Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đèo Ngang
    Một con đèo thuộc dãy Hoành Sơn, nằm ở ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung.

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

  2. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Tuyên Hóa
    Tên một huyện nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình.
  4. Hang Minh Cầm
    Tên gọi chung của một quần thể hang động thuộc địa phận làng Minh Cầm, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, là một di tích khảo cổ đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình. Hang Minh Cầm gồm có hang Chùa (tự nhiên) và hang Tàu (được đào trong giai đoạn phát triển giao thông thời Pháp thuộc, nhằm mở tuyến xe lửa nối liền Nam ra Bắc).

    Cảnh làng Minh Cầm

    Cảnh làng Minh Cầm

  5. Gà lôi
    Tên chung của một số giống chim cùng loại với gà, sống hoang. Thường gặp nhất ở nước ta có lẽ là gà lôi lông trắng, có lưng trắng, bụng đen, đuôi dài.

    Gà lôi lông trắng

    Gà lôi lông trắng

  6. Nầm
    Địa danh nay thuộc xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây cũng có nhiều địa danh liên quan: rú Nầm (núi), vạn Nầm (làng chài), hói Nầm (cửa sông Khuất), vực Nầm (vực nước)…
  7. Phố Dương
    Một huyện cổ thuộc quận Cửu Đức (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Đời Tấn Vũ Đế tách lập huyện Phố Dương thành hai làng là Phố Châu và Phúc Dương, nay thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  8. Sông Thương
    Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.

    Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

  9. Nhật trình
    Hành trình trong một ngày, khoảng cách đi được trong một ngày.

    Vài ngày huyện vụ giao xong,
    Ra thành lên kiệu, thẳng giong nhật trình.

    (Nhị Độ Mai)

  10. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  11. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  12. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  13. Xuân bất tái lai
    Tuổi trẻ không quay trở lại.
  14. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  15. Màu đào
    Màu đỏ phơn phớt như màu hoa đào.
  16. Thế
    Đời, thế gian (từ Hán Việt).

    Tay bé khôn bưng vừa miệng thế,
    Giãi lòng ngay thảo, cậy thiên tri.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  17. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  18. Quắn
    Xoăn tít (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Huỳnh
    Đọc trại âm từ chữ Hán hoàng 黃 (nghĩa là vàng). Xưa vì kị húy với tên chúa Nguyễn Hoàng mà người dân từ Nam Trung Bộ trở vào đều đọc thế.
  20. Từ Thức
    Nhân vật trong truyện Từ Thức gặp tiên, được chép lại trong tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ:

    Xưa có người tên là Từ Thức, nhân đi chơi hội đã cởi áo gấm giúp một cô gái xinh đẹp. Sau chàng từ quan, tìm thú vui nhàn tản. Một lần ra cửa biển Thần Phù, Từ Thức đi qua núi và thấy một hang động rất đẹp, được bà chủ động gả cho Giáng Hương, chính là người chàng đã giúp thuở nào. Được một năm, Từ Thức nhớ nhà, muốn về thăm. Giáng Hương sắm xe và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt. Khi về đến quê nhà, tất cả đều đã đổi thay, không ai biết chàng là ai. Chàng hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết đó là cháu ba đời của mình. Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng chỉ thấy có dòng chữ: "Ở nơi tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ." Về sau, người ta thấy Từ Thức đội nón nhẹ đi vào núi Hoàng Sơn (thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa) rồi không thấy trở về nữa.

    Hang động nơi Từ Thức gặp tiên nay là động Từ Thức.

  21. Vuông tròn
    Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
  22. Long
    Lỏng ra, rời ra.
  23. Thảo ngay
    Ngay thẳng thảo thuận, có hiếu với cha mẹ.
  24. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  25. Đốt giấy lấy xôi
    Chửi bọn thầy cúng bịp bợm, làm vờ vịt, qua quýt cho xong đặng lấy tiền.
  26. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Đãi
    Đối xử tốt với ai.
  28. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  29. Giả đò
    Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).