Tìm kiếm "Bà Tơ"

Chú thích

  1. Bún nước lèo
    Một loại bún đặc sản ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Nước lèo của bún được nấu từ một số loại mắm thông thường như mắm cá sặc hay cá linh, riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc, cá kèo, cá lóc hoặc lươn. Khi ăn, bún được nhúng vào nồi nước lèo đang sôi, sau đó vớt ra cho vào tô rồi múc nước lèo đổ vào, thêm rau cải, cá, thịt, tép, chanh, giấm ớt…

    Bún nước lèo

  2. Chùa Ông Mẹt
    Một ngôi chùa cổ ở Trà Vinh. Theo lời truyền kể thì chùa được tạo dựng đầu tiên vào khoảng năm 642 tại khu vực gần sân vận động tỉnh bây giờ. Đến khoảng năm 711, chùa mới được dời về vị trí hiện nay (đường Lê Lợi, phường 1, thành phố Trà Vinh). Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, và hiện là nơi đặt Trường trung cấp Phật học Nam tông Khmer.

    Chính điện chùa Ông Mẹt

  3. Ao Bà Om
    Một thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh. Theo truyền thuyết, ao được đào bởi bên nữ trong một cuộc thi, dưới sự lãnh đạo của một người tên là Om. Ao có hình chữ nhật, rộng 300m, dài 500m (vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông). Ngày nay ao Bà Om thường được các học sinh sinh viên chọn làm nơi cắm trại vào những dịp lễ hay lúc nghỉ hè.

    Ao Bà Om

  4. Quan Công
    Tên thật là Quan Vũ, tự là Vân Trường, Trường Sinh, một danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Quan Công là một trong những nhân vật lịch sử được biết đến nhiều nhất ở Đông Á, hình ảnh của ông được đưa vào nhiều loại hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh v.v. Ông được biểu tượng hóa thành hình mẫu con người trung nghĩa, chính trực, được thờ phụng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hồng Kông.

    Hình tượng quen thuộc của Quan Công trong dân gian: mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long yển nguyệt, có lúc cưỡi ngựa xích thố

    Hình tượng quen thuộc của Quan Công trong dân gian: mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây Thanh Long Yển Nguyệt đao, có lúc cưỡi ngựa Xích Thố

  5. Hiếu Tử
    Tên một xã thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, trước thuộc vùng Trà Tử. Tại đây có đình Vĩnh Yên, nơi thờ Bố chính Trần Tuyên.
  6. Trần Tuyên
    Còn có tên là Trần Trung Tiên, một vị quan nhà Nguyễn. Ông quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1841, ông được cử làm Bố chính sứ Vĩnh Long. Cùng năm, ông tử trận ở vùng Trà Tử khi đang cầm quân đánh dẹp quân nổi loạn Sâm Lâm. Tại xã Hiếu Tử hiện vẫn còn đền thờ ông.

    Cổng đình Vĩnh Yên thờ Bố chánh Tuyên ở xã Hiếu Tử. Ngôi đình đã bị một trường học cất sau che khuất.

  7. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  8. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  9. Người Hoa di cư qua Việt Nam làm nhiều đợt. Nhóm người "phản Thanh phục Minh" thường không thắt bính, nhóm người thuộc Thanh sang thì hay để tóc đuôi sam.

    Thợ máy người Hoa ở Sài Gòn đầu thế kỉ 20

  10. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  11. Quan xưởng Tràng Tiền
    Xưởng đúc tiền do nhà Nguyễn lập ra, hoạt động trong gần suốt thế kỉ 19. Xưởng đặt ở phía đông nam hồ Hoàn Kiếm, có tên là Cục Bảo tuyền, vì là một tràng (trường, nơi sản xuất) tiền nên cũng gọi là Tràng Tiền. Tràng đúc tiền được xây dựng trên một khu đất rộng, ngày nay tương ứng với một ô đất giáp các phố Tràng Tiền (bắc), Phạm Sư Mạnh (nam), Phan Chu Trinh (đông) và Ngô Quyền (tây) gồm lò đúc tiền và kho tạm chứa. Chiếm được Hà Nội năm 1883, Pháp đã phá tràng đúc để lấy đất xây dựng khu trung tâm vào năm 1887.
  12. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  13. Yên Phụ
    Tên cũ là Yên Hoa, một làng cổ nằm ven Hồ Tây, có nghề nuôi cá cảnh và nghề làm hương đốt. Nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ô Yên Phụ nằm ở làng là một trong năm cửa ô nổi tiếng từ thời xưa của Hà Nội.
  14. Yên Quang
    Tên làng nay là khu vực đầu phố Cửa Bắc đến đền Quán Thánh, Hà Nội, nằm về phía nam hồ Trúc Bạch.
  15. Núi Cà Tang
    Còn gọi núi Bà, tên một ngọn núi cao 452 m thuộc huyện Nông Sơn (mới tách từ huyện Quế Sơn), tỉnh Quảng Nam.

