Tôi chào cô Hai như sao Mai rạng mọc
Tôi chào cô Ba như hạt ngọc lung linh
Tôi chào cô Tư như thủy tinh trong vắt
Tôi chào cô Năm như hương ngát bông lan
Tôi chào cô Sáu như hào quang lóng lánh
Tôi chào cô Bảy như cuốn sách chạm bìa vàng
Tôi chào cô Tám như hai làng liễn cẩn
Chào cô Chín như rồng ẩn mây xanh
Chào cô Mười như chim oanh uốn lưỡi trên cành
Chào rồi tôi chụp hỏi rành rành
Hỏi căn cơ hà xứ phụ mẫu cùng huynh đệ thiểu đa
Hỏi cho biết cửa biết nhà
Nhờ ông mai tới nói, nay tới chết tôi cũng quyết giao hòa với một cô.
Tìm kiếm "tam thai"
-
-
Tau lắng nghe từ trước đến sau
Tau lắng nghe từ trước đến sau
Con nào phỉnh dỗ chồng tau thì chừa
Tau đây không phải tay vừa
Tau cạo trọc lóc, không chừa tóc con
Mày đừng dỗ ngọt dỗ ngon
Tiếng to tiếng nhỏ, không khôn chi mặt mày
Mả cha tám kiếp con đĩ này
Gọt đầu cắt tóc cho mày biết thân! -
Nghĩ rằng em đã có chồng rồi
Nghĩ rằng em đã có chồng rồi,
Sao em chưa có, đứng ngồi vân vi?
– Ôi thầy mẹ ơi, cấm đoán con chi!
Mười lăm mười tám, sao chẳng cho đi lấy chồng?
Ôi ông trời ơi, ông ở bất công,
Người ta có cả, sao tôi không có gì?
Một mai quá lứa, nhỡ thì,
Tuổi già kéo đến còn gì là xuân!
Đêm nằm vuốt bụng khấn thầm,
Xin ông thí bỏ một chồng cho xong.
Rồi tôi sẽ tạ ơn ông,
Con bò to béo, cho xứng với anh chồng béo to!Dị bản
Anh nghĩ rằng em đã có chồng rồi,
Sao em chưa có, đứng ngồi vân vi?
– Ôi thầy mẹ ơi, cấm đoán em chi!
Mười lăm mười tám, sao chưa cho đi lấy chồng?
Ới ông trời ơi, sao ông ở không công?
Người ta có cả, sao tôi không có gì?
Duyên em đã lỡ, em trách ông Tơ Hồng sao ông khéo trêu ngươi
Cứ đêm đêm tôi nằm, tôi vuốt bụng, tôi gọi Trời,
Xin ông thí bỏ cho tôi chút chồng.
Tôi về làm lễ tế ông,
Mổ con bò béo, ông cho tôi lấy anh chồng cho nó to,
Bõ công ôi đi mượn chú lái mổ bò.
-
Kỳ sơn, kỳ thuỷ, kỳ phùng
-
Đạo nào cao bằng đạo can trường
Đạo nào cao bằng đạo can trường,
Chồng mà xa vợ đoạn trường trời ơi.
Bấy lâu nay mình một ngả tui một nơi,
Ngày nay gặp mặt giải vơi cơn sầu.
Trống tam canh vội đổ trên lầu,
Mình có chồng rồi tôi nói cơ cầu làm chi.
Miệng thế gian ngôn dực trường phi,
Còn lo phụ mẫu sao bất thành không ai.
Bữa này mười một mai là mười hai,
Mình tui ở lại với ai bây giờ? -
Vô duyên lấy phải chồng già
Vô duyên lấy phải chồng già
Ra đường bạn hỏi rằng cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng
Chính thực là chồng có phải cha đâu.
Ngày ngày vác cối giã trầu
Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm.
Đêm đêm đưa lão đi nằm
Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ.
Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ
Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng.
Nữa mai người có thiếp không
Xấu hổ với chúng bạn, cực lòng mẹ cha.Dị bản
Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già
Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng
Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!Tốt số lấy được chồng già
Ra đường bạn hỏi: Ông gia hay chồng?
