Tìm kiếm "tiếng vọng"

Chú thích

  1. Nghĩa Đô
    Địa danh nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước năm 1942, vùng này thuộc tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sau khi giải phóng Thủ đô (10/1954), Nghĩa Đô sáp nhập với xã An Thái (gồm cả phường Bái Ân cũ) thành xã Thái Đô, quận V. Đến năm 1961 cắt làng An Thái thuộc quận Ba Đình, còn lại xã Nghĩa Đô thuộc huyện Từ Liêm. Nghĩa Đô gồm bốn thôn (làng) cũ là: Tiên Thượng (làng Tân), Trung Nha (làng Nghè), Vạn Long (làng Dâu) và An Phú, trong đó làng An Phú nổi tiếng với nghề nấu kẹo mạch nha và dệt lĩnh lụa, làng Nghè nổi tiếng nghề làm giấy sắc phong.
  2. Tịnh Khê
    Tên một xã thuộc thành phố Quảng Ngãi. Tại đây có thắng cảnh bãi biễn Mỹ Khê.

    Bãi biển Mỹ Khê

    Bãi biển Mỹ Khê

  3. Nam Diêu
    Tên một làng thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Làng được coi là tổ địa của nghề gốm Thanh Hà và cũng là làng duy nhất còn lại tiếp tục làm gốm cho đến ngày nay.

    Lễ cúng tổ nghề gốm ở Nam Diêu

    Lễ cúng tổ nghề gốm ở Nam Diêu

  4. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  5. Nhà nho
    Tên gọi chung của những người trí thức theo Nho giáo ngày xưa.
  6. Lạng Giang
    Tên một phủ xưa là một vùng rộng gồm các huyện Yên Dũng, Phượng Nhởn, Lục Ngạn, Yên Thế, Hữu Lũng, Bảo Lộc thuộc trấn Kinh Bắc thời nhà Lê.
  7. Cai Đông
    Một tướng tài của Cai Vàng, hi sinh lúc quân triều đình chiếm lại Lạng Giang.
  8. Cai Vàng
    Nguyễn Văn Thịnh (hay Nguyễn Thịnh), tục danh là Vàng, vì có thời làm cai tổng nên được gọi là Cai Vàng hay Cai Tổng Vàng. Năm 1862, lấy danh nghĩa "phù Lê," ông khởi binh chống lại triều đình Tự Đức ở vùng Bắc Ninh vào năm 1862. Ông tử trận ngày 30 tháng 8 năm đó, nhưng với tài chỉ huy của người vợ thứ (tục gọi là Bà Ba Cai Vàng), cuộc nổi dậy do ông khởi xướng vẫn tồn tại cho đến tháng 3 năm sau mới chấm dứt.
  9. Thái Yên
    Làng mộc nổi tiếng từ lâu đời, nay là một xã thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  10. Điêu Thuyền
    Một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc. Sắc đẹp của Điêu Thuyền được ví như "bế nguyệt" (khiến trăng xấu hổ phải giấu mình đi). Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Vương Doãn lập kế gả Điêu Thuyền cho Đổng Trác hòng li gián Trác với con nuôi là Lã Bố, kết cục Lã Bố giết Đổng Trác rồi sau lại bị Tào Tháo giết chết. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhân vật Điêu Thuyền trong lịch sử vẫn còn nhiều hoài nghi.

    Điêu Thuyền

    Điêu Thuyền

  11. Lã Bố
    Cũng gọi là Lữ Bố, tự là Phụng Tiên, một tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ở nước ta, Lã Bố được biết tới chủ yếu qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, trong đó ông là một đại tướng vô cùng dũng mãnh, cưỡi ngựa Xích Thố, cầm phương thiên họa kích, có sức mạnh hơn cả Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân... Ông cũng được mô tả là một người khôi ngô tuấn tú, sánh cùng đại mĩ nhân là Điêu Thuyền.

    Lã Bố (đồ họa vi tính)

    Lã Bố (đồ họa vi tính)

  12. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  13. Hai Huế
    Tên một hiệu ăn ở Hội An xưa, nằm sát chùa Ông Bổn.
  14. Trang
    Thôn xóm, ruộng nương, nhà cửa ở vùng quê, vườn trại (từ Hán Việt).
  15. Lộng
    Vùng biển gần bờ, phân biệt với khơi.
  16. Lộc Châu
    Địa danh trước kia là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  17. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Phú Trung
    Địa danh nay thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
  19. Phú Tài
    Địa danh trước đây là một thôn thuộc xã Phước Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 1986, xã Phước Thạnh được sáp nhập vào thành phố Quy Nhơn, khu vực này trở thành ngã ba Phú Tài.
  20. Cơm khê
    Cơm nấu quá lửa, có mùi khét.
  21. Trần Hàn
    Sinh khoảng 1877, mất năm 1928, người làng Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông còn có tên là Trần Luyện, tên chữ là Tinh Kim, là con thứ chín của ông Trần Chánh Nghị (tục gọi là ông Quyền Liệu, hay Trần Liệu). Trần Hàn là người hát hò khoan nổi danh của xứ Quảng ngày trước.
  22. Xuân Quê
    Một làng nay thuộc địa phận xã Quế Long, huyện Quế Sơn, Quảng Nam.
  23. Hò khoan
    Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  24. Sứ
    Một chức quan cai trị người Pháp đứng đầu trong một tỉnh dưới thời Pháp thuộc.
  25. “Đồn lầu” nói lái lại thành “đầu l…”
  26. Chấp sự giả các tư kì sự dã
    Nguyên là “Chấp sự giả các tư kì sự,” nghĩa là (mời) những người chấp sự (người phục vụ việc dâng rượu, dâng hương, phúng văn tế…) vào vị trí công việc của mình. Đây là một câu thông xướng vào đầu các nghi lễ ở làng xã.
  27. Đồng triều
    Cánh đồng ở vùng đất ngập nước ven biển, hình thành từ bùn do sông và thuỷ triều mang tới. Đồng triều chủ yếu được dùng để nuôi trồng thủy hải sản.
  28. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  29. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  30. Chấn
    Cắt rời (bằng dao, đục…).
  31. Mộng
    Một chi tiết kĩ thuật dùng để ghép các thanh gỗ lại với nhau. Người thợ mộc đục gỗ thành một bên lồi (凸) và một bên lõm (凹) gọi là "mộng" và "lỗ mộng," hai phần này ghép khít lại sẽ giúp cố định các thanh gỗ mà không cần đinh.

    Gỗ ghép bằng mộng

    Gỗ ghép bằng mộng

  32. "Mộng lò" phát âm giọng Huế có thể nói lái lại thành "mọ l."
  33. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  34. Câu này trong cuốn Về cội về nguồn, quyển III, Lê Gia giải thích: người mắc bệnh lậu khi đi tiểu tiện bị đau buốt, phải rên la "Ôi cha, chặc, chặc, chặc! Đau quá!", tiếng rên giống như tiếng gọi cha và ba tiếng đánh lưỡi gọi chó.
  35. Tày
    Bằng (từ cổ).