Tìm kiếm "dầu chanh"

  • Nước rằm chảy thấu Nam Vang

    Nước rằm chảy thấu Nam Vang,
    Mù u chín rụng sao chàng bặt tin?

    Dị bản

    • Nước ròng chảy thấu Tam Giang
      Sầu đâu chín rụng, sao chàng bặt tin?
      Nỗi buồn con nhện đem điềm
      Chầu rày người bạn chắc quên ta rồi?

    • Nước ròng chảy thấu Tam Giang
      Sầu đâu chín đỏ, sao chàng còn đây?

  • Làm trai lấy được vợ khôn

    Làm trai lấy được vợ khôn
    Như chĩnh vàng cốm để chôn trong nhà
    Làm trai lấy được vợ ngoa
    Một ngày bảy lượt đi ra tạ làng

    Dị bản

    • Gái ngoan lấy được chồng khôn
      Như lọ vàng cốm để chôn đầu giường

    • ai lấy được chồng khôn,
      Như hũ vàng cốm anh chôn đầu giường.

  • Xỉa cá mè

    Xỉa cá mè
    Đè cá chép
    Tay nào đẹp
    Đi bẻ ngô
    Tay nào to
    Đi dỡ củi
    Tay nào nhỏ
    Hái đậu đen
    Tay lọ lem
    Ở nhà mà rửa

    Dị bản

    • Xỉa cá mè
      Đè cá chép
      Chân nào đẹp
      Thì đi buôn men
      Chân nào đen
      Ở nhà làm chó
      Ai mua men?
      Mua men gì?
      Men vàng
      Đem ra ngõ khác
      Ai mua men?
      Mua men gì?
      Men bạc
      Men bạc vác ra ngõ này
      Một quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Hai quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Ba quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Bốn quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Năm quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Sáu quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Bảy quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Tám quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Chín quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Mười quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Tôi gởi đòn gánh
      Tôi đi ăn cỗ
      Đi lấy phần về cho tôi
      Nào phần đâu?
      Phần tôi để ở gốc đa
      Chó ăn mất cả!
      Tôi xin đòn gánh
      Đòn gánh gì?
      Đòn gánh tre!
      Làm bè chó ỉa!
      Đòn gánh gỗ?
      Bổ ra thổi!
      Đòn gánh lim?
      Chìm xuống ao
      Đào chẳng thấy
      Lấy chẳng được!
      Xin cây mía
      Ra vườn mà đẵn.

    Video

  • Con cò nó mổ con lươn

    Con cò nó mổ con lươn
    Bớ chị ghe lườn muốn tía tôi không?
    Tía tôi lịch sự quá chừng
    Cái lưng mốc thích cái đầu chơm bơm

    Dị bản

    • Con cò nó mổ con lươn
      Bớ chị ghe lườn muốn tía tôi chăng?
      Tía tôi lịch sự lịch sàng
      Cái lưng mốc thích cái đầu chơm bơm

  • Từ ngày ăn phải miếng trầu

    Từ ngày ăn phải miếng trầu
    Miệng ăn môi đỏ dạ sầu đăm chiêu
    Biết rằng thuốc dấu bùa yêu
    Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
    Làm cho quên mẹ quên cha
    Làm cho quên cả đường ra lối vào
    Làm cho quên cá dưới ao
    Quên sông tắm mát quên sao trên trời

    Dị bản

    • Từ ngày ăn phải miếng trầu
      Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu tương tư
      Vì người tôi phải viết thư
      Nhờ con chim nhạn đưa thư cho người
      Thư rằng: em chẳng có ai
      Trên nghiên dưới mực, giữa cài chữ sen

  • Chiều chiều mây phủ Đá Bia

    Chiều chiều mây phủ Đá Bia
    Đá Bia mây phủ, chị kia mất chồng
    Mất chồng như nậu mất trâu
    
Chạy lên chạy xuống cái đầu chơm bơm

    Dị bản

    • Chiều chiều mây phủ Đá Bia
      Đá Bia mây phủ, chị kia mất chồng
      – Mất chồng ta chẳng có lo
      Sợ anh mất vợ nằm co một mình

