Tìm kiếm "hai chín"

  • Sáu cô đi chợ một xuồng

    Sáu cô đi chợ một xuồng
    Tôi chèo theo chính giữa sợ mích lòng sáu cô
    Phải chi tôi có lúa bồ
    Tôi xin cưới hết sáu cô một lần
    Cô hai mua tảo bán tần
    Cô ba sắc thuốc dưỡng thân mẹ già
    Cô tư nấu nước pha trà
    Cô năm coi cửa coi nhà ngoài trong
    Cô sáu trải chiếu, giăng mùng
    Cô bảy san sẻ tình chung với mình
    Phải chi cả sáu cô thuận tình
    Trai năm thê bảy thiếp, vợ mình đông vui

    Dị bản

    • Lang thang một dãy sáu cô
      Cưới cô chính giữa mích lòng năm cô
      Phải chi tôi có lúa bồ
      Tôi ra tôi cưới sáu cô một lần
      Cô hai mua tảo bán tần
      Cô ba xách nước dưỡng nuôi mẹ già
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm phân nước pha trà uống chung
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Cô bảy là nghĩa tình chung với mình
      Cô bảy phân hết sự tình
      Trai năm thê bảy thiếp vợ của mình rất đông

    • Ai bì anh có tiền bồ
      Anh đi anh lấy sáu cô một lần
      Cô hai buôn tảo bán tần
      Cô ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm sắc thuốc, mẹ già cô trông
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Một mình cô bảy nằm chung với chồng.

  • Úp lá khoai

    Úp lá khoai
    Mười hai chong chóng
    Đứa mặc áo trắng
    Đứa mặc áo đen
    Đứa xách lồng đèn
    Đứa cầm ống thụt
    Chạy ra chạy vô
    Đứa xách ống điếu
    Đứa té xuống sình
    Thúi ình chình ngủ.

    Dị bản

    • Úp lá khoai
      Mười hai bông sứ
      Đứa lượm khoai từ
      Đứa đứng ngã tư
      Đứa ngồi ứ hự.

    Video

  • Nhà anh phúc thọ đời đời

    Nhà anh phúc thọ đời đời
    Cha mẹ sinh hạ chín mười con trai
    Cũng đều có đức có tài
    Ai ai cũng xứng một đời tài hoa
    Anh Cả thì đỗ thám hoa
    Anh Hai tiến sĩ anh ba tú tài
    Anh Tư là quan tỉnh Đoài
    Anh Năm dẹp giặc tỉnh ngoài tỉnh trong
    Anh Sáu tổng đốc xứ Đông
    Anh Bảy án sát ở trong Ninh Bình
    Anh Tám tuần phủ Bắc Ninh
    Anh Chín tri phủ Quảng Bình gần xa
    Anh là em Út trong nhà
    Anh đi kén vợ đường xa nước người
    Thấy em đẹp nói đẹp cười
    Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng
    Vậy nên anh gửi thơ sang
    Bởi lòng anh quyết lấy nàng mà thôi

  • Vè uống rượu

    Một chén giải cơn sầu
    Hai chén còn nhơn đạo
    Ba chén còn gượng gạo
    Bốn chén nổi sân si
    Năm chén sập thần vì
    Sáu chén ngồi ghì xuống đó
    Bảy chén thì đuổi chẳng đi
    Tám chén lóc trộn lộn ra
    Chín chén lóc trộn lộn vô
    Mười chén ai xô tôi ngã
    Mười một chén chửi cha ai xô

    Dị bản

    • Uống một ly nhâm nhi tình bạn
      Uống hai ly giải cạn cơn sầu
      Uống ba ly mũi chảy đầy râu
      Uống bốn ly ngồi đâu nói đó
      Uống năm ly cho chó ăn chè
      Uống sáu ly ai nói nấy nghe
      Uống bảy ly làm xe lội nước
      Uống tám ly chân bước chân quỳ
      Uống chín ly còn gì mà kể
      Uống mười ly khiêng để xuống xuồng

    • Một xị giải phá cơn sầu
      Hai xị mũi chảy đầy râu
      Ba xị nằm đâu ngủ đó
      Bốn xị cho chó ăn chè
      Năm xị làm xe lội nước
      Sáu xị vợ rước về nhà
      Bảy xị ông bà chửi nát
      Tám xị ra đống rác nằm
      Chín xị lên băng ca
      Mười xị ra nghĩa địa

    • Nhất xị mở mang trí hoá,
      Nhị xị giải phá thành sầu,
      Tam xị mũi chảy đầy râu,
      Tứ xị ngồi đâu “đứa” đó,
      Ngũ xị cho chó ăn chè,
      Lục xị vợ đè cạo gió,
      Thất xị mua hòm để đó,
      Bát xị … cho nó chết luôn!

