Tìm kiếm "Lạng Sơn"

  • Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía

    Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía
    Lược cài đầu thuở bé vui chơi
    Ví bằng anh chửa có nơi
    Thì em vượt suối vạch trời em sang
    Lòng em cũng muốn đa mang
    Còn e thân phận dở dang giữa vời
    Cho nên chẳng muốn trao lời
    Song tình như đã trọn đời không quên
    Tình không quên, nghĩa không quên
    Ai đem chìa bạc tra lên khóa vàng
    Trách vì một nỗi lệ làng
    Cho nên duyên phận nhỡ nhàng đôi ta

  • Em thấy anh tương tư bệnh chắc

    Em thấy anh tương tư bệnh chắc,
    em rước ông thầy thuốc Bắc,
    em sắc hai chục chén còn lại một phân,
    bỏ thêm một lát gừng sống,
    một đống gừng lùi,
    một nùi chuối hột,
    một hộp đương quy,
    một ky trái táo,
    năm sáu chục trái cà na,
    thần sa một lượng,
    khoai sượng một chục,
    măng cụt một trăm,
    rau răm một đám,
    cám một bao,
    con gái lao rao mười hai đứa,
    sứa lửa vài trăm,
    lại thêm huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm.
    Uống ba thang mà anh không mạnh,
    thì em đào hầm chôn luôn!

     

  • Bước xuống ghe nan chèo sang bến thóc

    Bước xuống ghe nan chèo sang Bến Thóc
    Vừa chèo vừa khóc luỵ nhỏ tày non
    Áo kia đủ cặp nhưng còn thiếu hơi
    Bữa nay đủ áo quen hơi
    Sớm mai xa cách, trời ơi hỡi trời
    Trời đà sở định đôi nơi
    Đứng gần thương nhớ, trông vời sơn khê
    Buồn rầu lúc tỉnh lúc mê
    Nước mắt kia lai láng cũng vì thương nhau.

    Dị bản

    • Bước xuống ghe nan chèo sang Bến Thóc
      Vừa chèo vừa khóc luỵ nhỏ tày non
      Áo kia đủ cặp nhưng còn thiếu hơi
      Bữa nay đủ áo quen hơi
      Sớm mai xa cách, trời ơi hỡi trời
      Trời đà sở định đôi ta
      Đứng gần thương nhớ, đứng xa buồn rầu
      Buồn rầu lúc tỉnh lúc mê
      Nước mắt kia lai láng cũng vì thương nhau.

  • Vè xin xâu

    Lẳng lặng mà nghe
    Cái vè xin thuế
    Mùa màng mất tệ
    Buôn bán không ra
    Kẻ gần người xa
    Cũng nghèo cũng khổ
    Hai đồng xâu nọ
    Bảy ngày công sưu
    Cao đã quá đầu
    Kêu đà ngắn cổ
    Ở đâu ở đó
    Cũng rúc mà ra
    Kẻ kéo xuống Tòa
    Người nằm trên tỉnh
    Đông đà quá đông
    Trong tự Hà Đông
    Ngoài từ Diên Phước

  • Vè rau

    Ve vẻ vè ve
    Nghe vè các rau
    Thứ ở hỗn hào
    Là rau ngành ngạnh
    Trong lòng không chánh
    Vốn thiệt tâm lang
    Đất rộng bò ngang
    Là rau muống biển
    Quan đòi thầy kiện
    Bình bát nấu canh
    Ăn hơi tanh tanh
    Là rau dấp cá
    Có ba không má
    Rau má mọc bờ
    Thò tay sợ dơ
    Nó là rau nhớt

  • Mồng năm chợ Ó

    Mồng năm chợ Ó
    Quan họ dồn về
    Hội vui lắm lắm
    Chưa kịp đi tắm
    Chưa kịp gội đầu
    Trầu chửa kịp têm
    Cau chưa kịp bổ
    Miếng lành, miếng sổ
    Miếng lại quên vôi
    Người có yêu tôi
    Thì người cầm lấy
    Các anh đứng đấy
    Thầy mẹ đứng đâu?
    Mời lại xơi trầu
    Mừng cho dâu mới
    Mặt trời đã tối
    Đám hội đã tàn
    Ai có hồng nhan
    Mang ra chơi hội
    Dưới sông múa rối
    Trên bãi trồng vừng
    Một đấu, một thưng
    Bằng nhau như tiện
    Như tiện như tề
    Kẻo thế gian chê
    Chồng cao vợ thấp!

