Tìm kiếm "răng rứa"

  • Hôm qua anh đi chợ trời

    Hôm qua anh đi chợ trời
    Thấy ông Nguyệt Lão đang ngồi ở trên
    Tay thì cầm bút cầm nghiên
    Tay cầm tờ giấy đang biên rành rành
    Biên ta rồi lại biên mình
    Biên đây lấy đấy, biên mình lấy ta
    Chẳng tin lên hỏi trăng già
    Trăng già cũng bảo rằng ta lấy mình
    Chẳng tin lên hỏi thiên đình
    Thiên đình cũng bảo rằng mình lấy ta
    Quyết liều một trận phong ba
    Để cho thiên hạ người ta trông vào
    Quyết liều một trận mưa rào
    Để cho thiên hạ trông vào đôi ta

  • Một đêm là năm trống canh

    Một đêm là năm trống canh
    Tôi kể ngọn ngành cho chúng bạn nghe:
    Canh một thì đi cất te
    Canh hai trở về nấu cám lợn ăn
    Canh ba đổ gạo vô đâm
    Canh tư nhấm trấu bắc hầm nồi ngô
    Canh năm chợp mắt lơ mơ
    Chồng vừa vào rờ, gà gáy rạng đông
    Năm canh nỏ bén hơi chồng
    Vì con mụ cả, khổ không hỡi trời!
    Cái cảnh chồng chung cực lắm chị em ơi!

  • Em là con gái làng Keo

    Em là con gái làng Keo
    Em ra thách cưới, thách cheo với chàng
    Xin chàng chín chiếc tàu sang
    Mỗi tàu hai chiếc xà lan đi kèm
    Tàu thì gạo trắng, gân bò
    Tàu thì rượu nếp với vò rượu tăm
    Lá đa hái giữa đêm rằm
    Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi
    Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi
    Lại thêm chín chục con dơi góa chồng.

  • Yêu cây về nỗi lắm hoa

    Yêu cây về nỗi lắm hoa
    Yêu chàng về nỗi nết na trăm chiều
    Xin chàng tưởng ít nhớ nhiều
    Một ngày hai buổi sớm chiều gặp nhau
    Gặp nhau than thở cùng nhau
    Cơn vui một lúc cơn sầu lại qua
    Yêu nhau chẳng dám nói ra
    Sợ mẹ bằng bể sợ cha bằng giời
    Yêu chàng em cũng yêu đời
    Biết rằng chốn cũ có rời chàng không?

  • Một năm là mấy tháng xuân

    Một năm là mấy tháng xuân
    Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa?
    Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
    Bo bo giữ lấy của trời làm chi?
    Bảy mươi chống gậy ra đi
    Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi.
    Bảy mươi chống gậy ra ngồi
    Xuân ơi, xuân có tái hồi được chăng?

  • Nghĩ xem cái nước Nam mình

    Nghĩ xem cái nước Nam mình
    Tây sang bảo hộ tài tình đến đâu?
    Nghĩ xem tiền của ở đâu
    Đưa ra mà bắc được cầu qua sông
    Chả hay tiền của của chung
    Đưa ra mà bắc qua sông Bồ Đề
    Bắc cho thiên hạ đi về
    Những cột dây thép khác gì nhện chăng
    Tưởng rằng anh Pháp nghĩa nhân
    Nào hay lấy của dân Nam làm giàu

  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

  • Cò bắt lươn cò trườn xuống cỏ

    Cò bắt lươn cò trườn xuống cỏ
    Lươn bắt cò cò bỏ cò bay
    Từ ngày xa bạn đến nay
    Đêm đêm tưởng nhớ, ngày ngày trông luôn
    Kể từ Cầu Ván, Ao Vuông
    Bước qua Quán Ốc lòng buồn lụy sa
    Quán Cơm nào quán nào nhà
    Ngóng ra Trà Khúc trời đà rạng đông
    Buồn lòng đứng dựa ngồi trông
    Ngó vô Hàng Rượu mà không thấy chàng

  • Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu

    Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu,
    Khi vui nó đậu, khi sầu nó bay.
    Tình thâm mong trả nghĩa dày,
    Non kia có chắc cội này cho chăng?
    Ngày xưa tôi dạy người rằng:
    Đâu hơn người lấy, đâu bằng đợi tôi.
    Đã đành có chốn thì thôi,
    Đèo bòng chi mãi, tội trời ai mang?
    Nghe lời người nói tâm can,
    Tình càng thảm thiết, dạ càng ngẩn ngơ.
    Công tôi đi đợi về chờ,
    Sao người ăn nói lững lờ như không.

