Tìm kiếm "ba năm"

Chú thích

  1. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  2. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  3. Sau khi chinh phục toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, nhà Thanh bắt người Trung Quốc cạo nửa đầu và thắt bím để đồng hóa với người Mãn Châu. Nhiều người bất đồng đã bỏ nước ra đi, một số nhập cư vào Việt Nam.
  4. Keo
    Một trận đấu trong thể thao, đặc biệt là trong môn đấu vật.
  5. Ba keo thì mèo mở mắt
    Vật thua ba keo thì trợn tròn mắt ra như mắt mèo. Ý câu này nói vật thua luôn ba keo thì bấy giờ mới biết thân mình là yếu và mới biết sợ người khoẻ hơn.
  6. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  7. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  8. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  10. Khái
    Con hổ.
  11. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  12. Suối Tiên
    Còn gọi là suối Bà Nên, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 17 cây số, bắt nguồn từ núi Hòn Bà, chảy quanh co trong các thung lũng, tạo thành nhiều hồ nhỏ rồi đổ ra đồng bằng huyện Diên Khánh.

    Suối Tiên

    Suối Tiên

  13. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  14. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  15. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  16. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa

  18. Ba ba
    Động vật họ rùa mai mềm, thường có kích cỡ nhỏ hơn rùa, sống ở các vùng nước ngọt (hồ, ao, sông ngòi, đầm, v.v.). Ở nước ta có 5 loài rùa mai mềm: ba ba Nam Bộ, ba ba gai, giải, ba ba trơn, và giải sin hoe. Ba ba có bốn chân, không có đuôi, đầu có vẩy nhỏ, miệng nhiều răng.

    Con ba ba

    Con ba ba

    Hướng dẫn định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, 2010)

  19. Mỏ nhát
    Một loài chim nhỏ, lông rằn, vàng nâu, mỏ dài nhọn, bay rất nhanh và xa; thường kiếm mồi trong các ruộng ít nước ban ngày và kêu ban đêm. Người dân quê thường bắt chim mỏ nhát làm món nướng.

    Chim mỏ nhát

    Chim mỏ nhát

  20. Rái cá
    Còn gọi con tấy, loài động vật có vú sống ở nước ngọt (có loài sống nước mặn), lông dày, chân có màng da, bơi lội rất giỏi, bắt cá để ăn.

    Rái cá

  21. Trẻ em hát bài này khi chơi trốn tìm.
  22. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  23. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  24. Sú ba dăng
    Phiên âm từ tiếng Pháp surveillant (người giám sát).
  25. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  26. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  27. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  28. Chìa vôi
    Một loại chim giống sẻ, đuôi dài, lông có hai màu đen trắng.

    Chìa vôi

    Chìa vôi

  29. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  30. Bài này nói về tục ăn trầu (vôi, trầu, cau, thuốc).
  31. Cung đàn
    Người làm nghề đàn trong những buổi hát chầu văn.
  32. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  33. Đức ông ở đây là vị thánh sẽ "giá ngự" vào xác bà đồng.
  34. Xe mười, pháo bảy, ngựa ba
    Giá trị của các quân cờ trong cờ tướng, theo đó quân Xe có giá trị nhất, quân Pháo có giá trị trung bình, và quân Mã (ngựa) kém giá trị nhất.
  35. Lầu Ông Hoàng
    Một di tích tham quan nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp nhất ở Bà Nài, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là một biệt thự do một ông hoàng người Pháp tên là Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I, xây để nghỉ mát khi qua đây du lịch vào năm 1911. Địa danh này còn gắn liền với cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử.

    Tòa nhà đã bị đánh sập hoàn toàn trong chiến lược "Tiêu thổ kháng chiến" của Việt Minh, hiện nay gần như không còn dấu tích.

