Tìm kiếm "chuột"

  • Cục ta cục tác

    Cục ta cục tác
    Chữ kê là gà
    Giữ cửa giữ nhà
    Chữ khuyển là chó
    Bắt chuột bắt bọ
    Chữ miêu là mèo
    Ăn cám ăn bèo
    Chữ trư là lợn
    Vừa cao vừa lớn
    Chữ tượng là voi
    Ăn trầu đỏ môi
    Chữ phật là bụt

  • Cà cưỡng bay cao

    Cà cưỡng bay cao
    Chào mào bay thấp
    Cu bay về ấp
    Quạ bay về trời
    Nghe tiếng chủ mời
    Ra ăn thịt chuột
    Thịt gà đang luộc
    Thịt chuột đang hâm
    Dọn thầy một mâm
    Thầy ăn kẻo tối

    Dị bản

    • Cà cưỡng bay cao
      Chào mào bay thấp
      Cu bay về ấp
      Trở mỏ về trời
      Nghe thấy thầy mời
      Về ăn thịt chuột
      Mâm dưới nhẵn chuột
      Mâm trên nhẵn đầu
      Chín chả ngàn lâu
      Con trâu ních hết

  • Anh nghĩ cái công anh, anh đi lên rừng xanh lựa trúc

    Anh nghĩ cái công anh, anh đi lên rừng xanh lựa trúc
    Đem về đoạn khúc, chuốt cái cần dài
    Lấy thép ra mài, uốn câu nồi gọ
    Đêm hôm lọ mọ
    Xe sợi nhợ săn
    Buộc chặt vào cần
    Móc mồi thơm phức
    Vội ra ngoài bực
    Lựa chỗ anh ngồi
    Thả câu xuống rồi
    Miệng anh thầm vái
    Cần câu nhơn
    Cần câu ngãi
    Cần câu phải
    Cần câu khôn
    Ân oai các đấng cô hồn
    Đuổi con cá nọ chạy dồn ăn câu!

  • Cùm nụm cùm nịu

    Cùm nụm cùm nịu
    Trời đánh tay tiên
    Đồng tiền chiếc đũa
    Hột lúa ba bông
    Con văn con võ
    Ăn trộm trứng gà
    Bù xa bù xít
    Con rắn con rít
    Phải ra tay nào
    Phải ra tay nầy
    Hú chuột…

    Dị bản

    • Tùm nụm, tùm nịu,
      Tay tí, tay tiên
      Đồng tiền, chiếc đũa
      Hột lúa ba bông
      Ăn cắp trứng gà
      Bù xa, bù xít
      Con rít trên trời,
      Ai mời mày xuống?
      Bỏ ruộng ai coi?
      Bỏ voi ai giữ?
      Bỏ chữ ai đọc?
      Đánh trống nhà rông
      Tay nào có?
      Tay nào không?
      Hổng ông thì bà,
      Trái mít rụng!

    • Cùm nụm cùm nịu
      Trời đánh tay trên
      Đồng tiền chiếc đũa
      Hột lúa ba bông
      Ăn trộm trứng gà
      Bò la bò lết
      Con rắn con rết
      Thò ra tay nào
      Thò ra tay này
      Ta đánh cái bốp

  • Con mẻo, con mèo

    Con mẻo, con mèo
    Mày trèo cây duối
    Mày nấp vô bụi
    Mày lủi lên trên
    Mày ngó sang bên
    Mày co cái cẳng
    Mày ngoẳng cái đuôi
    Mày chộp cái mồi
    Chết cha con chuột

  • Bồng bồng con nín con ơi

    Bồng bồng con nín con ơi
    Dưới sông cá lội, trên trời chim bay
    Ước gì mẹ có mười tay
    Một tay bắt cá, tay này bẫy chim
    Một tay chuốt chỉ luồn kim
    Một tay làm ruộng, tay tìm hái rau
    Một tay ôm ấp con đau
    Một tay vay gạo, tay cầu cúng ma
    Một tay khung cửi guồng xa
    Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa
    Một tay đi củi muối dưa
    Còn tay van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn
    Tay nào để giữ lấy con
    Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay
    Bồng bồng con ngủ cho say
    Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.

