Tìm kiếm "thương em từ"

  • Buôn cam, anh tới Xã Đoài

    Buôn cam, anh tới Xã Đoài
    Quả cam đã ngọt, con ngài cũng xinh
    Bây giờ tình đã tỏ tình
    Ta thương mình lắm, biết mình thương ai?
    – Em về chợ Rộ buôn khoai
    Khoai bùi, khoai ngọt, con ngài cũng xinh
    Bây giờ tình đã tỏ tình
    Mình thương ta, ta thương mình ngại chi!

  • Cậu lính là cậu lính ơi

    Cậu lính là cậu lính ơi
    Tôi thương cậu lắm, nắng nôi thương hàn
    Lính này có vua, có quan
    Nào ai cắt lính cho chàng phải đi
    Trời ơi sinh giặc mà chi
    Nay trẩy kim thì, mai trẩy kim ngân
    Lấy nhau chửa được ái ân
    Chưa được kim chỉ, Tấn Tần như xưa
    Trầu lộc em phong lá dừa
    Chàng trẩy mười bốn, em đưa hôm rằm
    Rủ nhau ra chợ Quỳnh Lâm
    Vai đỗ gánh xuống, hỏi thăm tin chồng
    Xót xa như muối bóp lòng
    Nửa muốn theo chồng, nửa bận con thơ

  • Anh mong tát biển cấy kê

    Anh mong tát biển cấy kê
    Tát sông Bồ Ðề nhổ mạ cấy chơi
    Bẻ que đo Trời
    Đan lồng nhốt kiến
    Thầy mẹ thương đến
    Bắt voi coi giò
    Thầy mẹ gả cho
    Rước voi làm lễ
    Anh đi làm rể
    Che hai lọng vàng
    Nhà anh thì ở giữa làng
    Lấy vàng làm cột
    Dát bạc làm tranh
    Cưa gỗ lim làm thành
    Chẻ ngà voi làm lạt
    Anh đặt chuyện hát
    Nói láp em nghe,
    Nhà anh cột nứa, kèo tre…

  • Dì thằng cu như cánh hoa nhài

    Dì thằng cu như cánh hoa nhài
    Ba mươi sáu cánh tiếc tài nở đêm
    Sáng trăng trong sáng cả ngoài thềm
    Lại đây ta chắp áo mền đắp chung
    Đêm đông thắp ngọn đèn lồng
    Mình về có nhớ ta không hỡi mình
    Chiếc thuyền nan anh giậm thình thình
    Anh thì cầm lái cô mình phách ba
    Có thương anh bẻ mái chèo ra
    Sợ mẹ bằng biển sợ cha bằng trời
    Anh thấy em anh cũng ưa đời
    Biết rằng chốn cũ có rời ra chăng.

  • Gặp nhau, con bóng đang trưa

    Gặp nhau, con bóng đang trưa
    Rưng rưng nước mắt, thiếp đưa chàng về
    Chàng về trong nớ, thiếp ở ngoài ni
    Dặn chàng ba chữ, gắng ghi vào lòng
    Hồi thương, nước đục cũng trong
    Không thương, nước chảy giữa dòng cũng dơ
    Thiệt như lời nói, em chờ
    Ba bốn nơi tới ngõ trao thơ, em không màng

  • Anh ra đi lính cho làng

    Anh ra đi lính cho làng
    Nước mắt ròng ròng nhớ mẹ nhớ cha
    Cực vì ông nớ trong tòa
    Sức anh đi lính vậy mà phải đi
    Ra đi tới rặng Trà My
    Thấy kẻ thăm con, người thăm cháu, thiếp đi thăm chàng
    Đi ra vừa tới ngoài Hàn
    Thấy lính đi tập dư ngàn, dư trăm
    Thiếp thương chàng mới ghé qua thăm
    Chàng qua nước bển biết mấy mươi năm chàng về
    Thôi thôi em trở lộn về
    Nuôi cha với mẹ trọn bề hiếu trung

  • Chúng anh xưa cũng kiếp học trò

    Chúng anh xưa cũng kiếp học trò,
    Bây giờ dốt nát, anh mới nằm co xó rừng
    Văn không hay, chẳng đỗ thì đừng,
    Gió mưa mà khỏi chết, nửa mừng anh lại nửa thương.
    Cái nghiệp bút nghiên cay đắng đủ trăm đường,
    Bảng vàng mũ bạc thôi anh nhường mặc ai.
    Muốn lên bà khó lắm em ơi!

