Tìm kiếm "Bông"

Chú thích

  1. Gòn
    Còn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

    Cây và quả gòn

  2. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  4. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  5. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Cá kèo
    Còn gọi là cá bống kèo, là loài cá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ. Cá kèo có đầu nhỏ hình chóp, thân hình trụ dài, dẹp dần về phía đuôi, có màu ửng vàng, nửa trên của thân có chừng 7-8 sọc đen hướng hơi xéo về phía trước, các sọc này rõ dần về phía đuôi. Cá kèo sống chui rúc trong bùn và đào hang để trú. Thịt cá kèo mềm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như lẩu cá kèo, cá kho tộ, cá kho rau răm, cá kèo nướng....

    Cá kèo nướng ống trúc

    Cá kèo nướng ống sậy

  7. Cố tri
    Người quen biết cũ (từ Hán Việt).

    Xưa từng có xóm có làng
    Bà con cô bác họ hàng gần xa
    Con trâu, con chó, con gà
    Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri.

    (Mộc mạc - Võ Phiến)

  8. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  9. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  10. Có bản chép: Đầu làng con chó sủa dai.
  11. Nguyệt sơn đài
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nguyệt sơn đài, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  12. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  13. Quỳnh tương
    Lấy từ Quỳnh tương ngọc dịch. Quỳnh là ngọc đẹp, còn tươngdịch là cách gọi chất lỏng. Thành ngữ này có nghĩa là "rượu làm bằng ngọc đẹp." Người xưa cho rằng rượu làm từ ngọc ra mà uống thì có thể thành tiên. Quỳnh tương vì thế chỉ loại rượu rất quý.

    Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
    Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân

    (Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến)

  14. Nồi bộng
    Nồi đất cỡ to, miệng rộng (phương ngữ).
  15. Lưa
    Còn sót lại (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  16. Sùng
    Bị sâu, bị thối. Sùng cũng có nghĩa là sâu.
  17. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  18. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  19. Lương
    Hiền lành, tử tế (từ Hán Việt).
  20. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  21. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  22. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  23. Tương truyền thuở thiếu thời, trước khi được vua Nghiêu của nhà Đường Nghiêu truyền ngôi cho, ông Thuấn thường phải đi cày đất làm ruộng ở Lịch Sơn, huyện Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
  24. Chu Mãi Thần
    Một nhân vật đời Hán ở Trung Quốc. Điển tích kể rằng thuở hàn vi, nhà nghèo, Mãi Thần phải đi đốn củi rừng đem bán nhưng có tính ham đọc sách, thường treo sách đầu gánh, vừa đi vừa đọc. Vợ là Thiệt Thê không chịu nổi cảnh nghèo túng, bỏ đi lấy chồng khác. Sau Mãi Thần được công thành danh toại, trên đường vinh quy thì gặp lại vợ cũ. Thiệt Thê xin tha lỗi, cho nàng trở lại làm vợ. Mãi Thần lấy bát nước đầy, đổ xuống đất, bảo nếu hốt lại đầy bát nước như trước, sẽ nhận nàng về làm vợ như xưa.

    Chèo cổ Việt Nam có vở Chu Mãi Thần ra đời vào thế kỉ 19, không rõ tác giả. Đến nay, người ta chỉ còn trích diễn một vở hài phát triển trên vở này có tên Tuần ti đào Huế.

    Vở chèo Tuần ti đào Huế.

  25. Phạm Trọng Yêm
    Một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống, Trung Quốc. 
  26. Hàn Tín
    Một danh tướng thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, có công giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Ông cùng với Trương LươngTiêu Hà được đời sau xưng tụng là Hán triều tam kiệt (ba vị hào kiệt nhà Hán). Sau khi thiên hạ bình định, Hán Cao Tổ Lưu Bang vì e ngại tài năng của Hàn Tín nên giáng chức ông xuống thành Hoài Âm hầu, tước quyền bính. Đến năm 196 TCN, Hàn Tín mưu phản, bị Lã Hậu giết cả ba họ.

    Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín là một trong những danh tướng được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều điển tích, điển cố như cơm phiếu mẫu, lòn trôn giữa chợ, câu nói "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn..." là từ ông mà ra.

  27. Đồng chạng
    Cùng lứa, cùng tuổi (phương ngữ Nam Bộ). Chạng là cách đọc trại của trượng.
  28. Lủi
    Chui, lẩn, giấu mặt.
  29. Non Bồng
    "Non Bồng nước Nhược," ý nói cõi tiên, cảnh tiên. "Non Bồng" dịch từ "Bồng sơn," ngọn núi trên đảo Bồng Lai. Tương truyền, Bát Tiên (tám vị tiên trong thần thoại Trung Quốc, gồm: Hán Chung Li, Lã Động Tân, Tào Quốc Cữu, Trương Quả Lão, Lam Thái Hòa, Lý Thiết Quài, Hàn Tương Tử, Hà Tiên Cô) ở trong tám động trên đảo Bồng Lai. "Nước Nhược" dịch từ "nhược thủy," nghĩa là nước yếu. Tương truyền, quanh đảo Bồng Lai là biển Nhược Thủy, nước ở đây yếu đến nỗi không đỡ nổi một hạt cải, nghĩa là bỏ hạt cải trên biển Nhược Thủy thì hạt cải chìm xuống.

