Tìm kiếm "Hương Tích"

Chú thích

  1. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  2. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  3. Thăng Long
    Tên cũ của Hà Nội từ năm 1010 - 1788. Tương truyền Lý Thái Tổ khi rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên mới gọi kinh đô mới là Thăng Long (rồng bay lên). Ngày nay, tên Thăng Long vẫn được dùng nhiều trong văn chương và là niềm tự hào của người dân Hà Nội.

    Ai về xứ Bắc ta đi với
    Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
    Từ độ mang gươm đi mở cõi
    Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

    (Huỳnh Văn Nghệ)

    Trong thơ văn cổ, Thăng Long cũng được gọi là Long Thành (kinh thành Thăng Long), ví dụ tác phẩm Long Thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) của Nguyễn Du.

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

  4. Hồ Hoàn Kiếm
    Còn gọi là hồ Gươm, hồ Hoàn Gươm, Lục Thủy, Thủy Quân, Tả Vọng, Hữu Vọng, một hồ nước ngọt tự nhiên thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tên gọi Hoàn Kiếm (trả gươm) xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần.

    Hồ Gươm xưa

    Hồ Gươm xưa

  5. Tháp Rùa
    Tên một ngọn tháp nằm trên đảo Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm. Xưa là Điếu Đài, nơi vua Lê ra câu cá (điếu), rồi chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng, sau vua Lê Chiêu Thống cho đập phá hết. Tháp Rùa ngày nay do bá hộ Nguyễn Ngọc Kim xây dựng năm 1886 với ý đồ táng mộ cha ở đó, nên ban đầu có tên là Tháp Bá hộ Kim.

    Hồ Gươm đầu thế kỉ XX

    Tháp Rùa xưa

  6. Đền Ngọc Sơn
    Một ngôi đền nằm trên đảo Ngọc, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đền có từ trước thời Lý, được xây mới và tu sửa nhiều lần, có nhiều tên gọi khác nhau như đền Ngọc Tượng, chùa Ngọc Sơn... đến thế kỉ XIX được xây mới và đổi tên thành đền Ngọc Sơn. Đền hiện nay do Nguyễn Văn Siêu tu sửa năm 1865, đắp thêm đất và kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc cầu Thê Húc.

    Đền Ngọc Sơn hồi đầu thế kỉ XX

    Đền Ngọc Sơn hồi đầu thế kỉ XX

  7. Đền Quán Thánh
    Một ngôi đền nằm bên cạnh hồ Tây, trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long xưa. Đền được xây dựng vào thời Lý Thái Tổ, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, nên cũng gọi là đền Trấn Vũ hoặc đền Trấn Võ.

    Đền Quán Thánh

    Đền Quán Thánh

  8. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  9. Sông Hinh
    Một nhánh sông ở hữu ngạn của sông Đà Rằng, dài 88 km, chảy qua tỉnh Phú Yên.
  10. Giỗ Tổ Hùng Vương
    Ngày giỗ hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của mười tám đời vua Hùng. Vào ngày này lễ hội Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

  11. Đại Từ
    Một làng cổ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Làng nằm bên đầm Đại (còn gọi là Linh Đàm).

    Cổng làng Đại Từ

    Cổng làng Đại Từ

  12. Vũ Ninh
    Tên một ngọn núi ở tỉnh Bắc Ninh, theo sự tích là quê của Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương). Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử), là người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước. Truyền thuyết kể rằng: Ông sinh ra thời vua Hùng thứ 6 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, do mẹ ông ướm chân vào một vết chân lớn trên đất về mang thai. Tuy lên ba nhưng Gióng không biết nói cười, đi đứng. Đến khi giặc Ân kéo đến bờ cõi, Gióng bỗng dưng cất tiếng gọi mẹ nhờ mời sứ giả của vua vào, đưa yêu sách đòi áo giáp, roi và ngựa sắt để đánh giặc. Chỉ trong mấy hôm, Gióng vươn vai thành một tráng sĩ cao lớn, cưỡi ngựa sắt vua ban đánh giặc Ân tan tác. Đuổi đám tàn quân đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), Gióng cởi áo giáp, thả dao, cùng ngựa bay về trời.
  13. Đại Từ và Vũ Ninh ngày trước có tiếng là độc địa, dễ bị sốt rét.
  14. Kim Bôi
    Trước có tên là Lương Thủy, một huyện miền núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Đây là đầu nguồn của sông Bôi, một phụ lưu chính của sông Đáy, thuộc hệ thống sông Hồng.