Không nói ra thì cực trong lòng
– Ông gia tôi đó, nỏ phải chồng tôi đâu
Cơm xong, múc nước, nhai trầu
Đêm tắt đèn đi ngủ, hàm râu ông kề vào
Tôi xê ra ông lại xịch vào
Phận tôi là gái má đào mắt xanh
Lẽ nào kêu cố bằng anh?
-
Vè ở tù
Chiều chiều vào khám
Như công chúa vào lầu
Bận áo không bâu
Như mình mang thiết giáp
Thầy chú đánh đạp
Như thí võ Tràng An
Quần áo lang thang
Như mình mang giáp trụ
Tuông bờ lướt bụi
Như Khương Thượng tán binh … -
Cây đa Bình Đông, cây đa Bình Tây
-
Ví dù theo lái xuống tàu
Ví dù theo lái xuống tàu
Thì em mới biết cá gầu có gai
Con bơn, con nhệch là hai
Con còng, con ghẹ, nó tài đào hang
Kể rằng cá đuối bơi ngang
Cái đuôi có điện ra đàng làm cao
Lại tăm con cá đuối sao
Nước lên cả nước gặp ngay cá ngần
Biển sâu lại có chướng ngầm
Cá ăn nó lượn ba lần nó ra
Cá Ông thì ở bể xa
Lưỡng long chầu nguyệt có ngà đôi bên
Lần đầu xuống bến xuống thuyền
Sao mà em biết nhãn tiền cá Ông
Ví dù em có sang sông
Thì em mới biết cá Ông chầu đền
Kể từ mặt biển kể lên
Chim, thu, nhụ, đé, vược hên nhất đời
Cá he ngậm nước bao giờ
Mà em dám nói đổ ngờ cá he
Kể cả con cá mòi he
Xương dăm vẫn mặc cứ le cho vào
Kể từ con cá chuồn hoa
Nó nhảy một cái qua ba lần thuyền
Kể từ con cá đối đen
Bắt được đi bán lấy tiền ăn chơi
Dưới bể có cả đồi mồi
Có con lợn bể nó bơi cả ngày
Kể cả con cá mó tày
Vàng xanh cả vẩy cả vây cũng mừng
Kể cả con mực, con nhưng
Cứ cầm cho chặt lưới thừng không buông
Con mực nhuộm đục cả luồng
Đón đuôi thả lưới mà buông đến cùng
Cá mập bơi lội vẫy vùng
Khoanh tay vược lộn ở vùng bể Đông
Kể từ cá mú, cá song
Cá nhung, cá cúng, cá hồng Áng Gai
Cá sông kể cũng rất tài
Cá mè, cá chép, ở khe ngọn nguồn
Trở giời nó mới lượn lên
Ví dù em ở đồng trên gần nguồn
Thì em mới biết nguồn cơn
Thì em mới biết cá rô, trê đồng
Bây giờ em chưa có chồng
Làm gì em biết thuộc lòng cá chim? -
Than rằng: con vịt đua dưới nước
-
Đêm qua nguyệt lặn về tây
-
Con chim xanh đậu nhành đu đủ
Con chim xanh đậu nhành đu đủ
Nhắc dân làng nhiệm vụ hộ đê
Quản chi công việc nặng nề
Cốt sao bảo vệ được đê vững vàng
Hộ đê, có tổng, có làng
Hộ đê đâu phải một làng mà thôi
Dù mưa dù nắng mặc trời
Làng trên xóm dưới người người quyết tâm
Khó khăn cũng phải dấn thân
Lo xong bổn phận công dân mỗi người -
Đàn bà sao quá vô duyên
-
Chăn đơn gối chiếc nửa hòng
Chăn đơn gối chiếc nửa hòng
Cạn sông lở núi ta đừng quên nhau
Từ ngày ăn phải miếng trầu
Miệng ăn xôi đỏ dạ sầu đăm chiêu
Biết rằng thuốc dấu hay bùa yêu
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
Làm cho quên mẹ quên cha
Làm cho quên cửa quên nhà
Làm cho quên cả đường ra lối vào
Làm cho quên cá dưới ao
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời
Đất Bụt mà ném chim trời
Ông Tơ bà Nguyệt xe dây nhợ nửa vời ra đâu
Cho nên cá chẳng bén câu
Lược chẳng bén dầu, chỉ chẳng bén kim
Thương nhau nên phải đi tìm
Nhớ nhau một lúc như chim lạc đàn. -
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Sáng trăng vằng vặc
Sáng trăng vằng vặc
Vác cặc đi chơi
Gặp con vịt trời
Giương cung định bắn
Gặp cô yếm thắm
Đội gạo lên chùa
Giơ tay bóp vú
Khoan khoan tay chú
Đổ thúng gạo tôi
Hôm nay ba mươi
Ngày mai mồng một
Để tôi đội gạo
Lên chùa cúng Bụt
Bụt ngoảnh mặt đi
Đức Thích Ca mở miệng cười khì,
“Của tam bảo, để làm gì chẳng bóp.” -
Nhà anh phúc thọ đời đời
Nhà anh phúc thọ đời đời
Cha mẹ sinh hạ chín mười con trai
Cũng đều có đức có tài
Ai ai cũng xứng một đời tài hoa
Anh Cả thì đỗ thám hoa
Anh Hai tiến sĩ anh ba tú tài
Anh Tư là quan tỉnh Đoài
Anh Năm dẹp giặc tỉnh ngoài tỉnh trong
Anh Sáu tổng đốc xứ Đông
Anh Bảy án sát ở trong Ninh Bình
Anh Tám tuần phủ Bắc Ninh
Anh Chín tri phủ Quảng Bình gần xa
Anh là em Út trong nhà
Anh đi kén vợ đường xa nước người
Thấy em đẹp nói đẹp cười
Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng
Vậy nên anh gửi thơ sang
Bởi lòng anh quyết lấy nàng mà thôi -
Vè chăn vịt
Thân tôi coi vịt cực khổ vô hồi
Sáng ra ngồi trông trời mau xế như chúa trông hiền thần
Hai cẳng lần lần như Địch Thanh thắng trận
Quần áo chưa kịp bận như Tào Tháo bị vây
Tay cầm cái cây như Tề Thiên cầm thiết bảng
Vịt chạy qua bờ ngăn đón cản như Tiết Nhơn Quý rượt Cáp Tô Văn
Quần bận còn xăn như Uất Trì tắm ngựa
Vịt ăn ngồi dựa bóng tùng như Tần Thúc Bảo lúc bệnh đau
Vịt chạy đuổi lao xao như La Thông tảo Bắc
Tối về nhà đèn chưa tắt như đãi yến công nương
Ngày ra tới đứng ngoài đường, chiều về như Phàn Lê Huê nhập trại. -
Ngồi rồi may túi đựng trời
Ngồi rồi may túi đựng trời
Đan phên chắn gió, giết voi xem giò
Ngồi rồi vác thước đi đo
Đo hết núi Sở về đo chùa Thầy
Lên ngàn, đo gió đo mây
Xuống sông đo nước, về đây đo người,
Đo người mười tám đôi mươi
Mười tám chẳng được, đo người mười lăm.Dị bản
Ngồi buồn may túi đựng trời,
Đem sề sảy đá, giết voi xem giò.
Ngồi buồn đem thước đi đo,
Đo từ núi Sở, núi So, núi Thầy
Lên trời đo gió đo mây
Xuống sông đo nước, lại đây đo người.
Đo từ mười tám, đôi mươi
Đo lên chẳng được, đo người mười lăm.
Tuổi em vừa đúng trăng rằm,
Tuổi anh mười sáu kết trăm năm vừa.Ngồi buồn may túi đựng trời,
Đem sề sảy đá, giết voi xem giò.
Ngồi buồn đem thước ra đo,
Đo từ núi Sở, núi So, núi Thầy
Lên trời đo gió đo mây
Xuống sông đo nước, về đây đo người.
Đo từ mười tám, đôi mươi
Đo được một người vừa đẹp vừa xinh.
-
Anh ơi duyên phận lỡ làng
Anh ơi duyên phận lỡ làng,
Xin anh để tiếng phi thường cho em.
