Tìm kiếm "thày u"

Chú thích

  1. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  2. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  3. Cá đao
    Loại cá biển rất dữ tợn thuộc họ cá đuối, trên mõm có một mũi sụn kéo dài, hai bên có nhiều răng nhọn, nhìn như thanh đao.

    Cá đao

    Cá đao

  4. Sông Vàm Nao trước đây từng mệnh danh là ổ cá mập, cá đao. Có người nói do Vàm Nao có lòng chảo sâu ăn thông với biển nên lâu lâu có cá mập, cá đao bơi lạc vào. Theo sách Tân Châu xưa (tác giả Huỳnh Minh và Nguyễn Văn Kiềm), năm 1819, Thoại Ngọc Hầu cho đào kinh Vĩnh Tế, dân phu ngán rừng thiêng nước độc đã bỏ trốn, chạy tới Vàm Nao, gặp sông nên đốn cây chuối ôm bơi qua, nhưng tới giữa dòng thì bị nước xoáy cuốn chìm, cá mập lao tới xâu xé, ăn thịt.
  5. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  6. Ba Thắc
    Tên của một địa danh ở miền Nam, xuất phát từ chữ Bassac trong tiếng Khmer. Hiện có ba cách giải thích về địa danh này:

    1. Vùng đất ngày xưa thuộc địa phận của Campuchia, người Khmer gọi là Srok Bassac. Vùng đất này kéo dài từ Châu Đốc xuống Cà Mau hiện nay.
    2. Tên gọi khác của sông Hậu (người Khmer gọi là Tonlé Bassac).
    3. Tên gọi một trong ba cửa biển của sông Hậu, bao gồm Tranh Đề, Định An và Ba Thắc. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa.

  7. Chữ lai 來 có hình hai chữ nhân 人 ở hai bên, chữ mộc 木 ở giữa. Thực ra hai chữ nhân 人 này vốn là tượng hình hai cái gai. Lai 來 là tên một loại lúa có gai, sau được dùng với nghĩa là "đến."
  8. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  9. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  11. Ngọc Hà
    Một trong mười ba làng nghề (thập tam trại) của Thăng Long-Hà Nội, tương truyền là được lập nên từ thời vua Lý Nhân Tông. Làng Ngọc Hà nổi tiếng từ xưa với nghề trồng hoa, nên cũng gọi là trại Hàng Hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Đầu thế kỷ 20, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc ...) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng. Hiện nay nghề này đã mai một.

    Làng hoa Ngọc Hà

    Làng hoa Ngọc Hà

  12. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  13. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  14. Bận
    Mặc (quần áo).
  15. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  16. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Rương
    Hòm để đựng đồ (sách vở, quần áo...) hoặc tiền vàng, thường làm bằng gỗ, có móc khóa.

    Cái rương

    Cái rương

  18. Ô thước
    Con quạ (ô) và con chim khách (thước). Trong một số ngữ cảnh, từ này được dùng để gọi chung một loài chim.
  19. Ở đây có lẽ có sự nhầm lẫn giữa chữ ô (con quạ) với ô (màu đen).
  20. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  21. Cứt lợn
    Còn có tên là cỏ hôi hoặc cây bù xít, một loại cây mọc hoang có mùi rất hắc. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng; thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...

    Cây cứt lợn

    Cây cứt lợn

  22. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  23. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  24. Chiết
    Róc một khoanh vỏ ở cành cây, bọc đất lại, để rễ phụ mọc ra, rồi cắt lấy đem trồng. Các loại cây như cam, quýt... và nhiều loại cây cảnh thường được trồng bằng phương pháp này.

    Chiếc cành hoa sứ

    Chiếc cành hoa sứ

  25. Mai vàng
    Một loài cây cho hoa năm cánh màu vàng rực, được trưng bày rất nhiều ở miền Trung và miền Nam nước ta vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Hoa mai vàng (gọi tắt là hoa mai) và hoa đào là hai loài hoa tượng trưng cho mùa xuân.

    Hoa mai vàng

    Hoa mai vàng

  26. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).