    Núi Cà Tang

    Núi Cà Tang

  16. Trọc
    Đục, không trong.
  17. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  19. Nghì
    Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).
  20. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  21. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  22. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  23. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  24. Chỉ hai mối nguy hiểm sống chết mà người đi rừng hay người đi khai hoang ngày xưa luôn phải e sợ, đề phòng.

    Có ý kiến khác cho rằng "tha" ở đây là tha mạng, nên thành ngữ này có nghĩa là một người khi đã tới số thì không thể nào tránh khỏi tai nạn.

  25. Bà Điểm
    Tên một xã thuộc huyện Hóc Môn, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Ngày trước nơi đây nổi tiếng là một trong "mười tám thôn vườn trầu." Về nguồn gốc tên gọi này hiện có ba giả thuyết:

    1. Vào năm 1868, người dân Quảng Bình di cư vào vùng đất miền Nam khai phá, đến đây họ gặp người phụ nữ bán nước bên đường tên là Điểm nên đã dùng chính cái tên này để gọi tên cho vùng đất.
    2. Khi Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc ở vùng này tại nhà một bà lão tên là Điểm.
    3. Theo lí giải của Trương Vĩnh Ký, Bà Điểm là tên của một trong sáu bà vợ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (thường được gọi là Lãnh binh Thăng), người đã xây dựng cầu Ông Lãnh. Ông mua đất và xây cất sáu cái chợ to, mỗi chợ mang tên một bà vợ. Từ đó, vùng đất có chợ Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn mang tên gọi này.

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

  26. Có bản chép: Sài Gòn.
  27. Gò Vấp
    Địa danh nay là một quận nội thành nằm ở phía Bắc và Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Gò Vấp là quận đông dân cư, và là nơi có nhiều giáo đường, chùa chiền.Theo một số tư liệu, trước đây nơi này là một ngọn đồi trồng nhiều cây vắp (một loại cây thuộc họ măng cụt) nên có tên gọi là Gò Vắp, sau đọc trại đi mà thành Gò Vấp.

    Cây vắp

    Cây vắp

  28. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  29. Hiền thê
    Vợ hiền (từ Hán Việt).
  30. Đầm
    Gọi tắt của me đầm hoặc bà đầm, từ tiếng Pháp madame, nghĩa là quý bà. Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, thường có ý chế giễu, đả kích.
  31. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  32. Con nước
    Cũng gọi là ngọn nước, chỉ sự lên xuống của mực nước sông theo thủy triều.
  33. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  34. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  35. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  36. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  37. Có bản chép: mòn.
  38. Quan ba
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm đại úy (capitaine) Gọi vậy vì quân hàm này có 3 vạch.
  39. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  40. Có bản chép: oằn
  41. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  42. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  43. Tày
    Bằng (từ cổ).
  44. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  45. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  46. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  47. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  48. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  49. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  50. Sõng
    Xuồng nhỏ đan bằng nan tre.

    Chèo sõng ra biển đánh cá

    Chèo sõng ra biển đánh cá

  51. Phương tiện di chuyển trên nước, đóng bằng cách cột nhiều thân cây (tre, nứa, gỗ...) với nhau.

    Chèo bè đi học

    Chèo bè đi học

  52. Điểu
    Con chim (từ Hán Việt).
  53. Trâm bầu
    Một loại cây bụi hoặc gỗ, mọc hoang ở miền kênh rạch vùng Đông Nam Bộ hoặc được trồng để nuôi kiến cánh đỏ. Lá, rễ và hạt được cho là có nhiều tác dụng chữa bệnh, phổ biến nhất trong dân gian là dùng để tẩy giun đũa.

    Lá và quả trâm bầu.

    Lá và quả trâm bầu.

  54. Đại
    (Làm việc gì) ngay, chỉ cốt cho qua việc, hoặc không kể đúng sai (khẩu ngữ).