Tìm kiếm "Giường"

  • Ốc bực mình ốc

    Ốc bực mình ốc
    Nó vặn nó vẹo
    Bèo bực mình bèo
    Lênh đênh mặt nước
    Nước bực mình nước
    Tát cạn cấy khoai
    Khoai bực mình khoai
    Đào lên cấy xuống
    Muống bực mình muống
    Ngắt ngọn nấu canh
    Anh bực mình anh
    Vợ con chưa có
    Đêm nằm vò võ
    Một xó giường không
    Hỏi giường có bực mình không hỡi giường ?

  • Ước gì anh hóa ra hoa

    Ước gì anh hóa ra hoa,
    Để em nâng lấy rồi mà cài khăn.
    Ước gì anh hóa ra chăn,
    Để cho em đắp, em lăn cùng giường.
    Ước gì anh hóa ra gương,
    Để cho em cứ ngày thường em soi.
    Ước gì anh hóa ra cơi,
    Để cho em đựng cau tươi trầu vàng.

    Dị bản

    • Ước gì anh hóa ra hoa
      Ðể em nâng lấy rồi mà cài khăn
      Ước gì anh hóa ra chăn
      Ðể cho em đắp em lăn cùng giường
      Ước gì anh hóa ra gương
      Ðể cho em cứ vấn vương soi mình

  • Em đi đâu đào liễu một mình

    Em đi đâu đào liễu một mình
    Để ai nặn khối chung tình trong tâm
    Đêm qua vắng khách tri âm
    Vắng hoa luống những âm thầm cỗi cây
    Đêm đêm ngồi tựa cành cây
    Than thân với bóng, bóng rày chẳng có thương ta
    Đêm đêm rước bóng lên giường
    Ngọn đèn thấp thoáng nửa thương nửa sầu

  • Thứ bảy thời bao cấp

    Chồng:
    Cắt cơm
    Bơm xe
    Nghe thời tiết
    Liếc đồng hồ
    Thồ bao gạo
    Cạo bộ râu
    Xâu quai dép
    Tránh mặt sếp
    Tót lên yên
    Guồng như điên
    Về với vợ

    Vợ:
    Mau tắm rửa
    Sửa lông mày
    Thay quần áo
    Báo thêm cơm
    Bơm nước hoa
    Xoa thêm phấn
    Quấn lại tóc
    Bóc coóc-xê
    Kê chân giường
    Giương mắt đợi
    Kêu ối ối

  • Bước sang tháng sáu giá chân

    Bước sang tháng sáu giá chân
    Tháng chạp nằm trần bức đổ mồ hôi
    Con chuột kéo cày lồi lồi
    Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong
    Vườn rộng thì thả rau rong
    Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa
    Đàn bò đi tắm đến trưa
    Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương
    Voi kia nằm dưới gậm giường
    Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn

  • Anh A tuổi Tí

    Anh A tuổi Tí
    Chị B tuổi Thìn
    Hai người đồng tình
    Gia đình đồng ý
    Lên Ban quản lí
    Xin cho chữ kí
    Quản lí không cho
    Hai người hét to
    “Độc lập tự do
    Không cho cũng lấy”
    Một con lợn béo
    Một bó rau thơm
    Anh A ăn trước
    Chị B ăn sau
    Hai người hôn nhau
    Ôm nhau vào giường
    Tù ti tú tí

  • Nhà anh thật khó, không giàu

    Nhà anh thật khó, không giàu
    Có lời trước, kẻo sau phàn nàn
    Nhà anh chỉ có một gian
    Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
    Nồi đất anh treo tứ phương
    Chổi cùn, chiếu rách đầy giường em ơi
    Không tin, em về mà coi
    Chả rồi em bảo là người nói ngoa
    Nhà anh có một vườn hoa
    Bốn cây cứt lợn xinh đà nên xinh
    Trong nhà sập gụ mới tinh
    Niễng chui vào bếp, gập ghềnh ba chân
    Em lấy anh sung sướng nhất trên trần!

    Dị bản

    • Anh đây thật khó, không giàu,
      Anh xin nói trước, kẻo sau phàn nàn
      Nhà anh chỉ có một gian,
      Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
      Trời làm một trận mưa tuôn,
      Nửa bếp cũng đổ, nửa buồng cũng xiêu.

