Tìm kiếm "răng gà"

  • Giời làm sóng lở cát bay

    Giời làm sóng lở cát bay
    Cho tớ bỏ thày cho mẹ bỏ con
    Cửa nhà trôi mất chẳng còn
    Vợ chồng cõng bế đàn con lên chùa
    Năm nay nạn nước ơn vua
    Quan trên phát chẩn ở chùa Tây Phương
    Giời làm một trận lỡ đường
    Cho nên mới biết Tây Phương thế này
    Giời làm sóng lở cát bay
    Quan trên phát chẩn mỗi ngày hai ca
    Đàn ông cho chí đàn bà
    Rạng ngày hăm tám đi ra mà về
    Quan tuần, quan án ngồi nghĩ cũng ghê
    Thuê ngay hai chiếc thuyền về đình chung
    Giàu cùng, khó lại chẳng cùng
    Ai ơi còn cậy anh hùng làm chi
    Sinh ra nước lụt làm gì
    Giàu thì bán ruộng, khó thì bán con
    Nghèo thì bán cả nồi cấn lẫn lon đựng cà
    Có thì bán cửa bán nhà
    Nghèo bán đứa bé lấy ba bẩy hào

  • Cau này em mới bổ ra

    Cau này em mới bổ ra
    Trầu không mới hái thật là trầu cay
    Mời chàng xơi miếng trầu này
    Giã ơn bác cả dang tay ra mời
    Giã ơn tiếng nói tiếng cười
    Giã ơn bác cả vừa ngồi vừa têm
    Tôi xin chúng bạn đôi bên
    Đừng cười chớ nói cứ yên xơi trầu
    Miếng trầu tươi tốt xinh sao
    Quả cau nó ở nơi nào tới đây
    Miếng trầu kỳ ngộ cũng may
    Hỏi rằng thuốc ở Sơn Tây hàng nào?
    Miếng trầu kỳ ngộ cùng dao
    Hỏi rằng dao đánh thợ nào bổ cau?
    Thế nào em nói trước sau
    Thì anh mới dám cầm trầu anh ăn

  • Anh lính là anh lính ơi

    Anh lính là anh lính ơi
    Em thương anh lính nắng nôi, sương hàn
    Lính vua, lính chúa, lính làng
    Ai bắt ra lính cho chàng phải đi
    Thương chàng như lá đài bi
    Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm mưa
    Nhớ chàng ra ngẩn vào ngơ
    Biết rằng quan cắt đến cơ độ nào?

  • Dì thằng cu như cánh hoa nhài

    Dì thằng cu như cánh hoa nhài
    Ba mươi sáu cánh tiếc tài nở đêm
    Sáng trăng trong sáng cả ngoài thềm
    Lại đây ta chắp áo mền đắp chung
    Đêm đông thắp ngọn đèn lồng
    Mình về có nhớ ta không hỡi mình
    Chiếc thuyền nan anh giậm thình thình
    Anh thì cầm lái cô mình phách ba
    Có thương anh bẻ mái chèo ra
    Sợ mẹ bằng biển sợ cha bằng trời
    Anh thấy em anh cũng ưa đời
    Biết rằng chốn cũ có rời ra chăng.

  • Hỡi anh áo trắng quần là

    Hỡi anh áo trắng quần là
    Sao anh không bảo mẹ già nhuộm thâm.
    Ví dù áo ấy em cầm
    Thì em sẽ nhuộm màu thâm, màu vàng.
    Vạt áo em nhuộm màu vàng
    Vạt con em cũng nhuộm vàng cho anh.
    Bốn nách kết đôi trường linh
    Đôi tay em kết chim xinh rõ ràng.
    Ngày mai anh ra ngoài làng
    Cho lắm kẻ ngắm, cho làng xóm trông.

  • Trên trời có sao tua rua

    Trên trời có sao Tua Rua,
    Ở dưới hạ giới đang mùa chiến tranh.
    Máu rơi thịt nát tan tành,
    Máu trên đồng ruộng, mái tranh, bến đò.
    Em thương dân tộc xin hò,
    Hò rằng dân Việt phải lo giữ gìn.
    Lạy trời cho máu về tim,
    Máu đừng chảy nữa trên miền quê hương.