  • Sáng trăng sáng cả cánh đồng

    Sáng trăng sáng cả cánh đồng
    Em đi tát nuớc gàu sòng gàu dai
    Phần em chẳng đặng làm trai
    Em đành tát nước gàu dai, gàu sòng
    Hai hàng nước mắt rưng rưng
    Đẹp đôi xấu tuổi, xin anh đừng nhắc trông
    Lượt này dứt nghĩa đạo đồng
    Anh có vợ xứ khác, em có chồng nơi xa.
    Tại mẹ với cha nên hai ta gàn trở
    Cha mẹ thuận hoà không ai nỡ bỏ ai
    Hai hàng nước mắt láng lai
    Tui có xa nghĩa bạn lâm cảnh ai cũng buồn.
    – Một khúc sông năm bảy ngả nguồn
    Không nơi này chốn khác tội gì buồn hư thân
    Đói no tôi cũng muốn ở gần
    Hai bên phụ mẫu đạp cần dứt dây
    Đôi ta luống chịu sầu tây
    Roi tre vót nhọn lâu nay vẫn còn
    Đắng cay như trái bồ hòn
    Bầm gan tím ruột vẫn còn nhớ thương

  • Ngộ bất cập mới gặp em đây

    Ngộ bất cập mới gặp em đây
    Hỏi thăm quê quán, tổng làng ở đâu
    Nhà em nhà ngói hay nhà lá
    Tán lá hay tán cây
    Đệ huynh có mấy, tuổi nàng bao nhiêu?
    – Thấy anh muốn rõ, để em phân tỏ anh tường
    Châu Đốc em nương ngụ, Cây Gòn em ở yên
    Nhà em nhà lá chống tán lá, tán cây
    Phụ mẫu em song toàn, em đây vốn thiệt hết lòng
    Tuổi chừng trăng tỏ, chỉ hồng chưa nơi

  • Anh mong tát biển cấy kê

    Anh mong tát biển cấy kê
    Tát sông Bồ Ðề nhổ mạ cấy chơi
    Bẻ que đo Trời
    Đan lồng nhốt kiến
    Thầy mẹ thương đến
    Bắt voi coi giò
    Thầy mẹ gả cho
    Rước voi làm lễ
    Anh đi làm rể
    Che hai lọng vàng
    Nhà anh thì ở giữa làng
    Lấy vàng làm cột
    Dát bạc làm tranh
    Cưa gỗ lim làm thành
    Chẻ ngà voi làm lạt
    Anh đặt chuyện hát
    Nói láp em nghe,
    Nhà anh cột nứa, kèo tre…

  • Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn

    Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn,
    Núi Lâm Sơn thường tháng thường cao;
    Thuyền quyên ướm hỏi anh hào,
    Sự tình thâm nhiễm, chàng tính làm sao cho thiếp nhờ?
    – Khi anh ra đi thì biển hồ lai láng,
    Chừ anh viếng lại, mần răng biển lại thành gò?
    Sự tình thâm nhiễm, để anh so tháng ngày.

    Dị bản

    • Sông Hương càng ngày càng rộng,
      Núi Ngự càng ngày càng cao;
      Thuyền quyên xin hỏi anh hào,
      Sự tình đã rứa, chàng liệu làm sao cho thiếp nhờ?
      – Em ơi, em chớ quá lo,
      Hãy nán lòng đợi, để anh suy đo tháng ngày.

