Ơn chàng đã có lòng vì
Ngỏ lời phương tiện muốn bề tóc tơ
Nhân khi em ở lại nhà
Làm nghề canh cửi sớm khuya chuyên cần
Vốn riêng được một vài trăm
Đem đi buôn bán Đồng Xuân chợ này
Buôn hàng vải lụa bấy nay
Nhờ trời vốn lãi độ ngày ba trăm.
Tìm kiếm "hàn"
-
-
Bài thơ thuốc lào
Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
Ai là chẳng bạn thân với điếu
Từ ông thừa, trở lên cụ thiếu,
Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm
Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi,
Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
Dân cày cấy mưa dầm, nắng dãi,
Bạn tâm giao với cái điếu cày.
Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
Rít mồi thuốc, say ngây say ngất.
Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
Bạn nhà binh canh gác thâu đêm,
Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
Nội các thức say sưa nghiện ngập,
Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
Khi lòng ta tư lự không yên,
Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
Nghe tiếng điếu kêu giòn, nhìn khói bay nghi ngút,
Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
Vùi điếu đi cho hết đa mang.
Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
Cho nên bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
Thật là lời chí lý không ngoa.
Thuốc lào, ta hút điếu ta,
Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm… -
Thương nhau vì nết chẳng hết chi người
-
Kể từ sông Vệ, chợ Gò
-
Đồn đây có gái hát tài
-
Cốc cốc keng keng
Cốc cốc, keng keng
Bà Rèn đi chợ
Bà Rớ ở nhà
Bắt gà làm thịt
Bắt vịt chặt đuôi
Bắt ruồi chặt cánh
Đòn gánh có mấu
Con sấu có tai
Con nai có gạc
Thợ giác có bầu
Hàng trầu hàng cau là hàng chồm hổmDị bản
Cốc cốc, keng keng
Mụ rèn đi chợ
Mụ vợ ở nhà
Bắt gà làm thịt
Bắt vịt về nuôi
Con ruồi có cánh
Đòn gánh có mấu
Con sấu có tai
Con nai có gạc
Thợ giác có bầu
Hàng trầu hàng cau là hàng chồm hổmMụ sên đi chợ
Mụ rổ ở nhà
Bắt gà làm thịt
Bắt vịt chặt đuôi
Bắt ruồi chặt cánh
Đòn gánh có mấu
Con sấu có tai
Con nai có sừng
Bánh chưng thì ngọt
Roi mót thì đau
Hàng trầu hàng cau
Là hàng con gái
Hàng bánh hàng trái
Là hàng bà già
Hàng hương hàng hoa
Là hàng ông Bổn.
-
Tưởng rằng tàu lặn, tàu bay
-
Chàng ơi buông tay em ra
Chàng ơi buông tay em ra
Rồi mai trông thấy đường xa em chào
Chàng đừng làm ráo máng cạn tàu
Rồi mai trông thấy mặt nhau bẽ bàng
Nói đây có giữa mặt chàng
Anh em thì vắng, họ hàng thì xa
Lấy ai định liệu cho ta
Mặt lại nhìn mặt, tay đà cầm tay
Cầm tay anh giải nước non
Gái này chồng chửa hay còn giá cao
Còn không cho chúng anh chờ
Hay là có chốn nương nhờ thì thôi -
Anh làm lò đá thì có máy khoan
Anh làm lò đá thì có máy khoan
Một ngày sáu lỗ nó giao đoan cho liền
Anh mà làm được vẹn tuyền
Thì anh mới được tính tiền công cho
Công thì bốn tám đồng xu
Gạo thì ăn chịu để phu phàn nàn
Tiền công hàng tháng chẳng hoàn
Nó còn lưu lại để giam giữ mình
Thằng Tây, thằng xếp một vành
Mồ hôi công sức của mình chúng ăn
Làm thì phoi đá, phong than
Anh hít vào ruột vào gan suốt ngày
Mắc bệnh gầy yếu đắng cay
Cơn ho hộc máu chảy ngay ròng ròng
Cảnh nghèo cực khổ vô cùng
Thuốc thang chẳng có lăn đùng chết tươi. -
Em về thì đi mau mau
Em về thì đi mau mau,
Em đừng ngó lại ruột đau chín từng!
