Tìm kiếm "Châu Giang"

Chú thích

  1. Công giáo
    Còn được gọi là Thiên Chúa giáo, Kitô giáo hoặc đạo Giatô, một tôn giáo có niềm tin và tôn thờ đức Chúa Trời, Giêsu, các thánh thần. Chữ công có nghĩa là chung, phổ quát, đón nhận mọi người chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào. Xuất hiện ở nước ta từ khoảng thế kỉ 16, Công giáo phát triển khá mạnh cho đến ngày nay.

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

  2. Lương
    Người không theo Công giáo. Thời cấm đạo, vua quan chia dân chúng thành hai thành phần. Những người theo Đạo Khổng, Đạo Phật, Đạo Lão hay những người theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà, được gọi là lương dân (người dân tốt). Những người Công giáo bị gọi là dửu dân (dân cỏ dại) hay tả đạo.
  3. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  4. A-men
    Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
  5. Tương truyền bài ca dao này nói về cuộc tình duyên giữa hoàng đế Bảo Đại (theo Phật giáo) và Nam Phương Hoàng hậu (theo Công giáo).
  6. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  7. Nài
    Nề, từ chối.
  8. Con Rồng cháu Tiên
    Người Việt Nam tự nhận mình là con của rồng (Lạc Long Quân) và tiên (Âu Cơ). Tương truyền, Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên núi, cùng sinh con đẻ cái tạo thành nòi giống người Việt.
  9. Trường Yên
    Một làng nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vào thế kỉ thứ 10, đây là kinh đô Hoa Lư của nước ta, lúc ấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Tại đây có đền thờ Đinh Tiên Hoàng trên nền cung điện Hoa Lư xưa, và đền thờ Lê Đại Hành ở gần đó. Hằng năm vào tháng 2, nhân dân tổ chức lễ hội ghi nhớ công lao của hai vị vua dựng nước và giữ nước này.

    Trường Yên - Hoa Lư

    Trường Yên - Hoa Lư

  10. Đinh Tiên Hoàng
    Tên húy là Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979), vị vua sáng lập nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử nước ta. Ông là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.

    Ông sinh ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Tương truyền thuở bé ông đi chăn trâu cho chú, hay cùng bạn bè cưỡi trâu tập trận giả, lấy bông lau làm cờ. Vì vậy khi nhắc đến ông, hậu thế thường nhắc đến các cụm từ cờ lau tập trận, cờ lau dựng nước...

    Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư

    Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư

  11. Lê Đại Hành
    Tên húy là Lê Hoàn (941 – 1005), vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005. Ông không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Cũng chính ông đã tạo ra tiền đề cho Lý Công Uẩn sau này dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

    Tượng Lê Đại Hành ở Hoa Lư

    Tượng Lê Đại Hành ở Hoa Lư

  12. Trà Kiệu
    Một làng thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Là kinh đô của vương quốc Champa cổ, hiện nay ở Trà Kiệu vẫn còn lưu giữ các di chỉ, di tích khảo cổ quan trọng: thành cổ Trà Kiệu, đền, tượng, bệ thờ, phù điêu...

    Thành cổ Trà Kiệu

    Thành cổ Trà Kiệu

  13. Mã Châu
    Một làng cổ (hình thành từ thế kỷ 15) bên cạnh kinh đô Trà Kiệu của vương quốc Chăm-pa cổ, nay thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xưa kia làng có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa cho giới quý tộc, quan lại trong các vương triều. Khi xứ Đàng Trong mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài qua cảng thị Hội An thì tơ lụa Mã Châu là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất.
  14. Đông Phước
    Một địa danh nay thuộc xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi bắt đầu sông Bí, một nhánh của sông Trà Bồng.
  15. Tham Hội
    Một địa danh nay thuộc xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  16. Châu Me
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Châu Me là tên một con sông ở Quảng Ngãi, chảy ra biển Đông bằng cửa Sa Kỳ, đồng thời là tên một cái chợ tập nập, là đầu mối gom hàng để bán cho ngư dân và cho những thương thuyền.
  17. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Châu sa
    Nước mắt rơi. (Trong văn thơ, châu hay giọt châu thường được dùng với nghĩa giọt nước mắt.)

    Lòng đâu sẵn mối thương tâm
    Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa
    (Truyện Kiều)

  19. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  20. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  21. Trà Ổ
    Còn có tên là Trà Ô, Châu Trúc hoặc Bàu Bàng, tên một cái đầm thuộc khu vực các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Đầm Trà Ổ nằm giữa vùng bằng phẳng, được bao bọc bởi những dãy núi cao thấp trập trùng ở phía Bắc, phía Tây và phía Nam. Trà Ổ là một trong những cảnh quan sinh thái tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, nên thơ của Bình Định.

    Đua thuyền trên đầm Trà Ổ

    Đua thuyền trên đầm Trà Ổ

  22. Che
    Dụng cụ để ép mía lấy nước đường nấu thành đường tán tại các lò mía đường. Trước đây che mía được người hoặc trâu kéo, sau này thì có nơi dùng máy móc. Theo tác giả Hoàng Sơn: “Ông che” là hai súc gỗ lớn hình trụ tròn, bên giữa mỗi súc gỗ là trục quay được cố định một đầu để có thể tự đứng thẳng. Hai súc gỗ này được người ta đẽo rãnh răng cưa và khớp nhau như bánh nhông. Trên đỉnh một “ông che” được gắn một đoạn tre để nối ra ngoài. Đoạn tre này khi được buộc vào lưng trâu sẽ đóng vai trò như một thanh truyền lực. Chỉ cần đánh trâu đi vòng tròn, cả hai “ông che” sẽ quay đều và có thể nghiền nát bất cứ thứ gì lọt vào rãnh răng đó. Do vậy, ngày xưa người trực tiếp cho mía vào “máy” phải là người có kinh nghiệm nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Bà Lệ tiếp lời: “Đến mùa làm đường, “ông che” được dựng ngay giữa bãi mía, bên trong một căn chòi gọi là chòi đạp. Khi cho mía vào “ông che”, nước mía sẽ chảy xuống một cái thùng đặt bên dưới sau đó được chuyển sang bếp nấu với những chiếc chảo gang đã nóng. Trung bình mỗi bận, nấu được khoảng 60 lít mật.”
  23. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  24. Bài ca dao được cho là nói về làng Bảo An, xưa là một làng nghề nổi tiếng với nghề làm đường.
  25. Chợ Phố Châu
    Chợ thuộc địa phận Phố Châu, nay là thị trấn huyện lỵ của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

