Đồng dao

  • Ô ô giục giặc

    Ô ô giục giặc
    Ông Trắc đi mô
    Mụ Trắc theo đó
    Chó cắn mụ què
    Mụ ngồi đầu hè
    Mụ khóc thút thít
    Mụ bắt con nít
    Mụ bỏ vô be
    Mụ bắt con me
    Ngồi lên mụ chạy!

  • Mu khóc móc khu

    Mu khóc móc khu
    Ruồi bu kiến cắn
    Đau lắm mẹ ôi
    Cho con vắt xôi
    Con vào chuồng lợn
    Con chấm con ăn.

    Dị bản

    • Mu khóc móc khu
      Ruồi bu kiến cắn
      Đau lắm mẹ ơi
      Cho con đồng tiền
      Ra mua nước mắm
      Về chấm khu ăn

  • Vè lá lốt

    Ve vẻ vè ve
    Cái vè lá lốt
    Anh A cũng tốt
    Chị B cũng xinh
    Hai bên rập rình
    Gia đình đồng ý
    Đi ra đăng ký
    Ủy ban không cho
    Anh A hét to
    “Không cho cũng lấy!
    Tôi yêu cô ấy
    Đã mấy năm rồi
    Không nói lôi thôi
    Ngày mai cứ cưới
    Làng trên xóm dưới
    Ai thích thì đi
    Đánh chén tì tì
    Sa đì tám tấn.”

    Dị bản

    • Ve vẻ vè ve
      Cái vè lá lốt
      Anh A cũng tốt
      Chị B cũng xinh
      Hai bên rập rình
      Gia đình đồng ý
      Đi ra đăng ký
      Ủy ban không cho
      Anh A hét to
      “Không cho cũng lấy!
      Tôi yêu cô ấy
      Từ mấy năm trời
      Đi qua chợ Giời
      Mua đôi guốc mộc
      Guốc mộc tình yêu
      Tình yêu bọ xít
      Dính đít vào nhau”

  • Quả địa cầu có bốn đại dương

    Một quả cầu có bốn đại dương
    Dương dương dương cái giường đi ngủ
    Ngủ ngủ ngủ cái tủ đựng tiền
    Tiền tiền tiền cô tiên biết múa
    Múa múa múa công chúa biết bay
    Bay bay bay tàu bay hạ cánh
    Cánh cánh cánh đòn gánh qua sông
    Sông sông sông bông hồng mới nở
    Nở nở nở Thị Nở Chí Phèo
    Phèo phèo phèo con mèo ăn vụng
    Vụng vụng vụng cái bụng nó to
    To to to con bò ăn cỏ
    Cỏ cỏ cỏ tao bỏ mày đi
    Đi đi đi tao phi mày chết
    Chết chết chết là hết cuộc đời.

  • Nghé hành nghé hẹ

    Nghé hành nghé hẹ
    Nghé chả theo mẹ
    Thì nghé theo đàn
    Nghé chớ đi càn
    Kẻ gian nó bắt
    Nó cắt mất tai
    Nó nhai mất đầu
    Còn đâu theo mẹ

    Dị bản

    • Nghé hành nghé hẹ
      Có khôn theo mẹ
      Có khéo theo đàn
      Chớ có chạy quàng
      Có ngày lạc mẹ
      Việc nhẹ phần con
      Kéo nỉ kéo non
      Kéo đến quanh tròn
      Mẹ con ta nghỉ

  • Hư hư chựng chựng

    Hư hư chựng chựng
    Chựng vững cho lâu
    Một con trâu nằm
    Một trăm bánh dày
    Một bầy heo lang
    Một sàng bánh ú
    Một hũ rượu ngon
    Một con cá thiều
    Một niêu cơm nếp
    Một nẹp bánh chưng
    Một nừng lúa ré
    Một ché rượu lạt
    Bục bạc con tao
    Hư hư, chựng chựng.

