Tìm kiếm "Đi ngủ"

  • Cái cò, cái vạc, cái nông

    Cái cò cái vạc cái nông
    Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò?
    Không, không! Tôi đứng trên bờ
    Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi
    Chẳng tin ông đứng ông coi
    Mẹ con nhà nó còn ngồi đấy kia.

    Dị bản

    • Cái cò cái vạc cái nông
      Sao mày giẫm lúa nhà ông hả cò
      Không không, tôi đứng trên bờ
      Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi
      Chẳng tin thì ông đi đôi
      Mẹ con nhà nó còn ngồi đằng kia.

    Video

  • Bốn bề thành lũy thấp cao

    Bốn bề thành lũy thấp cao
    Sông không có nước cá vào đàng mô?
    Ngựa xe qua lại không đò
    Voi đi đến đó thì co chân dừng
    Nào đâu tướng sĩ binh nhung
    Mưu cao trí cả anh hùng thử coi

    Là cái gì?

    Bàn cờ tướng

  • Cha sáo, mẹ sáo

    Cha sáo, mẹ sáo
    Trồng một đám dưa
    Đi trưa về sớm
    Bầy quạ ăn chán
    Sáo giận sáo bỏ
    Sáo ra ngoài đồng
    Sáo ăn trái đa
    Người ta bắt đặng
    Cắt cổ nhổ lông
    Tôi thưa với ông
    Tôi là con sáo
    Hay kiện hay cáo
    Là con bồ câu
    Lót ổ cho sâu
    Là con cà cưỡng
    Chân đi lưỡng thưỡng
    Là chú cò ma
    Tối chẳng dám ra
    Là con mỏ nhát
    Chùi đầu xuống cát
    Là con manh manh
    Tấm rách tấm lành
    Là con sả sả
    Miệng cười hỉ hả
    Là con chim cu
    Hay oán hay thù
    Là chim chèo bẻo
    Học khôn học khéo
    Là con le te
    Hay đậu đọt tre
    Là con chèo gấm

  • Tôi là con gái xóm trong

    Tôi là con gái xóm trong
    Chân đi yểu điệu hình dong ai tày
    Đôi cổ tay nhỏ nhi nhỏ nhí bằng cái bắp cày
    Chân đi sừng sững rõ tày voi nan
    Đôi má hồng cô bay trắng khốn trắng nạn trắng tựa hòn than
    Nằm đâu ngủ đấy lại toan kén chồng

  • Quả dưa trong héo ngoài tươi

    Quả dưa trong héo ngoài tươi
    Thương chàng như thể thương người lầu tây
    Ai về đằng ấy, đằng này
    Để đêm em nhớ, để ngày em thương
    Yêu nhau đi nhớ về thương
    Em về cái chốn buồng hương em nằm
    Thấy chiếu mà chả thấy chăn
    Thấy chỗ mình nằm chả thấy mình đâu

  • Thuyền ai ba bốn chiếc nghinh ngang

    Thuyền ai ba bốn chiếc nghinh ngang
    Chiếc nào chưa vợ để thế gian đi nhờ?
    Để làm chi lững đững lờ đờ
    Kẻ đi không dứt, người ngồi chờ căn duyên
    Gá lời kêu chàng ở dưới thuyền
    Đưa em qua đó, hết nhiêu tiền trả cho!
    Làm người đừng có so đo
    Ta chưa trốn chợ lật đò mấy khi
    Chèo thuyền ra rước mau đi
    Kẻo mà thục nữ chờ lâu mất lòng
    – Thuyền anh ba bốn chiếc bộn bề
    Chiếc vô Gia Định, chiếc về Nha Trang
    Còn dư một chiếc đưa nàng
    Em ơi bước xuống để chàng đưa qua
    Đưa em về tới quê nhà
    Chữ ân là nặng, còn là chữ duyên