Ước gì kẻ lạ người quen,
Gần xa nhắc đến chồng em anh hùng.
Thu đông lệ nhỏ đôi dòng,
Anh đi em ngỏ tấm lòng cùng anh. -
Dám khuyên khách ở trên đời
Dám khuyên khách ở trên đời
Ước cho no đủ mọi mùi ăn chơi
Ước gì gặp tiên trên trời
Như chàng Lưu Nguyễn lên chơi động đào
Ước gì làm được quan cao
Giã ghe ngựa cưỡi võng đào nghênh ngang
Ước gì lắm bạc nhiều vàng
Như chàng Vương Khải thế gian ai tài
Ước gì gặp hội rồng mây
Đăng khoa chiếm bảng ngày rày vinh hoa
Ước gì trăm tám tuổi già
Sống như Bành Tổ mới là sống lâu
Ước gì lắm rể nhiều dâu
Lắm con nhiều cháu bề sau thọ tràng
Ước gì được cả trăm đàng
Như lan như huệ cùng chung một đoàn
Ước gì như quạt như gương
Phan Trần sánh lại mà thương nhau cùng
Ước cho có thủy có chung
Ước cho no đủ chữ đồng mà thôi
Thế là anh đã ước rồi
Thì nàng ước lại cho tôi bằng lòng
Chú thích
-
- Sao Kim
- Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
-
- Lan
- Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...
-
- Liễn
- Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.
-
- Oanh
- Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
(Truyện Kiều)
-
- Làm mai
- Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
-
- Nghĩa giao hòa
- Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
-
- Vân vi
- Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
-
- Thầy mẹ
- Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).
Con đi mười mấy năm trời,
Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!
(Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Kỳ
- Kỳ lạ, lạ lùng (từ Hán Việt).
-
- Sơn
- Núi (từ Hán Việt).
-
- Thủy
- Nước (từ Hán Việt), cũng chỉ sông nước.
-
- Phùng
- Gặp gỡ (từ Hán Việt).
-
- Tri
- Biết (từ Hán Việt).
-
- Kháp
- Khớp, ăn khít vào nhau. Cũng dùng với nghĩa là "gặp mặt."
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Nường
- Nàng (từ cũ).
-
- Can trường
- Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.
Chút riêng chọn đá thử vàng,
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?
(Truyện Kiều)
-
- Đoạn trường
- Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Ăn nói cơ cầu
- Ăn nói rắc rối, phức tạp (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Ngôn dực trường phi
- Lời nói có cánh, có thể bay xa.
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Ông gia
- Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
-
- Nỏ
- Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Cố
- Gắng, gắng gượng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Bâu
- Cổ áo.
-
- Trường An
- Kinh đô Trung Quốc thời nhà Hán và nhà Đường, ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.
-
- Giáp trụ
- Từ chữ giáp 甲 áo dày, áo giáp, và trụ 冑 mũ đội ra trận để phòng tên đạn.
-
- Khương Thượng
- Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.
Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.
-
- Bình Đông
- Một địa danh nay thuộc quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, là một khu vực đóng vai trò quan trọng với Sài Gòn - Chợ Lớn hình thành cách đây 200 năm. Tại đây có chợ Bình Đông, một ngôi chợ tấp nập, trên bến dưới thuyền.
-
- Chợ Lớn
- Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.
-
- Xóm Củi
- Địa danh xưa là một ấp, nay là tên đường tại phường 11, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Có tên như vậy vì trước đây khu vực này chuyên bán củi đun bếp. Tại đây có các địa danh liên quan như chợ Xóm Củi, rạch Xóm Củi, cầu Xóm Củi...
-
- Chợ Đũi
- Còn bị đọc trệch thành chợ Đuổi, ra đời đầu thế kỷ 19 tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, bán các thứ hàng thô dệt bằng tơ gốc (đũi). Năm 2005, chợ này đã bị giải tỏa.
-
- Trát
- Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
-
- Điếm
- Từ Hán Việt, nghĩa rộng là hàng quán, nhà trọ...
-
- Tòng tam tụ ngũ
- Tụ tập đông người. Một thành ngữ tương đương là Tụm năm tụm bảy.