    Bát tiên

    Bát tiên

  30. Sơn cước
    Chân núi, hoặc miền núi nói chung.
  31. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  32. Lia thia
    Còn được gọi với các tên cá thia thia, cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt, có kích cỡ nhỏ, vảy khá sặc sỡ nên thường được nuôi làm cảnh.

    Cá thia thia

    Cá lia thia

  33. Đá bóng
    (Cá lia thia) đá với cái bóng của mình hiện ra trong tấm kính đặt đối diện họăc đá với bóng con lia thia khác đựng trong chai lọ sát bên. Lia thia được trong những keo, lọ, chai để san sát nhau, giữa có những tấm giấy bìa ngăn cách.Thỉnh thoảng, người ta lại rút tấm giấy bìa cho hai con lia thia đá bóng với nhau.
  34. Keo
    Lọ làm bằng thủy tinh hoặc , thường dùng để được nước hoặc các loại mắm.
  35. Khướu
    Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.

    Chim khướu

    Chim khướu

  36. Chợ Cầu Mống
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tại đây có đặc sản bê thui Cầu Mống rất nổi tiếng.

    Bê thui Cầu Mống

    Bê thui Cầu Mống

  37. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  38. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  39. Hát chầu văn
    Còn gọi là hát văn hay hát bóng, một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát chầu văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan, và chỉ phát triển trở lại từ những năm 1990. Hiện nay, hát chầu văn được xem như một di sản văn hóa phi vật thể.

    Hát chầu văn

    Hát chầu văn

    Nghe Những bài hát chầu văn hay nhất của nghệ sĩ Xuân Hinh.

  40. Khăn chầu áo ngự
    Cách gọi chung của những trang phục hầu đồng, tế lễ, được các ông đồng bà cốt mặc trong những buổi hát chầu văn, để các chư thánh giá ngự. Những trang phục này có nhiều họa tiết rồng phượng, được chia thành các thứ bậc: màu đỏ cờ là ngôi đệ nhất, màu xanh lá cây tươi là ngôi thứ hai, màu trắng là ngôi thứ ba...

    Khăn chầu áo ngự

    Khăn chầu áo ngự

  41. Cung văn
    Người làm nghề hát chầu văn trong buổi lên đồng.

    Cung văn

    Cung văn

  42. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  43. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  44. Sâm Thương
    Sâm và Thương, hai ngôi sao theo thiên văn học Trung Quốc. Sao Sâm là ngôi sao thứ 7 trong chòm Bạch Hổ, sao Thương (còn gọi là Tâm) là ngôi sao thứ 5 trong chòm Thương Long, đều thuộc Nhị thập bát tú (hai mươi tám vì sao sáng, một khái niệm của Trung Hoa cổ đại). Hai ngôi sao này nằm đối nhau trên bầu trời, vì vậy không bao giờ xuất hiện cùng một lúc. Trong văn học cổ, người ta thường dùng hình ảnh Sâm Thương để chỉ sự xa xôi cách trở, khó lòng gặp lại nhau hoặc không thể gặp nhau được.

    Có ý kiến khác cho rằng Sâm, Thương là hai tên khác của Hôm, Mai (cùng là tên của sao Kim) nhưng ý kiến này không vững.

  45. Uyên ương
    Loại vịt sống từng cặp với nhau. Người ta thường gọi con trống là uyên, con mái là ương. Con trống thường có bộ lông đặc biệt rực rỡ. Đôi uyên ương sống không rời nhau và rất chung thủy với nhau. Tương truyền nếu một trong hai con chết thì con còn lại cũng nhịn đói chết theo.

    Đôi chim uyên ương

    Đôi chim uyên ương

    Ở một số vùng Nam Bộ, người ta cũng đọc trại "uyên ương" thành oan ương. Uyên ương cũng có tên khác là bồng bồng.

  46. Hồng Đô
    Gọi tắt là làng Hồng, một làng thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng có nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm là trồng dâu nuôi tằm và dệt nhiễu.

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

  47. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  48. Vạc
    Một làng nay thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  49. Đồ
    Từ tục, chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
  50. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  51. Cung đàn
    Người làm nghề đàn trong những buổi hát chầu văn.
  52. Đức ông ở đây là vị thánh sẽ "giá ngự" vào xác bà đồng.