  • Mồng năm chợ Ó

    Mồng năm chợ Ó
    Quan họ dồn về
    Hội vui lắm lắm
    Chưa kịp đi tắm
    Chưa kịp gội đầu
    Trầu chửa kịp têm
    Cau chưa kịp bổ
    Miếng lành, miếng sổ
    Miếng lại quên vôi
    Người có yêu tôi
    Thì người cầm lấy
    Các anh đứng đấy
    Thầy mẹ đứng đâu?
    Mời lại xơi trầu
    Mừng cho dâu mới
    Mặt trời đã tối
    Đám hội đã tàn
    Ai có hồng nhan
    Mang ra chơi hội
    Dưới sông múa rối
    Trên bãi trồng vừng
    Một đấu, một thưng
    Bằng nhau như tiện
    Như tiện như tề
    Kẻo thế gian chê
    Chồng cao vợ thấp!

  • Hòn đá cheo leo

    Hòn đá cheo leo
    Con trâu trèo con trâu trượt
    Con ngựa trèo con ngựa đổ
    Anh thương em lao khổ
    Tận cổ chí kim
    Anh thương em khó kiếm, khôn tìm
    Cây kim luồn qua sợi chỉ
    Sự bất đắc dĩ phu phải lìa thê
    Nên hay không nên, anh ở em về
    Đừng giao, đừng kết, đừng thề mà vương

    Dị bản

    • Đá cheo leo, trâu trèo trâu trượt
      Ngựa trèo ngựa đổ
      Tiếc công anh lao khổ
      Tự cổ chí kim
      Mất em đi, anh khó kiếm khó tìm
      Cùng giả tỉ như cây kim mà lòn sợi chỉ
      Sao em không biết nghĩ suy
      Em ham nơi quyền quý, em không có nghĩ gì tới anh
      Hoa kia gió thổi lìa cành
      Mẹ cha ép gả, em đành chịu sao?
  • Hôm qua ta ngồi lưng đèo

    Hôm qua ta ngồi lưng đèo
    Chàng ơi có thấy suối reo quanh mình
    Xin chàng hãy nhìn cho tinh
    Bao người nhộn nhịp sân đình làng kia
    Vì đâu ta phải chia lìa
    Vì đâu ta phải ra đi ngoài rừng
    Chỉ vì chỉ rối đứt tung
    Em phải lấy cái thằng chồng, em đã từng chê

  • Tình chồng vợ anh không tưởng tới

    Tình chồng vợ anh không tưởng tới
    Nghĩa sinh thành anh chẳng kể chi
    Sao anh bất thức bất tri
    Anh đi lính mộ được gì đâu na
    Anh nghe em hỏi đây mà
    Ai sinh ai đẻ anh ra thành người
    Sao anh không sợ người cười
    Cái nòi lính mộ mấy đời sướng thân
    Hỏi anh anh phải phân trần
    Cha già mẹ yếu đỡ đần cậy ai?
    Tình non nghĩa nước bao ngày
    Con trăng cõi Bắc đã đầy nhớ thương

  • Thân em thái thể đồng tiền

    – Thân em thái thể đồng tiền
    Lớn thời ăn sáu nhỏ nguyền ăn ba
    Chữ đề thông bửu quốc gia
    Dân yêu quan chuộng nghĩ đà sướng chưa?
    – Thân anh thái thể chuối già
    Ăn sáu anh cũng xỏ, ăn ba không từ
    Đi ra mua bán đời chừ
    Đồng sứt đồng mẻ anh không từ đồng mô
    Nói ra thì sợ mất lòng cô
    Chứ đường ngay tôi xỏ thẳng, lẽ mô cô giận hờn

  • Giàu thì thịt cá cơm canh

    Giàu thì thịt cá cơm canh
    Khó thì rau muối cúng anh tôi đi lấy chồng
    Hỡi anh xấu số, chồng cũ tôi ơi
    Có khôn thiêng về hưởng đĩa xôi nhang đèn
    Anh đà hết kiếp, xin chớ ghen
    Để cho người khác cầm quyền thê nhi
    Miệng em khóc, tay bưng cái thần vì
    Tay em gạt nước mắt tay thì thắp nhang
    Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn
    Em cầm lòng chẳng được nên sang ngang từ rày