  • Đất Quảng Nam rộng đà ra sức rộng

    – Đất Quảng Nam rộng đà ra sức rộng
    Đường ra kinh xa đã quá xa
    Anh ra làm chi mỗi tháng mỗi ra?
    Anh ra một bữa cực ta ba, bốn ngày
    – Tam Kỳ, Đại Lộc, Phú Yên, Khánh Hòa
    Chốn kinh kì là chốn nhạc gia qua ở thường
    Không đi thì ổng nhớ bả thương
    Còn phận anh là rể xa đường quản chi
    Đi thời phải sắm lễ nghi
    Có lần ổng trả có kì ổng ăn luôn
    Không đi cha ổng nghĩ, mẹ ổng buồn
    Ổng có ra thăm cháu em nhớ chống chiếc xuồng cho cha vô
    Cha vô năm ba bữa cha buồn
    Ổng có trở về nhạc mẫu, em nhớ chống chiếc xuồng cho ổng ra

    Dị bản

    • Đường Quảng Nam rộng đà quá rộng
      Nẻo Bắc Kỳ xa đã quá xa
      Anh làm chi mỗi tháng mỗi ra
      Cho em chịu khổn cả ba bốn ngày

    • – Chàng ra làm chi mà mỗi tháng mỗi ra
      Chàng ra một bận thì thiếp khổ ba bốn ngày
      – Anh ở trong nớ anh mới ra
      Cha mẹ em có nhắn biểu ông bà em vô chơi.

  • Thiếp thương chàng đừng cho ai biết

    Thiếp thương chàng đừng cho ai biết
    Chàng thương thiếp đừng lộ tiếng ai hay
    Miệng thế gian nhiều kẻ thày lay
    Cực chàng chín rưỡi khổ thiếp đây mười phần

    Dị bản

    • Thiếp thương chàng đừng cho ai biết
      Chàng thương thiếp chờ lộ tiếng ai hay
      Kẻo cái miệng thế gian nhiều kẻ thày lay
      Xấu em đi một nửa, chàng gầy một phân

  • Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn

    Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn,
    Núi Lâm Sơn thường tháng thường cao;
    Thuyền quyên ướm hỏi anh hào,
    Sự tình thâm nhiễm, chàng tính làm sao cho thiếp nhờ?
    – Khi anh ra đi thì biển hồ lai láng,
    Chừ anh viếng lại, mần răng biển lại thành gò?
    Sự tình thâm nhiễm, để anh so tháng ngày.

    Dị bản

    • Sông Hương càng ngày càng rộng,
      Núi Ngự càng ngày càng cao;
      Thuyền quyên xin hỏi anh hào,
      Sự tình đã rứa, chàng liệu làm sao cho thiếp nhờ?
      – Em ơi, em chớ quá lo,
      Hãy nán lòng đợi, để anh suy đo tháng ngày.

  • Chè ngon ai hái nửa nương

    Chè ngon ai hái nửa nương
    Cau non nửa chẽ người thương nửa chừng
    Hai hàng nước mắt ngập ngừng
    Thà rằng ngày trước ta đừng gặp nhau

    Dị bản

    • Chè non em hái nửa vườn
      Cau non nửa chục, người thương nửa chừng
      Đắng cay như bát nước gừng
      Biết ra dang dở thì đừng quen nhau

  • Cá rô ăn móng, dợn sóng dưới đìa

    Cá rô ăn móng dợn sóng dưới đìa
    Cha mẹ phân chia, anh đừng lìa mới phải
    Anh ở như vầy bạc ngãi với em

    Dị bản

    • Cá rô ăn móng dợn sóng dưới đìa
      Cha mẹ phân chia, anh đừng lìa mới phải
      Sao anh bạc ngãi, đành đoạn bỏ em

    • Cá rô ăn móng dợn sóng bờ đìa
      Ba không thương, má lại vặn khóa bẻ chìa
      Chìa hư ống khóa liệt
      Hai đứa mình cách biệt xa nhau

  • Tiếc cây nứa tốt có sâu

    Tiếc cây nứa tốt có sâu
    Tiếc người lịch sự trên đầu có tang
    Tang chồng thì bỏ tang đi
    Tang cha tang mẹ ta thì tang chung
    – Tang cha tang mẹ trên đầu
    Lẽ nào em dám bán sầu mua vui

    Dị bản

    • Tiếc thay cây mía có sâu,
      Con người nhan sắc trên đầu có tang.
      Tang cha tang mẹ thì thương,
      Tang đức anh chường thì bỏ quách đi.

  • Hai tay cầm bốn trái dưa

    Hai tay cầm bốn trái dưa
    Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
    Hai tay cầm bốn lượng vàng
    Vàng thời bỏ được, nghĩa chàng em không buông

    Dị bản

    • Hai tay cầm bốn trái dưa
      Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
      Hai tay đeo bốn chiếc vàng
      Của cha mẹ sắm của chàng một đôi.

    • Hai tay cầm bốn trái dưa
      Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
      Tay cầm cuốn sách bìa vàng
      Sách bao nhiêu chữ, dạ thương chàng bấy nhiêu

    • Hai tay cầm bốn trái dưa
      Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
      Một trái thì để đầu giàn
      Bao nhiêu bồ hóng thương chàng bấy nhiêu

  • Trăng đưa gió trăng thanh vằng vặc

    Trăng đưa gió trăng thanh vằng vặc
    Gió đưa trăng gió mát hiu hiu
    Dầu mà không đặng chữ Thuấn Nghiêu
    Nghĩa nhân lúc trước em than kêu thấu trời

    Dị bản

    • Gió đưa trăng, trăng thanh vằng vặc
      Trăng đưa gió, gió mát hiu hiu
      Ngày rày anh được chỗ tân yêu
      Nghĩa nhơn hồi trước, em kêu thấu trời!
      Uổng công em cặn kẽ mấy lời:
      Uổng công trao thuốc, trao trầu
      Uổng công nóng lạnh, nhức đầu em thăm
      Uổng công mang tiếng mang tăm
      Uổng công lụm cụm ba bốn năm với chàng
      Hồi nào ngăn ngả đón đàng
      Bây giờ hỏi thiệt bạn vàng thương ai?