Đi xa một chút ngó chừng,
Thấy em lệ nhỏ rưng rưng hai hàng. -
Anh đi năm bảy dặm truông
-
Ước gì ta được quần thâm
-
Ví dù theo lái xuống tàu
Ví dù theo lái xuống tàu
Thì em mới biết cá gầu có gai
Con bơn, con nhệch là hai
Con còng, con ghẹ, nó tài đào hang
Kể rằng cá đuối bơi ngang
Cái đuôi có điện ra đàng làm cao
Lại tăm con cá đuối sao
Nước lên cả nước gặp ngay cá ngần
Biển sâu lại có chướng ngầm
Cá ăn nó lượn ba lần nó ra
Cá Ông thì ở bể xa
Lưỡng long chầu nguyệt có ngà đôi bên
Lần đầu xuống bến xuống thuyền
Sao mà em biết nhãn tiền cá Ông
Ví dù em có sang sông
Thì em mới biết cá Ông chầu đền
Kể từ mặt biển kể lên
Chim, thu, nhụ, đé, vược hên nhất đời
Cá he ngậm nước bao giờ
Mà em dám nói đổ ngờ cá he
Kể cả con cá mòi he
Xương dăm vẫn mặc cứ le cho vào
Kể từ con cá chuồn hoa
Nó nhảy một cái qua ba lần thuyền
Kể từ con cá đối đen
Bắt được đi bán lấy tiền ăn chơi
Dưới bể có cả đồi mồi
Có con lợn bể nó bơi cả ngày
Kể cả con cá mó tày
Vàng xanh cả vẩy cả vây cũng mừng
Kể cả con mực, con nhưng
Cứ cầm cho chặt lưới thừng không buông
Con mực nhuộm đục cả luồng
Đón đuôi thả lưới mà buông đến cùng
Cá mập bơi lội vẫy vùng
Khoanh tay vược lộn ở vùng bể Đông
Kể từ cá mú, cá song
Cá nhung, cá cúng, cá hồng Áng Gai
Cá sông kể cũng rất tài
Cá mè, cá chép, ở khe ngọn nguồn
Trở giời nó mới lượn lên
Ví dù em ở đồng trên gần nguồn
Thì em mới biết nguồn cơn
Thì em mới biết cá rô, trê đồng
Bây giờ em chưa có chồng
Làm gì em biết thuộc lòng cá chim? -
Muốn lấy con tao
-
Xuống biển rồi lại lên rừng
-
Bước xuống tàu, mua tô mua tộ
-
Cô Xuân đi chợ Hạ, mua cá thu về chợ hãy còn đông
-
Mở lời chào gió, chào trăng
– Mở lời chào gió, chào trăng
Chào quanh Núi Chúa, chào băng Sông Trà
Mở lời chào chị em ta
Bên hữu đàn bà bên tả đàn ông
Mở lời chào gái nữ công
Chào trai tiết hạnh giữa đám đông hội này
– Khoan khoan bớ bạn khoan chào
Lại đây ta hỏi người nào biết ta
Từ khi cha mẹ sinh ra
Tự lớn chí nhỏ, bạn ta mấy lần
Xưng rằng bạn cựu bạn tân
Lại đây ta hỏi mới giao lân kết nguyền -
Kể từ ngày xa cách người thương
Kể từ ngày xa cách người thương
Về nhà đài sen nối sáp, đọc mấy chương phong tình
Đọc tới đoạn Thúy Kiều xa gã Kim sinh
Thôi Oanh Oanh xa Trương Quân Thụy nghĩ tội cho tình biết chừng mô
Đọc tới lúc Hạnh Nguyên phụng chỉ cống Hồ
Để cho Mai Lương Ngọc ra vô ưu phiền
Hạ Nghinh Xuân còn ở bên nước Yên
Mà Tề Vương phế chánh trao quyền cho Yến Anh
Đọc tới lớp Ngọc Kỳ Lân bỏ hội công danh
Cũng vì Kim Hồ Điệp tử sanh không nài
Đã mấy phen lâm cảnh trần ai
Cho hay chữ tình làm lụy anh tài biết bao nhiêu
Huống chi chàng chừ nỡ phụ người yêu
Dầu có tan vàng nát ngọc cũng đành xiêu với tình. -
Quan Thừa Thiên thì mang áo địa
Chú thích
-
- Phương tiện
- Đối đãi, xử trí mọi việc (từ cũ).
