Tìm kiếm "mặt gương"

Chú thích

  1. Mất hút con mẹ hàng lươn
    Lươn trơn tuột, khó nắm bắt, từ đó mở rộng ra "con mẹ hàng lươn" (người đàn bà bán lươn) mà mất hút thì khó lòng tìm thấy. Chỉ những người (thường là lừa đảo) xong việc thì đi mất, không cách nào tìm lại được.
  2. Mạt cưa mướp đắng
    Người bán cám trộn lẫn mạt cưa giả làm cám, người bán dưa lấy mướp đắng giả làm dưa. Chỉ sự lừa lọc, bịp bợm.
  3. Xúp lê
    Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
  4. Tàu kéo ba hồi còi cách nhau. Hồi một là chuẩn bị. Hồi hai là thúc giục khách lên tàu. Hồi ba là lúc nhổ neo.
  5. Tài công
    Người phụ trách lái tàu, thuyền chạy bằng máy. Từ này có gốc từ giọng Quảng Đông của "tải công."
  6. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  7. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  8. Trấu
    Lớp vỏ cứng đã tách ra của hạt thóc.

    Trấu

    Trấu

  9. Hầm
    Nấu chín kĩ. Ở miền Bắc, những món hầm được gọi là món ninh.
  10. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  11. Trong chay ngoài bội
    Những đám lễ lớn, bên trong làm cỗ chay, bên ngoài dựng rạp mời đoàn hát bội. Cụm từ "trong chay ngoài bội" chỉ những cảnh bận bịu rộn ràng.

    Hát bội

    Hát bội

  12. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.
  13. Dưa hồng thường được trồng vào mùa nắng, trời càng nắng quả dưa chín càng ngọt. Nếu gặp trời mưa thì vị dưa sẽ nhạt.
  14. Cá mương
    Một loại cá sông, thân dài khoảng 10 đến 15 cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn. Cá mương sống và di chuyển thành từng đàn, thường được đánh bắt để làm các món nướng, canh chua...

    Cá mương nướng

    Cá mương nướng

  15. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  16. Có bản chép: cá liệt.
  17. Cá hồng
    Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.

    Cá hồng biển

    Cá hồng biển

  18. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  20. Có bản chép: mảng sầu.
  21. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  22. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  23. Có bản chép: Cho sông cạn nước đôi đàng biệt ly.
  24. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  25. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  26. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  27. Quan san
    Cửa ải (quan) và núi non (san), cũng nói là quan sơn (từ Hán Việt). Trong văn chương, quan san thường được dùng để chỉ đường sá xa xôi, cách trở.

    Người lên ngựa, kẻ chia bào
    Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

    (Truyện Kiều)

  28. Bâu
    Cổ áo.
  29. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  30. Thinh thinh
    Thênh thênh (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  31. Dao lá trúc
    Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
  32. Tứ bề
    Bốn bề, xung quanh.
  33. Đèo bòng
    Mang lấy vào mình cái làm cho vương vấn, bận bịu thêm (thường nói về tình cảm yêu đương).
  34. Đường rầy
    Đường ray (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cả hai từ này đều có gốc từ tiếng Pháp rail.
  35. Xe lửa
    Tàu hỏa (phương ngữ miền Trung và Nam Bộ).
  36. Xe lửa Sài Gòn
    Vào đầu thế kỉ 20, người Pháp đã tiến hành xây dựng một mạng lưới giao thông đường sắt hoàn chỉnh kết nối Sài Gòn với những tỉnh thành phụ cận. Cuối năm 1881, hệ thống xe lửa nhẹ nối liền hai khu vực chính của thành phố là Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu họat động, ban đầu chạy bằng hơi nước, sau đó chạy bằng điện. Mạng lưới này dần dần được mở rộng, lan tới Gò Vấp rồi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một.
    Nổi tiếng hơn là tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 70 kí-lô-mét, khởi hành từ chợ Bến Thành, quan Bình Chánh, Bến Lức, Tân An rồi đến ga chính ở Mỹ Tho (gần vườn hoa Lạc Hồng ngày nay). Vào thời gian đầu, khi chưa có cầu Bến Lức và cầu Tân An, cả đoàn tàu phải xuống phà đế băng qua hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tuyến đường này khánh thành vào giữa năm 1885, tồn tại 73 năm, đến năm 1958 thì ngừng hoạt động.
    Nhiều dấu tích của mạng lưới đường sắt nội thị ngày xưa cũng như của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho như đường rày, cầu, giếng nước vẫn còn tồn tại.

    Xe lửa nhẹ (tramway) nối liền Sài Gòn - Gia Định

  37. Cầu Bình Điền
    Một cây cầu thép được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, bắc ngang qua sông Bình Điền (nay thuộc địa phận huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) cho xe lửa chạy tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. Sau này Việt Minh phá đường ray đoạn Bình Chánh - Gò Đen, xe lửa không chạy được nữa, nên Pháp xây thêm cây cầu mới bê tông dầm thép tại vị trí cầu Bình Điền ngày nay để lưu thông đường bộ.
  38. Nghiêng triền
    Nghiêng qua một bên (phương ngữ Nam Bộ).
  39. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).