Phan An

Sáng lập và chịu và trách nhiệm kĩ thuật cho Ca dao Mẹ. Tác giả của Quẩn quanh trong tổ, Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, và Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất. Hiện đang sống và làm việc tại Munich, Cộng hòa Liên bang Đức.

Bài đóng góp:

Chú thích

  1. Nhật Lệ
    Tên một dòng sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi thuộc dãy Trường Sơn, chảy ra Biển Đông tại cửa Nhật Lệ. Cùng với sông Gianh, dãy Hoành Sơn, đèo Ngang, sông Nhật Lệ là một trong những biểu tượng của tỉnh Quảng Bình.

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

  2. Sông Gianh
    Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng TrongĐàng Ngoài.

    Một khúc sông Gianh

    Một khúc sông Gianh

  3. Chùa Non
    Tên chữ là Kim Phong, một ngôi chùa nằm trên núi Thần Đinh (cũng có tên là núi Chùa Non), nay thuộc địa phận xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Chùa được xây hướng về phía Bắc, nhìn ra cửa sông Nhật Lệ. Hiện nay chùa là một địa điểm du lịch có tiếng, đồng thời là điểm dâng hương cầu an mỗi dịp năm mới của hàng nghìn người dân Quảng Bình.

    Chùa Non

    Chùa Non

  4. Đầu Mâu
    Một ngọn núi cao 763 mét ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Có tên gọi như vậy vì ngọn núi giống như mão đầu mâu (loại mũ trụ bao quanh đầu, trên đỉnh có chóp nhọn). Năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai nhà quân sự Đào Duy Từ tổ chức đắp lũy Thầy dài 18 km từ Đồng Hới đến núi Đầu Mâu để ngăn chặn quân Lê-Trịnh từ Bắc kéo vào.

    Sông Nhật Lệ và dãy núi Đầu Mâu xa xa – Ảnh: C.M.T. (qbvn.com)

    Sông Nhật Lệ và dãy núi Đầu Mâu xa xa – Ảnh: C.M.T. (qbvn.com)

  5. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Thượng Phong
    Tên một thôn thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xã này hiện đã được sát nhập vào thị trấn Kiến Giang.
  7. Cổ Liễu
    Tên một thôn trước thuộc xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, hiện đã được sát nhập vào thị trấn Kiến Giang.
  8. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  9. Rết
    Một loài động vật thân đốt, mình dài, có rất nhiều chân. Rết có nọc độc, có thể làm chết người.

    Con rết

    Con rết

  10. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  11. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  12. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  13. Eng
    Anh (phương ngữ Quảng Bình).
  14. Tít
    Con rết (phương ngữ).
  15. Trượng
    Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Một trượng dài khoảng 4 mét. Trong văn học cổ, "trượng" thường mang tính ước lệ (nghìn trượng, trăm trượng…).
  16. Chợ Dinh Xuân
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Dinh Xuân, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Ngài
    Người (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  18. Chợ Sạt
    Tên một phiên chợ đã có từ lâu đời tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
  19. Chợ phiên
    Chợ họp có ngày giờ nhất định.
  20. Có bản chép: bạn xưa.
  21. Chắc
    Nhau (phương ngữ Quảng Bình). Đánh chắc nghĩa là đánh nhau. Một chắc hoặc riêng chắc nghĩa là một mình.

    Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni:
    Dân chúng cầm tay lắc lắc:
    “Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc!”

    (Nhớ - Hồng Nguyên)

  22. Khứa
    Cứa (phương ngữ). Khi dùng như đại từ, "khứa" có nghĩa là một khúc được cứa (cắt) ra, thường dùng cho cá.

    Một khứa cá

    Một khứa cá

  23. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  24. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  25. Rớ
    Loại lưới đánh cá lớn. Có hai loại rớ là rớ chồ và rớ thuyền. Rớ chồ rộng khoảng 80 đến 130 mét vuông, bốn góc rớ được cố định bằng bốn cây tre to cắm xuống lòng sông và được kết nối với một trục quay đặt trên một cái chòi qua hệ thống dây tời dài. Để kéo được chiếc rớ khổng lồ này người ngồi trên chòi phải dùng hai chân đạp vào các thang của trục tời để quay cho rớ nổi lên khỏi mặt nước. Khi rớ được kéo lên, người ta bơi một chiếc xuồng nhỏ ra giữa sông, nhẹ nhàng dùng tay vén bụng rớ từ ngoài vào trong để dồn tôm cá vào phía cửa thoát nằm ở ngay dưới bụng rớ. Lúc cá tôm được dồn về một chỗ, họ lại nhẹ nhàng túm lấy miệng cửa thoát kéo thấp xuống để cho cá tôm trút hết vào lòng xuồng. Rớ thuyền là một loại nghề di động, rớ được đặt gọn trên một con thuyền dài khoảng 7 - 8 mét, bơi trên sông để đánh bắt cá.

    Rớ

    Rớ

  26. Đáy
    Một dụng cụ dùng để đánh bắt tôm cá. Đáy có cấu tạo giống một chiếc túi, mắt lưới nhỏ dần, được đặt cố định ở nơi có dòng chảy để chặn bắt tôm cá. Đáy được chia thành nhiều loại tùy theo vùng hoạt động, đối tượng đánh bắt và kiểu kết cấu: đáy hàng câu, đáy hàng khơi, đáy neo, đáy rạo, đáy rạch, đáy bày...