    Suối nước khoáng Kim Bôi

    Suối nước khoáng Kim Bôi

  15. Hạ Bì
    Một xã thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
  16. Kim Bôi, Hạ Bì ngày trước là vùng rừng thiêng nước độc.
  17. Sông Đà
    Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).

    Sông Đà

    Sông Đà

  18. Sông Đà ngày trước khét tiếng về bệnh sốt rét.
  19. Báng nước
    Hiện tượng bụng trướng căng, rốn lồi, một triệu chứng của những bệnh xơ gan, suy tim phải, viêm đa màng, hội chứng thận hư...
  20. Nhật Lệ
    Tên một dòng sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi thuộc dãy Trường Sơn, chảy ra Biển Đông tại cửa Nhật Lệ. Cùng với sông Gianh, dãy Hoành Sơn, đèo Ngang, sông Nhật Lệ là một trong những biểu tượng của tỉnh Quảng Bình.

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

  21. Hoành Sơn
    Tên một dãy núi ở phía nam tỉnh Hà Tĩnh, phía bắc tỉnh Quảng Bình. Hoành Sơn và sông Gianh là biểu trưng lịch sử, văn hoá, địa lý của tỉnh Quảng Bình. Thế kỷ 17, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói với sứ của chúa Nguyễn Hoàng "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân," nghĩa là "một dải Hoành Sơn có thể dung thân đời đời." Nguyễn Hoàng đã vượt Hoành Sơn vào đến Thuận Hóa và dựng nên nghiệp lớn của các chúa NguyễnĐàng Trong và nhà Nguyễn sau này.

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

  22. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  23. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  24. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  25. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  26. Âm Bổn
    Hội Quán Triều Châu ở Hội An, còn gọi là chùa Âm Bổn hoặc chùa Ông Bổn, là nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng của người Triều Châu.

    Chùa Âm Bổn

    Chùa Âm Bổn

  27. Chùa Cầu
    Tên một cây cầu đồng thời cũng là một ngôi chùa cổ ở Hội An. Cầu được các thương nhân người Nhật góp tiền xây dựng vào thế kỉ 17 (nên còn được gọi là cầu Nhật Bản), bắc ngang qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người dân gọi là Chùa Cầu. Chùa Cầu là một biểu tượng văn hóa - du lịch của Hội An.

    Chùa Cầu

    Chùa Cầu

  28. Bánh phu thê
    Còn gọi là bánh xu xê, xu xuê, một loại bánh ngọt cổ truyền, thành phần chủ yếu là bột gạo, bột năng, đậu xanh, đường trắng, được gói trong hai lớp lá chuối và lá dừa, tùy nơi mà bánh có màu sắc và nhân khác nhau. Bánh tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng, thường được dùng trong các dịp cưới hỏi.

    "...Bánh xu xê. Cái tên kì khôi này ở đâu mà ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước để mà thèm thuồng những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ, cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm." (Hà Nội băm sáu phố phường - Thạch Lam)

    Bánh phu thê

    Bánh phu thê

  29. Mễ Sở
    Tên một tổng trước 1945, nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây nổi tiếng với truyền thuyết Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, hàng năm đều làm lễ lớn vào tháng hai âm lịch.

    Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

    Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

  30. Đa Hòa
    Tên một ngôi đền thuộc thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đền thờ Chử Đồng Tử và là nơi diễn ra lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung vào tháng hai âm lịch hàng năm.