  • Chợ Sài Gòn đèn xanh, đèn đỏ,

    Chợ Sài Gòn đèn xanh, đèn đỏ
    Anh coi không tỏ, anh ngỡ đèn tàu
    Lấy anh, em đâu kể sang giàu
    Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em

    Dị bản

    • Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ
      Anh nhìn cho tỏ thấy rõ đèn màu
      Lấy em anh đâu kể sang giàu
      Rau dưa mắm muối chẳng nơi nào hơn em

  • Cốc cốc keng keng

    Cốc cốc, keng keng
    Bà Rèn đi chợ
    Bà Rớ ở nhà
    Bắt gà làm thịt
    Bắt vịt chặt đuôi
    Bắt ruồi chặt cánh
    Đòn gánh có mấu
    Con sấu có tai
    Con nai có gạc
    Thợ giác có bầu
    Hàng trầu hàng cau là hàng chồm hổm

    Dị bản

    • Cốc cốc, keng keng
      Mụ rèn đi chợ
      Mụ vợ ở nhà
      Bắt gà làm thịt
      Bắt vịt về nuôi
      Con ruồi có cánh
      Đòn gánh có mấu
      Con sấu có tai
      Con nai có gạc
      Thợ giác có bầu
      Hàng trầu hàng cau là hàng chồm hổm

    • Mụ sên đi chợ
      Mụ rổ ở nhà
      Bắt gà làm thịt
      Bắt vịt chặt đuôi
      Bắt ruồi chặt cánh
      Đòn gánh có mấu
      Con sấu có tai
      Con nai có sừng
      Bánh chưng thì ngọt
      Roi mót thì đau
      Hàng trầu hàng cau
      Là hàng con gái
      Hàng bánh hàng trái
      Là hàng bà già
      Hàng hương hàng hoa
      Là hàng ông Bổn.

  • Vè uống rượu

    Một chén giải cơn sầu
    Hai chén còn nhơn đạo
    Ba chén còn gượng gạo
    Bốn chén nổi sân si
    Năm chén sập thần vì
    Sáu chén ngồi ghì xuống đó
    Bảy chén thì đuổi chẳng đi
    Tám chén lóc trộn lộn ra
    Chín chén lóc trộn lộn vô
    Mười chén ai xô tôi ngã
    Mười một chén chửi cha ai xô

    Dị bản

    • Uống một ly nhâm nhi tình bạn
      Uống hai ly giải cạn cơn sầu
      Uống ba ly mũi chảy đầy râu
      Uống bốn ly ngồi đâu nói đó
      Uống năm ly cho chó ăn chè
      Uống sáu ly ai nói nấy nghe
      Uống bảy ly làm xe lội nước
      Uống tám ly chân bước chân quỳ
      Uống chín ly còn gì mà kể
      Uống mười ly khiêng để xuống xuồng

    • Một xị giải phá cơn sầu
      Hai xị mũi chảy đầy râu
      Ba xị nằm đâu ngủ đó
      Bốn xị cho chó ăn chè
      Năm xị làm xe lội nước
      Sáu xị vợ rước về nhà
      Bảy xị ông bà chửi nát
      Tám xị ra đống rác nằm
      Chín xị lên băng ca
      Mười xị ra nghĩa địa

    • Nhất xị mở mang trí hoá,
      Nhị xị giải phá thành sầu,
      Tam xị mũi chảy đầy râu,
      Tứ xị ngồi đâu “đứa” đó,
      Ngũ xị cho chó ăn chè,
      Lục xị vợ đè cạo gió,
      Thất xị mua hòm để đó,
      Bát xị … cho nó chết luôn!