  • Vè nói ngược

    Nghe vẻ nghe ve
    Nghe vè nói ngược
    Nắng hạn đầy nước
    Mưa dầm khô rang
    Đám cưới đình làng
    Kì yên ngoài chợ
    Nhà giầu khất nợ
    Nhà nghèo cho vay
    Đàn bà đi cày
    Đàn ông đi cấy
    Ghe nổi thì đẩy
    Ghe cạn thì chèo
    Nuôi chuột bắt mèo
    Nuôi heo lấy trứng
    Xu xoa thì cứng
    Đá núi thì mềm
    Trời nắng về đêm
    Ban ngày sao mọc

  • À à chựng chựng

    À à chựng chựng
    Chựng chựng cho lâu
    Cày sâu bừa kĩ
    Con nghỉ con chơi
    À chựng chựng ơi

    Con bơi cho khỏe
    Con trẻ cho dai
    Đẹp đài đẹp lộc
    Đẹp vóc nhà trời
    À chựng chựng ơi

  • Hỡi anh làm thợ nơi nao

    Hỡi anh làm thợ nơi nao
    Để em gánh đục, gánh bào đi theo
    Cột queo anh đẽo cho ngay
    Anh bào cho thẳng, anh xoay một bề
    Bốn cửa chạm bốn con nghê
    Bốn con nghê đực chầu về xứ Đông
    Bốn cửa chạm bốn con rồng
    Ngày thời rồng ấp tối thời rồng leo
    Bốn cửa chạm bốn con mèo
    Đêm thời bắt chuột, ngày leo xà nhà
    Bốn cửa chạm bốn con gà
    Đêm thì gà gáy, ngày ra bới vườn
    Bốn cửa chạm bốm con lươn
    Ngày thì chui ống tối trườn xuống ao
    Bốn cửa chạm bốn con dao
    Chăm thì liếc sắc, chăm chào thì quen
    Bốn cửa chạm bốn cây đèn
    Ngày thì đèn tắt tối thì đèn chong
    Bốn cửa chạm bốn cái cong
    Để em gánh nước tưới hồng tưới hoa
    Ngày mai khi anh về nhà
    Trăm năm em gọi anh là chồng em

  • Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần

    Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
    Răng đen hạt nhót, chân đi cù nèo
    Tóc rễ tre cô chải lược bồ cào
    Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung
    Trên đầu chấy rận như sung
    Rốn lồi quả quít, má hồng trôn niêu
    Cô tưởng mình cô ái ố mỹ miều
    Chồng con chả lấy, để liều thân ru
    Hai nách cô thơm như ổ chuột chù
    Mắt như gián nhấm, lại gù lưng tôm
    Trứng rận bằng quả nhãn lồng
    Miệng cười tủm tỉm như sông Ngân Hà

  • Vè bán quán

    Tui xin mời cô bác
    Cùng quý vị gần xa
    Đi chơi hay về nhà
    Lâu lâu gặp bằng hữu
    Tui mời cho đầy đủ
    Không sót một người nào
    Chủ quán xin mời vào
    Dùng cơm hay hủ tiếu
    Thịt quay cùng xá xíu
    Hễ có tiền là ăn
    Thịt chó xào rau cần
    Thịt bò thì nhúng giấm
    Gà tơ thì nấu nấm
    Chim sẻ thì rô ti
    Cua lột chiên bột mì
    Cá lý ngư làm gỏi
    Nem nướng rồi bánh hỏi
    Trứng vịt, trứng gà ung
    Hẹ bông nấu với lòng
    Cá thu thì kho rục

  • Anh là thợ mộc Thanh Hoa

    Anh là thợ mộc Thanh Hoa,
    Làm cầu, làm quán, làm nhà khéo thay.
    Lựa cột anh dựng đòn tay,
    Bào trơn, đóng bén nó ngay một bề.
    Bốn cửa anh chạm bốn dê,
    Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
    Bốn cửa anh chạm bốn rồng,
    Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo.
    Bốn cửa anh chạm bốn mèo,
    Con thì bắt chuột, con leo xà nhà.
    Bốn cửa anh chạm bốn gà,
    Đêm thì nó gáy, ngày ra ăn vườn.
    Bốn cửa anh chạm bốn lươn,
    Con thì uốn khúc, con trườn bò ra.
    Bốn cửa anh chạm bốn hoa,
    Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.
    Bốn cửa anh chạm bốn đèn,
    Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ.
    Một đèn đọc sách ngâm thơ,
    Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.

