Tìm kiếm "Chùa Vĩnh Nghiêm"

Chú thích

  1. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  2. Chúa Chổm
    Tên gọi dân gian của Lê Trang Tông, vị vua đầu tiên thời Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Giai thoại kể rằng thuở nhỏ ông rất nghèo, thường phải đi vay mượn để sống qua ngày, vì vậy có thành ngữ "nợ như chúa Chổm." Xem thêm trên Wikipedia.
  3. Sãi
    Người đàn ông làm nghề giữ chùa.
  4. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  5. Chưa đặt trôn đã đặt miệng
    Chưa ngồi đã nói liên hồi. Chê hạng nói nhiều, vô duyên, bộp chộp.
  6. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  7. Tu
    Nói to, nói nhiều, nói liên tục (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  8. Chùa Keo
    Còn gọi là chùa Keo Thượng, một ngôi chùa cổ (xây năm 1630) thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa nguyên là chùa Keo có từ thời Lý (tên Nghiêm Quang tự, sau đổi thành Thần Quang tự), được xây ở hương Giao Thủy (tên Nôm là Keo), phủ Hà Thanh, thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Năm 1611, nước sông Hồng dâng lên làm ngập hương Giao Thủy nên một bộ phận dân làng buộc phải di cư lập làng mới Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, xây chùa Keo mới gọi là chùa Keo Thượng (phân biệt với chùa Keo Hạ do nhóm di dân khác lập ở Nam Định cũng trong thời gian ấy). Chùa mang nét kiến trúc đặc sắc và tiêu biểu của thời Lê. Hàng năm vào các ngày đầu xuân và rằm tháng chín, nhân dân quanh vùng lại mở hội chùa rất đông vui.

    Chùa Keo

    Chùa Keo

  9. Chùa Sỏi
    Tên Nôm của chùa Sùng Nghiêm (Sùng Nghiêm Linh Tự), sau đổi tên thành chùa Vân Lỗi, nay là chùa Vân Hoàn. Chùa được dựng vào thời nhà Lý, tọa lạc tại làng Thạch Giản, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

    Chùa Sùng Nghiêm

    Chùa Sùng Nghiêm

  10. Bạch Câu
    Tên nôm là kẻ Sung, một làng biển chuyên nghề cá nay thuộc địa phận xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  11. Thạch Tuyền
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ triều Lý đến triều Nguyễn, làng có nhiều người thi cử đỗ đạt.

    Tam quan chùa Thạch Tuyền

    Tam quan chùa Thạch Tuyền

  12. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  13. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  14. Chửa
    Mang thai.
  15. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  16. Có bản chép: ỉ òn.
  17. Chùa Tích
    Tức chùa Phật Tích (Phật Tích tự 佛跡寺) còn gọi là chùa Vạn Phúc (Vạn Phúc tự 萬福寺) là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam.

    Một góc chùa Phật Tích

    Một góc chùa Phật Tích

  18. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  19. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  20. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  21. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  22. Có bản chép: Mắc nợ.
  23. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  24. Chùa Hương
    Khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa nhỏ, nằm rải rác trong các hang động đẹp, lối vào bằng đò trên suối Yến. Trung tâm của cụm đền chùa này là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch, hàng năm đón một lượng lớn du khách từ khắp nơi.

    Trẩy hội chùa Hương

    Trẩy hội chùa Hương

  25. Chín phương trời, mười phương Phật
    Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.

    Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.

  26. Rau sắng
    Còn gọi là cây mì chính, cây rau ngót rừng, thuộc loại cây thân gỗ lớn, mọc tự nhiên trên những vách đá, ưa ánh sáng. Lá rau sắng có mầu xanh thẫm óng ả, dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Rau sắng là loại rau quý, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh. Loại rau này được xem là đặc sản ở chùa Hương.

    Muốn ăn rau sắng chùa Hương
    Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
    Mình đi ta ở lại nhà
    Cái dưa thì khú cái cà thì thâm.

    (Tản Đà)

    Rau sắng

    Rau sắng

  27. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  28. Chùa Bà Đanh
    Tên chữ là Bảo Sơn Tự, một ngôi chùa cổ nằm ở ngã ba sông thuộc làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn (Kim Bảng, Hà Nam). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, sét), cầu cho mưa thuận gió hòa. Trước đây khu vực này cây cối um tùm, nhiều thú dữ, không có nhà dân ở, do vậy cảnh chùa càng thêm thâm nghiêm, vắng vẻ.

    Chùa Bà Đanh

    Chùa Bà Đanh

  29. Bắt trâu
    Một lối phạt vạ ngày xưa. Gia đình nào có gái chửa hoang phải nộp trâu cho làng.
  30. Chíp miệng
    Chép miệng (phương ngữ Trung Bộ).
  31. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  32. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian, có nguồn gốc từ lao động sông nước, diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động. Hò là nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và miền Nam. Hò và tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với với một động tác khi làm việc, còn lý thì không.

    Nghe một bài hò mái nhì.

  33. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  34. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  35. Hết đời Trịnh Sâm, các con ông là Trịnh Khải và Trịnh Cán vì tranh quyền đã gây rối loạn ở kinh thành. Chữ tông trong bài ca dao này ám chỉ tước hiệu của chúa Trịnh Cán (Tông Đô Vương). Đục long cán gãy là nghiệp chúa của Trịnh Cán không tồn tại bao lâu nữa.