Mai Huyền Chi

Bài đóng góp:

Chú thích

  1. Bánh giầy
    Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.

    Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh giầy

    Bánh giầy

  2. Cáo chết ba năm quay đầu về núi
    Bắt nguồn ở thành ngữ tiếng Hán "Hồ tử thú khâu", có nghĩa là "Cáo chết hướng [về] gò". Câu này chỉ những người yêu quê hương, tuy sống ở tha phương nhưng lúc chết muốn được chôn ở quê nhà. Thành ngữ "Cóc chết ba năm quay đầu về núi" là một phiên bản sai, bị bóp méo từ câu này, theo diễn giải của học giả An Chi.
  3. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  4. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  5. Hạt tấm
    Mảnh vỡ từ hạt gạo.
  6. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  7. Tiền trả, mạ nhổ
    Nhận tiền rồi mới giao hàng (mạ). Câu này có ý nghĩa giống như câu Tiền trao cháo múc.
  8. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  9. Khướu
    Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.

    Chim khướu

    Chim khướu

  10. Lệ Thủy
    Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thuộc thế hệ vàng của cải lương Việt Nam những năm 1960, cùng thời với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương... Soạn giả Viễn Châu nhận xét: "Lệ Thủy có một giọng ca hiếm hoi trong làng cổ nhạc, với chất giọng kim pha thổ, đã từng được báo giới Sài Gòn trước đây phong tặng là giọng ca chuông ngân."

    Nghệ sĩ Lệ Thủy

    Nghệ sĩ Lệ Thủy

  11. Mút mùa Lệ Thủy
    Nghệ sĩ Lệ Thủy có giọng ca dài hơi mà vẫn trong veo, người mê cải lương miền Nam hâm mộ nên so sánh những việc diễn ra trong thời gian dài, lâu là "mút mùa Lệ Thủy" (đi mút mùa Lệ Thủy, nhậu mút mùa Lệ Thủy...).
  12. Mỹ Châu
    Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thuộc thế hệ vàng của cải lương Việt Nam những năm 1960, cùng thời với Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu... Cô nổi tiếng có giọng nữ trầm đặc biệt và sở trường ca dây kép, người nhạc công phải nghĩ cách chỉnh dây riêng cho giọng cô, sau người ta quen gọi là "dây Mỹ Châu." (Đọc thêm về nghệ sĩ Mỹ Châu.)

    Nghệ sĩ Mỹ Châu năm 17 tuổi

    Nghệ sĩ Mỹ Châu năm 17 tuổi

  13. Yên Thế
    Huyện cực bắc tỉnh Bắc Giang, là nơi diễn ra khởi nghĩa Yên Thế kéo dài 30 năm của Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp (1885-1913).
  14. Đèo Khế
    Một cái đèo nằm giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Những năm đầu của thế kỷ 20, đồng bào Tày, Nùng từ Lạng Sơn, Cao Bằng về đây làm ruộng tạo thành nhiều xóm nhỏ len lỏi theo bờ suối. Trong kháng chiến chống Pháp, đèo Khế vừa là cầu nối giữa hai khu của ATK ở Sơn Dương, Tuyên Quang và Đại Từ, vừa là đoạn đường trọng yếu hành quân lên Tây Bắc.
  15. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  16. Yên Thế là một huyện của tỉnh Bắc Giang, là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám (1884-1913). Đèo Khế thuộc tỉnh Thái Nguyên được coi là ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
  17. Quai
    Quai hàm, phần xương hàm dưới.
  18. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Cất vừa có nghĩa nhấc lên (như trong cất cánh, cất vó) vừa có nghĩa mang bỏ vào một chỗ (như trong cất giấu).
  20. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  21. Cá nheo
    Miền Bắc gọi là cá leo, một loài cá thuộc họ cá da trơn, có thân rất dài và dẹp. Thân và đầu không có vảy. Đầu khá to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên dài kéo qua khỏi mắt, có hai đôi râu.

    Cá nheo

    Cá nheo

  22. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  23. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  24. Tương phùng
    Gặp nhau (từ Hán Việt).
  25. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  26. Xa
    Đồ dùng để kéo sợi dệt vải.
  27. Khăn vuông mỏ quạ
    Khăn hình vuông, được chít khéo léo thành hình nhọn như chiếc mỏ quạ trước trán. Áo tứ thân, yếm, khăn mỏ quạ, nón quai thao là những trang phục truyền thống của phụ nữ Kinh Bắc xưa.

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

  28. Tấn Tần
    Tên hai nước chư hầu thời Xuân Thu bên Trung Quốc. Cách nói "kẻ Tấn người Tần" chỉ sự xa xôi, cách trở.
  29. Hán Sở
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hán Sở, hãy đóng góp cho chúng tôi.