  • Đu tiên mới dựng năm nay

    Đu tiên mới dựng năm nay
    Cô nào hay hát kỳ này hát lên
    Tháng ba nô nức hội đền
    Nhớ ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay
    Dạo xem phong cảnh trời mây
    , Ðà, Tam Ðảo cũng quay đầu về
    Khắp nơi con cháu ba kỳ
    Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài
    Sở cầu như ý ai ơi
    Xin rằng nhớ lấy mồng mười tháng ba

  • Bao phen biển tiến biển lui

    Bao phen biển tiến biển lui,
    Chúa thiêng quan giỏi đứng ngồi nơi đâu,
    Biết bao nông nỗi buồn đau,
    Nào ai tế độ siêu cầu cho ai?
    Ở ăn chưa kịp yên vui,
    Chúa quan đâu đã đứng ngồi ngay bên,
    Muôn vàn đóng góp không tên,
    Rằng cho phần xác phần hồn thảnh thơi!

  • Rắp toan cưỡi ngựa ra về

    Rắp toan cưỡi ngựa ra về,
    Chàng đề câu đối thiếp đề câu thơ,
    Mải vui ngồi chốn đám cờ,
    Tưởng nhân duyên ấy bao giờ cho quên.
    Chàng về giữ việc bút nghiên,
    Đừng ham nhan sắc mà quên học hành.
    Một mai kiếm được khoa danh,
    Trước là rạng nghiệp sau mình vinh thân.

  • Cái sáo mặc áo em tao

    Cái sáo mặc áo em tao
    Làm tổ cây cà
    Làm nhà cây chanh
    Đọc canh bờ giếng
    Mỏi miệng tiếng kèn
    Hỡi cô trồng sen!
    Cho anh hái lá
    Hỡi cô trồng bưởi!
    Cho anh hái hoa
    Cứ một cụm cà
    Là ba cụm lý
    Con nhà ông lý
    Mặc áo tía tô

  • Năm voi anh đúc năm chuông

    Năm voi anh đúc năm chuông
    Năm cô anh đóng năm giường bình phong
    Còn một cô bé chửa chồng
    Lại đây anh kén cho bằng lòng cô
    Một là ông Cống, ông Đồ
    Hai là ông Bát, ông Đô cũng vừa
    Giả tên bà Nguyệt, ông Tơ
    Sớm đi cầu Thước, tối mơ mộng hùng
    Rồi ra, cửa lại treo cung
    Để cho cô đẻ, cô bồng cô ru
    Ru rằng: con bú, con nô
    Con lẫy, con bò, con chững, con đi
    Ngày sau con lớn kịp thì
    Con học, con viết, con thi cùng người

  • Bấy lâu ta ở với ta

    Bấy lâu ta ở với ta
    Bây giờ có Phú Lang Sa lọt vào
    Bây giờ đất thấp trời cao
    An Nam, Quảng Tống phải vào lụy Tây
    Bây giờ khố bẹ đi giày
    Bờ lau lên phố, đĩ nay lên bà
    Mấy đời khoai sắn nở hoa
    Thau rau đắc thế, trẻ già thất kinh
    Bấy lâu vua trị một mình
    Bây giờ Nhà nước đã rành chia đôi
    Văn nhân khoa mục ở rồi
    Những phường dốt nát lên ngồi làm quan
    Những anh phơ phất loàng xoàng
    Làm bồi làm bếp ra ràng cậu chiêu
    Các quan trung nghĩa trong triều
    Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân
    Những quân vô nghĩa, nịnh thần
    Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan
    Trị dân lắm sự tham tàn
    Kiếm tiền kiếm bạc mới toan bằng lòng
    Muốn cho bể lặng, sông trong
    Cách hết lũ ấy mới mong thái bình