  • Hít le ba que xỏ lá

    Hít le ba que xỏ lá
    Ăn cắp cá của nhân dân
    Ăn cắp quần của bộ đội
    Lội xuống ao
    Không có tao, mày chết đuối

    Dị bản

    • Hít le ba que xỏ lá
      Ăn cắp cá của nhân dân
      Ăn cắp quần của bộ đội
      Phản bội đi tù

  • Ò e Rô Be đánh đu

    Ò e Rô Be đánh đu
    Tặc Giăng nhảy dù
    Giô Rô bắn súng
    Bắn ngay con ma nào đây
    Thằng Tây hết hồn
    Thằn lằn cụt đuôi

    Dị bản

    • Tò le, con ma đánh đu,
      Tặc Giăng nhảy dù, Giô Rô bắn súng
      Nhảy qua con ma nào đây
      Làm tao hết hồn
      Thằn lằn cụt đuôi

    Video

  • Thằng Long cong đuôi

    Thằng Long cong đuôi
    Đi ở với ruồi
    Bị ruồi đánh chết
    Con rết đưa ma
    Con gà đánh trống
    Con ngỗng thổi kèn
    Ò e í e
    Hai con bò kéo xe…

  • Huơ con nghé nhỏ

    Huơ con nghé nhỏ
    Lạc đàng theo chó
    Lạc ngõ theo trâu
    Nghe mẹ rống đâu
    Đâm đầu mà nhảy

    Dị bản

    • Ông khách hỏi mua
      Nhà ta chả bán
      Ông khách hỏi gạn
      Nhà ta chả cho
      Cắt cỏ ăn no
      Theo cày đỡ mẹ
      Huơ con nghé nhỏ
      Lạc đàng theo chó
      Lạc ngõ theo trâu
      Nghe mẹ rống đâu
      Đâm đầu mà chạy

  • Mế ơi là mế

    Mế ơi là mế
    Mế, mế, mế, mế
    Mế hương, mế hoa
    Mế cà, mế rợ
    Mế ở ba mùa
    Ai mua không bán
    Ai hoạn không cho
    Cắt cỏ ăn no
    Kéo cày đỡ mẹ
    Việc nặng việc nhẹ
    Mẹ đỡ cho con
    Gánh cỏ nào ngon
    Con để phần mẹ
    Mế ơi là mế
    Mế, mế, mế, mế…

  • Buổi mai ăn cơm cho no

    Buổi mai ăn cơm cho no
    Đi ra chợ Gio
    Mua chín cái tréc
    Đắp chín cái lò
    Cái nấu canh ngò
    Cái kho củ cải
    Cái nấu cải chuối xanh
    Cái nấu cá kình
    Cái rim thịt vịt
    Cái hầm thịt gà
    Cái nấu om cà
    Cái kho đu đủ
    Cái nấu củ khoai tây
    Nghe tin anh học trường này
    Bồn chồn trong dạ bỏ chín cái tréc này không coi.

    Dị bản

    • Buổi mai ngủ dậy
      Ăn một bụng cơm no
      Chạy ra chợ nọ
      Mua chín cái trách
      Đặt quách lên lò
      Một cái kho ngò
      Hai cái kho cải
      Ba cái kho nải chuối xanh
      Bốn cái nấu canh rau má
      Năm cái kho cá chim chim
      Sáu cái kho rim thịt vịt
      Bảy cái làm thịt con gà
      Tám cái kho cà đu đủ
      Chín cái kho củ môn tây.

  • Buổi mai ngủ dậy

    Buổi mai ngủ dậy
    Ra tắm bể Đông
    Đạp cây xương rồng
    Kéo lên chín khúc
    Gặp mệ bán cá úc
    Đổ máu đầu cầu
    Gặp mệ bán dầu
    Dầu trơn lầy lẫy
    Gặp mệ bán giấy
    Giấy mỏng tanh tanh
    Gặp mệ bán chanh
    Chanh chua như dấm
    Gặp mệ bán nấm
    Nấm lại một tai
    Gặp mệ bán khoai
    Khoai lọi một cổ

  • Mướn ông thợ mộc

    Mướn ông thợ mộc
    Đủ đục đủ chàng
    Mần một cái thang
    Ba mươi sáu tấc
    Bắc từ dưới đất
    Lên hỏi ông trời
    Trời cao hơn trán
    Nước sáng hơn đèn
    Kèn kêu hơn quyển
    Biển rộng hơn sông

Chú thích

  1. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Be
    Bình đựng rượu, làm bằng sành, sứ hoặc đá quý, bầu tròn, cổ dài và hẹp.