-
- Phu thê
- Vợ chồng (từ Hán Việt).
Có âm dương, có vợ chồng,
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.
(Cung oán ngâm khúc)
-
- Ví dầu
- Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
-
- Lái
- Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
-
- Cá mú
- Tên chung một họ cá biển cho thịt trắng, dai, ngọt. Có ba loại cá mú chính là cá mú đỏ, cá mú đen, cá mú cọp, trong đó cá mú đỏ là loài cá quý hiếm nhất, hai loại còn lại thì hiện nay đang được nuôi khá nhiều. Tùy theo từng địa phương mà cá mú còn được gọi là cá song, cá gàu (gầu), cá mao…
-
- Thờn bơn
- Còn gọi là cá bơn, một loại cá thân dẹp, hai mắt nằm cùng một bên đầu. Vì vị trí hai mắt như vậy nên khi nhìn chính diện có cảm giác miệng bị méo.
-
- Cá lịch
- Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.
-
- Còng
- Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.
-
- Ghẹ
- Vùng Bắc Trung Bộ gọi là con vọ vọ, một loại cua biển, vỏ có hoa, càng dài, thịt nhiều và ngọt hơn cua đồng.
-
- Cá đuối
- Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.
-
- Cá ngần
- Còn gọi là cá ngân, cá cơm ngần, cá sữa, cá thủy tinh, hay cá bún, một loại cá không xương, nhỏ như con tép, màu trắng hoặc trong suốt, sống trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Từ cá ngần có thể chế biến ra nhiều món ngon như canh chua, cá chiên trứng, chả cá ngần…
-
- Cá Ông
- Tên gọi của ngư dân dành cho cá voi. Do cá voi có tập tính nương vào vật lớn (như thuyền bè) mỗi khi có bão, nên nhiều ngư dân mắc nạn trên biển được cá voi đưa vào bờ mà thoát nạn. Cá voi được ngư dân tôn kính, gọi là cá Ông, lập nhiều đền miếu để thờ.
-
- Lưỡng long chầu nguyệt
- Hai con rồng chầu mặt trăng (cũng gọi là "rồng chầu mặt nguyệt"). Đây là chi tiết phù điêu thường gặp trên các mái đình đền, chùa chiền ở nước ta, mang ý nghĩa tâm linh thuần phục thánh thần.
-
- Cá chim
- Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Cá nhụ
- Cũng gọi là cá chét, một loại cá biển thân dài, dẹt bên, đầu ngắn, mắt to. Thịt cá dai, ngọt và nhiều chất dinh dưỡng, xương mềm. Cá thường được chiên lên chấm với nước mắm tỏi, ớt ăn kèm rau sống hoặc nấu canh ngót hoặc sốt cà chua, kho cà chua, kho tiêu, kho tộ…
-
- Cá đé
- Cũng gọi là cá lặc, một loài cá biển thân dài, đầu ngắn, thân màu trắng bạc. Cá đé có thịt thơm ngon hảo hạng, hiếm có khó tìm, được xếp vào “tứ quý ngư” (chim, thu, nhụ, đé), bốn loài cá quý của Việt Nam.
-
- Cá vược
- Một loại cá sinh trưởng ở nước ngọt, nước lợ và di cư ra vùng nước mặn để đẻ. Ở nước ta, cá vược phân bố dọc bờ biển từ Bắc đến Nam và được đánh giá có giá trị kinh tế cao, đã được thuần hóa để nuôi cả trong điều kiện nước mặn và nước ngọt.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Cá chuồn
- Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.
Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...
-
- Cá đối
- Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...
-
- Đồi mồi
- Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.
-
- Lợn biển
- Động vật có vú thuộc bộ bò biển, sống ở biển hoặc cá vùng cửa sông, có thân hình to lớn (cá thể trưởng thành nặng khoảng nửa tấn), chuyên ăn các loại thực vật dưới biển.
-
- Cá mó
- Cũng gọi là cá lưỡi mèo hoặc cá vẹt, một loài cá biển có thân hình dẹt, khá mềm, rất nhiều thịt. Thịt của cá mó có hương vị đậm đà, dễ chế biến thành các món kho, chiên hay canh.