Chú thích

  1. Xã Đoài
    Tên Nôm của xã Nghi Diên, hay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An . Tại đây có giống cam gọi là cam Xã Đoài, nổi tiếng thơm ngọt.

    Cam Xã Đoài chín mọng (Ảnh: Hồ Văn)

    Cam Xã Đoài chín mọng (Ảnh: Hồ Văn)

  2. Ngài
    Người (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  3. Chợ Rộ
    Tên một ngôi chợ nay thuộc địa phận xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Chợ nổi tiếng bán nhiều giống khoai từ các nơi trong huyện như khoai La Mạc, khoai chợ Cồn, khoai Cát Ngạn, khoai Bãi Trận..., gọi chung là khoai chợ Rộ.
  4. Thương hàn
    Bệnh cảm lạnh theo Đông y (lưu ý phân biệt với bệnh thương hàn của Tây y, một bệnh về đường tiêu hóa).
  5. Kim thì
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim thì, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  6. Kim ngân
    Vàng bạc (từ Hán Việt).
  7. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  8. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  9. Quỳnh Lâm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
  10. Cô mình phách ba: cô gái giữ chân chèo thứ ba.
  11. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  12. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  13. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  14. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  15. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  16. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  17. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  18. Thiếp
    Từ Hán Việt chỉ người vợ lẽ, hoặc cách người phụ nữ ngày xưa dùng để tự xưng một cách nhún nhường.
  19. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  21. Thiệt
    Thật (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ này được đọc trại ra như vậy do kị húy bà vương phi Lê Thị Hoa (được vua Gia Long đặt tên là Thật).
  22. Sức
    Hành động quan truyền lệnh cho dân bằng văn bản.

    Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.
    Nay sức.
    Lê Thăng

    (Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)

  23. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  24. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  25. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  26. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  27. Kinh thành, tức Huế, nhưng còn có ngụ ý khác.
  28. Câu hát này nói bóng gió đến chu kì kinh nguyệt của phụ nữ.
  29. Tam Kỳ
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trung tâm tỉnh. Trước đây (đến nửa đầu thế kỷ 20), địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.
  30. Đại Lộc
    Tên một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi...
  31. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  32. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  33. Nhạc gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (từ Hán Việt).
  34. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  35. Nhạc mẫu
    Mẹ vợ (từ Hán Việt).
  36. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  37. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  38. Khổn
    Một biến thể ngữ âm của chữ "khốn" [困] (khốn khổ) trong phương ngữ Nam Bộ.
  39. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  40. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  41. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  42. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  43. Sự tình thâm nhiễm: Sự tình trở nên nghiêm trọng.
  44. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  45. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  46. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  47. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  48. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  49. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  50. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  51. Chẽ
    Nhánh của một buồng, một chùm, như chẽ lúa, chẽ cau...
  52. Núi Bụt
    Tên một ngọn núi nhỏ nay thuộc địa phận xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

    Cây cối trên núi Bụt

    Cây cối trên núi Bụt

  53. Sông Lại Giang
    Tên dòng sông lớn thứ hai của tỉnh Bình Định, được hình thành từ sự hợp nhất của hai dòng sông là An Lão và Kim Sơn. Sông Lại Giang chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc và đổ ra biển Đông qua cửa An Dũ.

    Hạ nguồn sông Lại Giang

    Hạ nguồn sông Lại Giang

  54. An Lão
    Địa danh nay là huyện An Lão thuộc tỉnh Bình Định. Huyện giáp với các huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) và An Khê (Gia Lai), bốn phía bao bọc bởi nhiều dãy núi nên còn được gọi là thung lũng An Lão.
  55. Móng
    Cá quẫy, đớp bọt nước. Móng là bong bóng nhỏ do cá đớp mồi trên mặt nước tạo nên.
  56. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  57. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  58. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  59. Có bản chép: Cây mía.
  60. Chường
    Cố ý để lộ ra trước mọi người cho ai cũng thấy, tuy đáng lẽ nên ẩn đi, giấu đi (phương ngữ).
  61. Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí
    Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ (trang sức), người không học thì không hiểu lí lẽ. Đây là một câu trong Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh.
  62. Bồ hóng
    Bụi than đen đóng lại trên vách bếp, nóc bếp, đáy nồi... trong quá trình nấu nướng.
  63. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  64. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  65. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  66. Người yêu hoặc tình yêu mới.
  67. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  68. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  69. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.