Khi chè chén khi thuốc thang,
Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh.
(Truyện Kiều)
-
- Kết tóc xe tơ
- Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.
Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.
-
- Chợ Đồng Xuân
- Một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, nằm trong khu phố cổ. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại thành 3 tầng với tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² như hiện nay.
-
- Thuốc lào
- Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữ và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.
Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.
-
- Quốc túy
- Cái đặc sắc về tinh thần hoặc vật chất của một dân tộc.
-
- Yên vân
- Khói (yên) mây (vân).
-
- Thừa
- Một chức vụ nhỏ trong các nha phủ dưới thời phong kiến.
-
- Đa mang
- Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.
Thôi em chả dám đa mang nữa
Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng
(Xuân tha hương - Nguyễn Bính)
-
- Sơn hà
- Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Lý Thường Kiệt)Dịch thơ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
-
- Phân
- Nói cho rõ, bày tỏ.
-
- Ôm cầm
- Ôm đàn, trong văn chương thường được dùng để chỉ việc phụ nữ lấy chồng, tái giá, hoặc bỏ chồng cũ lấy chồng mới. Các thành ngữ ôm cầm thuyền ai, ôm đàn qua thuyền được cho là xuất phát từ lời thề nguyền chung thủy của nàng Kiều Oanh trong Thiên Hương Tập, khi nàng nói với chồng rằng: Thiếp đã đem thân theo chàng, dẫu nát ngọc chìm châu, cũng không ôm đàn tỳ bà qua thuyền khác.
-
- Châu
- Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).
Giọt châu lã chã khôn cầm
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương
(Truyện Kiều)
-
- Sông Vệ
- Một con sông ở tỉnh Quảng Ngãi, bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc huyện Ba Tơ, chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, xuyên qua các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, qua giáp ranh giữa Mộ Đức và Tư Nghĩa, rồi đổ ra biển Đông tại cửa Lở. Sông Vệ cũng là tên một thị trấn thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
-
- Chợ Gò
- Tức chợ Quán Lát, một cái chợ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
-
- Ngó
- Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Dắt Dây
- Tên một nhánh sông thuộc hệ thống sông Thi Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
-
- Đồng Cát
- Tên chợ trung tâm của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
-
- Lò Thổi
- Một địa danh nay thuộc xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là vùng rừng núi. Có người cho rằng, vùng này có tên gọi như vậy vì từng là nơi nghĩa quân của Nguyễn Tự Tân (thuộc phong trào Cần Vương) khai thác và nấu quặng sắt để rèn đúc vũ khí.
-
- Tú Sơn
- Một địa danh nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, trước là khu đồng rộng.
-
- Quán Sạn
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quán Sạn, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Tê
- Kia (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Sông Trà Câu
- Một con sông thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sông dài 40km, bắt nguồn từ vùng Hồng Thuyền, Vực Liêm (phía Nam đèo Đá Chát) chảy xuyên qua huyện Đức Phổ để ra cửa biển Mỹ Á.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Thợ giác
- Người làm nghề giác hơi (một cách chữa bệnh bằng cách dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt và sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh).
-
- Bầu
- Tức ống giác, là dụng cụ hình ống, bằng tre, trúc hay thủy tinh, sành sứ.
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Giải nước non
- Giải đáp, dãi bày tâm sự.
-
- Chửa
- Chưa (từ cổ, phương ngữ).
-
- Giao đoan
- Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
-
- Đội xếp
- Cảnh sát thời Pháp thuộc (từ tiếng Pháp chef).
-
- Truông
- Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
-
- Bánh xèo
- Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...
-
- Đã thèm
- Chán chường (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Bánh giầy
- Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.
Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.
-
- Bánh chưng
- Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.
-
- Ví dầu
- Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
-
- Lái
- Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
-
- Cá mú
- Tên chung một họ cá biển cho thịt trắng, dai, ngọt. Có ba loại cá mú chính là cá mú đỏ, cá mú đen, cá mú cọp, trong đó cá mú đỏ là loài cá quý hiếm nhất, hai loại còn lại thì hiện nay đang được nuôi khá nhiều. Tùy theo từng địa phương mà cá mú còn được gọi là cá song, cá gàu (gầu), cá mao…
-
- Thờn bơn
- Còn gọi là cá bơn, một loại cá thân dẹp, hai mắt nằm cùng một bên đầu. Vì vị trí hai mắt như vậy nên khi nhìn chính diện có cảm giác miệng bị méo.