  • Bài thơ thuốc lào

    Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
    Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
    Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
    Ai là chẳng bạn thân với điếu
    Từ ông thừa, trở lên cụ thiếu,
    Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
    Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
    Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
    Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
    Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
    Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
    Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm
    Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
    Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
    Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi,
    Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
    Dân cày cấy mưa dầm, nắng dãi,
    Bạn tâm giao với cái điếu cày.
    Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
    Rít mồi thuốc, say ngây say ngất.
    Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
    Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
    Bạn nhà binh canh gác thâu đêm,
    Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
    Nội các thức say sưa nghiện ngập,
    Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
    Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
    Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
    Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
    Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
    Khi lòng ta tư lự không yên,
    Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
    Nghe tiếng điếu kêu giòn, nhìn khói bay nghi ngút,
    Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
    Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
    Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
    Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
    Vùi điếu đi cho hết đa mang.
    Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
    Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
    Cho nên bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
    Thật là lời chí lý không ngoa.
    Thuốc lào, ta hút điếu ta,
    Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm…

  • Bốn anh cùng chung một nhà

    Bốn anh cùng chung một nhà
    Cùng sinh một giáp cùng ra một hình
    Một anh thì đỗ cống sinh
    Một anh quỷ quái như tinh trong nhà
    Một thì xấu nết xấu na
    Một anh ăn vụng cả nhà đều ghen

    Là những con gì?

    Chuột cống, chuột nhắt, chuột chù và chuột đồng

Chú thích

  1. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  2. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  3. Chào mào
    Cũng gọi là chóp mào hay chốc mào, một loài chim có mào nhọn trên đầu, hai bên má có lông trắng.

    Chim chào mào

    Chim chào mào

  4. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  5. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  6. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  7. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  8. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  9. Đầu mọc hai sừng, chỉ trâu bò, hàm ý ngu dại.
  10. Chun
    Chui (phương ngữ).
  11. Mần chi
    Làm gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Bợp xợp
    Tóc tai rối bù, dài ngắn không đều (khẩu ngữ).
  13. Nồi gọ
    Chỗ phình rộng ra trong hang rắn hay hang cá trê.
  14. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  15. Bực
    Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Ân oai
    Nói về người có quyền, có ân mà lại có oai nghi, người ta cảm mà lại sợ (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  19. Cô hồn
    Linh hồn chưa được đầu thai kiếp khác, phải đi lang thang, chịu khổ sở đói rét, theo tín ngưỡng tâm linh. Vào tháng Bảy âm lịch, ở nước ta có tục cúng cô hồn.

    Một mâm cúng cô hồn

    Một mâm cúng cô hồn

  20. Cùm nụm
    Tên một trò chơi dân gian gồm nhiều trẻ, mỗi đứa hai tay nắm đũa, chồng lên nhiều lớp, sau đó đọc bài vè trên và được nào đọc trúng câu cuối thì được ra trước và chạy đi tìm chỗ trốn, lần lượt như thế cho đến đứa cuối cùng thì phải chạy đi lục lọi, tìm bắt cho ra mấy đứa kia.
  21. Có bản chép: Tay tí.
  22. Duối
    Loại cây mộc, cỡ trung bình, thân khúc khuỷu, nhiều cành chằng chịt, có mủ trắng. Lá duối ráp dùng làm giấy nhám làm nhẵn mặt gỗ. Duối được dùng làm vị thuốc và trồng trong chậu nhỏ làm cây cảnh.

