– Con ngựa chạy giữa đàng nói con ngựa cất
Con cá bán giữa chợ nói con cá thu
Chàng mà đối đặng, thiếp làm dâu mẹ thầy
– Con rắn bò giữa đàng nói con rắn lại
Con cá lội giữa nước nói con cá leo
Anh đà đối được, em ơi theo anh về
Tìm kiếm "đa mang"
-
-
Bấy lâu vắng tiếng vắng tăm
-
Chẳng giậm thì thuyền chẳng đi
-
Quê em hai dải cù lao
-
Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
Một trăm thứ ong, ong chi không đánh?
Một trăm thứ bánh, bánh chi không nhưn?
Một trăm thứ gừng, gừng chi không lá?
Một trăm thứ cá, cá chi không đầu?
Một trăm thứ trầu, trầu chi không cuống?
Một trăm thứ rau muống, rau muống chi không dây?
Một trăm thứ cây, cây chi không trái?
Một trăm thứ gái, gái chi không chồng?
Trai nam nhân đối đặng, gái má hồng gá chữ lương duyên … -
Vè con gái hư thân
Ve vẻ vè ve
Nghe vè con gái
Tay chân mềm mại
Khác thể bông hoa
Chờ mẹ đi ra
Cắp tiền thu giấu
Muốn ăn khoai nấu
Ngồi xếp bè he
Miệng bằng cái ghè
Lưng bằng cái thúng
Ăn chùng ăn vụng
Đã sướng bụng chưa … -
Lớp bình dân mở không xa
-
Tằm sao tằm chẳng ăn dâu
Dị bản
Tằm sao tằm chẳng ăn dâu
Tằm đòi ăn lúa, ăn rau, ăn cà?- Tằm ơi tằm chẳng ăn dâuĂn đất, ăn ruộng, ăn trâu, ăn nhà
Con tằm nó ăn lá dâu
Có khi ăn mất cả trâu lẫn bò
-
Thân em vất vả trăm bề
Thân em vất vả trăm bề
Sớm đi ruộng lúa tối về ruộng dâu
Có lược chẳng kịp chải đầu
Có cau chẳng kịp têm trầu mà ăn -
Lại đây anh nói câu này
Lại đây anh nói câu này
Cưới em nhà ngói anh xây ba toà
Trong nhà anh lót đá hoa
Chân táng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
Hai bên bức thuận tứ linh rồng chầu
Nhà anh kín trước rào sau
Tường xây bốn mặt, hào sâu rõ ràng
Trong rương vóc nhiễu nghênh ngang
Nhiễu điều lót áo, cho nàng đi chơi
Áo dài sắm đủ mười đôi
Chăn hoa đệm gấm tiện nghi trên giường
Nếu mà nàng có lòng thương
Thì anh lại đóng cái giường gỗ lim -
Núi Truồi ai đắp nên cao
-
Mồng bảy rước hội Quán La
-
Tằm đâu mà leo cành dâu
-
Con cò trắng bệch như vôi
Con cò trắng bệch như vôi
Đừng nông nổi nữa, đừng lời nguyệt hoa
Ví dù muốn đẹp đôi ta
Đừng như cánh bướm quanh hoa đầu mùa
Đừng vê thuốc, đừng bỏ bùa
Đừng như chú tiểu ở chùa Thiều Quang
Đừng thắm nhạt, đừng đa đoan
Nên duyên thì phượng với loan một lời
Giăng kia vằng vặc giữa giời
Giăng ai soi tỏ lòng người nầy cho -
Em là con gái nạ dòng
Em là con gái nạ dòng
Cơm cha áo mẹ dốc lòng đi chơi
Chơi cho sấm động mưa rơi
Chơi cho gương vỡ làm đôi lại liền
Chơi cho nguyệt náo trung thiên
Chơi cho lá rụng về đền vua Ngô
Chơi cho nước Tấn sang Hồ
Cho Tần sang Sở, cho Ngô sang Lào
Chơi cho bể lọt vào ao
Chơi cho trái núi lọt vào trôn kim
Chơi cho bong bóng thì chìm
Đá hoa thì nổi, gỗ lim lập lờ. -
Bánh nhiều quá cũng kêu bánh ít
-
Mời chư vị giai nhân tài tử
Mời chư vị giai nhân tài tử
Tới đây nghe tôi thử pháo tre
Của bán ra không phải nói khoe
Thời thực vật sắm vừa túc dụng
Có pháo nhiều đốt cũng vui tình
Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
Có pháo mới văn minh xuân nhựt
Dưới con cháu cũng vui cũng ức
Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ
Coi như lễ Tết Tây trong dã
Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh
Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình
Phí của nọ vui tình không tiếc
Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung
Luật vui xuân ai cũng nên dùng
Có pháo mới đùng đùng là thú
Cùng mấy người no đủ tiêu xoay
Đều xúm lại hàng này
Mua pháo nầy về đốt
Vốn tôi không nói tốt
Hay thiệt tình có một mình tôi
Nhiều người bán xảo làm mồi
Đốt đây khá về rồi dại dở
Có kẻ làm kêu cũng đỡ
Vấn nhiều tay tôi sợ không đều
Của bán ra là biết bao nhiêu
Một mình vấn nên kêu đều đặn
Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
Như đại bác vang gầm trời đất
Hễ đốt thì xác tan bay mất
Không khi nào gió phất ngún hừng
Của tôi làm, tôi đã biết chừng
Xin quý chức mua đừng có ngại
Để đốt thử vài trái
Nghe có phải hay không
Đang buổi chợ mua đông
Tôi cũng trông bán đắt
Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc
Xin bà con mua hắt tôi về
Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê
Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng… -
Trồng tre cho biết thứ tre
Trồng tre cho biết thứ tre
Thứ tre mình nguộc, thứ tre mình ngà
Trồng cà cho biết thứ cà
Thứ cà tim tím, thứ cà xanh xanh
Trồng chanh cho biết thứ chanh
Thứ chanh ăn mắm, thứ chanh gội đầu
Trồng trầu cho biết thứ trầu
Thứ trầu đãi khách, thứ trầu đưa dâu
Trồng dâu cho biết thứ dâu
Thứ dâu ăn trái, thứ dâu để tằm -
Trâu đeo mõ, chó leo thang
Cơm đồ, nhà gác
Nước vác, lợn thui
Ngày lùi, tháng tới
Quần một ống, áo tầy gang
Trâu gõ mõ, chó leo thangDị bản
Trâu đeo mõ, chó leo thang
-
Vái ông Tơ một chầu bánh tráng
Vái ông Tơ một chầu bánh tráng
Vái bà Nguyệt một tán đường đinh
Đôi ta gá nghĩa chung tình
Dầu ăn cơm quán ngủ đình cũng ưngDị bản
Vái ông Tơ năm ba chầu hát
Vái bà Nguyệt năm bảy cuốn kinh
Cho đó với đây gá ngãi chung tình
Dẫu ăn cơm quán ngủ đình cũng ưngVái ông Tơ năm ba chầu hát
Vái bà Nguyệt năm bảy câu kinh
Cho anh với em trọn nghĩa chung tình
Dầu ăn cơm quán ngủ đình cũng ưng
Chú thích
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Cá nheo
- Miền Bắc gọi là cá leo, một loài cá thuộc họ cá da trơn, có thân rất dài và dẹp. Thân và đầu không có vảy. Đầu khá to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên dài kéo qua khỏi mắt, có hai đôi râu.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Đanh
- Đinh (phương ngữ).
-
- Sào
- Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.
-
- Sông Đà
- Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).
-
- Sông Lô
- Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.
-
- Sông Gâm
- Còn gọi là sông Gầm, bắt nguồn từ vùng núi cao thuộc Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào nước ta qua huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Sông chảy qua các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, nhận các phụ lưu là sông Nho Quế, sông Năng, rồi nhập vào sông Lô tại xã Phúc Ninh (Yên Sơn, Tuyên Quang) chảy về xuôi. Sông có nhiều ghềnh thác hiểm trở, nhờ vậy khúc sông ở thượng nguồn là nơi duy nhất còn giữ được trọn bộ “ngũ quý hà thủy,” tên gọi dùng để chỉ 5 loài cá quý nhất: cá anh vũ, cá dầm xanh, cá chiên, cá lăng và cá bỗng.