  • Giời làm chết đói tháng ba

    Giời làm chết đói tháng ba
    Người thì bán cửa bán nhà để ăn
    Người thì bán áo bán khăn
    Bán đi cho sạch, cốt ăn sống người
    Người thì bán mâm bán nồi
    Người thì bán cả đồ chơi trong nhà
    Người thì bán đất bán nhà
    Người thì bán cả mâm xà bát hương
    Người thì bán sập bán giường
    Có người bán chĩnh làm tương độ chầy
    Giời ơi đất hỡi có hay?

  • Lặng nghe kể ngược

    Lặng nghe kể ngược
    Hươu đẻ dưới nước
    Cá ở trên núi
    Đựng phân bằng túi
    Đựng trầu bằng gơ
    Bể thì có bờ
    Ruộng thì lai láng
    Hàng xẩm thì sáng
    Tối mịt thì đèn
    Hũ miệng thì kèn
    Loa miệng thì lọ
    Cân cấn thì to
    Con voi bé tí

  • Bây giờ túng lắm em ơi

    Bây giờ túng lắm em ơi
    Bán hết cái nồi cho chí cái vung
    Còn mười thước ruộng ngoài đồng
    Cửa nhà sạch hết trông mong nỗi gì
    Còn được cái ổ lợn con
    Nuôi chi ngoắt nghéo gầy mòn khốn thân
    Ăn thì chả có mà ăn
    Bán đi trả nợ cho xong, mẹ mày
    Kẻo mà nó kẹp đêm nay
    Đôi chân kẹp phản, đôi tay kẹp giường
    Giá nhà tôi đáng một nghìn
    Cầm bằng mấy chục cho liền đêm nay
    Bảy chục chẳng đủ nợ này
    Hai chân kẹp phản, hai tay kẹp giường
    Lạy ông tha kẹp cho tôi chạy tiền
    Tôi về tôi bán vợ tôi
    Lấy ba chục nữa cho đầy một trăm

  • Một giờ ra ngõ ngó trông

    Một giờ ra ngõ ngó trông
    Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
    Hai giờ ra đứng đầu làng
    Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
    Ba giờ giả chước đi chơi
    Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
    Bốn giờ gió ủ mây che
    Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
    Năm giờ dời gót về nhà
    Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
    Sáu giờ đèn hạt lưu ly
    Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
    Bảy giờ dọn dẹp trong giường
    Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
    Tám giờ tim lửng, dầu hao
    Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
    Chín giờ nghĩ giận phận mình
    Trách răng căn số của mình mần ri
    Mười giờ còn biết nói chi
    Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
    Mười một giờ mây lạc trăng chênh
    Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
    Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
    Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai.

  • Trong nhà anh lát đá hoa

    Trong nhà anh lát đá hoa
    Chân tảng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
    Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
    Hai bên bức thuận anh chạm tứ linh rồng chầu
    Nhà anh kín trước rào sau
    Tường xây bốn mặt hơn đâu hỡi nàng
    Nhà anh vóc nhiễu nghênh ngang
    Nhiễu điều lót áo cho nàng đi chơi
    Áo này anh sắm mười đôi
    Bộ ba áo nhiễu mặc chơi ngày thường
    Dù nàng có bụng nàng thương
    Thì anh quyết đóng bốn thang giường gỗ lim

  • Em có thương anh, anh mới dám đón ngăn

    Em có thương anh, anh mới dám đón ngăn
    Em có thương anh, anh mới dám mở khăn ăn trầu
    Thương nhau vì bởi miếng trầu
    Em trao anh bắt, tận đầu ngón tay
    Anh thương em, thương đắng thương cay
    Thương da thương diết, thương ngày rày em biết không?
    Tài gì uống rượu không nồng
    Ngậm bồ hòn không biết đắng, dạ luống trông ưu phiền?

