Tìm kiếm "Đi lấy chồng"

Chú thích

  1. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  2. Tiểu thử
    Tiểu thử (tiếng Hán: 小暑) là một trong 24 tiết khí của của lịch cổ đại sử dụng tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Nó thường bắt đầu vào khoảng ngày 7 hay 8 tháng 7 dương lịch và kết thúc vào khoảng ngày 22 hay 23 tháng 7 dương lịch. Tiết khí đứng ngay trước tiểu thử là hạ chí và tiết khí kế tiếp sau là đại thử. Tiểu thử nghĩa đen là nóng nhẹ.
  3. Hàn lộ
    Một trong 24 tiết khí của của lịch cổ đại, thường bắt đầu vào khoảng ngày 8 hay 9 tháng 10 dương lịch và kết thúc vào khoảng ngày 23 hay 24 tháng 10 dương lịch, trước sương giáng và sau thu phân. Hàn lộ nghĩa là mát mẻ.
  4. Lập đông
    Nghĩa đen là "bắt đầu mùa đông," một trong 24 tiết khí của của các lịch cổ đại tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Nó thường bắt đầu vào khoảng ngày 7 hay 8 tháng 11 dương lịch và kết thúc vào khoàng ngày 22 hay 23 tháng 11 dương lịch. Tiết khí đứng ngay trước Lập đông là Sương giáng và tiết khí kế tiếp sau là Tiểu tuyết.
  5. Mực thước
    Nghĩa đen là dây mực và thước mà thợ mộc thường dùng để in đường thẳng. Nghĩa bóng là khuôn phép, chuẩn mực.
  6. Ngọc Hà
    Một trong mười ba làng nghề (thập tam trại) của Thăng Long-Hà Nội, tương truyền là được lập nên từ thời vua Lý Nhân Tông. Làng Ngọc Hà nổi tiếng từ xưa với nghề trồng hoa, nên cũng gọi là trại Hàng Hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Đầu thế kỷ 20, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc ...) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng. Hiện nay nghề này đã mai một.

    Làng hoa Ngọc Hà

    Làng hoa Ngọc Hà

  7. Phú Gia
    Tên nôm là làng Gạ, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Gạ có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê...
  8. Bánh trôi nước
    Một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn, nhân đường phèn, trên rắc vừng hoặc sợi dừa nạo. Bánh trôi cùng với bánh chay thường được ăn trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.

    Ở miền Nam có một món ăn tương tự là chè trôi nước (cũng gọi là chè xôi nước), nhưng nhiều nước đường hơn, có khi cho thêm nước cốt dừa.

    Bánh trôi nước

    Bánh trôi nước

  9. Phú Xá
    Tên nôm là làng Sù, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Sù xưa nổi tiếng nghề làm bún và trồng đào. Mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng được táng ở đây.
  10. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  11. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  12. Bến Nghé
    Địa danh ban đầu là tên đoạn sông Sài Gòn, đoạn chảy qua thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, sau đó được dùng để chỉ vùng trung tâm Sài Gòn. Hiện nay Bến Nghé là tên một phường thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Để giải thích cái tên Bến Nghé, hiện có hai thuyết:

    1. Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương Đình dư địa chí (1900) thì: tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.
    2. Theo học giả Trương Vĩnh Ký: Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu. (Le Cisbassac, tr. 192). Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà "người ta thường cho trâu, bò ra tắm."

    Trước đây, nhắc đến vùng Đồng Nai - Bến Nghé nghĩa là nhắc đến cả vùng đất Nam Bộ.

    Bến Nghé của tiền tan bọt nước
    Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây

    (Chạy Tây - Nguyễn Đình Chiểu)

    Một đoạn sông Sài Gòn (Bến Nghé) ngày nay

    Một đoạn sông Sài Gòn (Bến Nghé) ngày nay

  13. La Sơn
    Tên một xã thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam hiện nay. Xã La Sơn là một vùng đồng chiêm trũng.
  14. Rau dừa
    Cũng gọi là cây hoa giếng, một loại cây thân thảo mọc bò, nổi trên mặt nước nhờ có phao xốp màu trắng, kết thành bè như rau muống, thường gặp ở các ao hồ. Trước đây những năm mất mùa, nhân dân ta thường vớt rau dừa về ăn độn.

    Cây rau dừa nước

    Cây rau dừa nước

  15. Rầy
    La mắng (phương ngữ).
  16. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Chuôm
    Chỗ trũng có đọng nước ở ngoài đồng.

    Chuôm trên cánh đồng ở Quảng Phúc

    Chuôm trên cánh đồng ở Quảng Phúc

  18. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  19. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Có bản chép: Chẳng có nơi cá nằm.
  21. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  22. Có bản chép: đường cong.
  23. Đường cái quan
    Cũng gọi là đường thiên lí, quan báo, quan lộ, tuyến đường bộ quan trọng bậc nhất nước ta, bắt đầu từ địa đầu biên giới phía bắc ở Lạng Sơn cho tới cực nam Tổ quốc ở Cà Mau. Đường cái quan được cho là xây dựng từ thời nhà Lý, theo dòng Nam tiến của dân tộc mà kéo dài dần xuống phương nam. Đường được tu bổ và hoàn thiện dưới triều Nguyễn rồi mở rộng thêm trong thời Pháp thuộc.

    Nghe bản trường ca Con đường cái quan của nhạc sĩ Phạm Duy.

    Đoạn đường cái quan ở Quảng Nam hồi đầu thế kỉ XX (Pháp gọi là route mandarine)

    Đoạn đường cái quan đi qua Quảng Nam đầu thế kỉ XX (Pháp gọi là route mandarine).

  24. Nường
    Nàng (từ cũ).
  25. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  26. Người đàn bà nuôi con người khác bằng sữa của mình. Nghề này cũng gọi là đi ở vú. Dưới thời Pháp thuộc, nhiều người phụ nữ nghèo khổ phải đi ở vú cho nhà giàu, nhà quyền quý.
  27. Đú
    Đùa cợt không đứng đắn, thường giữa nam và nữ.
  28. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  29. Lương Khê
    Một địa danh nay thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An, phía đông nam thành phố Hải Phòng, ba mặt giáp biển và sông. Tại đây có bến Lương Khê, ngày trước tấp nập thuyền bè.
  30. Nói
    Hỏi cưới (phương ngữ).
  31. Dành dành
    Còn tên gọi khác là chi tử, huỳnh can, là một loại cây mọc hoang ở rừng, được các nhà nghiên cứu thảo dược phát hiện đưa về trồng trong vườn thuốc. Cây dành dành là một vị thuốc quý chuyên trị các bệnh về gan, mật, đặc biệt là các chứng đau mắt.

    Lá và hoa dành dành

    Lá và hoa dành dành

  32. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  33. Lộc vừng
    Còn gọi là chiếc hay lộc mưng, loài cây thân gỗ, phân bổ khắp nước ta, thường mọc hoang ở rừng ngập nước, ven hồ, suối, rạch, gần đây được trồng làm cảnh. Lá non thường được dân ta dùng làm rau ăn kèm. Rễ, lá, quả lộc vừng còn dùng làm vị thuốc Đông y.

    Cây lộc vừng bên Hồ Gươm

    Cây lộc vừng bên Hồ Gươm

  34. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).