    Dị bản

    • Giàu thì thịt cá cơm canh
      Khó thì lưng rau dĩa muối, cúng anh tôi đi lấy chồng
      Hỡi anh chồng cũ tôi ơi
      Anh có khôn thiêng thì anh trở dậy ăn xôi nghe kèn
      Thôi anh đã về nghiệp ấy xin anh đừng ghen
      Để cho người khác cầm quyền thê nhi
      Miệng em khóc, tay em bế ẵm cái ông cái thần vì
      Tay em gạt nước mắt, tay em thì thắp nén nhang
      Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn!

  • Giường này ai trải chiếu đây

    Giường này ai trải chiếu đây
    Đêm qua không ngủ, đêm nay không nằm
    Một chăn đắp chẳng kín chân
    Hai chăn đắp để muôn phần xót xa
    Ba chăn thương nhớ cả ba
    Hay là mình đã năm ba tớ thầy
    Hay là mình giận ta đây
    Mình cho ta biết một giây kẻo sầu
    Tin đi mối lại đã lâu
    Mình về lấy vợ để sầu cho ta
    Càng nom thì bóng càng xa
    Chàng về lấy vợ cho ta lấy chồng
    Đố ai khuyên gió bóng thông
    Đố ai xúi giục cho rồng phun mưa
    Ruột tằm bối rối vò tơ
    Tay khoan tay rẽ cho thưa mối sầu.

  • Con chim trên rừng kêu thánh tha thánh thót

    Con chim trên rừng kêu thánh tha thánh thót
    Mẹ thương con cắt ruột xẻ hai
    Gái thương trai đứng đường đứng ngõ
    Trai thương gái tối mấy cũng đi
    Con cá giương vi vì hồ nước chảy
    Cần câu không gãy bởi ống tre cong
    Mượn người mối lại cái sự cho xong
    Để em về tề gia nội trợ coi trong coi ngoài

Chú thích

  1. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  2. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  3. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  4. Đôi
    Hỏi để xác minh việc gì (phương ngữ miền Trung, từ cổ).
  5. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  7. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  8. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  9. Cò ma
    Một loại cò có bộ lông trắng, mỏ vàng và chân màu vàng xám. Trong mùa sinh sản, chim trưởng thành chuyển sang màu cam trên lưng, ngực và đầu, còn mỏ, chân và mắt chuyển màu đỏ.

    Cò ma

    Cò ma

  10. Mỏ nhát
    Một loài chim nhỏ, lông rằn, vàng nâu, mỏ dài nhọn, bay rất nhanh và xa; thường kiếm mồi trong các ruộng ít nước ban ngày và kêu ban đêm. Người dân quê thường bắt chim mỏ nhát làm món nướng.

    Chim mỏ nhát

    Chim mỏ nhát

  11. Manh manh
    Loại chim nhỏ, đẹp, hiện nay thường được nuôi làm cảnh. Có nhiều loại manh manh khác nhau. Manh manh trắng toàn thân lông màu trắng toát, trừ hai bên má có đốm lông vàng, mỏ đỏ, chân vàng, chim trống mỏ đỏ sậm, con mái mỏ đỏ lợt. Manh manh bông có mỏ đỏ, má vàng, hai bên mỏ có sọc trắng dọc theo mép tai, cổ vằn màu xám, ức đen, bụng trắng, lông dọc theo hai bên hông màu gạch có nổi bông trắng. Đuôi tuy nhỏ, ngắn nhưng lại cầu kỳ, khúc trắng khúc đen như chim trĩ. Manh manh nâu (sô-cô-la) ở má và cánh có đốm màu vàng anh.

    Một con chim manh manh

    Một con chim manh manh

  12. Sả sả
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Sả sả, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  13. Bồ câu
    Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.