  • Đêm qua trăng sáng mập mờ

    Đêm qua trăng sáng mập mờ
    Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
    Vào vườn trẩy quả cau xanh
    Bổ ra làm sáu trình anh xơi trầu
    Trầu này têm những vôi tàu
    Ở giữa đệm quế, đôi đầu thơm cay
    Mời anh xơi miếng trầu này
    Dù mặn dù nhạt, dù cay dù nồng
    Dù chẳng nên đạo vợ chồng
    Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
    Cầm lược lại nhớ tới gương
    Cầm khăn nhớ túi, nằm giường nhớ nhau

    Dị bản

    • Sáng trăng, sáng tỏ mập mờ,
      Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
      Vô vườn bẻ trái cau xanh
      Bửa làm sáu miếng mời anh ăn trầu
      Trầu em trầu thảm trầu sầu,
      Ở giữa thì quế, hai đầu sâm nhung

    • Sớm mai gánh nước mờ mờ
      Đi qua ngõ giữa tình cờ gặp anh
      Vào vườn hái quả cau xanh
      Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu
      Trầu nầy ăn thật là cay
      Dù mặn dù lạt dù cay dù nồng
      Dù chẳng nên vợ nên chồng
      Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
      Cầm lược thì nhớ tới gương
      Cầm trầu nhớ túi, nằm giường nhớ nhau

  • Lại đây anh nói câu này

    Lại đây anh nói câu này
    Cưới em nhà ngói anh xây ba toà
    Trong nhà anh lót đá hoa
    Chân táng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
    Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
    Hai bên bức thuận tứ linh rồng chầu
    Nhà anh kín trước rào sau
    Tường xây bốn mặt, hào sâu rõ ràng
    Trong rương vóc nhiễu nghênh ngang
    Nhiễu điều lót áo, cho nàng đi chơi
    Áo dài sắm đủ mười đôi
    Chăn hoa đệm gấm tiện nghi trên giường
    Nếu mà nàng có lòng thương
    Thì anh lại đóng cái giường gỗ lim

  • Vè kể giăng

    Mồng một cho tới mồng năm
    Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
    Mồng sáu, mồng bảy trở đi
    Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
    Mồng chín giăng ánh vườn đào
    Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
    Mười một sáng cả vườn dâu
    Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
    Mười ba giăng gió giữ duyên
    Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
    Gặp giăng em hỏi em chơi
    Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
    Đến rằm giăng đã lên cao
    Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
    Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
    Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
    Mười chín em định em ngồi
    Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
    Kể từ hăm mốt nửa đêm
    Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
    Cuối tháng giăng xuống biển sâu
    Ba mươi mồng một ai cầu được giăng

  • Tháng Giêng xuân tuyết mau mưa

    Tháng giêng xuân tuyết mau mưa
    Nhớ chàng những lúc sớm trưa vui cười
    Tháng hai hoa đã nở rồi
    Nhớ chàng em phải đứng ngồi thở than
    Tháng ba nắng lửa mưa dầu
    Nhớ chàng em những âu sầu chả tươi
    Tháng tư sấm giục mưa rơi
    Nhớ chàng thơ thẩn ra chơi vườn cà
    Tháng năm gặt hái rồi rà
    Nhớ chàng như thể nhớ hoa trên cành

  • Trực nhìn đầu non hoa nở

    Trực nhìn đầu non hoa nở
    Cảm thương mụ vợ không con
    Cớ mần răng khô héo hao mòn
    Sợ e thác nhục, xương còn bọc da
    Ra đường thấy vợ người ta
    Mập mịa chắc chắn, vợ nhà khô khan
    Đêm nằm tôi thở, tôi than
    Cầu trời, khấn Phật cho nàng sinh thai
    Bất kỳ con gái, con trai
    Sanh đặng một chút hôm mai thỏa lòng
    Vợ chồng tôi cui cút một mình
    Không con có của, để dành ai ăn?
    Vừa may sinh đặng một thằng

Chú thích

  1. Cùng
    Khắp, che phủ hết.
  2. Cơi trầu
    Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  3. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  4. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  5. Coóc-xê
    Áo ngực của phụ nữ, cũng phát âm là coọc-xê (từ tiếng Pháp corset).
  6. Giá
    Lạnh buốt.
  7. Cong
    Đồ đựng nước hoặc gạo, làm bằng sành, hông phình, miệng rộng, hình dáng như cái .
  8. Vãi
    Ném vung ra.
  9. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  10. Rau thơm
    Tên chung dùng để chỉ các loại rau ăn được (có thể là rau, củ, quả thơm), được trồng hoặc hái từ tự nhiên, có mùi thơm đặc biệt tùy theo loại do các tinh dầu trong rau bay hơi tạo thành. Thơm còn là tên gọi tắt của người Hà Nội dành cho loại húng thơm mà nổi tiếng nhất là húng Láng.
  11. Cứt lợn
    Còn có tên là cỏ hôi hoặc cây bù xít, một loại cây mọc hoang có mùi rất hắc. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng; thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...