    Lễ rước kiệu thánh ở đền Đa Hòa

    Lễ rước kiệu thánh ở đền Đa Hòa

  31. Phủ Khoái
    Ngày nay là xã Đại Hưng của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Người dân ở đây có nghề đóng gạch thuê.
  32. Phú Quốc
    Được mệnh danh là đảo Ngọc, hòn đảo lớn nhất nước ta, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc có nhiều bãi biển rất đẹp, thu hút nhiều khách du lịch. Nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản hồ tiêu có vị cay nồng rất riêng.

    Bãi biển Phú Quốc

    Bãi biển Phú Quốc

  33. Côn Sơn
    Cũng gọi là Côn Lôn hoặc Côn Nôn, tên hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại đây từ thời Pháp thuộc đã có nhà tù Côn Đảo để giam giữ tù chính trị, khét tiếng dã man và tàn bạo. Dưới chế độ nhà tù Côn Đảo, khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã chết và được chôn cất tại Nghĩa trang Hàng Dương.

    Tượng người tù tại Côn Đảo

    Tượng người tù tại Côn Đảo

  34. Phồn
    Bè lũ, bọn (cũng như phường).
  35. Kim Dữ
    Tên một hòn đảo ngoài khơi biển Hà Tiên. Theo truyền thuyết dân gian, Kim Dữ ngày xưa là một hòn đảo nhỏ, có con giao long ẩn mình dưới núi. Khi nó cựa mình thì hòn núi bị xê dịch, có khi gần bờ, có khi xa bờ. Do núi Kim Dữ có vị trí hiểm yếu, phòng thủ, trấn giữ phía biển của trấn Hà Tiên, năm 1831, nhà Nguyễn cho đắp đồn lũy trên đảo, đặt súng thần công. Từ đó hòn đảo này có tên gọi là Pháo Đài. Địa danh Pháo Đài hiện nay là một phường thuộc Hà Tiên.
  36. Hòn Chảo
    Cũng gọi là núi Ông Chao, một quả núi nay thuộc địa phận xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Để phòng những cuộc tấn công bất ngờ của hải tặc, năm 1735 tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tích lên thay cha (Mạc Cửu) đã ra tay trấn cướp và còn cho lập trên đỉnh núi này một đàn trời rộng lớn làm nơi đốt lửa báo nguy cho Phương Thành (Hà Tiên) khi cần ứng cứu. Lưu ý phân biệt với hòn đảo cùng tên thuộc địa phận Đà Nẵng.
  37. Cổ Tron
    Cũng gọi là hòn Lớn, một hòn đảo thuộc quần đảo Nam Du, nay là xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

    Hòn Cổ Tron

    Hòn Cổ Tron

    Xem truyện ngắn Hòn Cổ Tron của nhà văn Sơn Nam.

  38. Mũi Nai
    Một địa danh nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Mũi Nai có tên Hán Việt là Lộc Trĩ. Theo nghiên cứu của Trương Minh Đạt: Thuở xa xưa, góc biển này được gọi là Mũi Nạy, vì nơi đó có núi Pù Nạy ( là núi, Nạy là lớn) mà người Khmer nói trại là P’Nay hay Bà Nay. Đến khi người Việt đến đọc âm này thành Nai. Đến thời người Hoa đến, họ dịch chữ Nai ra chữ Hán là Lộc... (Nghiên cứu Hà Tiên, NXB Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, 2008, tr. 28). Gia Định thành thông chí chép:

    Lộc Trĩ cách trấn về phía tây 43 dặm. Cây cối lửng lơ lưng núi, ngọn núi nhọn đứng chọc trời cao, vượt qua đất bằng mà gối đầu bờ biển. Suối ngọt, đất tốt, nhà cửa nhân dân ở vây quanh dưới bóng núi. Trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên thì Lộc Trĩ thôn cư (xóm quê Mũi Nai) là một cảnh vậy.

    Bãi biển Mũi Nai

    Bãi biển Mũi Nai