    Chợ Phố Châu ngày nay

    Chợ Phố Châu ngày nay

  26. Nốc
    Cổ ngữ Việt chỉ thuyền, ghe. Ngày nay chỉ thuyền nhỏ, còn dùng ở miền Bắc Trung Bộ.
  27. Hà Tân
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hà Tân, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Động Đình
    Một hồ lớn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa. Theo huyền sử, Kinh Dương Vương lấy con gái của Long Vương hồ Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân là thủy tổ của dân tộc Việt.
  29. Tiền Đường
    Sông Tiền Đường, còn có tên cổ là Chiết Giang, Khúc Giang hay Chi Giang, là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, chảy ra vịnh Hàng Châu. Sông Tiền Đường bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa hai tỉnh An Huy và Giang Tây, chảy qua Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là địa bàn của nước Việt cổ trong lịch sử Trung Hoa, là nơi phát nguyên của văn hóa Việt bên Trung Hoa. Về cơ bản, con sông này chảy theo hướng tây nam-đông bắc.
  30. Võng đào
    Võng bằng vải màu đỏ tươi, dành cho người có chức tước, địa vị.
  31. Sử xanh
    Ngày xưa khi chưa có giấy, sử sách được chép lên miếng tre trúc, có vỏ màu xanh, nên được gọi là sử xanh (thanh sử).

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

  32. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  33. Thăng Long
    Tên cũ của Hà Nội từ năm 1010 - 1788. Tương truyền Lý Thái Tổ khi rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên mới gọi kinh đô mới là Thăng Long (rồng bay lên). Ngày nay, tên Thăng Long vẫn được dùng nhiều trong văn chương và là niềm tự hào của người dân Hà Nội.

    Ai về xứ Bắc ta đi với
    Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
    Từ độ mang gươm đi mở cõi
    Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

    (Huỳnh Văn Nghệ)

    Trong thơ văn cổ, Thăng Long cũng được gọi là Long Thành (kinh thành Thăng Long), ví dụ tác phẩm Long Thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) của Nguyễn Du.

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

  34. Phố Dương
    Một huyện cổ thuộc quận Cửu Đức (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Đời Tấn Vũ Đế tách lập huyện Phố Dương thành hai làng là Phố Châu và Phúc Dương, nay thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  35. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  36. Trù
    Trầu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  37. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  38. Nhái bầu
    Tên chung của một số loài nhái có bụng to, lưng thường có màu nâu tối, đôi khi có hoa văn.

    Nhái bầu trơn

    Nhái bầu trơn

  39. Chàng hiu
    Còn gọi là chàng hương, chàng cương, chẫu chàng, nhái bén, một loài thuộc họ ếch nhái, mình nhỏ, chân dài, sống ở đồng ruộng, ao hồ hoặc trên cây.

    Chàng hiu

    Chàng hiu

  40. Thậm
    Rất, lắm.
  41. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  42. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  43. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  44. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  45. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  46. Mường Thanh
    Một địa danh thuộc huyện Điện Biên, có tên gọi bắt nguồn từ "Mường Then," theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời," gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Đây là "đất tổ" của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á. Tại đây có cánh đồng Mường Thanh, cánh đồng lớn nhất vùng núi Tây Bắc. Hiện nay Mường Thanh cũng là tên một phường thuộc thành phố Điên Biên Phủ.

    Cánh đồng Mường Thanh

    Cánh đồng Mường Thanh

  47. Mường Lò
    Một địa danh nay thuộc địa phận thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Tại đây có cánh đồng Mường Lò, cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc (sau Mường Thanh).

    Thung lũng Mường Lò

    Thung lũng Mường Lò

  48. Mường Than
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Tại đây có cánh đồng Mường Than, cánh đồng lớn thứ ba của vùng núi Tây Bắc.
  49. Mường Tấc
    Tên một cánh đồng nằm ở vị trí trung tâm huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Cánh đồng Mường Tấc rộng thứ tư trong số các cánh đồng ở Tây Bắc.
  50. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  51. Trống chầu
    Loại trống lớn thường được đặt trên giá gỗ, đánh bằng dùi lớn trong các buổi hát bội, lễ hội đình chùa. Lưu ý: phân biệt với loại trống chầu gõ trong các buổi hát ả đào ở miền Bắc.

    Trống chầu

    Trống chầu

  52. Múa bông
    Cũng gọi là múa bài bông, một cách múa trong lễ lên đồng, trong đó người múa (con hát) đeo trên vai hai ngọn đèn làm hình hoa sen thắp lên rồi vừa múa vừa tiến lui ngang dọc.

    Một thằng đầu trọc ngồi khua mõ
    Hai ả tròn xoe đứng múa bông

    (Ông sư và mấy ả lên đồng - Tú Xương)

  53. Tâu rỗi
    Tâu gởi mà cứu ai, hoặc cho ai khỏi chết. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)