    Cây cứt lợn

    Cây cứt lợn

  12. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  13. Niễng
    Có nơi gọi là mễ, đà, dụng cụ dùng để kê sập, kê phản.
  14. Niễng bị hỏng, đã cho vào bếp làm củi đun, nên sập chỉ còn có ba chân, gập ghềnh.
  15. Tháng ba và tháng bảy, tháng tám là hai thời kì giáp hạt trong năm.
  16. Mâm xà
    Loại mâm thờ chân cao, không có nắp.
  17. Bình hương
    Loại lọ bằng gỗ, sành hoặc sứ, thường có hoa văn, để cắm và thắp nhang trên bàn thờ hoặc những chỗ thờ cúng khác. Tùy theo hình dạng mà bình hương cũng gọi là bát hương hoặc nồi hương.

    Bát hương và cặp lọ trang trí

    Bát hương và cặp lọ trang trí

  18. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  19. Độ chầy
    Lần hồi qua ngày. Như độ nhật.
  20. Nước rặc về Đông: Nước rặc là cạn xuống, nước ròng. Về Đông là chảy ra biển Đông.
  21. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  22. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  23. Có bản chép: tóp tép.
  24. Dụng cụ nhỏ đan bằng tre, mây để xúc đất.
  25. Xẩm
    Tối, mờ quáng.
  26. Cá hồng cam
    Cũng gọi là cá đòng đòng, đòng đong, cân cấn, một loại cá nhỏ màu vàng hay hồng nhạt, đến mùa sinh sản thì màu trở nên sậm hơn. Cá sống trong hồ và những nơi có dòng chảy mạnh, thường được nuôi làm cảnh.

    Cá Hồng cam

    Cá hồng cam

  27. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  28. Phản
    Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.

    Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.

    Phản gỗ

    Phản gỗ

  29. Giả chước
    Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
  30. Đèn lưu ly
    Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.

    Đèn lưu ly

    Đèn lưu ly

  31. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  32. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  33. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  34. Mần ri
    Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  35. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  36. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  37. Tước
    Chim sẻ (từ Hán Việt).
  38. Chân tảng
    Chân đá tảng để dựng cột nhà.

    Chân tảng

    Chân tảng

  39. Đồng bạch
    Cũng gọi là đồng thòa, hợp kim của đồng với niken, gọi như vậy vì có màu trắng bạc lấp lánh thay vì màu đỏ thông thường của đồng. Đồng bạch thường được dùng để đúc, tiện những vật trang trí tinh xảo.

    Lư làm bằng đồng bạch

    Lư làm bằng đồng bạch

  40. Tiền trinh
    Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.

    ... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
    Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
    Túi bên trái: bốn đồng trinh.
    - À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
    Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

    (Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)

  41. Bức bàn
    Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.

    Cử bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

    Cửa bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

  42. Tứ linh
    Bốn loài vật thiêng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, gồm long (rồng), lân (kì lân, cũng gọi là ly), quy (rùa) và phụng (chim phượng).

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

  43. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  44. Nhiễu điều
    Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
  45. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  46. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  47. Dạ
    Bên trong. Thường được dùng để chỉ tình cảm con người.
  48. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  49. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  50. Bửa
    Bổ (phương ngữ miền Trung).
  51. Nhân sâm
    Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.

    Nhân sâm

    Nhân sâm

  52. Đá hoa
    Còn gọi là cẩm thạch, một loại đá có giá trị cao, thường dùng để tạc tượng hoặc các vật trang trí trong nhà.

    Lăng mộ Taj Mahal được làm từ đá hoa

    Lăng mộ Taj Mahal được làm từ đá hoa

  53. Bức thuận
    Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
  54. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  55. Có bản chép: Bộ ba áo nhiễu để mặc chơi ngày thường.
  56. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  57. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  58. Mưa dầu
    Mưa ít quá, làm cho nóng thêm.
  59. Rồi rà
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Rồi rà, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  60. Cớ mần răng
    Cớ làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  61. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).