  • Lạ lùng anh mới tới đây

    Lạ lùng anh mới tới đây
    Lạ thung lạ thổ, anh nay lạ nhà
    Ba cô anh lạ cả ba
    Bốn cô lạ bốn biết là quen ai?
    Quen cô mụn áo vá vai
    Bác mẹ khéo vá hay tài vá nên?
    Nhác nom mụn vá có duyên
    Hỏi rằng áo ấy ở miền đâu ra
    Ở gần hay là ở xa
    Cách tỉnh cách huyện hay là cách sông?
    Xa xôi cách mấy cánh đồng
    Để anh bỏ việc bỏ công đi tìm

    Dị bản

    • Lạ lùng anh mới tới đây,
      Lạ thung lạ thổ, anh nay lạ nàng.

  • Lại đây anh nói câu này

    Lại đây anh nói câu này
    Cưới em nhà ngói anh xây ba toà
    Trong nhà anh lót đá hoa
    Chân táng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
    Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
    Hai bên bức thuận tứ linh rồng chầu
    Nhà anh kín trước rào sau
    Tường xây bốn mặt, hào sâu rõ ràng
    Trong rương vóc nhiễu nghênh ngang
    Nhiễu điều lót áo, cho nàng đi chơi
    Áo dài sắm đủ mười đôi
    Chăn hoa đệm gấm tiện nghi trên giường
    Nếu mà nàng có lòng thương
    Thì anh lại đóng cái giường gỗ lim

  • Giời làm sóng lở cát bay

    Giời làm sóng lở cát bay
    Cho tớ bỏ thày cho mẹ bỏ con
    Cửa nhà trôi mất chẳng còn
    Vợ chồng cõng bế đàn con lên chùa
    Năm nay nạn nước ơn vua
    Quan trên phát chẩn ở chùa Tây Phương
    Giời làm một trận lỡ đường
    Cho nên mới biết Tây Phương thế này
    Giời làm sóng lở cát bay
    Quan trên phát chẩn mỗi ngày hai ca
    Đàn ông cho chí đàn bà
    Rạng ngày hăm tám đi ra mà về
    Quan tuần, quan án ngồi nghĩ cũng ghê
    Thuê ngay hai chiếc thuyền về đình chung
    Giàu cùng, khó lại chẳng cùng
    Ai ơi còn cậy anh hùng làm chi
    Sinh ra nước lụt làm gì
    Giàu thì bán ruộng, khó thì bán con
    Nghèo thì bán cả nồi cấn lẫn lon đựng cà
    Có thì bán cửa bán nhà
    Nghèo bán đứa bé lấy ba bẩy hào

  • Nghìn thu gặp hội thái bình

    Nghìn thu gặp hội thái bình,
    Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
    Phố ngoài bao bọc thành trong,
    Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
    Ba mươi sáu mặt phố phường,
    Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
    Người đài các, kẻ thanh tao,
    Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
    Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
    Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
    Nhác trông chẳng khác động tiên,
    Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
    Phong quang lịch sự đâu bằng,
    Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe.