-
- Cá lịch
- Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.
-
- Còng
- Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.
-
- Ghẹ
- Vùng Bắc Trung Bộ gọi là con vọ vọ, một loại cua biển, vỏ có hoa, càng dài, thịt nhiều và ngọt hơn cua đồng.
-
- Cá đuối
- Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.
-
- Cá ngần
- Còn gọi là cá ngân, cá cơm ngần, cá sữa, cá thủy tinh, hay cá bún, một loại cá không xương, nhỏ như con tép, màu trắng hoặc trong suốt, sống trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Từ cá ngần có thể chế biến ra nhiều món ngon như canh chua, cá chiên trứng, chả cá ngần…
-
- Cá Ông
- Tên gọi của ngư dân dành cho cá voi. Do cá voi có tập tính nương vào vật lớn (như thuyền bè) mỗi khi có bão, nên nhiều ngư dân mắc nạn trên biển được cá voi đưa vào bờ mà thoát nạn. Cá voi được ngư dân tôn kính, gọi là cá Ông, lập nhiều đền miếu để thờ.
-
- Lưỡng long chầu nguyệt
- Hai con rồng chầu mặt trăng (cũng gọi là "rồng chầu mặt nguyệt"). Đây là chi tiết phù điêu thường gặp trên các mái đình đền, chùa chiền ở nước ta, mang ý nghĩa tâm linh thuần phục thánh thần.
-
- Cá chim
- Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Cá nhụ
- Cũng gọi là cá chét, một loại cá biển thân dài, dẹt bên, đầu ngắn, mắt to. Thịt cá dai, ngọt và nhiều chất dinh dưỡng, xương mềm. Cá thường được chiên lên chấm với nước mắm tỏi, ớt ăn kèm rau sống hoặc nấu canh ngót hoặc sốt cà chua, kho cà chua, kho tiêu, kho tộ…
-
- Cá đé
- Cũng gọi là cá lặc, một loài cá biển thân dài, đầu ngắn, thân màu trắng bạc. Cá đé có thịt thơm ngon hảo hạng, hiếm có khó tìm, được xếp vào “tứ quý ngư” (chim, thu, nhụ, đé), bốn loài cá quý của Việt Nam.
-
- Cá vược
- Một loại cá sinh trưởng ở nước ngọt, nước lợ và di cư ra vùng nước mặn để đẻ. Ở nước ta, cá vược phân bố dọc bờ biển từ Bắc đến Nam và được đánh giá có giá trị kinh tế cao, đã được thuần hóa để nuôi cả trong điều kiện nước mặn và nước ngọt.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Cá chuồn
- Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.
Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...
-
- Cá đối
- Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...
-
- Đồi mồi
- Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.
-
- Lợn biển
- Động vật có vú thuộc bộ bò biển, sống ở biển hoặc cá vùng cửa sông, có thân hình to lớn (cá thể trưởng thành nặng khoảng nửa tấn), chuyên ăn các loại thực vật dưới biển.
-
- Cá mó
- Cũng gọi là cá lưỡi mèo hoặc cá vẹt, một loài cá biển có thân hình dẹt, khá mềm, rất nhiều thịt. Thịt của cá mó có hương vị đậm đà, dễ chế biến thành các món kho, chiên hay canh.
-
- Nhưng
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhưng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá nhung
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá nhung, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá cúng
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá cúng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá hồng
- Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Cá mè
- Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Cá rô
- Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...
Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.
-
- Cá trê
- Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.
-
- Bể
- Biển (từ cũ).
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Bức bàn
- Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.
-
- Ngựa bạch
- Ngựa trắng.
-
- Nờ
- Này (phương ngữ miền Trung)
-
- Tộ
- Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)
-
- Chung
- Chén nhỏ dùng khi uống rượu hoặc trà. Cũng nói chung thỉ (người Nam Bộ phát âm chữ thủy thành thỉ).
-
- Rượu lưu ly
- Rượu tiễn. Rượu người con gái rót mời cha mẹ uống trong lễ đón dâu, trước khi về nhà chồng thường được gọi là rượu lưu ly.