-
- Nhưng
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhưng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá nhung
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá nhung, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá cúng
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá cúng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá hồng
- Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Cá mè
- Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Cá rô
- Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...
Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.
-
- Cá trê
- Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.
-
- Bàu
- Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.
-
- Phượng hoàng
- Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Gởi
- Gửi (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Nguyệt
- Mặt trăng (từ Hán Việt).
-
- Trúc
- Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.
-
- Mai
- Cây cùng loại với tre, gióng dài, thành dày, đốt lặn, lá rất to, dùng làm nhà, làm ống đựng nước...
-
- Trúc mai
- Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.
Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông
(Truyện Kiều)
-
- Tổng
- Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
-
- Hội Nõ Nường
- Còn gọi là lễ hội Trò Trám, diễn ra vào đêm 11 và ngày 12 tháng Giêng Âm lịch hàng năm ở xóm Trám, xã Tứ Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Trò Trám là lễ hội phồn thực của người Việt cổ nhằm tôn vinh sức sống con người, cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội này gồm ba phần chính:
1. Lễ mật tắt đèn hay lễ hội "Linh tinh tình phộc," diễn ra tại Miếu Trò vào đêm ngày 11 tháng Giêng. Chủ tế đưa cho người con trai một vật bằng gỗ gọi là Nõ (tượng trưng cho sinh khí thực nam) và người con gái một vật hình mui rùa gọi là Nường (tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Sau đó, đèn đóm được tắt hết, người chủ tế sẽ hô ba lần câu "Linh tinh tình phộc". Cứ sau mỗi câu hô, đôi trai gái phải rướn người lên, giơ cao dùi gỗ, mui rùa để miệng há rồi chọc mạnh vào nhau. Nếu cả ba lần đều đâm trúng thì đó là điềm lành báo trước một năm mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn thuận lợi.
2. Lễ rước lúa thần được tổ chức vào sáng 12 tháng Giêng. Lúa thần là những bông lúa thật to, thật mẩy, lá lúa được tượng trưng bằng lá mía được đặt trên hương án kiệu, giữa cắm một gióng mía to, róc vỏ. Lễ hội này ngoài mục đích cầu mong cho mùa màng tươi tốt còn là dịp để tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa
3. Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp, còn có tên gọi khác là "Bách nghệ khôi hài," bao gồm những màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sĩ, nông, công, thương) do chính những người nông dân tham gia trình diễn các vai: thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, người chăn tằm, dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, thầy cúng, người đi buôn, đi câu, bắt cá… với những động tác, ngôn ngữ gây cười cho người xem.>
-
- Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bạch Huê.
-
- Yếm
- Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Thích Ca
- Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.
-
- Tam bảo
- Ba cơ sở chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng, tức là bậc giác ngộ, giáo pháp của bậc giác ngộ và những người bạn đồng học. Của chùa thường được gọi là của tam bảo.
-
- Thám hoa
- Học vị của người đỗ thứ ba trong khoa thi Đình thời phong kiến (sau Trạng nguyên và Bảng nhãn).
-
- Xứ Đoài
- Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.
-
- Tổng đốc
- Chức quan đứng đầu bộ máy cai trị một tỉnh lớn hoặc vài tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, mang hàm tòng nhất phẩm hoặc chánh nhị phẩm.
-
- Xứ Đông
- Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
-
- Án sát
- Chức quan đứng đầu ty Án sát, trông coi việc hình (luật lệ, xét xử) trong một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, thuộc hàng tam phẩm.
-
- Ninh Bình
- Một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vùng đất này từng là kinh đô nước ta vào thế kỉ 10, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.
-
- Tuần phủ
- Chức quan đứng đầu một tỉnh nhỏ dưới thời nhà Nguyễn.
-
- Bắc Ninh
- Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.
-
- Tri phủ
- Chức quan đứng đầu một phủ hoặc châu (tương đương với một huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn), có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt đó.
-
- Quảng Bình
- Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.
Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...
-
- Răng vàng
- Trong quá trình nhuộm răng đen, bước đầu răng có màu cánh gián (hơi ánh màu vàng đất), nếu nhuộm tiếp thì mới có màu đen. Một số người không muốn nhuộm nữa, để màu vàng, nên gọi là răng vàng.
