Tìm kiếm "ngủ nướng"

Chú thích

  1. Rắn mái gầm
    Loại rắn độc có kích thước khá lớn, dài trên một mét khi trưởng thành. Đầu to, trên đầu có dấu hiệu giống như một mũi tên màu vàng, mắt nhỏ màu đen. Thân rắn có khoanh đen và vàng xen kẽ, giữa lưng có gờ nổi dọc theo xương sống. Đây là một trong những loài rắn cực độc, nọc độc có thể giết chết nạn nhân trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Rắn mái gầm chậm chạp, ít khi chủ động tấn công con người, thức ăn của chúng là rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Loài rắn này có nhiều tên khác như mai gầm, cạp nong, hổ lửa...

    Rắn mái gầm

    Rắn mái gầm

  2. Hổ mang
    Một loại rắn rất độc, thân mình có thể dài tới 2m, không có vảy má, thường bạnh cổ ra khi bị kích thích, khi đó ở phía trên cổ trông rõ một vòng tròn màu trắng (gọi là gọng kính). Lưng có màu nâu thẫm, vàng lục hay đen, hoặc đồng màu hoặc có những dải hoa văn như những vạch ngang đơn hoặc kép sáng màu hơn.

    Rắn hổ mang

    Rắn hổ mang

  3. Câu thành ngữ này nói về độ nguy hiểm của hai loài rắn: bị mái gầm cắn thì chết tại chỗ, bị hổ mang cắn thì có thể gắng gượng về đến nhà mới chết.
  4. Cải ngồng
    Một loại cải ăn rất ngọt, được chế biến thành nhiều món ngon.

    Cải ngồng luộc, chẹp chẹp

    Cải ngồng luộc

  5. Ngõng
    Mấu hình trụ để tra cán cối xay, làm điểm tựa, nếu không thì cối xay không quay được.

    Cối xay thóc

    Cối xay thóc

  6. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  7. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  8. Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới bể
    Con dâu ít khi quan tâm đến mẹ chồng. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công: “[nàng dâu] tay thì rẽ tóc nhưng mắt lại ngóng nhìn tận đẩu tận đâu; nhìn thấy cả những thứ chẳng liên quan gì đến công việc của mình.”
  9. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  10. Ba ba
    Động vật họ rùa mai mềm, thường có kích cỡ nhỏ hơn rùa, sống ở các vùng nước ngọt (hồ, ao, sông ngòi, đầm, v.v.). Ở nước ta có 5 loài rùa mai mềm: ba ba Nam Bộ, ba ba gai, giải, ba ba trơn, và giải sin hoe. Ba ba có bốn chân, không có đuôi, đầu có vẩy nhỏ, miệng nhiều răng.

    Con ba ba

    Con ba ba

    Hướng dẫn định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, 2010)

  11. Đa đa
    Còn gọi là gà gô, một loài chim rừng, thường sống trên cây hoặc trong các bụi rậm trên núi cao, ăn sâu bọ, đuôi ngắn. Đa đa thường bị săn bắt để lấy thịt.

    Chim đa đa

    Chim đa đa

  12. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  13. Súng hai nòng
    Loại súng trường có hai ống, một ống hơi và buồng súng ghép song song nhau. Người ta cũng gọi súng này là súng hai lòng, nên cụ Nguyễn Đình Chiểu gọi là súng song tâm.

    Các bậc sĩ nông công cổ, liều mang tai với súng song tâm
    Mấy nơi tổng lý xã thôn, đều mang hại cùng cờ tam sắc
    (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh)

  14. Ba ngầu
    Hay ba ngù, hung dữ, lầm lì (phương ngữ Nam Bộ).
  15. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  16. Hát chầu văn
    Còn gọi là hát văn hay hát bóng, một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát chầu văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan, và chỉ phát triển trở lại từ những năm 1990. Hiện nay, hát chầu văn được xem như một di sản văn hóa phi vật thể.

    Hát chầu văn

    Hát chầu văn

    Nghe Những bài hát chầu văn hay nhất của nghệ sĩ Xuân Hinh.

  17. Khăn chầu áo ngự
    Cách gọi chung của những trang phục hầu đồng, tế lễ, được các ông đồng bà cốt mặc trong những buổi hát chầu văn, để các chư thánh giá ngự. Những trang phục này có nhiều họa tiết rồng phượng, được chia thành các thứ bậc: màu đỏ cờ là ngôi đệ nhất, màu xanh lá cây tươi là ngôi thứ hai, màu trắng là ngôi thứ ba...

    Khăn chầu áo ngự

    Khăn chầu áo ngự

  18. Cung văn
    Người làm nghề hát chầu văn trong buổi lên đồng.

    Cung văn

    Cung văn

  19. Gió đông
    Từ từ Hán Việt đông phong, nghĩa là gió mùa xuân, từ hướng đông thổi đến.

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

    (Đề đô thành Nam trang - Thôi Hộ)

    Trần Trọng San dịch:
    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  20. Nhông
    Chồng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  21. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  22. Mặt trước núi Ngự trông rất cân, nhưng ở phía sau thì hình dáng lệch, không đều.
  23. Sông An Cựu
    Con sông nhỏ, dài khoảng 30 km, là chi lưu của sông Hương chảy qua phía Nam thành phố Huế. Đây là một con sông đào, được đào vào năm Gia Long thứ 13 (khoảng 1815) để góp phần thau chua rửa mặn cho cánh đồng Hương Thủy, vì vậy mới có tên khác là Lợi Nông. Ngoài ra, sông An Cựu còn có các tên khác là Phủ Cam hay Thanh Thủy.

    Sông An Cựu

    Sông An Cựu

  24. Hiện tượng sông An Cựu nắng đục, mưa trong được lý giải chủ yếu như sau: do sông nông nên vào mùa hè, nước thấp, phù sa ở đáy sông vẩn lên làm sông có màu đục. Đến mùa mưa, nước dâng cao, dòng chảy mạnh, nước sông mới trong xanh. Hiện tượng bất thường này còn được lý giải bằng truyền thuyết: khi vua Gia Long thuận theo ý nguyện nhân dân cho đào sông An Cựu, đã đào trúng hang một con thuồng luồng khổng lồ vốn ẩn mình nhiều năm dưới sông Hương. Mùa hè trời nóng nực, thuồng luồng trở mình dữ tợn làm khuấy đục phù sa sông. Đến mùa mưa, trời dịu mát, thuồng luồng nằm yên, nước sông không bị khuấy động, trở nên trong vắt.
  25. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  26. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  27. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.
  28. Đi nhắc
    Đi nhúc nhắc, cà nhắc, đi chân thấp chân cao, không đều chân.
  29. Đã trót ăn của người ta, chịu ơn người ta rồi thì dù thấy lầm lỗi của người ta cũng khó nói ra (ngọng miệng).