Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhàn
    Có ít hoặc không có việc gì phải làm, phải lo nghĩ
  2. Định Hòa
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
  3. Hổ Bái
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Bái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có đền Hổ Bái, thờ người con thứ 11 của Lạc Long Quân.

    Đền Hổ Bái

    Đền Hổ Bái

  4. Đan Nê
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có núi Đồng Cổ (cũng có tên là núi Đan Nê) cùng với các di tích như chùa Thanh Nguyên và đền thờ thần Đồng Cổ.

    Đền thờ thần Đồng Cổ

    Đền thờ thần Đồng Cổ

  5. Quảng Hán
    Tên một làng nay thuộc xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Làng Quảng Hán còn có tên Nôm là làng Hớn hoặc làng Hón.
  6. Lựu Khê
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
  7. Chợ Bản
    Chợ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Có tên như vậy vì chợ được họp ở làng Bản Đanh, xã Định Long. Đây là một trong những chợ lớn nổi tiếng của Yên Định, chuyên trao đổi, bán mua nông sản, trâu bò, lợn gà, gia súc gia cầm cũng như các món ẩm thực đặc sản của vùng quê Yên Định. Chợ rất đông đúc, nên những gì đông đúc tấp nập thường được dân địa phương ví là "đông như chợ Bản."
  8. Quán Lào
    Địa danh nay là thị trấn của huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1989, thị trấn Thiệu Yên được thành lập, là huyện lị của huyện Thiệu Yên. Năm 1996, huyện Yên Định tái lập từ huyện Thiệu Yên, thị trấn Thiệu Yên được đổi tên thành thị trấn Quán Lào.
  9. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  10. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ngũ Rún.
  11. Sa
    Vải dệt bằng tơ tằm, rất mỏng và thoáng.
  12. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  13. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  14. Sa Nam
    Thị trấn cũ, nay là thị trấn Nam Đàn thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tại đây vào năm 722, Mai Thúc Loan đã cho xây thành Vạn An trên núi Đụn (tên chữ là Vệ Sơn) làm đại bản doanh, đánh tan quân nhà Đường ở châu Hoan rồi tiến quân ra Bắc chiếm thành Tống Bình, giải phóng đất nước. Hiện nay trên núi Đụn vẫn còn đền thờ ông.

    Đền thờ Mai Hắc Đế

    Đền thờ Mai Hắc Đế

  15. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  16. Mê thiên
    Rất nhiều, vô vàn (từ cũ).
  17. Có nơi hát: Rô Bô.
  18. Đây là một bài hát rất phổ biến ở miền Nam Việt Nam trước đây, có nguồn gốc là bài dân ca Auld Lang Syne của Scotland. Lúc điệu nhạc này bắt đầu xuất hiện ở nước ta thì các rạp đang chiếu phim Tarzan, Zoro, Fantômas... từ đó trẻ em nhái lại thành bài này.
  19. Kiến Vàng
    Tên trước đây của xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, Tiền Giang, trước đây khá nổi tiếng về nghề đan bàng.
  20. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  21. Neo bàng
    Còn gọi là néo bàng, chỉ bó cỏ bàng vừa nhổ xong, to cỡ bằng cột nhà (phương ngữ Nam Bộ).

    Neo bàng

    Neo bàng

  22. Mo
    Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.

    Mo cau

    Mo cau

    Cơm nắm gói trong mo cau.

    Cơm nắm gói trong mo cau.

  23. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  24. Có bản chép: bên.
  25. Bà cô bên chồng
    Em gái của chồng.
  26. Trừng
    Nổi lên, dâng lên (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  27. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  28. Theo An Chi: Vóc là một từ cổ gốc Hán, có nghĩa là thơm, ngon. Vậy “ăn vóc học hay” có nghĩa là ăn ngon, học giỏi. Đây là một thành ngữ dùng để nói về những người học trò mà cái sự học xứng đáng với cái sự ăn, nghĩa là sự dùi mài kinh sử xứng đáng với sự nuôi nấng chu đáo của cha mẹ.
  29. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  30. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  31. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  32. Ba lần giặc tan
    Ba chiến thắng lớn diễn ra trên sông Bạch Đằng: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán (năm 938), Lê Hoàn đánh thắng quân Tống (năm 981), Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Nguyên (năm 1288).
  33. Lam Sơn
    Tức núi Chàm, một ngọn đồi cao 62 mét thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Sơn còn là tên gọi chỉ vùng đất xung quanh núi Chàm, nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh.
  34. Lê Thái Tổ
    Tên húy là Lê Lợi, sinh năm 1385, mất năm 1433, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập, sáng lập nhà Hậu Lê. Ông được đánh giá là một vị vua vĩ đại và là anh hùng giải phóng dân tộc trong lịch sử nước ta. Đương thời ông tự xưng là Bình Định vương.

    Tượng đài Lê Lợi

    Tượng đài Lê Lợi

  35. Ngàn
    Rừng rậm.
  36. Cần Giờ
    Một địa danh nằm ở vùng Đông Nam Bộ, nay là một huyện ven biển thuộc thành phố Hồ Chí Minh (thường được xem là một huyện đảo vì địa thế gần như tách biệt với đất liền, bao quanh bởi sông và biển). Cần Giờ nổi tiếng với khu rừng ngập mặn (rừng Sác), một địa điểm du lịch sinh thái, và biển Cần Giờ, nguồn cung cấp hải sản phong phú.

    Tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ

    Tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ

    Cào nghêu tại biển Cần Giờ

    Cào nghêu tại biển Cần Giờ

  37. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  38. Cửa biển Cần Giờ nằm ở Gia Định. Thực dân Pháp tiến vào đánh chiếm Gia Định qua cửa biển này.
  39. Ba lạy bảy tùy
    Nhịn nhục, tùy lụy người khác đủ đường.