  • Buồn về một tiết tháng giêng

    Buồn về một tiết tháng giêng
    May áo cổ kiềng người mặc cho ai
    Buồn về một tiết tháng hai
    Bông chửa ra đài người đã hái hoa
    Buồn về một tiết tháng ba
    Con mắt la đà trong dạ tương tư
    Buồn về một tiết tháng tư
    Con mắt lừ đừ cơm chả buồn ăn
    Buồn về một tiết tháng năm
    Chưa đặt mình nằm gà gáy chim kêu
    Buồn về tiết tháng sáu này
    Chồng cày vợ cấy chân chim đầy đồng
    Bấy giờ công lại hoàn công

    Dị bản

    • Buôn bấc rồi lại buôn dầu
      Buôn nhiễu đội đầu, buôn nhẫn lồng tay
      Sầu về một tiết tháng giêng
      May áo cổ kiềng người mặc cho ai
      Sầu về một tiết tháng hai
      Bông chửa ra đài người đã hái hoa
      Sầu về một tiết tháng ba
      Mưa héo ruộng cà nắng cháy ruộng dưa
      Sầu về một tiết tháng tư
      Con mắt lừ đừ cơm chẳng buồn ăn
      Sầu về một tiết tháng năm
      Chưa đặt mình nằm gà gáy sang canh

  • Trăng đưa gió trăng thanh vằng vặc

    Trăng đưa gió trăng thanh vằng vặc
    Gió đưa trăng gió mát hiu hiu
    Dầu mà không đặng chữ Thuấn Nghiêu
    Nghĩa nhân lúc trước em than kêu thấu trời

    Dị bản

    • Gió đưa trăng, trăng thanh vằng vặc
      Trăng đưa gió, gió mát hiu hiu
      Ngày rày anh được chỗ tân yêu
      Nghĩa nhơn hồi trước, em kêu thấu trời!
      Uổng công em cặn kẽ mấy lời:
      Uổng công trao thuốc, trao trầu
      Uổng công nóng lạnh, nhức đầu em thăm
      Uổng công mang tiếng mang tăm
      Uổng công lụm cụm ba bốn năm với chàng
      Hồi nào ngăn ngả đón đàng
      Bây giờ hỏi thiệt bạn vàng thương ai?

  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

  • Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng

    Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng
    Công anh dan díu với nàng đã lâu.
    Bây giờ nàng lấy chồng đâu,
    Ðể anh giúp đỡ trăm cau ngàn vàng.
    Trăm cau để thết họ hàng,
    Ngàn vàng anh đốt giải oan lời thề.

    Dị bản

    • Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
      Anh tiếc công anh gắn bó với cô nàng bấy lâu.
      Bây giờ cô lấy chồng đâu,
      Ðể anh giúp đỡ trăm cau, nghìn vàng.
      Năm trăm anh đốt cho nàng,
      Còn năm trăm nữa giải oan lời thề.
      Xưa kia nói nói, thề thề,
      Bây giờ bẻ khóa, trao chìa cho ai?
      Bây giờ nàng đã nghe ai?
      Gặp anh ghé nón, chạm vai chẳng chào?

Chú thích

  1. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  2. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  3. Người nhà Thanh (Trung Quốc) để tóc đuôi sam.
  4. Nước rằm
    Con nước vào ngày rằm. Ngày rằm hằng tháng, nước dâng lên cao do tác động của Mặt Trăng (gọi là thủy triều). Người dân Nam Bộ hay gọi là con nước rằm.
  5. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  6. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  7. Có bản chép: biệt li.
  8. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  9. Tam Giang
    Tên một con sông ngắn (chỉ độ 10km) chảy từ Hòn Kề ra biển ở Vũng Chào thuộc vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên.
  10. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  11. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  12. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  13. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  14. Vàng cốm
    Vàng trong tự nhiên, ở dạng mảnh vụn, dạng hạt hoặc vẩy nhỏ, lẫn với các khoáng vật khác.