    Đóng đáy trên sông

    Đóng đáy trên sông

  27. Bánh ít lá gai
    Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.

    Lá gai

    Lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

  28. Võ Xá
    Tên một làng thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Tại đây có đầm lầy Võ Xá, vốn là một dải đầm lầy tự nhiên kéo theo đường thiên lí từ Quảng Bình vào Thuận Hóa. Làng Võ Xá là một trong "bát danh hương" (tám ngôi làng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng) của Quảng Bình, gồm: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa (cùng thuộc huyện Quảng Trạch), và Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại (cùng thuộc huyện Quảng Ninh).
  29. Rài
    Dài (phương ngữ Quảng Bình).
  30. Quán Hàu
    Một địa danh nay thị trấn huyện lị của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Vùng đất này từ xưa nổi tiếng với đặc sản là hàu, khai thác từ sông Nhật Lệ.
  31. Thuận Lý
    Một địa danh nay được tách thành hai phường Bắc Lý và Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
  32. Chè tàu
    Chè sản xuất từ búp chè không ủ lên men, cánh nhỏ, nước xanh, có hương thơm. Chè có tên như vậy vì nguyên sản xuất ở Trung Quốc.
  33. Đồng Phú
    Một địa danh nay là một phường thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
  34. Tuyên Hóa
    Tên một huyện nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình.
  35. Miềng
    Mình, tôi (phương ngữ Quảng Bình).
  36. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  37. Chợ Ba Đồn
    Chợ ở Ba Đồn, thị trấn huyện lị của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Người các nơi đến họp rất đông vào các ngày phiên vào các ngày mồng một và mồng sáu, các ngày hàng tháng. Chợ Ba Đồn hàng hóa phong phú và đa dạng, có đủ các thứ của vùng xuôi, vùng ngược, trong đó đặc sắc nhất có lẽ là hàng thịt bò và món thịt chó.

    Mua bán thịt bò ở chợ Ba Đồn

    Mua bán thịt bò ở chợ Ba Đồn

  38. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  39. Trộ
    Trận (phương ngữ).
  40. Đèo Ngang
    Một con đèo thuộc dãy Hoành Sơn, nằm ở ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung.

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

  41. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  42. Ba Đồn
    Một địa danh nay là thị trấn của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ba Đồn nằm sát bờ sông Gianh lịch sử - ranh giới tự nhiên thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Lúc ấy quân chúa Trịnh đóng trong ba cái đồn lớn chung quanh thị trấn Ba Đồn hiện nay: đồn Trung Thuần (Trung Ái), đồn Phan Long (Quảng Lưu) và đồn Xuân Kiều. Chợ Ba Đồn, phiên chợ nổi tiếng miền Trung cũng xuất hiện trong thời kì ấy.
  43. Châu Ô
    Tên cũ của vùng đất từ đèo Lao Bảo đến lưu vực sông Thạch Hãn, phía Nam tỉnh Quảng Trị. Châu Ô cùng với Châu Rí là vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa. Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân sai sứ cầu hôn công chúa Huyền Trân, em gái vua Trần Anh Tông, và dâng hai châu Ô và Rí làm sính lễ. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Pa, thu nhận hai châu, rồi đổi châu Ô làm Thuận Châu, châu Rí làm Hóa Châu.
  44. Quảng Bình
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.

    Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...

    Vường quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

    Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

  45. Tầm
    Tìm (từ Hán Việt)
  46. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  47. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  48. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  49. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  50. Bắc Thành
    Địa danh chỉ một đơn vị hành chính cấp cao đầu triều Nguyễn, quản lý 11 trấn (tương đương cấp tỉnh ngày nay) ở phía bắc Việt Nam. Đơn vị này được vua Gia Long đặt ra từ năm 1802, được sử dụng cho đến năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng thì bị bãi bỏ. Bắc Thành được chia làm 5 nội trấn và 6 ngoại trấn, tính từ khu vực Ninh Bình trở lên phía bắc. Nội trấn là các trấn đồng bằng và trong nội địa, bao gồm: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương. Ngoại trấn bao gồm các trấn miền núi và giáp với Trung Quốc: Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên.
  51. Cá dở
    Một loại cá có nhiều ở vùng biển Quảng Bình. Tên là cá dở, nhưng thật ra thịt cá rất ngon.
  52. Cá ngứa
    Tên gọi ở Quảng Bình của cá nhụ, một trong bốn loài cá được coi là có thịt ngon nhất (chim, thu, nhụ, đé).

    Cá nhụ

    Cá nhụ

  53. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  54. Câu đối
    Một thể loại sáng tác văn chương có nguồn gốc từ Trung Quốc, gồm hai vế đối nhau - nếu từ một người sáng tác gọi là vế trênvế dưới, nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế ra (vế xuất)vế đối. Câu đối thường biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nhân dân ta có phong tục viết hoặc xin câu đối trong các dịp lễ tết để cầu hạnh phúc, may mắn.

    Câu đối

    Câu đối

    Một đôi câu đối chữ Hán:

    Bảo kiếm phong tùng ma lệ xuất
    Mai hoa hương tự khổ hàn lai

    nghĩa là:

    Hương hoa mai đến từ giá lạnh
    Kiếm sắc quý là bởi giũa mài.

  55. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  56. Cá xòe
    Tên một loại cá thịt ngon, có nhiều ở vùng biển Quảng Bình.
  57. Ruốc
    Một loại tôm nhỏ (chỉ dài khoán 10-40mm), thường được đánh bắt dùng để làm mắm (mắm ruốc, mắm tôm hoặc mắm chua) hay phơi khô thành ruốc khô, có thể xay vụn thành bột ruốc.

    Ruốc khô

    Ruốc khô

  58. Cá thiều
    Còn gọi là cá gúng, một loại cá biển có da trơn, chế biến được thành nhiều món ăn ngon như khô tẩm, muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa… Cá thiều đi theo đàn, nên ngư dân trên biển nếu gặp cá thiều thì coi như trúng lớn.

    Cá thiều

    Cá thiều