  • Ba mươi súc miệng ăn chay

    Ba mươi súc miệng ăn chay
    Sáng ngày mồng một dựng cây trúc đài
    Lâm râm khấn vái Phật Trời
    Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng
    Ai ơi, hãy hoãn lấy chồng
    Để cho trai gái dốc lòng đi tu
    Chùa này chẳng có Bụt ru
    Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ Sen

  • Trên trời có đám mây xanh

    Trên trời có đám mây xanh
    Có con ngựa bạch chạy quanh gầm trời
    Đôi ta muốn lấy nhau chơi
    Cái duyên không định, ông trời không xe
    Những nơi chết rấp bờ tre
    Cái duyên cứ định trời xe em vào
    Ba đồng một sợi chỉ đào
    Áo gấm không vá, vá vào áo tơi
    Cực lòng thiếp lắm chàng ơi
    Biết rằng lên ngược xuống xuôi cũng đành

  • Tôi lạy ông Cầu bà Quán

    Tôi lạy ông Cầu bà Quán
    Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
    Nó ăn nó chơi
    Như con ngựa ngáp
    Việc làm thì nhác
    Lại hay nỏ mồm
    Củ từ khoai môn
    Bao nhiêu cũng chứa
    Vớt bèo thì ngứa
    Xay thóc nhức đầu
    Chăn trâu ngã nắng
    Chồng giận có mắng
    Thì lại hờn cơm
    Ra chân đống rơm
    Cắn chắt trừ bữa
    Nhà có đám giỗ
    Luộc gà quăng mề
    Thổi cơm thì khê
    Rang vừng thì cháy
    Con mắt nhấp nháy
    Ăn vụng thành thần
    Lấy giẻ chùi chân
    Lấy rơm lau bát…

    Dị bản

    • Tôi lạy ông Cầu bà Quán
      Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
      Nó ăn nó chơi
      Nó tươi nó cười
      Như con ngựa ngáp
      Làm ăn chậm chạp
      Có tí nỏ mồm
      Đi chợ bao nhiêu khoai lang củ từ cũng chứa
      Vớt bèo thì ngứa
      Xay lúa nhức đầu
      Chăn trâu ngã nắng
      Chồng giận chồng mắng
      Có tính hờn cơm
      Ra chân đống rơm
      Cắn chắt trừ bữa
      Nay lần mai lữa
      Mày giống tính ai?

  • Cau này em mới bổ ra

    Cau này em mới bổ ra
    Trầu không mới hái thật là trầu cay
    Mời chàng xơi miếng trầu này
    Giã ơn bác cả dang tay ra mời
    Giã ơn tiếng nói tiếng cười
    Giã ơn bác cả vừa ngồi vừa têm
    Tôi xin chúng bạn đôi bên
    Đừng cười chớ nói cứ yên xơi trầu
    Miếng trầu tươi tốt xinh sao
    Quả cau nó ở nơi nào tới đây
    Miếng trầu kỳ ngộ cũng may
    Hỏi rằng thuốc ở Sơn Tây hàng nào?
    Miếng trầu kỳ ngộ cùng dao
    Hỏi rằng dao đánh thợ nào bổ cau?
    Thế nào em nói trước sau
    Thì anh mới dám cầm trầu anh ăn

Chú thích

  1. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  2. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  3. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  4. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  5. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  6. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  7. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  8. Te
    Một dụng cụ bắt tép trông rất giống cái vó, nhưng nhỏ hơn nhiều. Te gồm hai nan tre vót mảnh dài cỡ hai mét buộc chéo nhau ở giữa, phía dưới bốn đọt nan tre này được buộc vào một mảnh vải mùng hình vuông mỗi cạnh dài cỡ 8 tấc, không quá thưa để tép lọt qua, cũng không quá dày sẽ cản nước, cất lên chậm, tép sẽ nhảy hết ra ngoài. Thường một người đi cất te lúc nào cũng phải có từ vài chục cái te trở lên. Trước khi đi cất te, mọi người thường dùng cám trộn với mỡ heo rang lên thật thơm để làm mồi nhử tép. Chọn một đám ruộng, ao hồ hay mép rào nào đó. Dùng tay vén sạch cỏ rác rong rêu rồi đặt te xuống, chờ đáy te chìm sát đáy bùn thì nhón tay vắt một nhúm cám rang ném vào giữa te dụ tép. Đặt xong cái này thì đặt qua cái khác, đặt đến cái cuối cùng thì bắt đầu quay lại nhấc cái đầu tiên lên để đổ tép, và cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi ra về.