    Hàng duối ở làng Đường Lâm

    Hàng duối ở làng Đường Lâm

  23. Cúng ma
    Cách chữa bệnh lạc hậu, mê tín dị đoan cho rằng phải cúng ma thì mới khỏi bệnh.
  24. Guồng xa
    Máy kéo sợi thủ công để tạo nên sợi, từ đó mới đưa qua khung cửi và dệt thành vải, thành hàng.

    Quay sợi bằng guồng xa

    Quay sợi bằng guồng xa

  25. Muối dưa
    Trộn một hoặc nhiều loại rau, củ, quả với muối và một số gia vị rồi để lên men cho chua, dùng làm thức ăn.

    Dưa cải muối

    Dưa cải muối

  26. Cầu an
    Cũng gọi là kì yên, một nghi lễ của Phật giáo. Lễ cầu an (cầu cho an bình) có mục đích sám hối tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng, tránh mọi bệnh hoạn, tai họa và nghiệp báo.
  27. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  28. Xu xoa
    Một món giải khát rất phổ biến ở miền Trung. Xu xoa (có nơi gọi là xoa xoa) được nấu từ rau câu, đông lại như thạch dừa, khi ăn thì cắt thành nhiều miếng nhỏ hình vuông hoặc chữ nhật to khoảng đầu ngón tay cái, ăn kèm với mật đường mía, có thể cho thêm đá.

    Xu xoa

    Xu xoa

  29. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  30. Bào
    Đồ dùng nghề mộc, gồm hai lưỡi thép đặt trong khối gỗ, hai bên có tay cầm, dùng để làm nhẵn mặt gỗ. Động tác sử dụng bào cũng gọi là bào. Những việc đau lòng cũng được ví von là xót như bào, ruột xót gan bào...

    Cái bào

    Cái bào

  31. Queo
    Cong, bị biến dạng.
  32. Nghê
    Một loài vật trong thần thoại Việt Nam, tương tự như lân trong thần thoại Trung Hoa. Nghê có hình dạng giống chó, không có sừng, mình thon nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, đuôi dài vắt ngược lên lưng. Trước cửa các đền chùa, miếu mạo thường có đặt tượng nghê đá.

    Nghê đá tại cổng vào đền Gióng ở Gia Lâm

    Nghê đá tại cổng vào đền Gióng ở Gia Lâm

  33. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  34. Rồng ấp
    Hay rồng phủ, giao long (交龍), một loại họa tiết cổ thường thấy trong các kiến trúc thời Lý, Trần, có hình hai con rồng quấn nhau hay đuôi xoắn vào nhau.

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

  35. Liếc
    Miết đi miết lại lưỡi dao vào đá mài hoặc vật cứng để dao sắc hơn.
  36. Cong
    Đồ đựng nước hoặc gạo, làm bằng sành, hông phình, miệng rộng, hình dáng như cái .
  37. Sơn Tây
    Một địa danh ở Bắc Bộ, nay là thị xã trực thuộc thủ đô Hà Nội. Vào thế kỉ 15, đây là trấn sở Sơn Tây, đổi thành tỉnh Sơn Tây vào năm Minh Mệnh thứ hai (1832). Sơn Tây nổi tiếng có làng Đường Lâm, quê hương của hai vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, nên gọi là đất hai vua.

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

  38. Tày
    Bằng (từ cổ).
  39. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  40. Nhót
    Một loại cây rất quen thuộc ở các vùng quê miền Bắc, thường được trồng lấy quả. Quả nhót hình trứng, khi chín có màu đỏ, có vị chua hoặc ngọt, dùng để nấu canh. Rễ, thân, lá còn được dùng làm thuốc.

    Quả nhót

    Quả nhót

  41. Có bản chép: hạt nhãn.
  42. Cù nèo
    Gậy dài thường làm bằng tre, có móc hoặc mấu ở đầu để hái trái cây. Có vùng gọi là cây cù quèo.
  43. Bồ cào
    Đồ vật nhà nông có cán dài (thường bằng tre), một đầu có nhiều răng thưa, dùng để làm tơi đất, dọn cỏ, hoặc cào phơi nông sản. Động tác sử dụng bồ cào gọi là cào.

