Tìm kiếm "đèn trong bóng"

Chú thích

  1. Chun
    Chui (phương ngữ).
  2. Lộp
    Cũng gọi là lọp, một loại dụng cụ dùng bắt thủy hải sản phổ biến ở vùng Tây Nam Bộ. Lộp được đan bằng tre, một đầu (hoặc cả hai đầu) có hom hình phễu, cá tôm, rùa rắn vào được nhưng không ra được.

    Cái lọp

    Cái lọp

  3. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  4. Vạt gò
    Dải đất cao, chạy dài. Xem .
  5. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  6. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  7. Trần Tử Ca
    Cũng gọi là đốc phủ Ca, quan tri huyện Bình Long (Hóc Môn) vào khoảng nửa cuối thế kỉ 19. Y người thôn Hạnh Thông Tây, phủ Tân Bình. Nguyên xưa, Tử Ca làm phó tổng Bình Dương, sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ (tháng 2 năm 1861), được Quản Sĩ thân Pháp tiến cử làm tri huyện Bình Long. Trần Tử Ca là một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp. Vào 25 tháng chạp năm Giáp Thân (ngày 8 rạng ngày 9 tháng 2 năm 1885) Phan Văn Hớn và Nguyễn Văn Quá (người Đức Hòa, Long An) cùng hơn ngàn nghĩa quân chia làm ba mũi, tấn công vào dinh huyện Bình Long. Đốc phủ Ca rút lên lầu chống cự; nghĩa quân dùng rơm và dây đậu phộng khô có sẵn trong dinh, đem chất xung quanh nơi Ca ẩn náu rồi châm lửa đốt. Vợ Ca chết cháy. Ca chạy thoát ra ngoài thì bị một nông dân bắt được giao cho quân khởi nghĩa xử chém, đầu bêu lên cột đèn trước chợ Hóc Môn.
  8. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  9. Bắt bộ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bắt bộ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  10. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  11. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  12. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Cẳng.
  15. Nước rặc về Đông: Nước rặc là cạn xuống, nước ròng. Về Đông là chảy ra biển Đông.
  16. Hồ lơ
    Hồ quần áo với nước có pha phẩm xanh loãng cho đẹp hơn. là màu xanh nhạt (từ tiếng Pháp bleu).
  17. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  19. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  20. Có bản chép: Nhà nào nhà nấy, còn đèn còn lửa.
  21. Rồng ấp
    Hay rồng phủ, giao long (交龍), một loại họa tiết cổ thường thấy trong các kiến trúc thời Lý, Trần, có hình hai con rồng quấn nhau hay đuôi xoắn vào nhau.

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

  22. Rồng chầu
    Một loại họa tiết cổ thường có hình cặp rồng chầu ngọc (lưỡng long tranh châu), cặp rồng chầu mặt nguyệt.

    Bệ chạm cặp rồng chầu ngọc (lưỡng long tranh châu) thời Lý

    Bệ chạm cặp rồng chầu ngọc (lưỡng long tranh châu) thời Lý

  23. Có bản chép: Ông sống một trăm, thêm năm tuổi lẻ.
  24. Có bản chép: những con như rối.
  25. Ngày xưa, vào những ngày gần Tết, trẻ con trong làng thường họp thành đoàn, rủ nhau đi chúc Tết xin tiền, vừa đi vừa lúc lắc cái ống tre đựng tiền, đến từng nhà hát bài đồng dao này.
  26. Lập lường
    Quyết tâm, rắp tâm.