    Chim bồ câu

    Chim bồ câu

  14. Chèo bẻo
    Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.

    Chèo bẻo

    Chèo bẻo

  15. Le te
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Le te, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  16. Chèo gấm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chèo gấm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Xem thêm bài Vè cầm thú.
  18. Thổ Sơn
    Một làng nay thuộc xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
  19. Tày
    Bằng (từ cổ).
  20. Bắp cày
    Đoạn tre hoặc gỗ hình bắp, nối cán cày với chỗ mắc dây ách.

    Các bộ phận của cày

    Các bộ phận của cày

  21. Voi nan
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Voi nan, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  22. Lầu tây
    Thường được dùng như một hình ảnh ước lệ trong văn thơ xưa, để chỉ nơi có tình cảm thương nhớ, tương tư trong tình yêu đôi lứa.
  23. Có bản chép: Ai về đằng ấy hôm nay.
  24. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  25. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  26. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  27. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  28. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  29. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  30. Xuân Ổ
    Tên Nôm là làng Ó, một làng nay là hai thôn Xuân Ổ A và Xuân Ổ B thuộc phường Bắc Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, xưa thuộc tổng Khắc Niệm, huyện Tiên Du. Hằng năm vào mồng 5 Tết, làng mở hội thờ cúng Thành hoàng và hát quan họ. Chợ làng trước đây gọi là chợ Ó, nay không còn. Trước ngày vào đám, chập tối ngày mùng 4, làng nhóm họp chợ phiên. Phiên chợ Ó vừa tan, nhiều quán trầu của các cụ bà mọc lên, theo đó ''liền anh, liền chị'' mời nhau vào ngồi xơi trầu, rồi bắt đầu cuộc hát (xem thêm).
  31. Quan họ
    Lối hát dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc, tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quan họ được chia làm hai loại: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ," có nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa, được biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội...

    Năm 2009, cùng đợt với ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

    Giã bạn - Người ơi người ở đừng về - Đến hẹn lại lên (Quan họ Bắc Ninh)

  32. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  33. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  34. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  35. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  36. Tề
    Cắt bớt.
  37. Tận cổ chí kim
    Từ xưa đến nay.
  38. Khôn
    Khó mà, không thể.
  39. Phu
    Chồng (từ Hán Việt).
  40. Thê
    Vợ (từ Hán Việt).
  41. Lòn
    Luồn, lách (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  42. Bất thức bất tri
    Không hiểu không biết (cụm từ Hán Việt).
  43. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  44. Na
    Trợ từ, thường đặt cuối câu hỏi, như hả, ha, a, ru... (phương ngữ Trung Bộ).
  45. Thái thể
    Như thể.
  46. Ăn một, ăn ba, ăn sáu
    Cách tính giá trị của đồng tiền trước đây. Tiền ăn một là một đồng tiền kẽm. Tiền ăn ba có pha đồng thau, có giá trị bằng ba đồng kẽm. Tiền ăn sáu to bản hơn, dày nặng, không thông dụng bằng hai đồng kia.

    Xem thêm bài Một quan tiền tốt mang đi.

  47. Thông Bảo
    通寶, hai chữ thường thấy nhất trên các đồng tiền ngày trước, nghĩa là đồng tiền lưu hành thông dụng. Hai chữ này xuất hiện lần đầu tiên trong tiền Khai Nguyên Thông Bảo do Đường Cao Tổ của Trung Quốc đúc năm 621.
  48. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  49. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  50. Thê nhi
    Vợ con (từ Hán Việt).
  51. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  52. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  53. Cảng Hải Phòng
    Được xây dựng từ năm 1874, một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn nhất miền Bắc và lớn thứ hai cả nước (sau cảng Sài Gòn), là cửa ngõ quốc tế nằm tại hai quận Hồng Bàng và Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Khu cảng chính trên sông Cấm còn gọi là bến Hoàng Diệu, trước gọi là bến Sáu Kho.

    Bến Sáu Kho ngày trước

    Bến Sáu Kho ngày trước

  54. Tức Hồng Kông (Hương Cảng).
  55. Tề gia
    Trông nom, chăm sóc việc gia đình.