     

    Vàng cốm

    Vàng cốm

  15. Nếu (từ cổ).

    Mai sau dù có bao giờ,
    Thắp lò hương ấy so tơ phím này.
    Trông ra ngọn cỏ lá cây,
    Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

    (Truyện Kiều)

  16. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  17. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  18. Bài đồng dao này thường được hát khi chơi trò chơi dân gian. Cách chơi: Đứng (hoặc ngồi) thành vòng tròn quay mặt vào nhau, hai tay chìa ra đọc bài đồng dao. Người điều khiển đứng giữa vòng tròn vừa đi vừa khẽ đập vào bàn tay người chơi theo nhịp bài ca, mỗi tiếng đập vào một tay. Tiếng cuối cùng “Rửa” rơi vào tay ai thì người đó phải ra khỏi hàng hoặc bị phạt phải làm một trò khác rồi mới được vào chơi.
  19. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  20. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  21. Súng hai nòng
    Loại súng trường có hai ống, một ống hơi và buồng súng ghép song song nhau. Người ta cũng gọi súng này là súng hai lòng, nên cụ Nguyễn Đình Chiểu gọi là súng song tâm.

    Các bậc sĩ nông công cổ, liều mang tai với súng song tâm
    Mấy nơi tổng lý xã thôn, đều mang hại cùng cờ tam sắc
    (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh)

  22. Ba ngầu
    Hay ba ngù, hung dữ, lầm lì (phương ngữ Nam Bộ).
  23. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  24. Ghe lườn
    Loại thuyền độc mộc, dùng để chuyên chở (nhất là chở lúa) trong các kênh rạch vùng Tây Nam Bộ. Ghe lườn này có dáng thuôn dài, mũi nhọn để dễ di chuyển trên các dòng nước hẹp, nhưng cũng vì thế mà dễ bị lật, chìm.
  25. Mốc thích
    Mốc thếch, mốc đến trắng xám ra (phương ngữ Nam Bộ).
  26. Chơm bơm
    Bù xù. Cũng nói là chôm bôm (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  28. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  29. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  30. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  31. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  32. Cài chữ sen
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cài chữ sen, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  33. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  34. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  35. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  36. Thợ giác
    Người làm nghề giác hơi (một cách chữa bệnh bằng cách dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt và sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh).

    Giác hơi

    Giác hơi

  37. Bầu
    Tức ống giác, là dụng cụ hình ống, bằng tre, trúc hay thủy tinh, sành sứ.
  38. Có bản chép: là hàng Nhật Bổn.
  39. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  40. Sân si
    Sân: nóng giận, thù hận; Si: si mê, ngu tối. Theo quan niệm Phật giáo, tham, sân, si là tam độc, những nguyên nhân gây nên nỗi khổ của con người.
  41. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  42. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  43. Xị
    Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.
  44. Băng ca
    Cáng y tế dành khiêng người bị thương hoặc đau ốm, lấy từ từ brancard trong tiếng Pháp.
  45. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  46. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  47. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  48. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  49. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  50. Người yêu hoặc tình yêu mới.
  51. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  52. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  53. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  54. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  55. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  56. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  57. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  58. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  59. Trâm
    Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.

    Quả trâm chín

    Quả trâm chín

  60. Đồng tiền ngày xưa làm bằng kim loại, có đục lỗ chính giữa để kết thành xâu.

    Xâu tiền xu Đông Dương

    Xâu tiền xu Đông Dương

  61. Bánh tổ
    Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.

    Bánh tổ

    Bánh tổ

  62. Có bản chép: Bánh bèo.
  63. Thuổng
    Công cụ đào xới đất, tương tự cái xẻng. Từ này ở miền Trung cũng được gọi chệch thành xuổng.
  64. Đồng tiền Vạn Lịch
    Một loại tiền đúc thời Vạn Lịch nhà Minh. Vạn Lịch là niên hiệu duy nhất của vua Minh Thần Tông, trị vì Trung Quốc từ năm 1572 đến năm 1620.

    Minh Thần Tông

    Minh Thần Tông

  65. Bốn chữ "Vạn Lịch thông bảo" 萬曆通寶 (đồng tiền lưu hành thời Vạn Lịch) đúc trên đồng tiền.

    Đồng tiền Vạn Lịch

    Đồng tiền Vạn Lịch

  66. Có bản chép: Anh tiếc công anh dan díu với nàng bấy lâu.