    Bồ cào

    Bồ cào

  44. Hắc lào
    Một loại bệnh ngoài da do nấm. Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh là ngứa, nổi mẩn đỏ, có mụn nước, vùng có nấm thường tròn như đồng tiền; vùng da bị tổn thương ngứa ngáy rất khó chịu.
  45. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  46. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  47. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  48. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  49. Chuột chù
    Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.

    Chuột chù

    Chuột chù

  50. Nhấm
    Gặm (thường dùng cho các loại sâu bọ, chuột, gián...)
  51. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  52. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  53. Bằng hữu
    Bạn bè (từ Hán Việt).
  54. Hủ tiếu
    Cũng viết là hủ tíu, cách đọc tiếng Quảng Đông của 粿條 (quả điều), một món ăn của người Triều Châu và người Mân Nam, sau trở thành món ăn rất quen thuộc ở miền Nam. Đặc biệt là Sài Gòn, hầu như trên bất cứ con đường nào cũng có thể bắt gặp một quán hủ tiếu hoặc xe đẩy hủ tiếu (hủ tiếu gõ). Có thể nói Hủ tiếu là món ăn đặc trưng tại Sài gòn, tương tự như phở ở Hà Nội.

    Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu, nước dùng chính là với thịt bằm nhỏ và lòng heo, có thể ăn với thịt bò viên và tương.

    Hủ tiếu

    Hủ tiếu

    Xe hủ tiếu

    Xe hủ tiếu

  55. Xá xíu
    Cách phát âm của chữ Hán 叉燒 (xoa thiêu), món thịt heo quay theo kiểu Trung Quốc, thường gặp ở miền Nam. Món này vốn bắt nguồn từ cách lấy thịt heo, lạng bỏ xương, ướp gia vị, xỏ ghim rồi đem nướng trên lửa (xoa thiêu có nghĩ là nướng xâu). Thịt thường dùng là thịt vai, ướp mật ong, ngũ vị hương, xì dầu, chao, tương đen hoisin, phẩm màu đỏ, và rượu. Hỗn hợp gia vị trên làm cho món xá xíu có sắc đỏ. Đôi khi mạch nha được dùng quết lên để làm thịt óng ả thêm hấp dẫn. Thịt xá xíu thường có bán ở những hiệu thịt quay người Hoa, bán chung với vịt quay, heo quay, dùng làm nhân bánh bao, trộn với cơm chiên, hoặc ăn kèm với mì hay cơm trắng.

    Xá xíu

    Xá xíu

  56. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  57. Rô ti
    Quay (thịt). Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp rôti.

    Gà rô ti

    Gà rô ti

  58. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  59. Nem nướng
    Một món ăn làm từ thịt heo nạc băm nhuyễn, thêm đường, hạt nêm, tiêu để cho ngấm rồi viên dài, xiên vào que tre đã chuẩn bị sẵn, nướng trên bếp than hồng, ăn với bánh tráng và rau sống (dấp cá, hẹ, húng quế, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế...). Nem nướng nổi tiếng nhất có lẽ là ở Ninh Hòa.

    Nem nướng

    Nem nướng

  60. Bánh hỏi
    Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.

    Bánh hỏi thịt heo

    Bánh hỏi thịt heo

  61. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  62. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  63. Có bản chép: Anh làm thợ mộc Thanh Hoa.
  64. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  65. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  66. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  67. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  68. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  69. Quốc túy
    Cái đặc sắc về tinh thần hoặc vật chất của một dân tộc.
  70. Yên vân
    Khói (yên) mây (vân).
  71. Thừa
    Một chức vụ nhỏ trong các nha phủ dưới thời phong kiến.
  72. Phi điếu bất thành quan: Không có điếu (cày) không thể thành quan.
  73. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  74. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  75. Con giáp
    Tên người Việt Nam thường dùng để gọi mười hai con vật tượng trưng cho mười hai chi trong âm lịch, gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
  76. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)