Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Giả đò
    Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Dòm
    Nhìn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Trong đình chùa Việt Nam thường có con rùa đá đội hạc hoặc văn bia.

    Rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu

    Rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu

  4. Miệt vườn
    Tên gọi chung cho khu vực nằm trên những dải đất giồng phù sa dọc theo hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang tại đồng bằng sông Cửu Long. "Miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, miệt vườn bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Gò Công, Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, một phần của tỉnh Cần Thơ và một phần của tỉnh Đồng Tháp. Ngành nông nghiệp chính trên những vùng đất này là lập vườn trồng cây ăn trái.  Đất đai miệt vườn là phù sa pha cát màu mỡ, sạch phèn, lại không bị ảnh hưởng của lũ lụt và nước mặn. Do vậy, miệt vuờn được coi là khu vực đất lành chim đậu, có nhiều tỉnh lị phồn thịnh, sầm uất. Nhiều loại trái cây ngon của miệt vuờn đã trở nên nổi tiếng, gắn liền với địa danh như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), quýt Lai Vung (Đồng Tháp), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), ...

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

  5. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.
  6. Khoáy
    Xoáy tóc.
  7. Sơn Hà
    Tên một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
  8. Để
    Ruồng bỏ.
  9. Khóc ó
    Khóc rống lên cho người khác nghe thấy.
  10. Đong buông
    Buông tay ra để thóc gạo không đầy vun miệng đấu, người mua được ít.
  11. Đong be
    Dùng hai bàn tay be miệng đấu để đong được nhiều.
  12. Câu này ám chỉ thủ đoạn lợi mình hại người của dân buôn bán.
  13. Nhất vện, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm
    Kinh nghiệm dân gian về cách chọn chó tốt dựa vào màu lông.
  14. Quảng Hóa
    Gọi tắt là phủ Quảng, tên một phủ được thành lập dưới triều Nguyễn trên cơ sở chia tách từ phủ Thiệu Hóa, gồm các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Quảng Tế. Lị sở của phủ này ở gần thị trấn Vĩnh Lộc ngày nay. Năm 1945, phủ này được chia thành các huyện tương ứng trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Địa danh Quảng Hóa không còn tồn tại nữa. Ở đây nổi tiếng món chè lam phủ Quảng.

    Chè lam Phủ Quảng nhâm nhi với chè xanh hoặc chè tàu

    Chè lam phủ Quảng nhâm nhi với chè xanh hoặc chè tàu

  15. Vật Lại
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội.
  16. Tứ vi
    Bốn mặt vây quanh (từ Hán Việt).
  17. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  18. Chim xanh
    Tên một họ chim dạng sẻ, có hình dáng giống chào mào, sinh sống thành đàn trong rừng, kiếm ăn tại các rừng nghèo nhiều dây leo, bụi rậm. Chim ăn côn trùng, nên là loài có ích cho lâm nghiệp và nông nghiệp.

    Trong văn học cổ, chim xanh là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nên thường được xem là người đưa tin, làm mối, hoặc chỉ tin tức qua lại, tuy hiện không rõ có đúng là loài chim xanh này không.

    Chim xanh cánh lam

    Chim xanh cánh lam

  19. Phú Quốc
    Được mệnh danh là đảo Ngọc, hòn đảo lớn nhất nước ta, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc có nhiều bãi biển rất đẹp, thu hút nhiều khách du lịch. Nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản hồ tiêu có vị cay nồng rất riêng.

    Bãi biển Phú Quốc

    Bãi biển Phú Quốc

  20. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  21. Bạc Liêu
    Một địa danh thuộc miền duyên hải Nam Bộ. Vùng đất này từ xưa đã là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau: người Hoa, người Việt, người Khmer, người Chăm... Tên gọi “Bạc Liêu,” đọc giọng Triều Châu là "Pô Léo," có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Ý kiến khác lại cho rằng "Pô" là "bót" hay "đồn," còn "Liêu" có nghĩa là "Lào" (Ai Lao) theo tiếng Khmer, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Người Pháp thì căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu mà gọi vùng đất này là Pêcherie-chaume có nghĩa là "đánh cá và cỏ tranh."
  22. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  23. Bẻ cò
    Bẻ gập lại thành từng khúc để đếm (mỗi khúc là một lần).
  24. Bổi
    Mớ cành lá, cỏ rác lẫn lộn, thường dùng để đun bếp.
  25. Thiên lý
    Ngàn dặm (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ khoảng cách xa xôi.
  26. Hẩm
    Chỉ thức ăn (thường là cơm, gạo) đã biến chất, hỏng.
  27. Đẩn
    Đẩy vào, tống vào với số lượng lớn, hoặc ăn một cách ngấu nghiến, thèm khát (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Lẩm
    Ăn. Cũng nói và viết là lủm ở một số địa phương Trung Bộ.