Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  3. Chỉ con cái nhà giàu sang, quyền quý.
  4. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  5. Cốc
    Loài chim lội nước thuộc họ Bồ nông, thức ăn là các loại động vật thủy hải sản nhỏ

    Chim cốc

    Chim cốc

  6. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  7. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  8. Cầu Không
    Một làng nay thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
  9. Đại Hoàng
    Một làng nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là quê hương của nhà văn Nam Cao. Làng xưa kia trồng nhiều trầu không, và trầu ngon có tiếng.
  10. Chuối ngự
    Chuối quả nhỏ, khi chín vỏ rất mỏng, màu vàng, thịt chắc và thơm. Xưa kia giống chuối này được đem tiến vua nên có tên gọi là chuối ngự.

    Chuối ngự

    Chuối ngự

  11. Rồng mây
    Còn nói hội rồng mây, hội long vân, chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt, nguyên từ một câu trong Kinh Dịch "Vân tùng long, phong tùng hổ" (mây theo rồng, gió theo hổ), ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm đến nhau. Trong ca dao Nam Bộ, rồng mây lại biểu trưng cho sự hòa hợp gắn bó giữa đôi lứa trong tình yêu.
  12. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  13. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  14. Vẩy mại
    Mây trên trời kết lại trông như những lớp vẩy cá mại.
  15. Bối bừa
    Mây trên trời kết lại trông như những vết bừa trên ruộng.
  16. Núi Nhạn
    Một ngọn núi nhỏ nằm bên bờ sông Đà Rằng. Núi còn có các tên núi Khỉ, Tháp Dinh hoặc núi Bảo Tháp, vì trên đỉnh núi có một ngọn tháp Chăm được xây từ thế kỉ 11.

    Núi Nhạn

    Núi Nhạn

  17. Tuy Hòa
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên, được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Tại đây có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, những dòng sông uốn lượn quanh dãy Trường Sơn, tạo nên nhiều đầm, phá, vịnh, vũng tuyệt đẹp.

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

  18. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  19. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  20. Đoan Ngọ
    Còn gọi là tết giết sâu bọ, tết đoan dương, đoan ngũ, tổ chức ngày năm tháng năm âm lịch, là ngày tết truyền thống ở ta cũng như Trung Quốc và Triều Tiên. Truyền thuyết về ngày tết này ở mỗi nước đều khác nhau. Trong ngày này, dân ta thường uống rượu nếp hay ăn cơm rượu, bánh tro và các loại trái cây để cho sâu bọ trong người say và chết.

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

  21. Trâm
    Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.

    Quả trâm chín

    Quả trâm chín

  22. Xá tội vong nhân
    Xá tội: tha tội, vong nhân: người chết. Thời xưa quan niệm khi người ta chết, ai có tội sẽ bị giam dưới âm phủ, đến rằm tháng bảy (âm lịch) thì được Diêm Vương tha cho về dương thế một ngày. Do vậy cứ đến ngày này mỗi năm, người trần lại cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng, quần áo... cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu.
  23. Đèn kéo quân
    Còn gọi là đèn cù, là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày xưa phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung Thu. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo một chiều liên tục không dừng lại.

    Đèn kéo quân

    Đèn kéo quân

  24. Chung chân
    Góp vốn buôn bán chung với nhau.
  25. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  26. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  27. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  28. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  29. Ương
    Ươm hạt.