  • Bấy lâu ta ở với ta

    Bấy lâu ta ở với ta
    Bây giờ có Phú Lang Sa lọt vào
    Bây giờ đất thấp trời cao
    An Nam, Quảng Tống phải vào lụy Tây
    Bây giờ khố bẹ đi giày
    Bờ lau lên phố, đĩ nay lên bà
    Mấy đời khoai sắn nở hoa
    Thau rau đắc thế, trẻ già thất kinh
    Bấy lâu vua trị một mình
    Bây giờ Nhà nước đã rành chia đôi
    Văn nhân khoa mục ở rồi
    Những phường dốt nát lên ngồi làm quan
    Những anh phơ phất loàng xoàng
    Làm bồi làm bếp ra ràng cậu chiêu
    Các quan trung nghĩa trong triều
    Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân
    Những quân vô nghĩa, nịnh thần
    Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan
    Trị dân lắm sự tham tàn
    Kiếm tiền kiếm bạc mới toan bằng lòng
    Muốn cho bể lặng, sông trong
    Cách hết lũ ấy mới mong thái bình

  • Mẹ già ở tấm lều tranh

    Mẹ già ở tấm lều tranh
    Đói no chẳng quản, rách lành chẳng hay
    Ra đi công vụ nặng nề
    Nửa lo thê tử nửa sầu từ thân
    Bởi vậy cho nên con vợ tui nó mới biểu tui rằng:
    Ới anh ơi, anh ở đây làm chi cho vua quan sưu thuế nặng nề
    Đứa lên một, đứa lên hai, đứa lên năm, đứa lên bảy
    Tao biểu mày quảy, mày không quảy
    Để phần tao quảy, quảy, quảy, quảy về cái đất Phú Ơn
    Nặng nề gánh vác giang sơn
    Đầu con đầu vợ cái đất Phú Ơn ta lặng về
    Kìa hỡi kia đỉnh núi tứ bề,
    Nhành mai chớm nở ta về xứ ta
    Biết bao về tới quê nhà…
    Hết hòn Vay, ta qua hòn Trả
    Hết hòn Trả, lại sang hòn Hành
    Tấc dạ bao đành dắt con cùng vợ,
    Biết no nào trả xong nợ bên dương trần
    Nợ lần lần, tay bồng tay dắt
    Tay đặt chân trèo, ta về xứ ta
    Biết bao là về tới quê nhà…

    Dị bản

    • Hết Hòn Vay đến Hòn Trả
      Hết Hòn Trả, lại đến Hòn Hành
      Tấc dạ cam đành,
      Dắt con cùng vợ.
      Biết bao giờ trả nợ dương trần?
      Nợ dương trần, tay lần tay vác,
      Tay vịn, chân trèo,
      Ta về xứ ta!
      Biết bao giờ trở lại quê nhà?

    • Tao biểu mày quảy, mày không chịu quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn!

    • Đầu con, đầu vợ
      Đứa lớn, đứa bé, đứa bế, đứa nằm
      Đứa lên một, đứa lên ba, đứa lên năm, đứa lên bảy
      Tao biểu mày quảy, mày không quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn
      Nặng nề gánh vác giang sơn
      Đầu con, đầu vợ, cái đất Phú Ơn ta lại về
      Nhìn trông đỉnh núi tứ bề
      Cành mai chớm nở, ta về xứ ta!

  • Vè Thanh Hóa

    Khu Bốn đẩy ra
    Khu Ba đẩy vào
    Bỏ chạy sang Lào
    Nước Lào không nhận
    Tức mình nổi giận
    Lập quốc gia riêng
    Thủ đô thiêng liêng
    Là huyện Nông Cống
    Quốc ca chính thống:
    “Dô tá dô tà”
    Nông nghiệp nước nhà:
    Trồng cây rau má
    Biển khơi lắm cá
    Mười mẻ một cân
    Nhà máy phân lân
    Một năm hai tạ
    Vang tiếng xa gần
    Nem chua toàn lá
    Còn công nghiệp hoá
    Là phá đường tàu

  • Vè nói láo

    Tiếng đồn quả thiệt chẳng sai
    Có người nói láo không ai dám bì
    Lội ngang qua biển một khi
    Thấy tàu đương chạy tôi ghì ngừng như không
    Lên rừng tôi vác đá hàn sông
    Gặp cọp tôi bồng về để nuôi chơi
    Nhà tôi có trồng một bụi cải trời
    Lá bằng cái sịa kinh thời tôi quá kinh
    Dưa gang của tôi cái hột bằng cái chình
    Sức tôi một mình ăn hết nồi ba
    Tôi trồng chơi có một dây khổ qua
    Nó ra một trái tôi xách mà năm ky