  • Trên trời có vẩy tê tê

    Trên trời có vẩy tê tê
    Một ông bảy vợ, chẳng chê vợ nào.
    Một vợ tát nước bờ ao
    Phải trận mưa rào, đứng nép bụi tre
    Một vợ thì đi buôn bè
    Cơn sóng, cơn gió nó đè xuống sông.
    Một vợ thì đi buôn bông
    Chẳng may, cơn táp nó giông lên trời.
    Một vợ thì đi buôn vôi
    Không may phải nước vôi sôi ầm ầm.
    Một vợ thì đi buôn mâm
    Không may mâm thủng lại nằm ăn toi.
    Một vợ thì đi buôn nồi
    Không may nồi méo, một nồi hai vung.
    Một vợ thì đi buôn hồng
    Không may hồng bẹp, một đồng ba đôi.
    Than rằng: Đất hỡi trời ơi!
    Trời cho bảy vợ như tôi làm gì!

    Dị bản

    • Trên trời có vẩy tê tê
      Có ông bốn vợ chẳng chê vợ nào
      Một vợ rửa bát cầu ao
      Chẳng may gió cả dạt vào bụi tre
      Một vợ thì đi buôn bè
      Chẳng may gió cả nó đè xuống sông
      Một vợ thì đi buôn bông
      Chẳng may gió cả nó bồng lên mây
      Một vợ thì đi buôn cây
      Chẳng may gió cả cuốn bay lên trời.

  • Dài bằng ngón tay

    Dài bằng ngón tay
    Đâm ngang đâm ngửa
    Đâm cả người chửa
    Đâm cả đàn ông
    Đâm cả đàn bà
    Không tha con trẻ…

    Là cái gì?

    Tăm xỉa răng

Chú thích

  1. Phát chẩn
    Phân phát tiền, gạo,... để cứu giúp người nghèo đói, gặp khó khăn hoạn nạn.
  2. Chùa Tây Phương
    Tên chữ là Sùng Phúc Tự (崇福寺), là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, trong đó có bộ tượng 16 vị La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau.

    Các vị La Hán chùa Tây Phương
    Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
    Há chẳng phải đây là xứ Phật,
    Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

    (Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

  3. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào

  5. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  6. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  7. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  8. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  9. Kỳ ngộ
    Gặp gỡ một cách may mắn kỳ lạ (từ Hán Việt).
  10. Sơn Tây
    Một địa danh ở Bắc Bộ, nay là thị xã trực thuộc thủ đô Hà Nội. Vào thế kỉ 15, đây là trấn sở Sơn Tây, đổi thành tỉnh Sơn Tây vào năm Minh Mệnh thứ hai (1832). Sơn Tây nổi tiếng có làng Đường Lâm, quê hương của hai vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, nên gọi là đất hai vua.

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

  11. Đài bi
    Hay đại bi, còn có tên khác là từ bi xanh, đại ngải, bơ nạt, phặc phả (Tày), co nát (Thái), là loại cây nhỏ, toàn thân và quả có lông mềm và tinh dầu thơm. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Cây đại bi có vị cay và đắng, mùi thơm nóng, tính ấm, được dùng làm vị thuốc chữa một số bệnh ngoài da.

    Hoa đài bi

    Hoa đài bi

  12. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  13. Trường linh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Trường linh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  14. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  15. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  16. Đu tiên
    Một trò chơi có nguồn gốc từ miền Bắc, được tổ chức trong các dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc đu phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về.”

    Đu tiên

    Đu tiên

  17. Giỗ Tổ Hùng Vương
    Ngày giỗ hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của mười tám đời vua Hùng. Vào ngày này lễ hội Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

  18. Sông Lô
    Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

  19. Sông Đà
    Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).

    Sông Đà

    Sông Đà

  20. Tam Đảo
    Tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc nước ta nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Đầu thế kỉ XX, đây là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi nghỉ mát. Ngày nay Tam Đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc.

    Tam Đảo trong sương

    Tam Đảo trong sương

  21. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  22. Sở cầu như ý
    Được như mong muốn. Cụm từ này thường được dùng khi cầu xin với thần Phật. Cũng đọc là như ý sở cầu.
  23. Rắp toan
    Sắp sửa (từ cũ).
  24. Có bản chép: mặc áo của cô.
  25. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  26. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  27. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  28. Bình phong
    Bức vách làm bằng các tấm gỗ, mây tre đan hoặc gạch đất. Ngoài tác dụng chắn gió hoặc ngăn không gian trong nhà, bình phong còn dùng để trang trí.

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

  29. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  30. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  31. Thầy đồ
    Người dạy chữ Nho cho trẻ con ngày xưa.

    Thầy đồ, thầy đạc
    Dạy học, dạy hành
    Vài quyển sách nát
    Dăm thằng trẻ ranh

    (Tú Xương)

    Thầy đồ dạy học trò

    Thầy đồ dạy học trò

  32. Bát
    Bát phẩm. Ở một số triều đại phong kiến ngày trước, cấp bậc quan lại được chia theo phẩm trạch, cao nhất là nhất phẩm, thấp nhất là cửu phẩm.
  33. Đô
    Đô úy, một chức quan chuyên trông coi về mặt quân sự một quận dưới thời phong kiến.

    Cử nhân: cậu ấm Kỷ
    Tú tài: con đô Mỹ
    Thi thế cũng là thi
    Ới khỉ ơi là khỉ!

    (Than sự thi - Tú Xương)

  34. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  35. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  36. Mộng hùng
    Nằm mơ thấy con gấu. Từ này lấy từ một điển cố trong Kinh Thi, đại ý nói nằm mộng thấy gấu là điềm sinh con trai. Người sau hay lấy câu Mộng hiệp hùng bi làm lời chúc mừng người sinh con trai.
  37. Lẫy
    Động tác lật người từ nằm ngửa sang nằm sấp của em bé.
  38. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  39. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  40. Quảng Tống
    Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
  41. Khố bẹ
    Khố dài, sau khi quấn xong vẫn thừa hai đầu như hai cánh xòe ra. Phân biệt với khố bao là khố may bằng bao đựng trấu và chỉ quấn ngang lưng.
  42. Thau rau
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  43. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  44. Khoa mục
    Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
  45. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  46. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  47. Cậu ấm cô chiêu
    Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
  48. Cách
    Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
  49. Tê tê
    Còn gọi là con trút (tên gọi dân dã ở miền Trung và miền Nam), thân có lớp vẩy dày. "Vẩy tê tê" là đám mây có dạng như vẩy con tê tê.

    Con tê tê

    Con tê tê

    Mây vẩy tê tê

    Mây vẩy tê tê

  50. Cơn táp
    Cơn gió lốc.
  51. Đông Ngô
    Một trong ba nước tạo thế chân vạc trong thời kì Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Người đặt nền móng cho Đông Ngô là Tôn Kiên, một tướng nhà Hán từng tham gia liên minh chống Đổng Trác. Đông Ngô tồn tại từ năm 222 đến năm 280 thì mất vào tay nhà Tây Tấn.

    Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu ở nước ta chính là chống lại ách đô hộ của Đông Ngô.

  52. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  53. Trước kia người ta dùng cát nóng trên chảo để rang ngô. Khi xong một mẻ rang, ngô được trút vào rổ, phần cát được giữ lại để rang mẻ tiếp theo.

    Rang ngô

    Rang ngô

  54. Trụ Vương
    Tên thật là Tử Thụ, vị vua cuối đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc, khét tiếng là một ông vua dâm đãng và tàn ác.
  55. Chửa
    Mang thai.
  56. Đồng trinh
    Con trai hoặc con gái chưa có gia đình (đồng: trẻ con, trinh: còn tân, chưa ăn nằm với người khác phái).
  57. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  58. Nước đứng
    Nước lặng.
  59. Cá linh
    Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.

    Cá linh

    Cá linh

  60. Chung
    Chén nhỏ dùng khi uống rượu hoặc trà. Cũng nói chung thỉ (người Nam Bộ phát âm chữ thủy thành thỉ).

    Chung trà

    Chung trà