    Bắt tép

    Bắt tép

  9. Đâm
    Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
  10. Nhấm
    Nhóm lửa, đốt lửa.
  11. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  12. Làng Keo
    Làng Keo vốn là tên Nôm của hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Tại đây có ngôi chùa Keo do Không Lộ thiền sư xây dựng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông. Năm 1611, sau một trận lụt lớn, làng và chùa cùng bị phá hủy, dân làng Keo phải rời bỏ quê hương: một nửa sang bên tả ngạn sông Hồng lập làng mới, một nửa dời xuống vùng Hành Thiện. Cả hai làng vẫn giữ tên Nôm của làng mình là làng Keo, đồng thời xây chùa Keo trên đất mới.
  13. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  14. Xà lan
    Cũng viết là sà lan, từ tiếng Pháp chaland, phương tiện vận tải đường thủy có đáy bằng, thường được dùng ở sông, kênh đào và bến cảng.

    Xà lan

    Xà lan

  15. Rượu tăm
    Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
  16. Bể
    Biển (từ cũ).
  17. Giời
    Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  18. Tái hồi
    Quay lại (từ Hán Việt).
  19. Bảo hộ
    Giúp đỡ và che chở. Trước đây thực dân Pháp lấy danh nghĩa bảo hộ để xâm lược nước ta và nhiều nước khác.
  20. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  21. Ở đây có thể là cầu Long Biên.
  22. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  23. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  24. Nhau
    Nhau thai. Có nơi đọc là rau.
  25. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  26. Dâm bụt
    Phương ngữ Nam bộ gọi là bông bụp, bông lồng đèn, có nơi gọi là râm bụt, là một loại cây bụi thường được trồng ở bờ rào trên khắp các làng quê. Hoa dâm bụt lớn, màu đỏ sậm, nhưng không có mùi hương.

    Hoa dâm bụt

    Hoa dâm bụt

  27. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  29. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  30. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  31. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  32. Cầu Ván
    Cầu bắc ngang qua sông Bến Ván, một con sông chảy qua huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
  33. Ao Vuông
    Một địa danh nằm ở phía bắc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, đây là vùng cây cối rậm rạp, nhiều giặc cướp và thú dữ.
  34. Quán Ốc
    Một địa danh nằm ở vùng giáp giới giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trước kia đây là nơi người dân thôn Trung An (nay thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mang ốc đến đó bán đổi cho khách qua đường, lâu ngày thành tên.
  35. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  36. Sa
    Rơi xuống (từ Hán Việt).
  37. Quán Cơm
    Tên một cái chợ nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  38. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  39. Hàng Rượu
    Tên một ngôi chợ ở thị trấn Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  40. Thầu dầu
    Một loài cây cùng họ với sắn (khoai mì), lá có cuống dài, quả có gai, chứa hạt có chất dầu dùng làm dầu xổ, dầu thắp. Thầu dầu tía còn có tên là đu đủ tía.

    Cây thầu dầu

    Cây thầu dầu

  41. Thung
    Vùng đất rộng.
  42. Thổ
    Đất đai (từ Hán Việt).
  43. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  44. Đá hoa
    Còn gọi là cẩm thạch, một loại đá có giá trị cao, thường dùng để tạc tượng hoặc các vật trang trí trong nhà.

    Lăng mộ Taj Mahal được làm từ đá hoa

    Lăng mộ Taj Mahal được làm từ đá hoa

  45. Đồng bạch
    Cũng gọi là đồng thòa, hợp kim của đồng với niken, gọi như vậy vì có màu trắng bạc lấp lánh thay vì màu đỏ thông thường của đồng. Đồng bạch thường được dùng để đúc, tiện những vật trang trí tinh xảo.

    Lư làm bằng đồng bạch

    Lư làm bằng đồng bạch

  46. Tiền trinh
    Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.

    ... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
    Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
    Túi bên trái: bốn đồng trinh.
    - À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
    Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

    (Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)

  47. Bức bàn
    Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.

    Cử bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

    Cửa bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

  48. Bức thuận
    Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
  49. Tứ linh
    Bốn loài vật thiêng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, gồm long (rồng), lân (kì lân, cũng gọi là ly), quy (rùa) và phụng (chim phượng).

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

  50. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  51. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  52. Có bản chép: Bộ ba áo nhiễu để mặc chơi ngày thường.
  53. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  54. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  55. Tức vợ cả, vợ hai.
  56. Phát chẩn
    Phân phát tiền, gạo,... để cứu giúp người nghèo đói, gặp khó khăn hoạn nạn.
  57. Chùa Tây Phương
    Tên chữ là Sùng Phúc Tự (崇福寺), là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, trong đó có bộ tượng 16 vị La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau.

    Các vị La Hán chùa Tây Phương
    Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
    Há chẳng phải đây là xứ Phật,
    Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

    (Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

  58. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào

  59. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  60. Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (cửa Bắc), Đại Hưng (cửa Nam), Quảng Phúc (cửa Tây), Tường Phù (cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hóa, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
  61. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  62. Hàng Giầy
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
  63. Hàng Bạc
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

  64. Hàng Ngang
    Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, cuối thế kỉ 19.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, kí họa cuối thế kỉ 19.

  65. Hàng Đào
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.

    Phố Hàng Đào thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Đào thời Pháp thuộc

  66. Đài các
    Từ chữ Hán đài 臺: lầu cao, và các 閣: tầng gác. Chỉ những chỗ cao sang, quyền quý.
  67. Hàng Tiện
    Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…

    Phố Tô Tịch đầu những năm 1980

    Phố Tô Tịch đầu những năm 1980

  68. Hàng Gai
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

  69. Hàng Thêu
    Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.

    Phố Hàng Thêu xưa

    Phố Hàng Thêu xưa

  70. Hàng Trống
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán. Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.

    Ty Cảnh Sát Hà Nội thời Pháp thuộc, quen gọi là Bót Hàng Trống, nay là trụ sở Công An quận Hoàn Kiếm

    Ty Cảnh Sát Hà Nội thời Pháp thuộc, quen gọi là Bót Hàng Trống, nay là trụ sở Công An quận Hoàn Kiếm

  71. Hàng Bài
    Một phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc và hai thôn Vũ Thạch Hạ, Hàm Châu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Xưa ở đầu phố có chợ Mới (chợ Hàng Bài) có bày bán nhiều cỗ bài lá nên phố mới có tên gọi Hàng Bài.

    Phố Hàng Bài xưa (1960)

    Phố Hàng Bài xưa (1960)

  72. Hàng Khay
    Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
  73. Tràng Tiền
    Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.

    Phố Tràng Tiền thời Pháp thuộc

    Phố Tràng Tiền thời Pháp thuộc

  74. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  75. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  76. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  77. Khánh
    Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.

    Cái khánh

    Cái khánh

  78. Chùa Hồ Sen
    Một ngôi chùa dựng trên miếng đất nổi giữa hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, ngày nay không còn.
  79. Ngựa bạch
    Ngựa trắng.
  80. Rấp
    Chôn vùi đi không thấy nữa.
  81. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  82. Ông Cầu bà Quán
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Ông Cầu bà Quán, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  83. Nỏ mồm
    Lắm lời và lớn tiếng, thường hay cãi lại người khác.
  84. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  85. Ngã nắng
    Hiện tượng kiệt sức, ra nhiều mồ hôi, thở nhanh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng do ở lâu ngoài nắng.
  86. Hờn cơm
    Hờn dỗi, bỏ bữa ăn. Cũng gọi là dỗi cơm.
  87. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)

  88. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  89. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  90. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  91. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  92. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  93. Kỳ ngộ
    Gặp gỡ một cách may mắn kỳ lạ (từ Hán Việt).
  94. Sơn Tây
    Một địa danh ở Bắc Bộ, nay là thị xã trực thuộc thủ đô Hà Nội. Vào thế kỉ 15, đây là trấn sở Sơn Tây, đổi thành tỉnh Sơn Tây vào năm Minh Mệnh thứ hai (1832). Sơn Tây nổi tiếng có làng Đường Lâm, quê hương của hai vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, nên gọi là đất hai vua.

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)