Chú thích

  1. Từ Sơn
    Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
  2. Lộn chồng
    Bỏ chồng theo trai (từ cũ).
  3. Chùa Viềng
    Tên ngôi chùa ở gần chợ Viềng, tỉnh Nam Định.
  4. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  5. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  6. Cắm nêu ruộng
    Cắm cây nêu để báo cho mọi người biết là ruộng đang bị tranh chấp hay bị thiếu thuế, không ai được mua lúa, gặt hái.
  7. Ví bằng
    Nếu, giả sử (ít dùng hoặc chỉ thường được dùng trong văn chương).

    Ví bằng thú thật cùng ta
    Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên

    (Truyện Kiều)

  8. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  9. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  10. Chợ Bưởi
    Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.

    Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.

    Chợ Bưởi ngày xưa

    Chợ Bưởi ngày xưa

  11. Điều
    Một loại cây nhỏ cho quả có nhiều lông, màu đỏ, trong có nhiều hạt nhỏ. Từ hạt điều chiết xuất được một chất màu vàng đỏ (gọi là màu điều), được dùng để nhuộm vải. Vải được nhuộm điều thường gọi là vải điều.

    Quả và hạt điều

    Quả và hạt điều

  12. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  13. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  14. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  15. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  16. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  17. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  18. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  19. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  20. Sắc thuốc
    Sắc nghĩa là làm cho keo, đậm lại. Sắc thuốc là đun thuốc Bắc hoặc thuốc Nam với lượng nước lúc đầu khoảng ba chén, sau khi sôi thật lâu để thuốc ra hết chất và nước chỉ còn khoảng một chén, vừa uống.
  21. Lùi
    Nướng bằng cách ủ (khoai, mía, bắp...) vào tro nóng cho chín.
  22. Chuối hột
    Một loại chuối dại bản địa của vùng Đông Nam Á, quả có nhiều hạt, là một trong những tổ tiên của các loại chuối hiện đại. Ở ta, chuối hột non (chuối chát) được chế biến thành nhiều món ăn phong phú, ngoài ra chuối hột còn được dùng làm vị thuốc.

    Chuối chát (Chuối hột non)

    Chuối chát (Chuối hột non)

  23. Đương quy
    Tên một loại cây thân thảo, cho rễ sấy khô là một vị thuốc Bắc có tác dụng chữa các chứng đau đầu, đau lưng do thiếu máu.

    Đương quy

    Đương quy

  24. Ki
    Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
  25. Trám
    Người Nam Bộ gọi là cà na từ cách phát âm của người Triều Châu, âm Hán Việt là cảm lãm, một loại cây thân gỗ thường đươc trồng để lấy gỗ và nhựa. Quả trám căng tròn màu xanh nhạt, dài hơn một lóng tay, vị chua chua hơi chát, dùng kho cá hoặc muối dưa.

    Trái cà na

    Trái trám

  26. Chu sa
    Thể bột được gọi là chu sa, thể cục gọi là thần sa, một loại khoáng thạch có màu đỏ (chu sa có nghĩa là cát đỏ) được dùng trong Đông y, có tác dụng an thần.

    Thần sa

    Thần sa

  27. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  28. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  29. Sứa lửa
    Một loại sứa có màu hồng nhạt, trong xúc tu có nhiều tế bào gai chứa chất độc có thể gây nguy hiểm cho người nếu chạm phải.
  30. Huỳnh liên
    Còn có tên là so đo bông vàng, một loại cây cao từ 2-4m, có hoa to màu vàng tươi, rễ được dùng làm thuốc.

    Huỳnh liên

    Huỳnh liên

  31. Gáo vàng
    Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.

    Gáo vàng

    Gáo vàng

  32. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  33. Thang thuốc
    Một gói gồm các vị thuốc có một tác dụng chung nào đó (trị bệnh, bồi bổ cơ thể...). Một thang thuốc thường chia sắc uống làm hai lần hoặc ba lần, tùy đơn kê của thầy thuốc.
  34. Yên Thái
    Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.