  • Bất kỳ sớm tối chiều trưa

    Bất kỳ sớm tối chiều trưa
    Mưa khắp Hà Nội mưa ra Hải Phòng
    Hạt mưa vừa mát vừa trong
    Mưa xuống sông Hồng, mưa khắp mọi nơi
    Hạt mưa chính ở trên trời
    Mưa xuống Hà Nội là nơi cõi trần
    Giêng hai lác đác mưa xuân
    Hây hẩy mưa bụi, dần dần mưa sa
    Hạt mưa vào giếng Ngọc Hà
    Hạt thì vào nhị bông hoa mới trồi
    Tháng năm, tháng sáu mưa mòi
    Bước sang tháng bẩy sụt sùi mưa Ngâu

  • Một lo đứng cửa trông ra

    Một lo đứng cửa trông ra
    Hai lo đi lấy chồng xa nước người
    Ba lo sợ chị em cười
    Bốn lo đi ngược về xuôi sao đành
    Năm lo lúc tử lúc sinh
    Sáu lo con cái một mình đường xa
    Bảy lo còn chút mẹ già ai nuôi
    Chín lo em thiệt cả mười
    Để em kiếm lối tìm nơi đi về

  • Một yêu anh có Seiko

    Một yêu anh có Seiko
    Hai yêu anh có Peugeot cá vàng
    Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
    Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô
    Năm yêu không có bà bô
    Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về
    Bảy yêu anh vững tay nghề
    Tám yêu sớm tối đi về có nhau
    Chín yêu gạo trắng phau phau
    Mười yêu nhiều thịt ít rau hàng ngày

    Dị bản

    • Một yêu anh có may ô
      Hai yêu anh có cá khô để dành
      Ba yêu rửa mặt bằng khăn
      Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa

  • Tháng giêng thì lúa xanh già

    Tháng giêng thì lúa xanh già
    Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
    Tháng tư cuốc đất trồng lang
    Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ
    Tháng sáu làm cỏ dọn bờ
    Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm
    Gặt về đạp lúa phơi rơm
    Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
    Lúa khô giê sạch cất ngay
    Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng
    Mùa đông mưa bão nhiều lần
    Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò
    Tháng mười cày cấy mưa to
    Trông trời, trông đất cầu cho được mùa

  • Một thương tóc bỏ đuôi gà

    Một thương tóc bỏ đuôi gà
    Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
    Ba thương má lúm đồng tiền
    Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
    Năm thương cổ yếm đeo bùa
    Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
    Bảy thương nết ở khôn ngoan
    Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh
    Chín thương em ở một mình
    Mười thương con mắt có tình với ai.

  • Một yêu mặt trắng má tròn

    Một yêu mặt trắng má tròn
    Hai yêu môi mọng thoa son điểm hồng
    Ba yêu mắt sáng mày cong
    Bốn yêu mái tóc nực nồng nước hoa
    Năm yêu mảnh áo ngắn tà
    Sáu yêu quần trắng là đà gót sen
    Bảy yêu vóc liễu dịu mềm
    Tám yêu giọng nói vừa hiền vừa vui
    Chín yêu học thức hơn người
    Mười yêu, yêu cả đức tài hình dong!

  • Một mừng ăn một miếng trầu

    Một mừng ăn một miếng trầu
    Hai mừng ta gặp nhau đây tự tình
    Ba mừng tài sắc đều xinh
    Bốn mừng bác mẹ sinh thành được đôi
    Năm mừng nguyện ước một lời
    Sáu mừng duyên phận bởi trời xui nên
    Bảy mừng gặp được bạn hiền
    Tám mừng giải tấm lòng nguyền thủy chung
    Chín mừng tài tử anh hùng
    Mười mừng ta ở cùng chung một nhà
    Mừng chàng mừng thực mừng thà
    Em nay tri kỉ không là mừng chơi
    Chàng ơi ghi hết mọi nơi
    Xin chàng mừng lại cho tôi bằng lòng

  • Một thương hơ hớ tuổi xuân

    Một thương hơ hớ tuổi xuân
    Hai thương yểu điệu tay chưn dịu dàng
    Ba thương đẹp đẽ dung nhan
    Bốn thương phong thái đoan trang khác vời
    Năm thương dáng đứng vẻ ngồi
    Sáu thương đôi mắt sáng ngời long lanh
    Bảy thương chiếc mũi thanh thanh
    Tám thương miệng nói hữu tình có duyên
    Chín thương má núng đồng tiền
    Mười thương tư cách dịu hiền nết na

  • Mười lo

    Một lo con nít trắng răng
    Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
    Ba lo thầy bói té nhào
    Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
    Năm lo thợ đúc méo khuôn
    Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
    Bảy lo bà chúa chửa hoang
    Tám lo trai làng không vợ chạy rông
    Chín lo trong ngục không gông
    Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma

    Dị bản

    • Một lo em bé trắng răng,
      Hai lo người thấp không bằng người cao.
      Ba lo thầy bói té rào,
      Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn
      Năm lo thợ đúc có khuôn,
      Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.
      Bảy lo bà góa chửa hoang,
      Tám lo dân làng hết gạo đi xâu
      Chín lo biển rộng hơn cầu,
      Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.