-
- Má hồng
- Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.
Phận hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
(Truyện Kiều)
-
- Thuốc bắc
- Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.
-
- Đông phòng
- Căn phòng ở hướng đông.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Kết nguyền
- Nguyện kết nghĩa (vợ chồng) với nhau.
-
- Bà Nà - Núi Chúa
- Một dãy núi nằm ở phía tây thành phố Đà Nẵng hiện nay. Đây là dãy núi cổ, tuổi trên 400 triệu năm, nhờ những khối đá hoa cương và thạch anh bền vững nên chóp núi còn khá cao (1.487m so với mặt nước biển). Hiện nay Bà Nà - Núi Chúa là điểm đến du lịch nổi tiếng của cả miền Trung.
-
- Trà Khúc
- Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.
-
- Giao lân
- Đi lại (giao) với hàng xóm láng giềng (lân).
-
- Truyện phong tình
- Truyện kể về tình cảm nam nữ, trước đây thường bị các nhà nho chỉ trích, phê phán.
-
- Thúy Kiều
- Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
-
- Kim Trọng
- Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
-
- Tây Sương Ký
- Tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), một vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307) ở Trung Quốc, có nội dung miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của một tiểu thư đài các là Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy. Tây Sương Ký có ảnh hưởng rất lớn đối với những sáng tác tiểu thuyết và kịch bản về đề tài tình yêu ở các đời sau, tuy nhiên trước đây các nhà nho thường xem nó là "dâm thư."
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Nhị Độ Mai
- Tên một truyện thơ Nôm của một tác giả khuyết danh, gồm 2.826 câu thơ lục bát, biên soạn theo cuốn tiểu thuyết Trung Quốc Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai ra đời khoảng triều Minh - Thanh. Truyện có nội dung kể về những biến cố xảy ra trong hai gia đình họ Mai và họ Trần do bị gian thần hãm hại. Về cuối truyện, gian thần bị trừng trị, hai họ hiển vinh, con trai nhà họ Mai là Lương Ngọc cưới con gái nhà họ Trần là Hạnh Nguyên.
Sau Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai là một tác phẩm được quần chúng yêu thích và phổ biến rộng rãi.
Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
Sao em lại đứng với người đi xem?
Mấy lần tôi muốn gọi em
Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ
(Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)
-
- Hạ Nghinh Xuân
- Tên một nhân vật phản diện trong truyện dã sử Chung Vô Diệm, do hồ ly tinh biến hóa mà thành.
-
- Yên
- Tên một quốc gia chư hầu ở phía bắc của nhà Chu, tồn tại từ thời kỳ đầu của Tây Chu qua Xuân Thu tới Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ Chiến Quốc Yên là 1 trong số 7 bảy quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng tới chiến cuộc nhất, được sử sách liệt vào "thất hùng." Năm 222 TCN Yên bị nước Tần tiêu diệt. Một số danh sĩ nước Yên có thể kể đến: Tô Tần, Trương Nghi, Nhạc Nghị, Kinh Kha...
-
- Trần ai
- Chốn bụi bặm, chỉ đời sống thế tục.
-
- Anh tài
- Người có tài năng hơn người (từ Hán Việt).
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Huế
- Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
-
- Áo địa
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Áo địa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Nón dấu
- Cũng gọi là nón sơn hoặc nón dầu sơn, loại nón của lính thời Lê - Nguyễn, gần giống như nón lá nhưng nhỏ hơn, thường đan bằng mây, có chóp bằng đồng.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Đông sàng
- Cái giường ở phía Đông. Thời nhà Tấn ở Trung Quốc, quan thái úy Khích Giám muốn lấy chồng cho con gái mình, liền sai người qua nhà Vương Đạo có nhiều con cháu để kén rể. Các cậu con trai nghe tin, ra sức ganh đua nhau, chỉ có một người cứ bình thản nằm ngửa mà ăn bánh trên chiếc giường ở phía đông. Người ta trở về nói lại, ông khen "Ấy chính là rể tốt" và gả con cho. Người con trai ấy chính là danh nhân Vương Hi Chi, nhà thư pháp nổi danh bậc nhất Trung Quốc, được mệnh danh là Thư thánh. Chữ đông sàng vì vậy chỉ việc kén rể giỏi giang.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).