    Làng Bưởi ngày xưa

    Làng Bưởi ngày xưa

  35. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  36. Sông Bến Thóc
    Tên dân gian của sông Thoa, tên Hán Việt là Thốc Giang, một con sông đào có thể được tiến hành từ thời chúa Nguyễn (chưa rõ năm nào), xuất phát từ Phú An, đi qua các xã Đức Hòa, Đức Tân, Đức Phong (huyện Mộ Đức) và cuối cùng đổ ra cửa Mỹ Á thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sông có tên như vậy vì ngoài việc cung cấp nước, sông còn có tác dụng về giao thông đường thủy, chở người, thóc lúa sản xuất được ngược lên để vào sông Vệ, thông thương đi nhiều nơi.

    Bắt ốc ở sông Thoa mùa nước cạn

    Bắt ốc ở sông Thoa mùa nước cạn

  37. Sở định
    Định đoạt, quyết định lấy.
  38. Sơn khê
    Núi (sơn) và khe nước chảy (khê). Chỉ vùng rừng núi.
  39. Sưu thuế
    Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
  40. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  41. Đây là Tòa Đại lí Tam Kỳ chứ không phải Tòa Công sứ Hội An (theo Nguyễn Q. Thắng).
  42. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  43. Diên Phước
    Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
  44. Có bản chép: Ăn ở hỗn hào.
  45. Ngành ngạnh
    Một loại rau rừng thường được hái để ăn sống, có mùi vị thơm ngon, chua, chát.

    Đọt và lá ngành ngạnh

    Đọt và lá ngành ngạnh

  46. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  47. Muống biển
    Loài thực vật thuộc họ Bìm bìm, mọc ở phần trên các bãi biển. Muống biển là một trong các các loài thực vật chịu mặn phổ biến nhất, phân bố rộng rãi nhất và là một trong những ví dụ nổi bật nhất minh hoạ cho các loại cây có hạt trôi theo dòng nước.

    Hoa muống biển

    Hoa muống biển

  48. Bình bát
    Loại cây leo thuộc họ bầu bí, đọt, lá và quả đều làm rau ăn được, là loài rau phổ biến ở nông thôn miền Nam. Còn được gọi là rau bát, mảnh bát, mỏ quạ, bình bát dây (để phân biệt với cây bình bát thuộc họ mãng cầu). Rau bình bát dùng để trị ghẻ, hạt bình bát trị giun sán.

    Rau bình bát đang ra hoa

    Rau bình bát đang ra hoa

  49. Diếp cá
    Còn có tên là dấp cá, giấp cá, hay rau diếp, là một loại cây nhỏ được trồng để làm rau và làm thuốc. Rau diếp cá khi vò có mùi tanh như mùi cá (vì vậy có tên chữ Hán là ngư tinh thảo - cỏ tanh mùi cá), thường dùng ăn lá sống kèm với nhiều món như thịt nướng, chả giò bún, gỏi cuốn...

    Rau diếp cá

    Rau diếp cá

  50. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  51. Rau đay
    Một loại rau chủ yếu dùng nấu canh (với cua, tôm tép), đôi khi với mồng tơi hoặc mướp. Rau đay khi nấu có nhiều nhớt, nên còn gọi là rau nhớt.

    Rau đay

    Rau đay

  52. Xuân Ổ
    Tên Nôm là làng Ó, một làng nay là hai thôn Xuân Ổ A và Xuân Ổ B thuộc phường Bắc Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, xưa thuộc tổng Khắc Niệm, huyện Tiên Du. Hằng năm vào mồng 5 Tết, làng mở hội thờ cúng Thành hoàng và hát quan họ. Chợ làng trước đây gọi là chợ Ó, nay không còn. Trước ngày vào đám, chập tối ngày mùng 4, làng nhóm họp chợ phiên. Phiên chợ Ó vừa tan, nhiều quán trầu của các cụ bà mọc lên, theo đó ''liền anh, liền chị'' mời nhau vào ngồi xơi trầu, rồi bắt đầu cuộc hát (xem thêm).
  53. Quan họ
    Lối hát dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc, tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quan họ được chia làm hai loại: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ," có nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa, được biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội...