  • Thứ nhất vợ dại trong nhà

    Thứ nhất vợ dại trong nhà
    Thứ hai trâu chậm, thứ ba rựa cùn
    Thứ tư sớm vợ muộn con
    Thứ năm nhà dột, sáu buồn hết ăn
    Bảy buồn vợ chửi cằn nhằn
    Tám buồn nhà cửa một căn hẹp hòi
    Chín buồn nhà nợ đến đòi
    Mười buồn khách đến ngồi dai không về

    Dị bản

    • Thứ nhất vợ dại trong nhà
      Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi

  • Tháng giêng là nắng hơi hơi

    Tháng giêng là nắng hơi hơi
    Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra
    Thứ nhất là nắng tháng ba
    Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
    Tháng năm nắng đẹp nắng giòn
    Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
    Tháng bảy là nắng vừa vừa
    Tháng tám là nắng tờ ơ thế này
    Tháng chín nắng gắt nắng gay
    Tháng mười có nắng, nhưng ngày nắng không
    Tháng một là nắng mùa đông
    Tháng chạp có nắng nhưng không có gì

    Dị bản

    • Tháng giêng thì nắng hơi hơi
      Tháng hai thì nắng tuyết giời nắng ra
      Tháng ba được trận nắng già
      Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
      Tháng năm nắng đẹp nắng ròn
      Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
      Tháng bảy vừa nắng vừa mưa
      Tháng tám còn nắng nhưng chưa ngắn ngày
      Tháng chín nắng ớt, nắng cay
      Tháng mười có nắng nhưng ngày ngắn hơn

  • Sớm mai anh đi chợ Gò Vấp

    Sớm mai anh đi chợ Gò Vấp
    Mua một xấp vải đem về
    Cho con hai nó cắt
    Con ba nó may
    Con tư nó đột
    Con năm nó viền
    Con sáu đơm nút
    Con bảy vắt khuy
    Anh mới bước cẳng ra đi
    Con tám nó níu
    Con chín nó trì
    Bớ em mười ơi!
    Sao em để vậy
    Còn gì áo anh.

Chú thích

  1. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  2. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  3. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  4. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  5. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  6. Ống thụt
    Súng đồ chơi của trẻ em, làm bằng ống tre, dùng trái cò ke hoặc trái bồ đề làm đạn (Xem thêm).

    Ống thụt

    Ống thụt

  7. Ống điếu
    Vật dụng hình ống nói chung dùng để nhét thuốc lá hoặc thuốc phiện vào để đốt rồi hút.

    Ống điếu

    Ống điếu

  8. Bài đồng dao này được kết hợp với trò chơi: Trẻ đặt bàn tay úp xuống mặt bằng và được một người đếm, vừa đếm chỉ vào các bàn tay cho đến chữ cuối cùng của bài đồng dao. Tay ai bị trúng vào chữ cuối sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Sau đó lại hát và đếm tương tự loại dần, trẻ nào cuối cùng bị loại là người thắng cuộc.
  9. Sứ
    Còn gọi là hoa đại, hoa Champa, rất phổ biến tại khu vực Đông Nam Á. Trong các câu chuyện dân gian, cây đại được cho là nơi trú ẩn của ma, quỷ.

    Hoa sứ trắng

    Hoa sứ trắng

  10. Thám hoa
    Học vị của người đỗ thứ ba trong khoa thi Đình thời phong kiến (sau Trạng nguyên và Bảng nhãn).
  11. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  12. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  13. Tổng đốc
    Chức quan đứng đầu bộ máy cai trị một tỉnh lớn hoặc vài tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, mang hàm tòng nhất phẩm hoặc chánh nhị phẩm.

    Vợ chồng Tổng đốc tỉnh Hà Đông ngày trước

    Vợ chồng Tổng đốc tỉnh Hà Đông ngày trước

  14. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  15. Án sát
    Chức quan đứng đầu ty Án sát, trông coi việc hình (luật lệ, xét xử) trong một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, thuộc hàng tam phẩm.
  16. Ninh Bình
    Một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vùng đất này từng là kinh đô nước ta vào thế kỉ 10, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.

    Cố đô Hoa Lư

    Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

  17. Tuần phủ
    Chức quan đứng đầu một tỉnh nhỏ dưới thời nhà Nguyễn.
  18. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  19. Tri phủ
    Chức quan đứng đầu một phủ hoặc châu (tương đương với một huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn), có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt đó.
  20. Quảng Bình
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.

    Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...

    Vường quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

    Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

  21. Răng vàng
    Trong quá trình nhuộm răng đen, bước đầu răng có màu cánh gián (hơi ánh màu vàng đất), nếu nhuộm tiếp thì mới có màu đen. Một số người không muốn nhuộm nữa, để màu vàng, nên gọi là răng vàng.
  22. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  23. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Sân si
    Sân: nóng giận, thù hận; Si: si mê, ngu tối. Theo quan niệm Phật giáo, tham, sân, si là tam độc, những nguyên nhân gây nên nỗi khổ của con người.
  25. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  26. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  27. Xị
    Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.
  28. Băng ca
    Cáng y tế dành khiêng người bị thương hoặc đau ốm, lấy từ từ brancard trong tiếng Pháp.
  29. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  30. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  31. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  32. Mưa bụi
    Mưa hạt nhỏ li ti như hạt bụi.
  33. Ngọc Hà
    Một trong mười ba làng nghề (thập tam trại) của Thăng Long-Hà Nội, tương truyền là được lập nên từ thời vua Lý Nhân Tông. Làng Ngọc Hà nổi tiếng từ xưa với nghề trồng hoa, nên cũng gọi là trại Hàng Hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Đầu thế kỷ 20, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc ...) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng. Hiện nay nghề này đã mai một.

    Làng hoa Ngọc Hà

    Làng hoa Ngọc Hà

  34. Mưa mòi
    Mưa hạt nhỏ, có vào tháng 6, tháng 7, vào buổi sáng, thường báo hiệu một ngày nắng. Mưa mòi chủ yếu xảy ra ở đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Ca dao có câu "Sáng mưa mòi, trưa nắng lòi mắt ra", dân đánh cá dựa vào kinh nghiệm này để đoán thời tiết đi đánh cá mòi (giống cá biển hằng năm vào đẻ ở vùng nước ngọt), do đó có tên gọi "mưa mòi".
  35. Mưa ngâu
    Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
  36. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  37. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  38. Nghệ An
    Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.

    Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...

    Biển Cửa Lò

    Biển Cửa Lò

  39. Nhân sâm
    Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.

    Nhân sâm

    Nhân sâm

  40. Thân phụ
    Cha (từ Hán Việt).
  41. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  42. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  43. Tiền
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta, bằng 60 đồng tiền kẽm.
  44. Seiko
    Ta đọc là Xen-cô, một nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng của Nhật.

    Một chiếc đồng hồ Seiko trước kia

    Một chiếc đồng hồ Seiko trước kia

  45. Peugeot
    Đọc là pơ-giô, cũng gọi là , một nhãn hiệu xe đạp của Pháp. Loại xe này có mặt phổ biến ở miền Bắc nước ta vào thời bao cấp, được ưa chuộng nhất là màu đồng hun (gọi là pơ-giô cá vàng).

    Một chiếc xe đạp Peugeot

    Một chiếc xe đạp Peugeot

  46. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  47. Ông bô, bà bô
    Tiếng lóng của miền Bắc, chỉ bố mẹ.
  48. May ô
    Áo thun ba lỗ (một lỗ chui đầu và hai lỗ ống tay). Từ này có gốc từ tiếng Pháp maillot.
  49. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  50. , hay giê, hoạt động làm cho lúa sạch bằng cách đổ từ trên cao xuống cho gió cuốn đi những bụi rác (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  51. Huyền
    Một loại đá màu đen nhánh, dùng làm đồ trang sức. Cũng chỉ màu đen nhánh như hạt huyền.

    Chuỗi hạt huyền

    Chuỗi hạt huyền

  52. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  53. Áo yếm đeo bùa
    Một kiểu áo của phụ nữ ngày xưa. Người mặc yếm đeo thêm một cái bùa nhỏ, vừa để làm đẹp vừa có ý nghĩa tâm linh.
  54. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  55. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  56. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  57. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  58. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  59. Núng
    Lúm (phương ngữ).
  60. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  61. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  62. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  63. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  64. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  65. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  66. Chợ Gò Vấp
    Chợ thuộc địa bàn quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Chưa rõ năm thành lập chợ.

    Chợ Gò Vấp hồi đầu thế kỉ 20 (nay kiến trúc cũ này không còn nữa).

    Chợ Gò Vấp hồi đầu thế kỉ 20 (nay kiến trúc cũ này không còn nữa).

  67. Đột
    Cách khâu găm đứng mũi kim để may từng mũi thật khít cho chắc chắn.
  68. Cẳng
    Chân (khẩu ngữ).
  69. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).