-
- Cù lao
- Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Nhưn
- Nhân (cách phát âm của người Nam Bộ).
-
- Gá duyên
- Kết thành nghĩa vợ chồng.
-
- Khác thể
- Chẳng khác nào, giống như.
-
- Xếp bè he
- Ngồi bệt và bó gối.
-
- Ghè
- Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.
-
- Bình dân học vụ
- Tên một phong trào do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động sau cách mạng tháng Tám để xóa nạn mù chữ (diệt giặc dốt), có sử dụng các câu văn vần mô tả bảng chữ cái cho dễ thuộc: I, tờ (t), có móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang
Từ "i tờ" về sau chỉ trình độ học vấn vỡ lòng.
-
- Mạ
- Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.
-
- Quốc ngữ
- Trước gọi là chữ tân trào, hệ thống chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Hệ thống này được xây dựng dựa trên chữ cái Latin thêm các chữ ghép và 9 dấu phụ. Chữ Quốc ngữ được phổ biến sâu rộng vào khoảng thế kỷ 19 và 20 nhưng đã xuất hiện phôi thai từ lâu vào khoảng thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam và giao tiếp với người Việt rồi vì nhu cầu học hỏi ngôn ngữ Việt (lúc đó còn dùng chữ Hán và chữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ mà bắt đầu ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ Latin.
-
- Đá hoa
- Còn gọi là cẩm thạch, một loại đá có giá trị cao, thường dùng để tạc tượng hoặc các vật trang trí trong nhà.
-
- Đồng bạch
- Cũng gọi là đồng thòa, hợp kim của đồng với niken, gọi như vậy vì có màu trắng bạc lấp lánh thay vì màu đỏ thông thường của đồng. Đồng bạch thường được dùng để đúc, tiện những vật trang trí tinh xảo.
-
- Tiền trinh
- Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.
... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
Túi bên trái: bốn đồng trinh.
- À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.
(Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)
-
- Bức bàn
- Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.
-
- Bức thuận
- Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
-
- Vóc
- Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
-
- Nhiễu
- Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
-
- Truồi
- Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.
-
- Sông Hương
- Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.
-
- Quán La Xã
- Một làng cổ, xưa có tên là đỗng (hay động) Già La (hay Dà La), lấy theo tên quán Dà La thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một trong bốn vị thần trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long ngày xưa. Quán thờ này lại lấy tên từ sông Dà La (sông Thiên Phù) chảy phía sau (sông này nay đã bị bồi lấp). Ngày nay Quán La Xã là một phần của phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.
-
- Phú Gia
- Tên nôm là làng Gạ, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Gạ có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê...
-
- Phú Xá
- Tên nôm là làng Sù, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Sù xưa nổi tiếng nghề làm bún và trồng đào. Mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng được táng ở đây.
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- Ví dầu
- Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
-
- Vê
- Động tác dùng ngón trỏ và ngón cái mà vo viên cho tròn.
-
- Tiểu
- Người mới tập sự tu hành trong đạo Phật, thường tuổi còn nhỏ.
-
- Thiền Quang
- Còn gọi là Thiều Quang, một ngôi chùa cổ, nay thuộc xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
-
- Đa đoan
- Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.
Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình
(Truyện Kiều)
-
- Phụng loan
- Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượng và loan.
-
- Nạ dòng
- Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.
Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.
-
- Nguyệt náo trung thiên
- Trăng rộn giữa trời (thành ngữ Hán Việt).
-
- Ngô
- Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
-
- Tấn
- Một trong những nước chư hầu mạnh nhất trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thế kỉ 11 TCN đến năm 376 TCN, trải qua 40 đời vua.