    Năm 2009, cùng đợt với ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

    Giã bạn - Người ơi người ở đừng về - Đến hẹn lại lên (Quan họ Bắc Ninh)

  54. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  55. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  56. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  57. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  58. Tề
    Cắt bớt.
  59. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  60. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  61. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  62. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  63. Sầu tây
    Sầu riêng, nỗi niềm riêng.
  64. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  65. Ngộ bất cập
    Thình lình mà gặp, gặp chuyện không tính trước.
  66. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  67. Huynh đệ
    Anh em (từ Hán Việt). Cũng có thể hiểu là anh chị em nói chung.
  68. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  69. Cây Gòn
    Tên một ấp thuộc xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây cũng là tên dân ta thường gọi một khu vực giáp với thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), thuộc xã Boreycholsa, huyện Boreycholsa, tỉnh Takeo, Campuchia.
  70. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  71. Trăng tỏ là trăng sáng, thường là vào những đêm rằm. Tuổi trăng tròn, tuổi trăng rằm thường chỉ tuổi mười lăm, mười sáu.
  72. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  73. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  74. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  75. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  76. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  77. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  78. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  79. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  80. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  81. Sự tình thâm nhiễm: Sự tình trở nên nghiêm trọng.
  82. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  83. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  84. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  85. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  86. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  87. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  88. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  89. Quảng Tống
    Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
  90. Khố bẹ
    Khố dài, sau khi quấn xong vẫn thừa hai đầu như hai cánh xòe ra. Phân biệt với khố bao là khố may bằng bao đựng trấu và chỉ quấn ngang lưng.
  91. Thau rau
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  92. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  93. Khoa mục
    Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
  94. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  95. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  96. Cậu ấm cô chiêu
    Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
  97. Cách
    Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
  98. Thê tử
    Vợ con (từ Hán-Việt).
  99. Từ thân
    Cha mẹ hiền (từ Hán Việt).
  100. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  101. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  102. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  103. Hòn Vay, hòn Trả
    Hai quả núi tại tỉnh Phú Yên. Nhà yêu nước Trần Cao Vân có một bài thơ vịnh về hai hòn núi này, như sau:

    Ai nhủ hỏi đòi khéo lá lay
    Ở qua Hòn Trả bởi vì Vay,
    Tờ mây bóng rợp bà so chỉ,
    Nợ nước ơn đền ông phủi tay
    Ngày tháng rảnh chân muốn cụm bước,
    Cỏ cây dâng lộc bốn mùa thay
    Khách giang hồ những tha hồ mượn,
    Lân Hải Vân rồi đó sẽ hay.

  104. Hòn Hành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Hành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  105. Những hòn núi này, có bản chép: Hòn Vậy, hòn Cả, hòn Trả, hòn Hành...
  106. No nào
    Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
  107. Đây là một bài hát của một người Hời được nhắc đến trong tác phẩm Tuồng cổ có còn hi vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? của nhà văn Vũ Bằng.
  108. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  109. Khu 4
    Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng Bắc Trung Bộ, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
  110. Khu 3
    Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng đồng bằng sông Hồng, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng.
  111. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  112. Hò sông Mã
    Một thể loại đặc sắc của Thanh Hóa, được những người chèo đò (gọi là trai đò) hát trên sông Mã. Hò sông Mã được gọi tên theo từng chặng khác nhau từ lúc đò rời bến cho đến khi cập bến: Hò rời bến, sắng đò ngược, hò xuôi dòng, hò đường trường, hò ru ngủ, hò mắc cạn, hò niệm Phật, hò cập bến...

    Xem phóng sự Điệu hò trên một dòng sông.

  113. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  114. Sịa
    Đồ đan bằng tre, nứa, lòng nông, mắt thưa, nhỏ hơn cái nia, dùng để phơi hoặc sấy.
  115. Dưa gang
    Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.

    Dưa gang

    Dưa gang

  116. Chình
    Cái chĩnh nhỏ, dùng để đựng gạo hoặc mắm (phương ngữ).
  117. Nồi bảy, nồi ba
    Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
  118. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng