Tìm kiếm "trăng thu"

Chú thích

  1. Đọt
    Ngọn thân hay cành cây còn non (đọt ổi, đọt chuối), hoặc phần trên cùng của cây cao (đọt dừa, đọt cau, đọt tre...).
  2. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  3. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  5. Đây là bản dịch Nôm hai câu trong bài thơ Thập cầm (Mười giống chim) của Trần Nguyên Đán. Nguyên văn Hán Việt:

    Nhân ngôn kí gửi dữ lão nha
    Bất thức lão nha liên ái phầu

    Câu thơ có hàm ý nhắc nhở Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã quá tin tưởng mà giao con là Trần Thuận Tông cho quyền thần Hồ Quý Ly phụ chính (Quý Ly có người cô là mẹ Nghệ Tông nên là vai bác của Thuận Tông). Về sau quả nhiên nhà Trần bị mất về tay Hồ Quý Ly.

  6. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  7. Đay
    Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.

    Cây đay

    Cây đay

  8. Ngọ Môn
    Tên cổng chính phía nam (hướng ngọ theo địa lí phong thủy phương Đông) của Hoàng thành Huế, cổng lớn nhất trong bốn cổng chính. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng dưới triều Nguyễn.

    Ngọ Môn

    Ngọ Môn

  9. Từ Thức
    Nhân vật trong truyện Từ Thức gặp tiên, được chép lại trong tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ:

    Xưa có người tên là Từ Thức, nhân đi chơi hội đã cởi áo gấm giúp một cô gái xinh đẹp. Sau chàng từ quan, tìm thú vui nhàn tản. Một lần ra cửa biển Thần Phù, Từ Thức đi qua núi và thấy một hang động rất đẹp, được bà chủ động gả cho Giáng Hương, chính là người chàng đã giúp thuở nào. Được một năm, Từ Thức nhớ nhà, muốn về thăm. Giáng Hương sắm xe và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt. Khi về đến quê nhà, tất cả đều đã đổi thay, không ai biết chàng là ai. Chàng hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết đó là cháu ba đời của mình. Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng chỉ thấy có dòng chữ: "Ở nơi tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ." Về sau, người ta thấy Từ Thức đội nón nhẹ đi vào núi Hoàng Sơn (thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa) rồi không thấy trở về nữa.

    Hang động nơi Từ Thức gặp tiên nay là động Từ Thức.

  10. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  11. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  12. Giải nghĩa: Câu đố này có sự chơi chữ, "bần" trong tên cây bần đồng âm với từ Hán Việt "bần" 貧 nghĩa là nghèo (gia tài của cải cũng đều không). Ngoài ra, vì cây bần mọc trong nước mặn nên gọi là "trước sơn thủy" (núi và nước), đồng thời quả bần rất giống "mấy ngọn đèn chong."
  13. Chung
    Chén nhỏ dùng khi uống rượu hoặc trà. Cũng nói chung thỉ (người Nam Bộ phát âm chữ thủy thành thỉ).

    Chung trà

    Chung trà

  14. Lậu
    Để lộ (phương ngữ Nam Bộ, nguyên là âm Hán Việt của chữ lậu 漏).
  15. Long ẩn thủy ba
    Rồng nấp nơi sóng nước (chữ Hán).
  16. Bút Trận
    Tên một ngôi làng nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  17. Mía mưng
    Một giống mía ngọt, nhiều nước, dễ trồng, chịu được úng ngập.
  18. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.