-
- Hồ
- Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
-
- Tần
- Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
-
- Sở
- Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
-
- Ngô
- Cũng gọi là Đông Ngô (phân biệt với Đông Ngô thời Tam Quốc), một nước chư hầu của nhà Chu trong thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Ở nước ta, nước Ngô được biết đến nhiều nhất có lẽ qua cuộc chiến tranh Ngô-Việt mà kết cục là nước Việt do Việt Vương Câu Tiễn lãnh đạo đã tiêu diệt hoàn toàn nước Ngô vào năm 473 TCN, Ngô Vương là Phù Sai tự vẫn.
-
- Cẩm thạch
- Tên dân gian là đá hoa, tên gọi chung của một số loại đá rất cứng và nặng, có thể mài giũa cho bóng loáng, thường được dùng trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí.
-
- Bánh ít
- Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.
-
- Non nhớt
- Còn rất non, chưa ráo mủ, còn nhiều nhớt (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Chuối tiêu
- Còn gọi chuối già (có nơi đọc là chuối dà), một giống chuối cho trái nhỏ, dài, thơm, khi chín vỏ vẫn màu xanh, khi chín muồi vỏ chuyển sang màu vàng. Chuối tiêu rất giàu dinh dưỡng và là một vị thuốc dân gian.
-
- Trượng phu
- Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
-
- Canh ngọt
- Cách nói để khen món canh ngon, đúng vị (cơm lành canh ngọt).
-
- Cau lùn
- Giống cau thuộc họ cau dừa, thân cột, cao tới 20m, tán lá rộng, ít rụng, hoa thơm, có trái quanh năm, thường được trồng làm cảnh.
-
- Tài tử giai nhân
- Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm
(Truyện Kiều)
-
- Thực vật
- Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
-
- Túc dụng
- Đủ dùng (từ Hán Việt).
-
- Cựu thời
- Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
-
- Bộc
- Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
-
- Nhi thinh
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Xuân nhựt
- Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
-
- Ức
- Ham, muốn (từ cũ).
-
- Minh niên
- Năm nay (từ Hán Việt).
-
- Hỉ hạ
- Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
-
- Dã
- Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
-
- Huế
- Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
-
- Điện Quang
- Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.
-
- Lôi đình
- Sấm sét (từ Hán Việt).
-
- Hung
- Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tiêu xoay
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Ngún hừng
- Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
-
- Hắt
- Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
-
- Nguộc
- Ngọc (phương ngữ một số vùng Trung Bộ).
-
- Mắm
- Thức ăn làm bằng tôm cá sống ướp muối và để lâu ngày cho ngấu.
-
- Nhà sàn
- Nhà có sàn để ở, làm ở lưng chừng cột, cách mặt đất (hoặc mặt nước) một khoảng, thường thấy ở miền rừng núi hay trên các mặt hồ rộng.
-
- Lịch Đoi
- Cũng gọi là lịch tre hoặc lịch đá, một loại lịch cổ của người Mường. Lịch được đặt tên theo sao Đoi, cách người Mường gọi sao Thần Nông. Lịch Đoi gồm 12 thanh tre, mỗi thanh chỉ một tháng trong năm. Trên mỗi thanh khắc 30 vạch, mỗi vạch chỉ một ngày. So với dương lịch, lịch có ngày lùi 1, tháng tiến 3 (ví dụ ngày 9/10/2017 dương lịch trùng với ngày 8/1/2018) nên thường gọi là "ngày lui tháng tới." Lịch Đoi ngày nay hầu như chỉ được dùng trong các nghi thức tính ngưỡng.
-
- Tày
- Bằng (từ cổ).
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Bánh tráng
- Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
-
- Đường bát
- Cũng gọi là đường tán hoặc đường đinh, loại đường mía được tạo hình bằng cách đổ nước đường thắng vào bát. Để bảo quản, đường bát được xếp từng cặp có dây rơm quấn quanh bỏ vào giỏ đem phơi rồi đậy kỹ treo lên xà nhà. Đường bát rất phổ biến ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam.
-
- Gá nghĩa
- Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
-
- Đình
- Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.