-
- Vô hồi
- Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
-
- Hiền thần
- Người bầy tôi giỏi (trong xã hội phong kiến).
-
- Địch Thanh
- Một danh tướng của nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc.
-
- Tào Tháo
- Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.
-
- Tôn Ngộ Không
- Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.
-
- Tiết Nhơn Quý
- Một danh tướng thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến nhiều bởi hình tượng nhân vật tiêu biểu trong văn hóa kinh kịch Trung Quốc. Hình ảnh Tiết Nhơn Quý được thần thoại hóa thành "tướng tinh cọp trắng" và có nhiều câu chuyện dân gian xung quanh nhân vật này.
Ở nước ta, cuốn tiểu thuyết dã sử của Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông đã được chuyển thể thành vở cải lương cùng tên được nhân dân khá yêu thích. Xem trích đoạn vở cải lương này tại đây.
-
- Cáp Tô Văn
- Tướng tài của nước Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay). Theo chuyện ghi trong bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông sau được dựng thành tuồng và cải lương ở nước ta, trong chuyến xuất đại binh chinh phạt của vua Trung Quốc đời Đường là Đường Thái Tông, Cáp Tô Văn đánh bại tất thảy các tướng nhà Đường nhưng cuối cùng thua dưới tay Tiết Nhơn Quý, chặt đầu mình tự vẫn.
-
- Uất Trì Cung
- Một danh tướng thời Đường bên Trung Hoa. Ông họ Uất Trì tên Cung, tên chữ là Kính Đức, nổi tiếng có sức mạnh phi thường, phò tá vua Đường Thái Tông rất trung thành. Hình tượng Uất Trì Cung trong quan niệm dân gian Trung Hoa là một viên tướng mặt đen như than, cùng với Tần Quỳnh (mặt vàng) là hai vị thần giữ cửa (môn thần) trong tín ngưỡng truyền thống.
-
- Tần Thúc Bảo
- Danh tướng nhà Đường dưới thời Đường Thái Tông, là một trong những khai quốc công thần của nhà Đường, được dân gian tôn làm Môn Thần (thần giữ cửa) và được tiểu thuyết hoá trong nhiều tác phẩm văn học và sân khấu-điện ảnh.
-
- La Thông
- Một danh tướng đời Đường trong tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc La Thông tảo Bắc kể việc La Thông kéo quân lên cứu Đường Thái Tông bị vây khốn ở Bắc Phiên. Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành một vở cải lương cùng tên (còn có tên khác là "Công chúa Đồ Lư"), được nhân dân ta, đặc biệt là người miền trong, ưa chuộng. Nhân vật La Thông cũng được nhắc đến trong các vở tuồng cổ Tiết Nhơn Quý chinh Đông và Tiết Đinh San chinh Tây.
-
- Phàn Lê Huê
- Một nữ tướng thời Đường, vợ của Tiết Đinh San, cũng là một danh tướng trong dã sử Trung Quốc. Phàn Lê Huê là nhân vật chính trong nhiều vở tuồng và cải lương biên soạn dựa trên tiểu thuyết Trung Quốc ở nước ta.
Xem trích đoạn cải lương Phàn Lê Huê phá Hồng thuỷ trận và Tiết Định San cầu Phàn Lê Huê tại đây.
-
- Rồi
- Rảnh rỗi.
-
- Phên
- Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.
-
- Núi Sở
- Một ngọn núi ở huyện Chương Mỹ, trước thuộc tỉnh Hà Tây, nơi có chùa Trăm Gian.
-
- Chùa Thầy
- Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.
-
- Sề
- Đồ đan mắt thưa, nan thô, rộng, to hơn rổ, thường dùng đựng bèo, khoai...
-
- Núi So
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Núi So, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Lưu Nguyễn
- Tên của hai nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.
-
- Vương Khải
- Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Bành Tổ
- Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.
Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.
-
- Trường thọ
- Sống lâu (từ Hán Việt).
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Phan Trần
- Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
-
- Thủy chung
- Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)