    Be rượu bằng sứ

    Be rượu bằng sứ

  3. Me
    Con bê (phương ngữ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).
  4. Bài đồng dao này (và dị bản) mô tả việc đại tiện.
  5. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  6. Khi hát bài này, trẻ em thay "A" và "B" thành tên của hai người mình muốn chọc ghẹo, ghép đôi.
  7. Có nơi hát: Hai bên đồng tình.
  8. Sa đì
    Tên gọi dân gian của bệnh trĩ.
  9. Bánh dày
    Loại bánh làm bằng bột gạo, được nặn to như cái bánh đa. Bánh được trữ trên gác bếp, để khô cả năm trời và là món ăn quý. Mỗi khi dùng, người ta xắt bánh ra thành miếng nhỏ, rồi nướng phồng trên bếp than.
  10. Lợn lang
    Lợn trên mình có những đốm đen-trắng. Miền Nam gọi giống lợn này là heo bông.
  11. Bánh ú
    Một loại bánh làm từ gạo nếp, rất thường gặp ở nước ta. Có hai loại: bánh ú tro, với lớp nếp vỏ bên ngoài được ngâm bằng nước tro, thường dùng để cúng nhân dịp tết Đoan Ngọ, và bánh nhân thịt có nhân làm từ thịt heo mỡ, đậu xanh hoặc đậu đỏ.

    Bánh ú tro

    Bánh ú tro

    Xem phóng sự Về quê thưởng thức bánh ú Nam Bộ

  12. Cá thiều
    Còn gọi là cá gúng, một loại cá biển có da trơn, chế biến được thành nhiều món ăn ngon như khô tẩm, muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa… Cá thiều đi theo đàn, nên ngư dân trên biển nếu gặp cá thiều thì coi như trúng lớn.

    Cá thiều

    Cá thiều

  13. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  14. Nừng
    Đồ đựng đan bằng cật tre, vuông vức, mỗi bề chừng hai gang tay, cao chừng ba gang tay, trên có nắp đậy cũng bằng tre đan. Dưới đáy nừng có hai thanh tre dầy, bắt chéo bốn góc để bảo vệ nừng khỏi bị mòn khi lôi tới, kéo lui hàng ngày. Nừng được sơn bóng bằng dầu rái chống ướt.
  15. Lúa ré
    Cũng gọi là lúa gié, một loại lúa mùa truyền thống, hạt lúa nhỏ, cơm ngon.
  16. Chóe
    Có nơi gọi là ché, một thứ lọ lớn làm bằng sành hoặc sứ, dùng để đựng nước hoặc rượu.

    Chóe sứ

    Chóe sứ

  17. Xỏ lá ba que
    Có ý kiến cho rằng thành ngữ này xuất phát từ một trò chơi ăn tiền, trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Tuy vậy, kẻ chủ trò luôn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng xỏ lá hoặc thằng ba que.

    Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc của thành ngữ này.

  18. Xẩm lai
    Người hát xẩm là con lai.
  19. Có nơi hát: Rô Bô.
  20. Đây là một bài hát rất phổ biến ở miền Nam Việt Nam trước đây, có nguồn gốc là bài dân ca Auld Lang Syne của Scotland. Lúc điệu nhạc này bắt đầu xuất hiện ở nước ta thì các rạp đang chiếu phim Tarzan, Zoro, Fantômas... từ đó trẻ em nhái lại thành bài này.
  21. Chuối chiên
    Một món ăn vặt phổ biến ở miền Nam, được chế biến bằng cách chiên chuối với dầu, bột, có thể thêm các thành phần khác như muối, đường, trứng gà...

    Chuối chiên

    Chuối chiên

  22. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  23. Bài đồng dao này thường được các em nhỏ hát khi chọc ghẹo nhau, đôi khi không có câu đầu.
  24. Câu cuối này có nơi hát: Đưa Long xuống lỗ.
  25. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  26. Mế
    Con bê (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  27. Gio Linh
    Một huyện nhỏ của tỉnh Quảng Trị, từng là bờ Nam của vĩ tuyến 17, nơi chia đôi đất nước thành hai miền Bắc - Nam.
  28. Cái tréc
    Cái trách (phương ngữ miền Trung), từ dùng chỉ nồi đất dùng để kho cá.
  29. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  30. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  31. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  32. Mệ
    Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  33. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  34. Lọi
    Gãy lìa (phương ngữ).
  35. Cổ
    Củ (phương ngữ Trung Bộ).
  36. Con so
    Con đầu lòng.
  37. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  38. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  39. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  40. Tấc
    Đơn vị đo chiều dài. Một tấc ngày trước bằng 1/10 thước hoặc bằng 10 phân (tương đương 4 cm bây giờ), nay được chuyển thành 1/10 mét.
  41. Quản
    Người Nam Bộ đọc là quyển, một loại nhạc cụ hình ống giống như ống sáo, ống tiêu.