Tìm kiếm "cha trời mẹ đất"

Chú thích

  1. Sêu
    (Nhà trai) đưa lễ vật đến biếu nhà gái trong những dịp lễ tết.
  2. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  3. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  4. Trâm anh
    Cái trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang trong xã hội phong kiến.
  5. Bố kình
    Cũng đọc là bố kinh. Bố là vải; kinh là gai, do câu “bố quần kinh thoa” (mặc quần áo bằng vải, cài trâm bằng gai). Thành ngữ xuất phát từ điển tích Lương Hồng đời Ngụy Võ Đế (Trung Quốc), học thức uyên bác và rất trọng khí tiết. Lương Hồng cưới vợ là nàng Mạnh Quang, con nhà giàu có. Lúc mới về nhà chồng, nàng ăn mặc lộng lẫy, trang sức theo con nhà đài các. Lương Hồng lẳng lặng trong bảy ngày không nhìn đến vợ. Mạnh Quang nhận biết, tự thay đổi hàng lụa, mặc quần áo vải, cài trâm bằng gai. Lương Hồng mừng rỡ bảo: “Đây mới chính là vợ của Lương Hồng.” Bố kình vì vậy chỉ người vợ hiền từ, cũng có thể hiểu là người con gái hiền hậu.
  6. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  8. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  9. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  10. Chợ Giã
    Còn gọi là chợ Quy Nhơn, một phiên chợ ở tỉnh Bình Định, thuộc làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay), cùng với chợ Thị Nại (chợ Quy Nhơn ngày nay) là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư cụ dưới thời nhà Nguyễn.
  11. Chợ Dinh
    Một ngôi chợ nay thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
  12. Chợ Huyện
    Một địa danh nay là làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chợ Huyện nổi tiếng với món nem chua cùng tên.

    Cổng làng Chợ Huyện

    Cổng làng Chợ Huyện

  13. Nem chợ Huyện
    Nem ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  14. Quán Ngỗng
    Một cái chợ ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, sát với huyện An Nhơn, Bình Định. Chợ Quán Ngỗng hình thành từ thời kì người Chàm thành Đồ Bàn sống chung với người Việt, (khoảng thế kỉ 17, 18). Có tên như vậy vì chợ bán nhiều gia cầm.
  15. Gò Chim
    Tên một cái chợ ở thôn Phú Giáo xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, Bình Định. Trước kia chợ nổi tiếng có nhiều thợ bạc khéo tay. Ngày nay chợ vẫn còn hoạt động.
  16. Cầu Chàm
    Tên chữ là Lam Kiều, một địa danh nằm ở phía Bắc Bình Định ngày trước. Tại đây có trồng nhiều cây chàm để nhuộm nên gọi là Cầu Chàm, sau đọc trại ra thành Gò Chàm.
  17. Đập Đá
    Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...

    Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

  18. Vũng Nồm
    Địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Xương Lý.

    Vũng Nồm

    Vũng Nồm

  19. Vũng Bấc
    Một địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Hưng Lương.

    Vũng Bấc

    Vũng Bấc

  20. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  21. Chim khách
    Còn gọi là yến nhung hoặc chim chèo bẻo, có bộ lông màu đen than, đuôi dài tẽ làm đôi. Tiếng kêu của chim nghe như "khách... khách" nên nó có tên như vậy. Theo dân gian, chim kêu tức là điềm báo có khách đến chơi nhà.

    Chim khách

    Chim khách

  22. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  23. Thăng Long
    Tên cũ của Hà Nội từ năm 1010 - 1788. Tương truyền Lý Thái Tổ khi rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên mới gọi kinh đô mới là Thăng Long (rồng bay lên). Ngày nay, tên Thăng Long vẫn được dùng nhiều trong văn chương và là niềm tự hào của người dân Hà Nội.

    Ai về xứ Bắc ta đi với
    Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
    Từ độ mang gươm đi mở cõi
    Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

    (Huỳnh Văn Nghệ)

    Trong thơ văn cổ, Thăng Long cũng được gọi là Long Thành (kinh thành Thăng Long), ví dụ tác phẩm Long Thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) của Nguyễn Du.

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

  24. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  25. Đất rồng
    Đất có vị trí địa lí thuận lợi, theo thuật phong thủy.

    "... ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời."
    (Chiếu dời đô)

  26. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  27. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Thủ lễ
    Giữ lễ phép. Nghiêng mình thủ lễ tức là nghiêng mình chào cung kính, giữ phép tắc.
  30. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  31. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  32. Xà gồ
    Cũn gọi là đòn tay, thanh cứng (ngày xưa thường làm bằng gỗ hoặc tre) được đặt nằm ngang để đỡ các bộ phận bên trên của một công trình xây dựng (nhà cửa, đền chùa...).

    Xà gồ chạm hoa văn

    Xà gồ chạm hoa văn

  33. Tầm vông
    Một loài cây thuộc họ tre, có khả năng chịu khô hạn khá tốt, ưa ánh sáng dồi dào. Thân cây gần như đặc ruột và rất cứng, không gai, thường dùng trong xây dựng, sản xuất chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như những loài tre khác, do độ bền cao, đặc biệt là khả năng dễ uốn cong nên tầm vông còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác.

    Bụi tầm vông

    Bụi tầm vông

  34. Mai Hồ
    Tên một làng nay thuộc thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trong làng có bàu Mai, tên Hán Việt cũng là Mai Hồ.

    Bàu Mai

    Bàu Mai

  35. Cổ Đạm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hoá với “nôi” ca trù Cổ Đạm, nghề làm gốm cổ truyền (nồi đất Cổ Đạm) và nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đình Hoa Vân Hải, đền Phan Tôn Chu, Đền Nguyễn Xí, Đền Cửa Bà, Chùa Bến, Đền Tống...

    Làm gốm ở Cổ Đạm

    Làm gốm ở Cổ Đạm

  36. Láng Ngạn
    Địa danh nay là xã Đức La, Đức Thọ, Hà Tĩnh, có truyền thống làm mắm cáy lâu đời.
  37. Bầy tui
    Chúng tôi, bọn tôi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  38. Nạm
    Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
  39. Cáy hôi
    Một giống cáy chân có lông, được xem là nguyên liệu làm mắm cáy ngon nhất.
  40. Mắm cáy
    Mắm làm từ con cáy, loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông. Mắm cáy được xem là mắm bình dân, thuộc hạng xoàng trong các loại mắm ở vùng biển, thường chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà.

    Con cáy

    Con cáy

  41. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  42. Vuông tròn
    Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
  43. Lộn chồng
    Bỏ chồng theo trai (từ cũ).
  44. Năng
    Hay, thường, nhiều lần.
  45. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  46. Cửa Đông
    Khu vực phố cổ Hà Nội nằm ngoài cửa đông thành Thăng Long, ngày nay là phố Cửa Đông.
  47. Mắt phượng
    Đôi mắt đẹp, to, dài, và hơi xếch lên như mắt phượng hoàng.
  48. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  49. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  50. Tứ đức
    Cùng với "tam tòng", là những quy định xuất phát từ Nho giáo mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ. Tứ đức bao gồm:

    - Công: Nữ công, gia chánh phải khéo léo.
    Dung: Dáng người phải gọn gàng, dễ coi
    Ngôn: Ăn nói phải dịu dàng, khoan thai, mềm mỏng
    Hạnh: Tính nết phải hiền thảo, nết na, chín chắn.

  51. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  52. Nha
    Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.
  53. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  54. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).