. Lợn sề
    Cũng hay được viết nhầm thành lợn xề, chỉ lợn nái đã đẻ nhiều lứa. Từ nái sề cũng thường được dùng để chỉ người phụ nữ nhiều con một cách trào phúng.
  15. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  16. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  17. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  18. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  19. Muôn
    Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
  20. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  21. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  22. Dẫn cưới
    Đưa lễ đến nhà gái để xin cưới.
  23. Mắm ngóe
    Cũng gọi là mắm nhái, một loại mắm đặc sản của Lào, làm từ con ngóe.
  24. Chiêm chấp chới, mùa đợi nhau
    Lúa chiêm hễ cấy trước là trổ trước (“chấp chới” giữa những thửa chưa trổ). Trong khi đó, lúa mùa dù cấy sớm hay muộn lại chờ đến dịp mới đồng loạt trổ cờ (cứ như là đợi nhau vậy).
  25. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  26. Bâu
    Cổ áo.
  27. Có bản chép: thâm bâu (nước mắt ướt đẫm lâu ngày nên cổ áo chuyển màu thâm đen).
  28. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.