    Phế tích lầu Ông Hoàng

    Một lô cốt Pháp xây gần nền Lầu Ông Hoàng cũ

  36. Ba Hộ
    Tên khác của làng An Hải, nằm bên tả ngạn sông Cà Ty. Hiên nay làng thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
  37. Tương truyền khi lầu Ông Hoàng xây xong thì làng Ba Hộ mắc bệnh dịch, sau đó là lụt lội làm chết rất nhiều người. Dân gian cho rằng chính ông Hoàng đã gây nên tai vạ ấy.
  38. Cổ đồ bát bửu
    Bức tranh cổ vẽ tám món đồ quý – xem thêm về Bát bửu.
  39. Ngũ sắc, bá huê
    Năm màu, trăm hoa.
  40. Tùng lộc
    Cây tùng và con nai. Tùng tượng trưng cho sức sống bền bỉ và tuổi thọ, còn nai tượng trưng cho địa vị (lộc cũng đồng âm với tài lộc), vì vậy tranh vẽ, tranh khắc gỗ, họa tiết gốm… trong dân gian thường vẽ tùng lộc.

    Tranh tùng lộc

    Tranh tùng lộc

  41. Giường hộc
    Loại giường phía dưới có hộc có thể kéo ra vào, để đựng quần áo, đồ đạc.
  42. Giường Tàu
    Một loại giường theo kiểu Trung Hoa, có thành cao xung quanh.
  43. Gia chủ
    Chủ nhà (từ Hán Việt).
  44. Cá ồ
    Loại cá biển nhỏ nhìn rất giống cá ngừ, cũng gọi là cá ngừ ồ, có nhiều ở vùng biển miền Trung.

    Cá ồ hấp

    Cá ồ hấp

  45. Lò Ba
    Tên gọi cũ của làng biển Hòa Hiệp, nay gồm 4 khu phố: Phú Thọ 1, Phú Thọ 2, Phú Thọ 3 và Phú Thọ thuộc phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá biển.
  46. Miễu Bà Trang
    Một ngôi miếu thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, nay là thị trấn Chí Thạnh, Tuy An, Phú Yên. Tương truyền Bà Trang là người giúp vua Gia Long trốn thoát khỏi cuộc truy kích của quân Tây Sơn.
  47. Đền Bà Sứ
    Tên ngôi đền nằm ở cánh đồng cùng tên, nay thuộc địa phận xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
  48. Bến Bà Bang
    Một bến đò thuộc xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
  49. Kỳ Lộ
    Cũng gọi là sông Cái, một con sông lớn chảy qua tỉnh Phú Yên. Sông dài 120 km, bắt nguồn từ vùng núi La Hiên cao trên 1000 m tại giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, chảy qua các huyện Đồng Xuân, Tuy An, đổ ra cửa biển Tiên Châu với một phân lưu đổ vào đầm Ô Loan. Các chi lưu của nó là Cà Tơn, suối Cối, Thác Dài. Đoạn chảy trên địa phận tỉnh Phú Yên dài 76 km. Phần thượng lưu của sông chảy giữa các dãy núi, nên hẹp, sâu và có độ dốc lớn. Mùa mưa trên sông hay có lũ. Do có đặc điểm như vậy, hàng ngàn năm những chân núi mà sông đi qua bị bào mòn tạo ra nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp và nên thơ. Tới hạ lưu, sông rộng hơn; hai bên bờ có nhiều bãi cát phẳng. Mùa hè nước sông trong veo tươi mát màu ngọc bích, có nơi nhìn thấy đáy sông.

    Sông Kỳ Lộ

    Sông Kỳ Lộ

  50. Quan Âm bồ tát
    Quan Âm, Quan Thế Âm, Quán Âm, Phật Bà đều là các tên gọi khác nhau của Quán Thế Âm, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Theo đạo Phật cũng như dân gian, Quan Âm có hình hài của một người phụ nữ, gương mặt hiền lành phúc hậu, đứng hoặc ngồi xếp bằng trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn - vì vậy những người gặp nạn thường niệm "Nam mô Quan Thế Âm bồ tát." Một số tài liệu, hình vẽ và tượng lại mô tả Quan Âm là một vị phật có nghìn mắt, nghìn tay để quán xuyến việc thế gian.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  51. Chung hiệp
    Sum họp (phương ngữ Nam Bộ).
  52. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.