Tìm kiếm "Đêm năm canh"

Chú thích

  1. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  2. Cổ Chiên
    Tên một phân lưu của sông Cửu Long, có chiều dài 82km, bắt nguồn tại tỉnh Vĩnh Long, chảy qua Trà Vinh trước khi đổ ra biển tại hai cửa sông là cửa Cung Hầu (Bến Tre) và cửa Cổ Chiên (Trà Vinh). Có thuyết cho rằng tên sông có liên quan đến một sự kiện lịch sử cuối thế kỷ 18: Vào năm 1785, khi bị đại bại ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tàn quân của Nguyễn Ánh phải dùng thuyền chạy trốn xuống phía Nam, đến dòng sông này bị thuyền của quân Tây Sơn đuổi theo sát quá, quan quân của Nguyễn Ánh cuống quít, sợ hãi đã làm rơi cả trống (cổ) và chiêng lệnh (chinh) xuống sông. Từ đó, nhân dân địa phương gọi tên sông là Cổ Chiên (do đọc trại từ "Cổ Chinh" mà ra).

    Sông Cổ chiên đoạn chảy qua Vĩnh Long

    Sông Cổ chiên đoạn chảy qua Vĩnh Long

  3. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  5. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  6. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  7. Cao lương mĩ vị
    Món ăn ngon và quý nói chung (chữ Hán).
  8. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  9. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  10. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Duối
    Loại cây mộc, cỡ trung bình, thân khúc khuỷu, nhiều cành chằng chịt, có mủ trắng. Lá duối ráp dùng làm giấy nhám làm nhẵn mặt gỗ. Duối được dùng làm vị thuốc và trồng trong chậu nhỏ làm cây cảnh.

    Hàng duối ở làng Đường Lâm

    Hàng duối ở làng Đường Lâm

  12. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  14. Bài này có lẽ là dị bản của bài Năm xưa anh ở trên trời.
  15. Thậm
    Rất, lắm.
  16. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  17. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  18. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  19. Châu Thị
    Tức Châu Long. Xem chú thích Lưu Bình - Dương Lễ.
  20. Lưu Bình - Dương Lễ
    Tên một truyện thơ Nôm khuyết danh theo thể lục bát, kể về hai người bạn rất thân. Dương Lễ nhà nghèo nên cố công học hành, trong khi Lưu Bình nhà giàu lại lười biếng ham chơi. Sau Dương Lễ đỗ đạt, ra làm quan, còn Lưu Bình thì nhà cửa khánh kiệt. Khi tìm đến nhà Dương Lễ để nhờ giúp đỡ, Lưu Bình bị bạn bạc đãi, lánh mặt không tiếp, chỉ sai người ở dọn cơm hẩm dưa cà cho ăn. Chàng tủi nhục bỏ về, giữa đường gặp một người con gái tên là Châu Long. Nàng khuyên giải và lo liệu cho chàng ăn học. Sau này Lưu Bình đỗ Trạng nguyên, quay về thì không thấy Châu Long đâu. Khi đến phủ của Dương Lễ để mỉa mai trách móc bạn bạc nghĩa, Lưu Bình mới phát hiện ra Châu Long chính là vợ thứ ba của Dương Lễ, và tất cả là mưu kế của bạn để khích cho mình quyết chí tu tỉnh.

    Truyện thơ Lưu Bình - Dương Lễ đã được dựng thành các vở chèo, tuồng và truyện thơ theo thể lục bát qua nhiều thời kỳ, và trở thành biểu tượng về tình bạn khắng khít, tình vợ chồng chung thủy.

  21. Ấm
    Ân đức của cha ông để lại cho con cháu. Như tập ấm, nghĩa là nhân chức quan của ông cha mà con cháu được làm học trò ở Quốc tử giám rồi ra làm quan, những người như thế được gọi là ấm sinh.
  22. Đoái
    Nghĩ tới, nhớ tới.
  23. Từ nghiêm
    Từ mẫu (mẹ hiền) và nghiêm phụ (cha oai nghiêm), chỉ chung cha mẹ (từ Hán Việt).
  24. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  25. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  26. Cây mận. Trong bài Quân Tử Hành của nhà thơ Tào Thực có câu “Qua điền bất nạp lí, lí hạ bất chỉnh quan” 瓜田不納履, 李下不整冠, nghĩa là (ở) ruộng dưa chớ xỏ giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ (để tránh tình ngay lí gian).
  27. Phím loan
    Phím đàn. Tương truyền người xưa thường dùng keo làm từ máu chim loan, gọi là keo loan (loan giao) để nối dây đàn và dây cung.
  28. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  29. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  30. Tì bà
    Loại đàn bốn dây có cần đàn và thùng đàn liền nhau, hình dáng như quả lê bổ đôi. Đàn có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại nhưng đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và có mặt trong hầu hết các thể loại nhạc dân tộc.

    Đàn tì bà

  31. Ngũ cung
    Năm âm giai trong âm nhạc dân tộc: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống (tương đương với Sol, La, Do, Re, Mi ngày nay). Ở miền Nam có thêm hai âm là Liếu (Líu) và Ú, thật ra là hai nấc trên của Hò và Xự.
  32. Từ bi
    Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...

    Cây từ bi

    Cây từ bi

  33. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  34. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  35. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  36. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  37. Gà ô
    Loại gà có bộ lông màu đen tuyền, được xem là gà quý.

    Gà ô

    Gà ô

  38. Gòn
    Còn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

    Cây và quả gòn

  39. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  40. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  41. Thế
    Thế chấp, giao tài sản để làm tin khi vay tiền.
  42. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  43. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  44. Lỉnh
    Lảng đi, tránh mặt.
  45. Chợ Dừa
    Chợ nhỏ họp ở Ô Chợ Dừa, một cửa ô của Hà Nội xưa (phía tây hoàng thành Thăng Long).