Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vọng Phu
    Hình tượng người phụ nữ bồng con đứng trên đỉnh núi chờ chồng rồi sau hóa thành đá, rất thường gặp trong văn học dân gian. Trên khắp đất nước ta có rất nhiều đỉnh núi được mang tên là núi Vọng Phu hoặc đá Vọng Phu.
  2. Núi Nhồi
    Một ngọn núi nay thuộc địa phận thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trên đỉnh núi có một cột đá cao khoảng 20 m, giống hình một người phụ nữ bế con, nhân dân gọi là Hòn vọng phu. Dưới chân núi Nhồi là làng Nhồi (gồm có Nhồi Thượng và Nhồi Hạ) có nghề chạm khắc đá từ thời nhà Lý.

    Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi (ảnh: Lê Dậu)

    Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi (ảnh: Lê Dậu)

  3. Chinh phụ
    Vợ của người đi ra trận (từ Hán Việt).
  4. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  5. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  6. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  7. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  8. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  9. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Trà Kiệu
    Một làng thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Là kinh đô của vương quốc Champa cổ, hiện nay ở Trà Kiệu vẫn còn lưu giữ các di chỉ, di tích khảo cổ quan trọng: thành cổ Trà Kiệu, đền, tượng, bệ thờ, phù điêu...

    Thành cổ Trà Kiệu

    Thành cổ Trà Kiệu

  11. Mã Châu
    Một làng cổ (hình thành từ thế kỷ 15) bên cạnh kinh đô Trà Kiệu của vương quốc Chăm-pa cổ, nay thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xưa kia làng có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa cho giới quý tộc, quan lại trong các vương triều. Khi xứ Đàng Trong mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài qua cảng thị Hội An thì tơ lụa Mã Châu là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất.
  12. Đông liễu tây đào
    Cây liễu ở phía đông, cây đào ở phía tây. Cụm từ này thường dùng để chỉ đôi trai gái.
  13. Phú Xá
    Tên nôm là làng Sù, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Sù xưa nổi tiếng nghề làm bún và trồng đào. Mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng được táng ở đây.
  14. Phú Gia
    Tên nôm là làng Gạ, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Gạ có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê...
  15. Làng La
    Tên gọi chung bảy làng ở huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Bảy làng gồm: La Cả (Ỷ La và La Nội), La Khê, La Du, La Dương, La Phù, La Tinh. Xưa kia bảy làng này đều có nghề dệt cổ truyền. La (羅) theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là dệt sợi, đan sợi. Các làng dệt thờ 10 vị tiên sư sống vào thời Lê Trung Hưng từ nơi khác đến cư ngụ và có công cải tiến nâng cao kỹ thuật dệt. Ngoài ra nơi đây còn thờ ông Trần Quý (thế kỷ 19) làm ông tổ nghề dệt gấm.
  16. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  17. Làng Đăm
    Làng cổ nay thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng Đăm nổi tiếng nghề trồng rau dưa. Lễ hội đua thuyền truyền thống trong các dịp hội làng vào tháng ba âm lịch cũng là một nét văn hóa đặc sắc của làng.

    Lễ hội đua thuyền làng Đăm

    Lễ hội đua thuyền làng Đăm

  18. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  19. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  20. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  21. Thăng Long
    Tên cũ của Hà Nội từ năm 1010 - 1788. Tương truyền Lý Thái Tổ khi rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên mới gọi kinh đô mới là Thăng Long (rồng bay lên). Ngày nay, tên Thăng Long vẫn được dùng nhiều trong văn chương và là niềm tự hào của người dân Hà Nội.

    Ai về xứ Bắc ta đi với
    Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
    Từ độ mang gươm đi mở cõi
    Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

    (Huỳnh Văn Nghệ)

    Trong thơ văn cổ, Thăng Long cũng được gọi là Long Thành (kinh thành Thăng Long), ví dụ tác phẩm Long Thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) của Nguyễn Du.

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

  22. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  23. Đất rồng
    Đất có vị trí địa lí thuận lợi, theo thuật phong thủy.

    "... ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời."
    (Chiếu dời đô)

  24. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  25. Chúc thực
    Một nghi lễ trong phong tục tang ma. Khi linh cữu còn để ở nhà, ban đêm thân nhân túc trực quanh linh cữu làm lễ dâng cơm để tỏ lòng thương tiếc.
  26. Điểm trà
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Điểm trà, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  27. Xin đọi nác cà nỏ cho: Xin bát nước cà không cho (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  28. Vàm
    Cửa sông. Đây là từ mượn từ tiếng Khmer péam. Nước ta có nhiều địa danh có tiền tố Vàm: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Nao, Vàm Sát, Vàm Cống...
  29. Phỉ
    Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
  30. Buồng tằm
    Buồng để nuôi tằm. Tằm rất dễ chết, nên khi nuôi tằm phải có một phòng riêng, kín gió để đặt các nong tằm trên giá (gọi là cũi tằm).

    Tình tôi mở giữa mùa thu
    Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm

    (Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)

  31. Đánh đàng xa
    Vung vẩy hai tay theo nhịp bước đi (phương ngữ miền Trung).
  32. Xóm Bầu
    Một thôn nay thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
  33. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).